Vỡ nợ công trái Mỹ và tính thanh khoản toàn cầu bị siết chặt - phần 2

Khủng hoảng tái xuất

Nếu dùng ống kính quay chậm để tái hiện lại một chút về quá trình của cơn địa chấn trên thị trường tài chính quốc tế nổ ra từ đầu tháng 8 năm 2007 và giải pháp bơm vốn của FED, chúng ta có thể phát hiện thấy một số manh mối ở khía cạnh cường độ của cơn chấn động.

·         Ngày 1 tháng 8, Credit Suisse đưa ra cảnh báo, tính thanh khoản toàn cầu "đang bốc hơi trong nháy mắt như giọt nước giữa sa mạc". Cùng ngày, Bear Stearns Cos. tuyên bố bảo hộ phá sản đối với hai quỹ đầu tư thanh khoản.

·         Ngày 2 tháng 8, CEO Michael Perry của Indymac, một ngân hàng tín dụng bất động sản nổi tiếng của Mỹ, đã thảng thốt rằng: "(chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp MBS) Trên thị trường thứ cấp tràn ngập một màu hoảng loạn, tính thanh khoản đã hoàn toàn biến mất".

·         Ngày 3 tháng 8, Công ty đánh giá tài sản Standard & Poor's đưa ra cảnh báo hạ thấp điểm đánh giá đối với Bear Stearns Cos., thị trường cổ phiếu Mỹ đã sụt giá sau khi tin tức này được tiết lộ.

·         Ngày 4 tháng 8, Freddie Mac lo lắng vấn đề cho vay thứ cấp sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa, "những khoản vay này vốn dĩ không đáng cho vay".

·         Ngày 5 tháng 8, Reuters lo lắng rằng vấn đề quy mô cho vay thứ cấp sẽ tiếp tục làm phố Wall rối ren.

·         Ngày 6 tháng 8, Quỹ tín thác Frankfurt-Trust của Đức bị "lây bệnh" từ hoạt động cho vay thứ cấp ở Mỹ, tuyên bố ngừng hoạt động mua lại.

·         Ngày 7 tháng 8, Standard & Poor's điều chỉnh hạ bậc tín dụng 207 loại chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp Alt-A.

·         Ngày 8 tháng 8, vấn đề tín dụng thứ cấp lan sang thị trường tín dụng Alt-A, tỉ lệ phá vỡ hợp đồng tín dụng Alt-A tăng cao.

·         Ngày 8 tháng 8, quỹ đầu tư thanh khoản trị giá 10 tỉ USD dưới trướng của Goldman Sachs đã tổn thất 8% chỉ trong một tuần.

·         Ngày 9 thang 8, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã lần đầu tiên phải tiến hành bơm vốn kể từ sau sự kiện "11 tháng 9", tổng giá trị vốn được bơm vào thị trường lên đến 95 tỉ Euro.

·         Ngay 9 tháng 8, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong một ngày đã ba lần bơm khẩn cấp 38 tỉ USD vào thị trường.

Ba lần bơm vốn khẩn cấp của FED được chia ra vào 8 giờ 25 phút sáng, tổng số 19 tỉ USD, với phương thức hợp đồng mua lại (REPO) trong kỳ hạn 3 ngày, dùng chứng khoán MBS làm vật thế chấp. Lúc 10 giờ 55 phút, tổng số là 16 tỉ USD, phương thức là hợp đồng mua lại (REPO) kỳ hạn 3 ngày, chứng khoản MBS làm vật thế chấp. Lúc 13 giờ 50, tổng số là 3 tỉ USD, phương thức là hợp đồng mua lại (REPO) kỳ hạn 3 ngày, chứng khoán MBS làm vật thế chấp.

Điều hết sức thú vị là ba lần bơm vốn khẩn cấp này của FED đều sử dụng chứng khoán MBS làm vật thế chấp mua lại chứ không phải là hợp đồng mua lại (REPO) "vật thế chấp hỗn hợp" ở điều kiện thông thường.

Hành động bơm vốn của FED đối với hệ thống ngân hàng, nói đơn giản hơn thì đó chính là Sở Giao dịch chìa ra một giấy vay nợ kỳ hạn 3 ngày trên thị trường chứng khoán, sau đó giao cho FED đề nghị mượn đồng USD để làm cơ sở phát hành thêm đồng USD. FED nói như vậy không đủ cơ sở, cần phải có đồ thế chấp, ví như công trái do Bộ Tài chính phát hành là tốt nhất, vì có các khoản thu thuế của Chính phủ đảm bảo. Chỉ cần Chính phủ Mỹ còn tồn tại thì sẽ có thu thuế, vì hệ thống này thường có Chính phủ Mỹ bảo lãnh. Ngoài ra, chứng khoán MBS của hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac do Chính phủ Mỹ cấp phép đặc biệt để phát hành cũng có thể làm vật thế chấp. Vậy là ngày hôm đó, thị trường tràn ngập nổi hoang mang, tiền mặt cực kỳ khan hiếm, nhưng FED vẫn khăng khăng rằng không thể không dùng MBS làm thế chấp. Vì thế Sở Giao dịch chứng khoán đem MBS trong két bảo hiểm của mình ra giao cho FED, FED lưu hồ sơ rằng đã nhận được đơn xin vay một khoản có tổng giá trị 38 tỉ USD của Sở Giao dịch chứng khoán MBS, kỳ hạn 3 ngày, thế chấp bằng chứng khoán MBS ngang giá. Sau đó FED ghi lại: đã chi 38 tỉ USD tiền mặt cho Sở Giao dịch chứng khoán MBS, cuối cùng ghi chú: 3 ngày sau, Sở Giao dịch chứng khoán cần phải mua lại những chứng khoán MBS này, hoàn trả 38 tỉ USD tiền mặt và lãi suất 3 ngày nợ cho FED, nếu như trong 3 ngày, những chứng khoán MBS này nhận được thanh toán lãi suất, thì tiền lãi suất này thuộc về Sở Giao dịch chứng khoán MBS.

Cái gọi là bơm vốn của FED thực ra chỉ có thời hạn 3 ngày (thường chỉ có 1 ngày), thời hạn đến, số tiền này vẫn sẽ bị rút đi. Hành động tạm thời này chủ yếu là để ứng phó với "thời khắc cao điểm" trong tình hình thị trường đang khủng hoảng, hay nói cách khác chính là "ứng cứu tức thời".

Trong những ngày giao dịch bình thường, FED đều thu nhận cả ba loại chứng khoán, rất ít khi chỉ thu một mình loại MBS này. Vậy tại sao ngày 9 tháng 8, FED lại có hành động khác thường như vậy? Giải thích của FED là, công trái là thiên đường lánh nạn, nhà đầu tư hôm đó ào ào đổ vào, vì không muốn chiếm dụng tài nguyên nên chỉ thu vào MBS. Có hãng truyền thông nhanh nhạy còn nói thêm rằng, nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài) tuyệt đối không được hiểu nhầm rằng chứng khoán MBS không ai mua.

Câu nói này của giới truyền thông mới chính là mấu chốt của vấn đề, nó không những chỉ ra là căn nguyên của khủng hoảng thắt chặt tính thanh khoản xuất hiện trên thị trường tài chính quốc tế trước mắt, mà còn dẫn giải cho chúng ta hiểu được mấu chốt của toàn bộ cuộc khủng hoảng tài chính lần này.

Muốn hiểu tại sao chứng khoán MBS lại có mối quan hệ mật thiết với tính thanh khoản như vậy, trước hết chúng ta cần phải hiểu được bản chất của chứng khoán hóa tài sản.

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 10.

Đọc tiếp:

Nhận xét