Nước Mỹ "người trong cuộc" của quyền lực tài chính - phần 5

Seligman – ông vua trái phiếu quốc gia

Vai trò của Seligman trong việc bán trái phiếu chính phủ thậm chí có tầm quan trọng tương đương với việc quân đội miền Bắc chặn đứng đà tiến công của tướng Lee ở Gettysburg
---
W.E. Dade, nhà sử học và Đại sứ Mỹ tại Đức Quốc xã

Joseph Seligman
Joseph Seligman

Với tư cách là người đứng đầu gia tộc Seligman, Joseph là người theo chủ nghĩa hoàn hảo, mọi động thái, lời mói và hành động của anh đều hết sức chuẩn mực. Anh ta không thể kiên nhẫn với bất kỳ hành vi và hành động nào lãng phí thời gian. Mọi tiểu tiết trong công việc và cuộc sống của anh ta đều chất chứa những khái niệm về vận trù học, trước khi làm một điều gì đó, anh ta sẽ xem xét cẩn thận trình tự công việc, dựa theo độ khó, thời gian và độ giao cắt để sắp xếp một cách khoa học và chính xác. Anh ta có thể xử lý nhiều thông tin và ý tưởng khác nhau cùng một lúc, có thể xây dựng các kế hoạch và khái niệm phức tạp trong đầu. Trong khi đảm bảo được hiệu suất cao và lên kế hoạch tỉ mỉ cho quá trình xử lý các sự kiện phức tạp một cách đa dạng, anh ta còn có thể khiến cho các sự kiện này không liên quan và hoàn toàn độc lập với nhau về mặt tổng thể.

Bản tính Joseph nóng nảy, tràn trề năng lượng, cơ thể cường tráng như một con bò mộng và không bao giờ biết mệt mỏi. Mọi hành vi và cử chỉ của anh ta đều toát lên sự uy nghiêm, tính quyền uy và sự kiểm soát, khiến cho bất cứ ai cũng bị át vía khi gặp.

Khi anh em Seligman chuẩn bị gia nhập ngành ngân hàng Mỹ, Mỹ đang ở trong "kỷ nguyên ngân hàng tự do". Từ năm 1837 đến 1862, với việc ngân hàng trung ương tư nhân của Mỹ - Ngân hàng Thứ hai bị bỏ rơi, Mỹ đã bắt đầu bước vào một thời kỳ tự do và hỗn loạn của ngành ngân hàng, công chúng trong xã hội được phép tự do nộp đơn xin mở cửa ngân hàng. Vào thời điểm đó, ở New York dường như người người nhà nhà đều tự xưng là chủ ngân hàng, yêu cầu duy nhất là phải ăn mặc như một chủ ngân hàng đích thực.

Kể từ khi gia nhập ngành ngân hàng năm 1852, Seligman đã tham gia vào các nghiệp vụ kinh doanh mang tính bảo thủ và truyền thống. Vào thời điểm đó, ngành công nghiệp đường sắt ở Mỹ thịnh vượng chưa từng thấy, việc khai thác khu vực phía tây cũng phát triển như vũ bão, và giá các loại cổ phiếu liên quan đến ngành đường sắt và miền Tây đều tăng phi mã. Các nhà đầu cơ sử dụng những loại cổ phiếu này như là vật thế chấp để xin các khoản vay mới, và các khoản vay này lại được sử dụng để mua cổ phiếu. Quá trình này cứ diễn ra tuần hoàn như vậy, khiến cho toàn bộ thị trường chứng khoán New York tăng trưởng với tốc độ điên cuồng. Đồng thời, phía Anh cũng nới lỏng mạnh mẽ chính sách tiền tệ, tiếp theo là các ngân hàng thương mại ở New York. Trong một môi trường lãi suất thoải mái, tiền có thể kiếm được một cách dễ dàng, người tiêu dùng hoang phí vô độ, cả thị trường phát triển phồn thịnh, và sự nhiệt tình của các nhà đầu tư được thúc đẩy một cách triệt để.

Vào thời điểm đó, New York tràn ngập bầu không khí của những đại gia mới nổi, phụ nữ vận toàn những đồ xa xỉ, những bữa tiệc so kè lẫn nhau về đẳng cấp và phẩm vị, những biệt thự sang trọng mọc lên như nấm sau mưa, đời sống xã hội tràn đầy sự giàu có được tạo ra trên thị trường chứng khoán khiến người dân New York quên đi hai chữ "rủi ro". Giá cổ phiếu của các công ty đường sắt tăng liên tục và ngay cả các dự án mới trên bản vẽ, giá cổ phiếu của chúng tăng từ 25 xu/cổ phiếu vào thứ Hai lên 4.000 đô-la/cổ phiếu vào cuối tuần. Tất nhiên, giống với bất kỳ tình huống điên cuồng nào mà trong đó bong bóng phồn vinh không mang tính bền vững, chúng rồi sẽ đến lúc nổ tung. Trước khi bong bóng vỡ, nhờ khứu giác nhanh nhạy với thị trường, Seligman đã kịp thời bán hết tất cả các cổ phiếu, chỉ để lại một lượng nhỏ. Năm 1857, thị trường chứng khoán sụp xuống bất ngờ, một số lượng lớn các ngân hàng thương mại ở New York phá sản, và người duy nhất không chịu nhiều thiệt hại là ngân hàng của Seligman.

Nội chiến Mỹ
Nội chiến Mỹ
Tuy nhiên, cuộc suy thoái năm 1857 đến cũng nhanh mà đi cũng gấp. Kể từ khi phát hiện ra mỏ vàng lớn ở California vào năm 1858, số vàng trị giá 8 triệu đô-la đã được vận chuyển đến New York, tương đương với số vàng mà Ngân hàng New York nắm giữ trước cuộc khủng hoảng. Hai tháng sau, số vàng mà New York có trong tay đã tăng lên 28 triệu đô-la. Trước cuộc khủng hoảng, Rothschild đã cho vay tổng cộng 10 triệu đô-la trên thị trường Mỹ thông qua Belmont. Khi ông thắt chặt khoản vay, đã dẫn tới sự lao dốc của thị trường tài chính. Nhưng chỉ trong vòng một năm, do nguồn vàng khổng lồ tràn vào, khoản vay 10 triệu của gia tộc Rothschild dễ dàng được trả hết trong vòng một ngày.

Sau khi Nội chiến Mỹ bùng nổ, gia tộc Seligman bắt đầu kết thân với chính phủ liên bang, chủ yếu là để nhận được các hợp đồng quân phục của chính phủ. Lúc đó, chính phủ Mỹ đã chi trả bằng đồng tiền xanh Lincoln – một loại trái phiếu do chính phủ Mỹ phát hành với lãi suất 5%, có thể trao đổi trực tiếp. Vì loại tiền xanh Lincoln này không có nguồn vàng hỗ trợ phía sau, và trong giai đoạn đầu của cuộc chiến quân đội miền Bắc lại liên tục thua trận, thế nên rất nhiều người không sẵn lòng chấp nhận nó. Khi quy mô của cuộc chiến tiếp tục mở rộng, lượng lưu thông tiền xanh Lincoln của chính phủ Mỹ ngày càng lớn thêm, và Seligman cũng nhận được ngày càng nhiều tiền xanh Lincoln. Nhưng khi dùng tiền xanh Lincoln để chi trả cho nhiều khoản chi phí khác nhau trong quá trình sản xuất, Seligman thường gặp rắc rối. Thế nên Seligman bắt đầu sử dụng bộ não của mình, anh ta lên kế hoạch bán tiền xanh Lincoln như một trái phiếu tại thị trường châu Âu, để từ đó đổi thành vàng.

Tỷ suất lợi nhuận của tiền xanh Lincoln tại thì trường châu Âu đang là 7,3%. Tỷ suất lợi nhuận cao như vậy khiến cho thị trường tin rằng tình hình của chính phủ miền Bắc rất bất ổn và chiến cục không mấy sáng sủa. Seligman huy động tất cả các mối quan hệ của mình tại thị trường châu Âu để bán tiền xanh Lincoln. Lúc đầu lượng giao dịch không quá lớn. Sau đó, khi tình hình quân sự của miền Bắc dần đi vào ổn định, doanh số của tiền xanh Lincoln cũng tăng lên. Seligman tiếp tục tiếp thị tiền xanh Lincoln tại thị trường lớn ở Frankfurt, Munich, Berlin, Amsterdam, Paris, London và các thị trường châu Âu khác. Càng đến giai đoạn cuối cuộc chiến, lượng tiêu thụ tiền xanh Lincoln càng trở nên khủng khiếp. Khi số lượng người nắm giữ trái phiếu miền Bắc tăng lên và tình hình chiến sự ngày càng trở nên thuận lợi hơn đối với miền Bắc, sự chung sức và ủng hộ của thị trường châu Âu dành cho chính phủ miền Bắc cũng ngày càng tăng cao. Rốt cuộc, chẳng ai muốn trái phiếu của miền Bắc trở thành giấy vụn. Seligman vô tình trở thành nhà hoạt động ngoại giao đắc lực nhất của chính phủ Mỹ ở châu Âu.

Nội chiến Mỹ - Trận Gettysburg Xuất bản Currier & Ives
Nội chiến Mỹ - Trận Gettysburg, xuất bản bởi Currier & Ives

Từ tháng 2 năm 1862 đến tháng 6 năm 1864, Mỹ đã phát hành tổng cộng 510 triệu đô-la tiền xanh Lincoln và một phần trái phiếu chính phủ, trong đó có 25 triệu đô-la được bán ra nước ngoài. Một mình Seligman bảo lãnh hơn một nửa trong số đó và đóng góp rất lớn vào việc tiêu thụ phần còn lại. Các nhà sử học Mỹ tin rằng vai trò của Seligman trong việc bán trái phiếu Mỹ và tiền xanh Lincoln tương đương với sự kiện quân đội miền Bắc chặn được đà tấn công của tướng Lee thuộc quân miền Nam tại Gettysburg. Trên thực tế, bất kể châu Âu hay Mỹ, khả năng huy động tài chính trong các cuộc chiến trước đó không khác gì việc cung cấp lương thảo trong các cuộc chiến cổ đại.

Điều này sẽ quyết định phần lớn khả năng tham gia chiến tranh của các bên tham chiến. Chiến tranh luôn gắn liền với tiền bạc và lương thảo. Đây là một chân lý bất di bất dịch.

Đến thời điểm này, Seligman từ một chủ cửa hàng tạp hóa gia nhập vào ngành ngân hàng mới vỏn vẹn 12 năm! Đó là một kỳ tích trong lịch sử tài chính quốc tế. Tuy nhiên, Seligman đã bị kích thích rất nhiều, anh ta tận mắt chứng kiến sự hô phong hoán vũ của Rothschild và các gia tộc ngân hàng Do Thái khác ở châu Âu trên thị trường tài chính và vũ đài chính trị, anh ta vô cùng khao khát trở thành một chủ ngân hàng quốc tế. Seligman mơ ước xây dựng nên một đế chế tài chính khổng lồ như gia tộc Rothschild.

Năm 1865, chính phủ Mỹ đang chuẩn bị phát hành một đợt 400 triệu đô-la trái phiếu chính phủ khác. Seligman lúc này đã trở thành một trong những nhân vật hàng đầu trong số các chủ ngân hàng Do Thái ở Phố Wall, ông ta thành lập một tập đoàn bảo lãnh bao gồm các ngân hàng Do Thái mới nổi di cư từ Đức đến New York, chuẩn bị bảo lãnh với quy mô 50 triệu đô-la trên tổng số, đây quả là một con số trên trời tại Phố Wall trong thời điểm đó. Vì nhiều lý do, tập đoàn này đã không đạt được thỏa thuận với chính phủ Mỹ về việc bảo lãnh phát hành trái phiếu, và thế là công ty Seligman một mình đứng ra bảo lãnh cho trái phiếu chính phủ, cuối cùng họ đã bán được con số kỷ lục 60 triệu đô-la!

Seligman đã trở thành một huyền thoại ở Phố Wall và danh tiếng của ông nổi như cồn ở Washington. Cuộc chiến tranh này đã làm nên tên tuổi của Seligman, nhưng đồng thời cũng làm suy giảm đáng kể vị thế của Belmont. Tổng thống Lincoln ban đầu vốn ký thác hy vọng bán trái phiếu lên vai Belmont, nhưng gia tộc Rothschild thì muốn nước Mỹ bị chia rẽ để làm ngư ông đắc lợi, thu lời từ đó, vì vậy đã ép giá quá mạnh đối với mức chiết khấu bảo lãnh trái phiếu chính phủ, buộc Lincoln phải chuyển sang Seligman – một nhân vật không mấy tên tuổi trong giới tài chính quốc tế. Do đó, tầm ảnh hưởng của Belmont tại Washington đã bị tổn hại rất nhiều.

Được dịp đắc chí thỏa nguyện, Joseph Seligman bắt đầu chuẩn bị thực hiện chiến lược vĩ đại của mình. Ngay tại thời điểm tướng Lee đầu hàng ở miền Nam, Joseph đã tập hợp các anh em của mình và bắt đầu hình thành mạng lưới của Ngân hàng Quốc tế Seligman. Kế hoạch của ông về cơ bản là một bản sao của gia tộc Rothschild hơn 60 năm trước. Seligman đang chuẩn bị thiết lập một mạng lưới ngân hàng tập trung vào lục địa Mỹ và tỏa khắp châu Âu. Từng anh em một được gửi đến một thành phố ở châu Âu, William Seligman thích rượu vàng và thức ăn, nên được điều đến Paris; Henry Seligman là người ở Đức lâu nhất, vì vậy được lệnh đến Frankfurt; Isaac Seligman là người đầu tiên trong số các anh em nhà Seligman được gặp Tổng thống Lincoln, ông được gửi đến London. Trước khi rời đi, Joseph đã dặn dò ông hết sức kỹ lưỡng rằng phải tìm mọi cách để gặp được nam tước Rothschild nhằm thiết lập mối quan hệ kinh doanh trực tiếp. Lúc này, mặc dù Joseph có tham vọng cực lớn nhưng vẫn đang bị luẩn quẩn bên ngoài vòng tròn của các chủ ngân hàng quốc tế châu Âu.

Trích "Chương 4, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét