Nước Mỹ "người trong cuộc" của quyền lực tài chính - phần 9

Thời đại của Schiff

Jacob Schiff
Jacob Schiff

Gia tộc của Jacob Schiff cũng là một gia tộc Do Thái có nguồn gốc từ Frankfurt, Đức, nhưng cuộc sống của ông lại hoàn toàn khác biệt với Seligman. Gia tộc Schiff có thể được coi là "danh gia vọng tộc" trong xã hội Do Thái. Theo ghi chép của Bách khoa toàn thư Do Thái, có thể truy nguyên được gia tộc Schiff từ thời điểm dân tộc Do Thái mới hình thành. Nhánh của gia tộc Schiff ở phía Frankfurt có từ thế kỷ XIV. Trên thực tế, Jacob Schiff thậm chí còn truy nguyên tổ tiên của mình xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ X trước Công nguyên, trực thuộc phả hệ của nhà vua Solomon. Gia tộc Schiff và gia tộc Rothschild đều có nguồn gốc sâu xa, hai nhà đã có mối kết giao kéo dài hàng trăm năm. Cuối thế kỷ XVIII, gia tộc Schiff từng là hàng xóm với gia tộc Rothschild, cùng sở hữu một khu nhà có nhiều tầng. Jacob Schiff thường nói: "Tôi thừa nhận rằng mặc dù gia tộc chúng tôi không giàu có như gia tộc Rothschild, nhưng chúng tôi là một gia tộc chính thống và cao quý hơn." Gia tộc Rothschild được công nhận rộng rãi là một gia tộc rất biết kiếm tiền, nhưng gia tộc Schiff không chỉ sản sinh ra khá nhiều chủ ngân hàng thành công, mà còn có những học giả và nhà lãnh đạo tôn giáo xuất sắc. Lịch sử của gia tộc Schiff dài hơn nhiều so với gia tộc Rothschild.

Jacob Schiff không phải là một người đàn ông phàm phu tục tử, mà là một đại diện tiêu biểu cho một thế hệ chủ ngân hàng Do Thái mới với tham vọng cực lớn, tài hoa xuất chúng, mưu kế thâm sâu, nhạy bén linh hoạt. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã rất rõ ràng và bị ám ảnh bởi những mục tiêu của mình. Năm 18 tuổi, anh lấy cớ xin bố mẹ đến London để du lịch, nhưng thực tế rời khỏi Frankfurt, anh đã đến New York để khảo sát. Khi mẹ của Schiff liên tục nhận được thư của ông gửi về từ London thì Schiff đã đến New York từ lâu. Schiff, chàng trai chỉ mang theo 500 đô-la bên mình, đã nhanh chóng tìm thấy một số đối tác cùng chí hướng và quyết định thành lập một công ty môi giới chứng khoán. Khi chuẩn bị ký thỏa thuận chính thức, Schiff bị phát hiện là vẫn chưa đủ tuổi hợp pháp. Sau đó, cá tính thích kiểm soát của Schiff khiến anh không thể hợp tác với người khác. Anh quyết định trở về Đức để tìm cơ hội mới.

Paul Warburg và Felix Warburg
Paul Warburg (trái) và Felix Warburg

Sau khi trở về Đức, anh tình cờ gặp hai anh em Paul và Felix của gia tộc Warburg, họ đã để lại ấn tượng sâu sắc với Schiff. Cuộc gặp gỡ này có tác động hết sức sâu sắc đến toàn bộ Phố Wall trong tương lai và thậm chí cả ngành tài chính trên thế giới. Tại Đức, Schiff có dịp kết giao với Abraham Kuhn. Sau khi Kuhn và Loeb thành lập công ty Kuhn Loeb ở Phố Wall, họ đã trở về Frankfurt vì nỗi nhớ quê hương da diết. Khi Kuhn nhìn thấy Schiff, ông cảm thấy chàng trai trẻ này thực sự khác biệt. Ông đề nghị Schiff đến New York để gia nhập vào công ty Kuhn Loeb. Vì vậy, Schiff nhanh chóng trở lại New York và chính thức gia nhập công ty Kuhn Loeb. Đó là năm 1873, và Schiff vừa tròn 26 tuổi.

Sau khí đến New York, Schiff bị thu hút bởi sự phát triển bùng nổ của Mỹ và sự thịnh vượng của đất nước này. Sau cuộc Nội chiến Mỹ, cùng với sự phát triển của ngành đường sắt, việc sáp nhập đường sắt, phá sản và tái cấu trúc đã tạo ra những cơ hội kinh doanh hết sức to lớn cho Phố Wall. Khoảng năm 1870, cổ phiếu và trái phiếu của các công ty đường sát chính là thị trường rộng lớn nhất, ngoại trừ nợ quốc gia, trở thành điểm nhấn đậm nét nhất trong lợi nhuận của cả Phố Wall, chiếm 85% toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ. Đồng thời, nó cũng tạo ra sự hứng thú và nhiệt tình cực lớn của các nhà đầu tư đối với cổ phiếu và trái phiếu đường sắt ở châu Âu. Việc tiêu thụ trái phiếu và cổ phiếu đường sắt Mỹ ở Frankfurt, London, Paris, Amsterdam đều gặt hái những thành công khổng lồ, tạo ra một số lượng lớn các chủ ngân hàng. Thời điểm đó, nhân vật hàng đầu ở Phố Wall đương nhiên là Joseph Seligman, nhưng các khoản đầu tư của ông với lĩnh vực đường sắt đều rất không thuận lợi.

Schiff cẩn thận nghiên cứu từng bước đầu tư của Seligman vào lĩnh vực đường sắt và nhanh chóng phát hiện ra điểm yếu. Trên thực tế, Seligman không hề quan tâm đến việc đường sắt được sản xuất như thế nào, tại sao nó lại đang trên đà phát triển, hoạt động ra sao và những sự vụ kinh doanh cụ thể. Ông chỉ sử dụng đường sắt như một phương tiện để đạt được mục đích lợi nhuận. Nhưng Schiff thì khác, trước khi đầu tư, ông phải trở thành một chuyên gia về đường sắt.

Đầu tiên, ông tham gia vào ban lãnh đạo của một số công ty đường sắt và sở hữu tầm hiểu biết sâu sắc về từng chi tiết của hoạt động đường sắt, ví dụ như các quy trình liên quan đến việc thiết lập đường sắt, kho bãi đường sắt, lưu trình sản xuất đường sắt và tình hình vận chuyển, v.v… Trong những chuyến khải sát của mình, ông luôn hỏi han các nhân viên, từ thợ cơ khí đến kỹ sư, từ công nhân vận hàng động cơ than – hơi nước thông thường cho đến các quản lý cấp cao, thậm chí cả những công nhân quản lý phanh, tất cả đều thu hút sự chú ý của ông. Schiff đặt câu hỏi và ghi chép lại cẩn thận, cố gắng nắm vững tất cả các chi tiết của toàn bộ ngành giao thông đường sắt. Chẳng bao lâu ông trở thành một chuyên gia có uy quyền về lĩnh vực đường sắt.

Chính thái độ nghiêm túc, cầu thị cùng với sự hiểu biết sâu sắc về chi tiết của hoạt đồng đường sắt mà Schiff có một khả năng phán đoán hết sức chuyên nghiệp về các loại hình công cụ tài chính và dịch vụ tài chính mà các công ty đường sắt cần, tùy theo những tình huống khác nhau. Schiff hiểu rõ như lòng bàn tay về các hoạt động nội bộ của một công ty đường sắt, có thể chuyển đổi một cách chính xác và hiệu quả nhu cầu tài chính của hoạt động quản lý đường sắt thành các sản phẩm đầu tư trên Phố Wall. Đồng thời ông cũng hiểu biết hết sức sâu sắc về việc phối kết hợp thời gian, nhịp độ và các kênh công cụ huy động tài chính khác nhau. Lợi thế của Schiff trong lĩnh vực tài chính đường sắt có thể coi là không có đối thủ.

Từ năm 1873 đến 1900, trong khoảng thời gian 27 năm, lĩnh vực đường sắt hoàn toàn thống trị ngành tài chính Mỹ. Cùng với những bước phát triển nhảy vọt của ngành, Schiff dần biến Kuhn Loeb từ một ngân hàng đầu tư nhỏ thành một gã khổng lồ thống trị lĩnh vực tài chính đường sắt của Mỹ. Ngay cả những chủ ngân hàng "hạng nặng" như Morgan cũng phải ngưỡng mộ khả năng của Schiff, đặc biệt là sự thông thạo của ông trong việc kết hợp giữa chuyên môn tài chính và đường sắt.

Một lý do khác cho thành công của Schiff là ông có thể tiến hành giao tiếp một cách trực tiếp và hiệu quả với các chủ ngân hàng quốc tế ở châu Âu. Chính nhờ có sự ủng hộ bằng các khoản tiền khổng lồ từ châu Âu và sự hỗ trợ của các chủ ngân hàng quốc tế châu Âu mà công việc của Schiff luôn xuôi chèo mát mái.

Xét về tầm ảnh hưởng tài chính, Schiff đã vượt xa vị tiền bối Seligman. Mặc dù Seligman cũng đầu tư vào đường sắt, nhưng ông không bao giờ hiểu nổi mô hình kinh doanh của đường sắt. Các chuyên gia tài chính ở Phố Wall tin rằng phía sau mô hình kinh doanh đường sắt thực chất ẩn chứa những cơ hội kinh doanh bất động sản. Thay vì nói mọi người quan tâm đến đường sắt, chính xác hơn là họ đang quan tâm đến khả năng đầu cơ bất động sản ẩn sau đường sắt. Theo dự luật tương ứng của Mỹ, diện tích đất trong một phạm vi nhất định xung quanh tuyến đường sắt sẽ thuộc sở hữu của công ty đường sắt, những diện tích đất đó được sử dụng để huy động vốn, sau khi hoàn thành việc huy động vốn thì sẽ tiến hành xây dựng đường sắt. Do đó, Phố Wall xảy ra tình trạng tranh giành quyết liệt cổ phiếu và trái phiếu đường sắt, một phần lớn nguyên nhân là lợi ích đến từ việc khai đất đai và đầu tư đất dọc theo tuyến đường sắt. Ở một khía cạnh nào đó, đằng sau cơn sốt đường sắt là cơn sốt khai phá đất đai. Trên thực tế, các nhà tài chính, bao gồm cả Seligman, không thực sự quan tâm đến bản thân ngành đường sắt. Họ chỉ sử dụng đường sắt như một công cụ để đầu cơ.

Quan điểm của Schiff sâu xa hơn. Ông cho rằng tuyến đường sắt trên thực tế là mở một con đường trên một khu vực đất đai, sau đó rao bán cho những người khai phá thuộc mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, từ đó sẽ tập trung được những hoạt động sản xuất, gia công, buôn bán dọc tuyến đường sắt. Chính loại hoạt động thương mại này tạo ra nhu cầu vận chuyển đường sắt, chi trả cho chi phí xây dựng, vận hành đường sắt và tạo ra lợi ích cho ngành đường sắt. Đây chính là tinh hoa, là bản chất của lĩnh vực tài chính đường sắt.

Khi Schiff tham gia vào dự án Đường sắt Thái Bình Dương, ông đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài bốn năm. Khi Schiff bắt đầu dành sự quan tâm và suy ngẫm cặn kẽ đến tuyến đường sắt, tuyến Đường sắt Liên hợp Thái Bình Dương đang rơi vào cuộc khủng hoảng nợ khổng lồ. Khoản nợ của chính phủ Mỹ lên tới 45 triệu đô-la, và lãi suất lên tới 6%. Khoản lợi tức chưa được thanh toán này đã tích lũy gần 30 năm, tổng chiều dài tuyến đường sắt từ 8.000 dặm đã phải giảm xuống còn 4.400 dặm, vô vàn áp lực – bao gồm cả tình hình công nợ đã khiến cho tuyến đường sắt này hoàn toàn không có khả năng sinh tồn. Dân tình ở Phố Wall không hề lạc quan về dự án đó. Schiff tìm thấy Morgan – người được coi là ông trùm của Phố Wall sau thời kỳ của Seligman. Morgan nói ông không còn chút niềm tin nào với tuyến đường sắt này, nên có thể cho Schiff tùy ý thử nghiệm.

Edward Henry Harriman
Harriman (Edward Henry Harriman)

Sự thật trong tương lai đã chứng minh Morgan phạm một sai lầm cực lớn mang tính chiến lược. Sau khi được sự đồng ý của Morgan, Schiff bắt đầu công cuộc huy động khổng lồ, lặng lẽ thu mua cổ phiếu và trái phiếu của Đường sắt Liên hợp Thái Bình Dương. Không lâu sau đó, ông nhận thấy dường như luôn có một bàn tay vô hình ngăn chặn kế hoạch của mình. Luôn có một số sự kiện không thể giải thích được tại Quốc hội khiến cho tiến độ của dự án này bị trì hoãn. Các phương tiện truyền thông đột nhiên trở nên thù địch với dự án, còn những nhà đầu tư sở hữu trái phiếu ở châu Âu thì mãi chẳng chịu bật đèn xanh cho dự án. Schiff cho rằng chỉ có một người đủ sức mạnh đặt ra những trở ngại cho vấn đề này. Lúc đầu, ông nghi ngờ Morgan đang giở trò gì đó, vì vậy đã tìm gặp Morgan và hỏi thẳng có phải ông đã thay đổi ý định rồi không. Morgan nói: "Một khi tôi đã đồng ý thì chắc chắn sẽ không gây khó dễ, tôi có thể giúp anh tìm hiểu xem ai đã gây trở ngại cho việc này." Vài ngày sau, Morgan đã tìm ra nhân vật bí ẩn đứng sau bức màn: Harriman. Harriman là một thiên tài trong khía cạnh vận hành hoạt động đường sắt. Sau khi Schiff thương thảo với Harriman, hai bên đã đồng ý hợp tác. Tuy nhiên, quy mô của dự án Đường sắt Liên hợp Thái Bình Dương rất lớn và Schiff nhanh chóng nhận ra cần phải dựa vào dòng vốn từ châu Âu mới có thể làm cho dự án này cải tử hoàn sinh.

Sir Ernest Cassel
Sir Ernest Cassel

Schiff tìm đến một người bạn thời thơ ấu, một nhân vật có tiếng nói và giữ mối quan hệ mật thiết với gia tộc Rothschild ở London, Sir Ernest Cassel, và chính Ernest cũng là một chuyên gia tài chính giàu sức ảnh hưởng và nhuốm màu huyền thoại. Ernest chủ yếu chịu trách nhiệm liên lạc và điều phối nguồn vốn của các chủ ngân hàng quốc tế và ngân hàng gia tộc Rothschild ở London.

Joseph Seligman tay trắng lập nghiệp ở Mỹ và thiết lập nên vị thế của các chủ ngân hàng Do Thái ở Phố Wall, còn Schiff thì tiến thêm một bước trong việc xây dựng một tập đoàn thế lực quy mô lớn thống trị cộng đồng tài chính Mỹ. Nếu Schiff kết hợp với Sir Ernest Cassel, Schiff đã có thể nhận được nguồn thông tin kịp thời và chính xác về mọi động thái trên thị trường tài chính London và châu Âu, đặc biệt là thông tin về việc chuyển tiền từ các gia tộc lớn. Nhờ sự giúp đỡ của Sir Ernest ở London, trong vòng ba ngày, Schiff và Harriman đã nhận được 40 triệu đô-la tiền bảo lãnh và đăng ký từ châu Âu. Vậy là tuyến Đường sắt Liên hợp Thái Bình Dương – một dự án nằm im bất động bấy lâu nay, tưởng chừng cuối cùng sẽ lâm vào tình thế phá sản, cuối cùng đã được hồi sinh.

Ngày 2 tháng 11 năm 1897, tập đoàn Schiff và Harriman chính thức mua lại cổ phần của Đường sắt Liên hợp Thái Bình Dương. Dưới sự điều hành của Schiff và Harriman, Đường sắt Liên hợp Thái Bình Dương gặt hái được thành công khổng lồ, với tư cách là một dự án công nghiệp lớn nhất trong lịch sử cho đến thời kỳ đó. Không chỉ trả hết nợ và lãi, nó còn tạo ra khoản lợi nhuận 210 triệu đô-la – một mức lợi nhuận vô tiền khoáng hậu. Ngoài ra, nó tạo ra lượng tài sản trị giá ít nhất 2 tỷ đô-la. Lúc này Morgan mới hối hận vô cùng, thấy rằng từ bỏ dự án này chẳng khác gì để vuột mất một con gà đẻ trứng vàng. Đó thực sự là một sai lầm chiến lược.

Năm 1895, theo lời mời của Schiff, hai thành viên cốt cán của gia tộc Warburg là Paul và Felix cũng đến New York để gia nhập công ty Kuhn Loeb, từ đó tạo nên một liên minh hết sức chặt chẽ và mạnh mẽ giữa hai gia tộc Warburg của Đức và gia tộc Schiff của Mỹ. Con gái của Schiff kết hôn với Felix và con gái Loeb thì cưới Paul. Con gái của Wolff, một đối tác khác của Kuhn Loeb, kết hôn với Otto Kane – trụ cột của gia tộc Speer, người sau đó gia nhập Kuhn Loeb với tư cách là người kế vị của Schiff. Con trai của gia tộc Kuhn cưới một cô con gái của gia tộc Loeb. Sau bốn cuộc liên hôn quan trọng đó, công ty Kuhn Loeb đã có mối liên kết hết sức chặt chẽ giữa các gia tộc Warburg, Schiff, Loeb, Kuhn, Kane và Wolff để trở thành tập đoàn gia tộc ngân hàng Do Thái có thanh thế khủng khiếp nhất, nhân tài đông đảo nhất, mạng lưới quan hệ rộng khắp nhất trong số các gia tộc ngân hàng Do Thái khu vực Âu – Mỹ.

Các nhân vật xuất thân từ tập đoàn thế lực này đều không hề tầm thường, và hầu hết trong số họ đều được coi là những "cá sấu siêu hạng" có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính quốc tế. Max – ông chủ của gia tộc Warburg, là cố vấn tài chính của Hoàng đế Wilhelm II của Đức. Ông từng đại diện Đức tham gia Hội nghị Versailles. Sau Thế chiến I, ông nắm trong tay quyền phán quyết tài chính của Đức, là Giám đốc Ngân hàng Đế quốc Đức, là cánh tay phải đắc lực của Hjalmar Schacht – người được coi là "Sa hoàng tài chính" của Hitler. Trong gần 40 năm từ cuối thế kỷ XIX đến cuối những năm 30 của thế kỷ XX, ông có sức ảnh hưởng rất to lớn đối với các lĩnh vực chính trị, kinh tế và tài chính của Đức. Đứa con thứ hai – Paul, được coi là "nhà thiết kế chính" của Cục Dự trữ Liên bang, và là một trong những người ra quyết định về mọi vấn đề liên quan đến tài chính của Mỹ, là một trong những chủ ngân hàng quan trọng nhất ở Mỹ. Đứa con thứ ba – Felix, một đối tác cấp cao của công ty Kuhn Loeb có ảnh hưởng nhất Phố Wall đầu thế kỷ XX, là một trong những nhân vật quan trọng bậc nhất của Phố Wall. Đứa con thứ tư – Fritz, chủ tích Sở Giao dịch Kim loại Hamburg ở Đức, sau Thế chiến I, ông từng đại diện cho Đức bí mật tiến hành hòa đàm với Sa hoàng Nga. Otto Kane, nhân vật đứng đầu nhóm các ngân hàng Do Thái ở Phố Wall thời kỳ của Schiff, năm 1919, biệt thự của ông được xây dựng trên Long Island, với diện tích hơn 10.000 mét vuông và 127 phòng, là căn biệt thự lớn thứ hai ở Mỹ. Công ty Kuhn Loeb dưới sự lãnh đạo của Jacob Schiff bước vào thời hoàng kim.

Trích "Chương 4, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét