Nước Mỹ "người trong cuộc" của quyền lực tài chính - phần 11 - hết

Vòng kết nối mới và vòng kết nối cũ

Trước năm 1840, ở Mỹ chỉ có 20 gia tộc giàu có với khối tài sản trên 1 triệu đô-la, còn số lượng gia tộc siêu giàu với khối tài sản trên 5 triệu đô-la không vượt quá con số 5. Những gia tộc này hầu hết đều là hậu duệ của các lãnh chúa trang trại từ thời kỳ thuộc địa. Vào thời điểm đó, New York không được coi là một thành phố quá giàu có. Có lẽ ngoại trừ gia tộc Morris, tất cả các gia tộc mới nổi khác đều phải phụ thuộc vào việc buôn bán, thương mại để kiếm sống. Sau giai đoạn nội chiến, nền kinh tế Mỹ bước vào một giai đoạn phát triển tốc độ cao và tầng lớp giàu có xuất hiện với số lượng lớn. Chỉ tính riêng ở thành phố New York, đã có hàng trăm gia đình sở hữu khối tài sản trị giá hơn 1 triệu đô-la. Sự phát triển bùng nổ của các ngành công nghiệp mới nổi như động cơ hơi nước, đường sắt, dệt may, máy móc, thép, quân sự, dầu mỏ, điện báo và điện thoại do cuộc cách mạng công nghiệp mang lại đã đưa sự giàu có của Mỹ lên một tốc độ quy mô chưa từng có trong lịch sử loài người.

Tại New York, rất nhiều gia tộc lãnh chúa trang viên truyền thống đang phải đối mặt với những thách thức cực lớn do sự gia tăng của các gia tộc mới nổi giàu có. Mặc dù các gia tộc kỳ cựu này có địa vị và ảnh hưởng khá cao trong xã hội, và định hướng nhận dạng giá trị của họ cũng tương đối ổn định, nhưng sự tăng trưởng của cải của họ phần lớn không theo kịp với sự mở rộng của các gia tộc mới nổi. Có một sự đồng thuận ngày càng gia tăng giữa tầng lớp quý tộc mới và tầng lớp quý tộc cũ, rằng cần phải định nghĩa lại về tầng lớp thượng lưu. Gia tộc McAllister ở New York là người đầu tiên đề xuất rằng tầng lớp quý tộc truyền thống và tầng lớp quý tộc mới nổi ở New York phải đạt được sự thống nhất lớn. Nếu đại diện của tầng lớp quý tộc cũ là gia tộc Morris, thì cốt lõi của tầng lớp quý tộc mới là gia tộc Vanderbilt. Theo quan điểm của McAllister, những quý tộc mới và cũ này cần phải đạt được sự đồng thuận để hình thành một vòng tròn xã hội thượng lưu cố định. Vòng tròn giàu có, quyền lực và truyền thống cao quý này sẽ gạt tất cả các hạng người giàu xổi, đầu cơ, trọc phú thô tục ra bên ngoài vòng tròn xã hội thượng lưu và cao quý, để tránh làm vấy bẩn và xâm phạm vào "phần tinh hoa nhất" của xã hội.

Cái gọi là "vòng tròn 400 người" do McAllister và sau đó là phu nhân Astor liệt kê ra không bao gồm người Do Thái, điều này đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ các chủ ngân hàng Do Thái ở Phố Wall. Xét về tiềm năng tài chính khổng lồ của họ, địa vị của các chủ ngân hàng Do Thái trong lĩnh vực tài chính của Mỹ là không cần bàn cãi. Điều này đều được cả giới các quý tộc mới và cũ trong xã hội Mỹ thừa nhận. Tuy nhiên, trong các vòng quan hệ xã hội và tầng lớp thượng lưu, do định kiến truyền thống liên quan đến tôn giáo, xã hội Mỹ vẫn không thể hình thành nên sự đồng thuận trong thái độ khoan dung đối với người Do Thái. Ngay cả ngày nay, vẫn có thể tìm thấy dấu vết của sự phân biệt đối xử đối với người Do Thái trong xã hội Mỹ.

Trong thành phần xã hội người Do Thái ở Mỹ, thực ra cũng chia ra các tầng lớp khác nhau. Trong số đó, Do Thái ở đẳng cấp cao quý nhất được gọi là "người Do Thái Sephardi", có nguồn gốc từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và đến Mỹ vào khoảng năm 1654. Thời điểm người Do Thái Sephardi đặt chân lên đất Mỹ thậm chí còn sớm hơn cả các gia tộc lãnh chúa trang trại. Truyền thống văn hóa của những người Do Thái này không giống với người Do Thái gốc Đức đến Mỹ vào thế kỷ XIX. Nhiều truyền thống tôn giáo và phong tục của họ đã được bảo tồn theo phong cách độc đáo kể từ thời Trung cổ. Người Do Thái Sephardi thường nghĩ rằng họ là những người Do Thái cao quý nhất. Về cơ bản, họ và các gia tộc lãnh chúa trang trại của Mỹ đều dành cho nhau sự thừa nhận.

Tầng lớp Do Thái thứ hai được đại diện bởi các gia tộc Seligman, Belmont, Schiff, Warburg, Speer, Lehman, Gorman, Sykes, Guggenheim, Kuhn, Loeb, v.v… Đó là các gia tộc Do Thái mới nổi, những người di cư từ Đức đến Mỹ vào những năm 30 của thế kỷ XIX. Ngoại trừ Schiff và Warburg, hầu hết các gia tộc còn lại đều không mấy nổi tiếng ở Đức, thường bắc đầu từ những nghề buôn bán nhỏ lẻ, nhưng kể từ những năm 50, họ bắt đầu gia nhập ngành ngân hàng. Với sự phát triển của nền kinh tế Mỹ, họ đã tích lũy được lượng của cải đáng kinh ngạc. Chỉ trong vòng 20 hoặc 30 năm trước và sau nội chiến, họ nhanh chóng làm giàu trong lĩnh vực tài chinh, tốc độ làm giàu của họ vượt trội hơn rất nhiều so với các gia tộc ngân hàng Do Thái ở châu Âu.

Hệ thống ngân hàng Mỹ được chia thành hai phe chính: Một là hệ thống ngân hàng thương mại và nó thuộc hệ tư tưởng tài chính của Hamilton, chủ yếu dựa trên các gia tộc lớn truyền thống ở khu vực New England và nắm độc quyền hệ thống ngân hàng thương mại của Mỹ cho đến ngày nay. Phe còn lại là hệ thống ngân hàng đầu tư với chủ thể là các ngân hàng Do Thái, đặc biệt là các chủ ngân hàng Do Thái gốc Đức đã cấu thành nên lực lượng nòng cốt của Phố Wall. Họ tập trung vào giao dịch hóa đơn, niêm yết cổ phiếu và bảo lãnh trái phiếu. Nếu coi các ngân hàng thương mại là nguồn thu hút tín dụng, tương đương với việc tủy xương và trái tim tạo ra máu và cung cấp máu cho cơ thể, vậy thì ngân hàng đầu tư là kênh để truyền vốn và tín dụng, giống như động mạch chủ và tĩnh mạch của cơ thể, cùng với hệ thống mao mạch phân bố trên khắp cơ thể. Khi ngân hàng trung ương tư nhân được thành lập, chức năng cung cấp máu của các ngân hàng thương mại đã được chuyển sang tay ngân hàng trung ương do các gia tộc lớn truyền thống và gia tộc ngân hàng Do Thái cùng kiểm soát, tạo thành một tình thế khắc chế lẫn nhau. Trong giai đoạn thịnh vượng, hai phe làm ăn riêng rẽ, nước sống không phạm đến nước giếng. Còn trong thời kỳ khủng hoảng, hai phe cố gắng loại trừ lẫn nhau và tìm cách tự bảo vệ mình, đôi khi lại kết hợp để ép chính phủ phải cứu trợ. Ngân hàng trung ương là cơ quan điều phối hai phe, và chính phủ đóng vai trò là người cuối cùng phải đứng ra để sắp xếp.

Tầng lớp thứ ba trong xã hội Do Thái là người Do Thái Đông Âu di cư từ Đông Âu và Nga sang Mỹ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Chẳng hạn ở New York, dân số Do Thái ở New York năm 1870 là khoảng 80.000 người, chiếm 9% dân số thành thị. Đến năm 1907, có trung bình 90.000 người Do Thái đến New York mỗi năm và hầu hết người Do Thái trong thời kỳ này là người nhập cư từ Nga và Ba Lan. Dân số Do Thái ở New York gần 1 triệu người, chiếm 25% tổng dân số New York. Với sự xuất hiện của một số lượng lớn người Do Thái Đông Âu, đã có một sự chia rẽ lớn trong cộng đồng Do Thái ở New York.

Khi người Do Thái gốc Đức đến Mỹ vào giữa và cuối thế kỷ XIX, họ đã bị những người Do Thái Sephardi tới từ trước đó coi thường. Những người này gia nhập ngành tài chính Mỹ và có được khối tài sản khổng lồ, dần dần hình thành xã hội thượng lưu của riêng họ. Khi một số lượng lớn người Do Thái Đông Âu đổ tới, những người Do Thái gốc Đức cũng có định kiến nặng nề đối với những người đầu tiên đặt chân đến. Người Do Thái gốc Đức sống ở khu vực quý tộc của thành phố New York, họ là những người có học thức, ăn mặc trang nhã, cử chỉ hành động toát lên phong thái của những quý tộc thực sự. Trong khi đó, những người Do Thái Đông Âu tập trung ở khu ổ chuột, cách cư xử của họ vốn thô tục, áo quần rách rưới và bẩn thỉu. Mỗi người trong số họ đều có những nét lai tạp văn hóa kỳ lạ khác nhau, ai cũng sở hữu những khẩu âm kỳ lạ, họ tranh luận với nhau về đủ thể loại tư tưởng, dòng người với những quan điểm khác nhau, bối cảnh xuất thân khác nhau và trình độ khác nhau này ào ạt đổ tới New York, mang lại tác động và rắc rối to lớn cho cộng đồng Do Thái truyền thống của Đức.

Có một sự khác biệt đáng kể giữa người Do Thái Đức và người Do Thái Đông Âu. Người Do Thái Đức hoàn toàn không ưa người Do Thái Đông Âu mới đến bởi: họ vứt rác bừa bãi, nhổ nước bọt khắp nơi, nói oang oang ở nơi công cộng, hành động thô lỗ và thậm chí là bạo lực, các vấn đề xã hội như đói khát và tội phạm thường xuyên xuất hiện trong cộng đồng người Do Thái Đông Âu. Trên thực tế, các thói hư tật xấu mà người Do Thái Đức "thượng đẳng" căm ghét thậm tệ này hoàn toàn giống như khi họ mới đến Mỹ cách đây hàng thập kỷ. Trong số những người Do Thái Đức, thậm chí còn xuất hiện "chủ nghĩa bài Do Thái". Người Do Thái Đức cảm thấy rằng họ xuất thân từ nền văn hóa Đức và có đầy đủ nguồn gen di truyền của sự ưa chuộng hòa bình, tự do, tiến bộ và văn minh, và họ tự coi mình là nòi giống ưu việt nhất của người Do Thái. Khi nói về những người nhập cư Do Thái mới di cư tới từ Đông Âu và Nga, họ luôn thể hiện sự khinh bỉ, ghê tởm và ghét bỏ không thể nói nên lời, như thể họ đang nói về một chủng tộc khác.

Mặt khác, những người Do Thái Nga và Đông Âu cũng sớm phát hiện ra rằng những triệu phú người Do Thái Đức này cũng từng phải khởi nghiệp từ những nghề kinh doanh nhỏ lẻ, vô danh tiểu tốt, những người Do Thái Đức có thể làm điều đó, vậy thì họ cũng có thể làm điều đó. Vì vậy, một số lượng lớn người Do Thái Đông Âu và Nga đã cố gắng bắt chước kinh nghiệm làm giàu của người Do Thái Đức trong quá khứ, họ bắt đầu công việc buôn bán nhỏ lẻ, bán các loại hàng hóa nhỏ trên đường phố New York, khiến người Do Thái Đức cảm thấy hết sức xấu hổ và chán ghét. Để có thể "Mỹ hóa" nhiều hơn, nhiều người Do Thái Đông Âu đã học hỏi từ người Do Thái Đức và sửa đổi cách đánh vần tên Mỹ của họ để cố gắng hòa nhập vào vòng xã hội của người Do Thái Đức, thế nhưng họ không bao giờ thành công.

Đáng ngạc nhiên là người Do Thái Nga và Đông Âu đã có một cách tiếp cận khác, mang theo những trải nghiệm bi thảm khi còn ở lục địa già châu Âu và những mơ ước đẹp đẽ đối với thế giới mới ở Mỹ, họ từng bước gây dựng nên ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ - Hollywood, phát huy toàn bộ "giấc mơ Mỹ" của họ từ trong phim cho đến thế giới thực một cách trọn vẹn. Những người sáng lập nên sáu hàng phim danh tiếng ở Hollywood: Universal, Paramount, Fox, MGM, Warner Bros, Colombia, hầu hết đều là những người nhập cư Do Thái từ Nga và Đông Âu.

Công nghệ điện ảnh xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, và những người nhập cư Do Thái ở New York bắt đầu vận hành kinh doanh các rạp chiếu phim, sau đó bắt đầu đổ tiền đầu tư vào việc quay phim. Do chịu sự kỳ thị và bài trừ từ các hãng phim khu vực miền Đông nước Mỹ do Edison đứng đầu, nên các nhà sản xuất phim Do Thái bắt đầu di cư đến California. Năm 1915, Carl Laemmle, người nhập cư gốc Do Thái, đã thành lập thành phố điện ảnh quy mô lớn đầu tiên trên thế giới, Universal Studios ở Hollywood và đặt nền móng cho ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood. Đến năm 1920, năm hãng phim lớn khác của người Do Thái cũng đã được thành lập. Trong những năm 1920 và 1930, phim Hollywood trở thành thánh địa của lĩnh vực giải trí văn hóa. Ba phần tư người Mỹ mỗi tuần đều xem một bộ phim.

"Giấc mơ Mỹ" về sự tự do, dân chủ và tự mình phấn đấu do những người di cư gốc Do Thái sáng tạo nên, thông qua kênh truyền thông đại chúng là phim ảnh đã được tầng lớp trung lưu Mỹ da trắng công nhận và trở thành ý thức văn hóa chính thống của xã hội Mỹ, tiếp sau đó Hollywood đã truyền bá "Giấc mơ Mỹ" ra toàn thế giới.

Biểu đồ mạng lưới quan hệ
Biểu đồ mạng lưới quan hệ

Trích "Chương 4, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét