Nước Mỹ "người trong cuộc" của quyền lực tài chính - phần 4

Xã hội thượng lưu New York

Auguste Belmont
Auguste Belmont

Gần như chỉ sau một đêm, Belmont trở thành một nhân vật nổi bật ở New York. Quy mô nguồn tiền mà anh có thể điều động không chỉ gây sốc cho cộng đồng tài chính ở New York, mà còn khiến cho chính phủ Mỹ rúng động. Belmont trở thành một ngôi sao mới ở New York và thường xuyên tham dự các sự kiện xã hội khác nhau. Anh có thể nói tiếng Tây Ban Nha trôi chảy, tiếng Ý ở mức độ tiêu chuẩn và tiếng Pháp với khẩu âm độc đáo. Vào thời điểm đó, New York luôn bị người châu Âu coi là thô lỗ và dung tục, họ vẫn chưa thể tạo cho mình một phẩm chất cao quý và phong cách quý tộc, cũng như không phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa các loại khẩu âm, thế nên Belmont thực sự khiến họ vô cùng thán phục.

Lúc này, New York ở trong giai đoạn mà các gia tộc giàu có đang có nhu cầu cấp thiết trong việc xác lập vị trí của riêng mình, và xã hội bắt đầu phân chia giai cấp. Người New York dần chú trọng vào lễ nghi, trang phục, vòng quan hệ xã hội và các phong cách thời thượng. Các lớp đào tại nghi thức mọc lên như nấm, dạy ăn súp không phát ra tiếng động, không ngoáy mũi nơi công cộng, không nhìn chằm chằm vào người lạ, không tùy tiện khạc nhổ, v.v…

Việc khắc phục thói quen khạc nhổ bừa bãi là hết sức quan trọng. Sau khi xem kịch ở nhà hát New York, tình trạng những người phụ nữ ngồi ở hàng ghế đầu nhận ra chiếc váy của mình bị vấy bẩn vì những người phía sau khạc nhổ tùy tiện là hết sức phổ biến. Những vị khách du lịch châu Âu đến New York thường rất sợ trải nghiệm này, họ không ngờ trật tự xã hội ở New York lại hỗn loạn đến thế, lễ nghi tồi tệ đến mức như vậy, quả thực là một vùng đất hoang dã và sa mạc văn hóa. Tầng lớp thượng lưu ở New York cũng hết sức ái ngại trước tình trạng này.

Vào thời điểm này, Belmont – chàng trai trẻ đến từ châu Âu, được trui rèn trong môi trường văn hóa của gia tộc Rothschild, với những đường đi nước bước đều hết sức khác biệt so với người thường lại một lần nữa xuất hiện một cách chói lọi. Anh ngay lập tức được giới thượng lưu coi là hình mẫu điển phạm, cung cách cư xử, phương thức đối nhân xử thế và thậm chí cả khẩu âm của anh đã trở thành đối tượng mô phỏng của các quý ông thuộc giới thượng lưu.

Belmont còn dẫn đầu trào lưu phong cách xã hội ở New York, ví dụ như thái độ xã hội mang hơi hướng "thờ ơ vô tình" của anh đã được noi theo rộng rãi khắp giới thượng lưu ở New York. Nếu như bữa tối được mời vào lúc 7 giờ, Belmont hiếm khi xuất hiện trước 9 giờ. Theo thái độ quý tộc của Belmont, việc đến đúng giờ chẳng qua chỉ là phép lịch sự đối với những người thô lỗ mà thôi.

Trong việc giới thiệu phong tục của giới quý tộc châu Âu, Belmont thường đem tới các hiệu ứng giật gân cho công chúng, màn "quyết đấu" chính là cách mà anh ta ưa thích nhất, giúp gia tăng mức độ nổi tiếng và cảm giác đẳng cấp xã hội của mình. Belmont đặc biệt chú ý đến việc lựa chọn đối thủ trong các cuộc "quyết đâu", đối phương bắt buộc phải xuất thân từ các gia đình quý tộc. Belmont từng thách đấu với con trai của gia tộc Hayward ở Charleston, nguyên do là vì khi nói chuyện với bạn gái trong một nhà hàng, Hayward đã ám chỉ Belmont là một người Do Thái, và điều này đã khiến Belmont nổi cơn phẫn nộ. Không ai chết trong cuộc quyết đấu này cả - Belmont bị trúng một phát đạn vào đùi, nhưng vì đối thủ của anh ta là hậu duệ của gia tộc Hayward, thế nên phát đạn này rất có giá trị. Hình ảnh vinh quang của anh ta đã được thiết lập trong tâm trí của giới thượng lưu Mỹ, lại cộng thêm sự ồn ào của truyền thông và trí tò mò của dư luận, Belmont đã tự biến bản thân thành một hình tượng độc quyền của một tầng lớp quý tộc hoàn hảo.

Công việc kinh doanh của Belmont ở New York vô cùng xuôi chèo mát mái. Dưới sự điều hành của anh ta, nguồn vốn của gia tộc Rothschild ở châu Âu liên tục chảy vào thị trường trái phiếu Mỹ. Năm 1844, khi Belmont đến Mỹ hơn bảy năm, anh ta được chính phủ Mỹ bổ nhiệm làm Công sứ tại Áo. Điều mà chính phủ Mỹ quan tâm là mối quan hệ giữa Belmont và Ngân hàng Rothschild, họ muốn tiếp cận gần hơn với ông trùm của nguồn vốn.

Belmont tuy còn trẻ mà đã có sức ảnh hưởng như vậy, nên đương nhiên thu hút sự hiếu kỳ của các tầng lớp ở New York, đặc biệt là giới thượng lưu. Bản thân Belmont vô cùng miễn cưỡng khi nói về cuộc sống và những trải nghiệm trong quá khứ của mình, thế là các tin đồn về anh ta nhanh chóng được lan truyền trong giới thượng lưu, nói rằng sở dĩ Belmont được gia tộc Rothschild yêu mến như vậy bởi anh là con trai ngoài giá thú của gia tộc Rothschild.

Tuy nhiên, trong mắt những nhà quý tộc thực sự, Belmont chỉ là một trọc phú mới nổi có sở thích đốt tiền mà thôi. Tầng lớp thời thượng của xã hội không phải là giai cấp thượng lưu thực thụ. Tầng lớp quý tộc thực sự ở Mỹ vẫn là những lãnh chúa trang trại của thời kỳ thuộc địa. Từ năm 1629 đến 1640, với tư cách là tổ chức thực dân có mặt sớm nhất ở Mỹ, công ty Tây Ấn Hà Lan đã trực tiếp phân chia đất đai ở hai bên bờ sông Hudson gần New York cho các gia tộc lớn này. Theo một nghĩa nào đó, chế độ phân phát này tương tự như thể chế lãnh chúa phong kiến ở châu Âu. Các gia tộc lãnh chúa trang trại này sẽ có quyền sở hữu đất đai vĩnh viễn, có thể thành lập tòa án riêng và thành lập một cơ quan quản lý có chức năng nhất định của chính phủ. Người thuê đất sẽ phải lao động và đóng thuế cho lãnh chúa. Thời kỳ thuộc địa của Mỹ không thực thi thể chế vương quốc, và không có hoàng đế hay quốc vương. Chế độ lãnh chúa trang trại này đã sản sinh ra những quý tộc đầu tiên ở Mỹ, họ vẫn là những gia tộc lâu đời nhất ở Mỹ cho đến bây giờ. Vào thời điểm đó, các gia tộc lãnh chúa trang trại nổi tiếng và quan trọng bậc nhất ở New York bao gồm Wann, Rossell, Astor, sau đó Koster và Morris, tất cả đều thuộc những đại gia tộc đẳng cấp nhất của nước Mỹ.

Mặc dù Belmont có gia tộc Rothschild cực kỳ giàu có hậu thuẫn phía sau, nhưng khi đứng trước mặt những quý tộc lãnh chúa trang trại này, chàng trai thuộc quý tộc mới vẫn cảm thấy tự ti và hổ thẹn. Các gia tộc lớn này thường tổ chức hoạt động tiệc tùng với sự tham gia của hàng trăm người tại những khách sạn đặc biệt sang trọng, một tấm giấy mời tham dự thực sự có thể dùng để chứng minh thân phận "thượng đẳng" của ai đó. Belmont chưa từng được mời, anh ta rất bực mình vì điều đó. Một lần nọ, anh ta xông vào cuộc họp lựa chọn khách mời và đe dọa rằng: "Tôi đã điều tra tài khoản của tất cả các vị. Tôi có thể đảm bảo với các vị rằng, hoặc là tôi sẽ nhận được lời mời đến tham dự bữa tiệc trong năm nay, hoặc là đến khi bữa tiệc kết thúc, tôi sẽ khiến tất cả các vị thân bại danh liệt". Belmont đã sử dụng cách thức gần như là cưỡng ép đe dọa để yêu cầu được gia nhập vào buổi tiệc của các gia tộc. Cuối cùng, Belmont nhận được lời mời như anh mong muốn. Thế những khi Belmont ăn diện hoành tráng đến địa điểm diễn ra buổi tiệc thì nơi đó chẳng có một ai cả - anh ta trở thành vị khách duy nhất được mời.

Phố Wall năm 1867
Phố Wall năm 1867

Mặc dù các ngân hàng Phố Wall đã có ảnh hưởng đáng kể, thế nhưng họ hầu như vẫn chẳng có phương cách nào để xâm nhập vào vòng xã hội thượng lưu của Mỹ. Vấn đề này khiến cho Belmont cảm thấy rất kích thích, anh suy đi tính lại và quyết định bước vào nhóm các gia tộc cốt lõi kia thông qua phương thức hôn nhân. Belmont lựa chọn vị hôn thê của mình một cách hết mực cẩn trọng, chẳng khác gì chọn cổ phiếu, rượu vang, hoặc chọn đối thủ để quyết đấu. Sau khi xem xét và sàng lọc cẩn thận quyền thế và nền tảng tôn giáo của từng gia tộc, cuối cùng anh đã chọn Caroline Perry làm vị hôn thê của mình.

Bản thân gia tộc Perry không phải là một gia tộc đặc biệt giàu có, nhưng họ chắc chắn được coi là thành phần thượng lưu của xã hội. Những gì gia tộc Perry có thể mang lại cho anh là địa vị xã hội mà tiền bạc cũng không thể mua được. Cha của Caroline là anh hùng trong Chiến tranh Mexico, và cũng là vị tướng nổi tiếng mà sau này đã dẫn quân tiến vào Nhật Bản và buộc Nhật Bản phải ký một hiệp ước bất bình đẳng – tướng quân Perry. Chú của cô cũng là một vị tướng nổi tiếng trong cuộc chiến tranh Mỹ - Anh năm 1812. Cuộc hôn nhân này đã nâng cao đáng kể địa vị xã hội của Belmont. Các gia tộc nòng cốt của New York không còn cười nhạo anh là một gã nhà giàu mới nổi. Địa vị xã hội của Belmont cuối cùng đã được xác nhận.

Trích "Chương 4, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét