Mưu chuyện lâu dài - phần 1

Mưu chuyện lâu dài

Cũng giống như tự do, vàng chưa bao giờ chịu khuất phục đến mức phải hạ thấp giá trị của nó.
MAURIER – 1878

Năm 1850, London được coi là vầng thái dương của hệ thống tài chính thế giới. Năm 1950, New York đã trở thành trung tâm tài chính toàn cầu. Vậy năm 2050, thành phố nào sẽ chiếm ngôi bá chủ tài chính quốc tế?

Kinh nghiệm của loài người trong lịch sử đã chứng tỏ rằng, những quốc gia và khu vực đang nổi luôn tạo ra những giá trị to lớn về của cải vật chất với một sức sản xuất dồi dào hơn nhằm bảo đảm nguồn của cải của mình không bị lực lượng tiền tệ rẻ mạt của kẻ khác tước đoạt mất trong quá trình giao dịch. Những khu vực này luôn có động lực nội tại duy trì nguồn tiền tệ, giống như đồng bảng Anh bằng vàng vững chắc trong thế kỷ 19 hay đồng đô-la Mỹ bằng bạc và vàng thống soái toàn cầu trong thế kỷ 20. Xưa nay, của cải thế giới luôn tự động chảy về nơi có thể đảm bảo giá trị của chúng. Hệ thống tiền tệ vững chắc ổn định lại thúc đẩy mạnh mẽ sự phân công xã hội và sự phân bố hợp lý nguồn vốn cũng như tài nguyên thị trường, từ đó mà hình thành nên kết cấu kinh tế càng có hiệu suất hơn, của cải được sáng tạo ra càng nhiều hơn.

Ngược lại, khi một quốc gia cường thịnh bắt đầu đối mặt với sự phá sản, sức sản xuất của xã hội không ngừng giảm sút, những khoản chi Chính phủ hoặc chi phí chiến tranh khổng lồ dần dần vét sạch mọi sự tích lũy từ trước, Chính phủ sẽ bắt đầu chiến lược giảm giá tiền tệ hòng thoát khỏi những khoản nợ chồng chất đồng thời đục khoét của cải của nhân dân. Lúc này, của cải sẽ không thể chảy ngược ra ngoài tìm đến những nơi có thể che chở cho nó.

Việc tiền tệ có vững mạnh hay không đã trở thành một dấu hiệu xuất hiện đầu tiên phản ánh sự thịnh suy của một quốc gia. Năm 1914, khi Ngân hàng Anh tuyên bố đình chỉ việc hoán đổi vàng của đồng bảng Anh thì sự hùng mạnh của đế quốc Anh đã một đi không trở lại. Năm 1971, khi Nixon đơn phương đóng cửa thị trường vàng thì thời hoàng kim của Hoa Kỳ chỉ còn là hoài niệm. Nội lực của nước Anh đã tiêu tan một cách nhanh chóng trong khói lửa của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, còn nước Mỹ thì may mắn có thể duy trì sự phồn vinh trong một khoảng thời gian ngắn khi thế giới không có những cuộc chiến tranh lớn. Nhưng thực tế thì đó chỉ là hiện tượng "mạnh bạo xó nhà" như cha ông ta vẫn thường nói.

Nhìn từ góc độ lịch sử, chúng ta thấy rằng, quốc gia nào thao túng thị trường, hạ giá tiền tệ hòng lừa gạt chiếm đoạt của cải thì cuối cùng cũng sẽ bị của cải đè bẹp.

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 10.

Đọc tiếp:

Nhận xét