Nước Mỹ "người trong cuộc" của quyền lực tài chính - phần 7

Seligman: Rothschild của Mỹ

Joseph Seligman
Joseph Seligman

Trong cuộc nội chiến, William Seligman, khi đó đang điều hành ở Paris, đã cố gắng thiết lập mối liên hệ với Ngân hàng Rothschild chi nhánh Paris, bản thân Joseph cũng từng đến London để cố gắng tiếp cận gia tộc Rothschild, nhưng thái độ của gia tộc Rothschild vẫn hết sức thờ ơ. Năm 1874, Joseph nộp đơn lên Bộ trưởng Bộ Tài chính mới nhậm chức – Benjamin Brest, xin bảo lãnh cho một lô trái phiếu chính phủ trị giá 25 triệu đô-la. Rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm Potter, Brest hy vọng sẽ có một tổ chức bảo lãnh hùng mạnh thực hiện việc phát hành lần này. Ông tỏ ý rõ ràng với Joseph rằng, hy vọng gia tộc Rothschild sẽ đứng ra chịu trách nhiệm dẫn dắt tổ chức bảo lãnh phát hành này.

Tuy nhiên, Joseph có những cân nhắc riêng, và bản thân ông đang có ý định trở thành một "Rothschild thứ hai". Ông cố gắng kiềm chế, hỏi lại một cách lịch sự rằng, ý nghĩa của việc gia tộc Rothschild tham gia vào tổ chức bảo lãnh phát hành này là gì? Ông đang ngầm nhắc về việc gia tộc Rothschild đã từ chối hỗ trợ phát hành trái phiếu của chính phủ miền Bắc trong cuộc Nội chiến. Tuy nhiên, tại thời điểm này chiến tranh đã kết thúc được 10 năm, "vết nhơ" của gia tộc Rothschild trong cuộc chiến cũng dần phai nhạt trong tâm trí mọi người, Brest vẫn ủng hộ việc Rothschild gia nhập nhóm bảo lãnh phát hành.

Trong cơn tuyệt vọng, Joseph đã viết thư cho các anh em của mình: "Hiện giờ, Tổng thống và ngài Brest hy vọng chúng ta có thể cùng tham gia bảo lãnh trái phiếu lần này với gia tộc Rothschild. Theo họ, nếu đoàn kết lại thì sẽ không ai có thể cạnh tranh với thế lực hùng hậu như chúng ta. Song, tôi lo lắng rằng gia tộc Rothschild vốn tự kiêu tự đại sẽ không coi chúng ta là đối tác bình đẳng." Nỗi lo lắng của Joseph là thật, mặc dù Mỹ đang trên đà phát triển nhanh chóng, nhưng khi đối diện với một ông lớn trong ngành tài chính quốc tế như Rothschild, Joseph vẫn cảm thấy mình rất nhỏ bé.

Với tư cách là bá chủ của ngành tài chính quốc tế, Rothschild có một thói quen bất thành văn: Đối với bất cứ nghiệp vụ nào mà họ không được giữ vai trò chủ đạo, thì hệ thống Rothschild sẽ đồng loạt không tham gia. Bộ trưởng Bộ Tài chính Brest đã kết nối trực tiếp với gia tộc Rothschild. Phản ứng của gia tộc Rothschild cũng rất đơn giản, nếu gia tộc Rothschild được giao vai trò người bảo lãnh, họ sẽ nhận 5/8 phần, sau đó Seligman và một số ngân hàng đáng tin cậy khác có thể chia nhau 3/8 phần còn lại.

Sau khi nghe tin, Joseph cảm thấy bực bội, đó là thương vụ ông đã nắm chắc trong tay, gia tộc Rothschild chưa hề lập nên công trạng nào, mới bước vào mà đã giữ vai trò người bảo lãnh chính, có lý nào lại như vậy! Ông lập tức đi mặc cả với gia tộc Rothschild. Joseph đề xuất, nếu có thể điền thêm tên của Seligman vào mọi quảng cáo bảo lãnh phát hành cùng với tên của Rothschild, ông có thể xem xét các điều kiện của gia tộc Rothschild. Xét cho cùng, việc xuất hiện trong quảng cáo của nhóm bảo lãnh phát hành cùng với tên của gia tộc Rothschild sẽ đánh dấu sự gia nhập chính thức của gia tộc Seligman vào vòng tròn cốt lõi của các chủ ngân hàng quốc tế, điều này có ý nghĩa chiến lược cực kỳ to lớn còn việc chỉ kiếm được ít tiền có thể xếp ở vị trí thứ hai.

Câu trả lời của gia tộc Rothschild rất đơn giản và gọn gàng: Không được. Gia tộc Rothschild hoàn toàn không xem xét đến vấn đề quảng cáo, nhưng bây giờ Seligman đã mở lời đề xuất, vậy thì vấn đề này phải được làm rõ. Không hề có chỗ cho họ nhượng bộ trong thái độ của gia tộc Rothschild. Tên của gia tộc Seligman không thể xuất hiện trong quảng cáo, tuyệt đối không. Lúc này Joseph vừa tức giận vừa căng thẳng, trong bức thư gửi anh trai Isaac của mình ở London, ông nói: "Nếu như tuần tới, gia tộc Rothschild vẫn không chấp nhận xếp chung chúng ta với tên của họ thì chúng ta sẽ phải làm nóng vấn đề hơn nữa và gây áp lực lên gia tộc Rothschild. Bởi vì tôi không tin Brest có thể phớt lờ chúng ta và chỉ đưa khoản vay lớn như vậy cho một mình gia tộc Rothschild. Mặc dù gia tộc Rothschild có thể vượt qua chúng ta trong cuộc đấu thầu, nhưng chúng ta có thể hữu dụng với chính phủ Mỹ, còn gia tộc Rothschild thì không."

Trong một lá thư gửi cho Brest, gia tộc Rothschild nói rằng họ có thể xem xét việc đặt tên của Seligman trên quảng cáo, với điều kiện Seligman đồng ý nhận một phần bảo lãnh phát hành nhỏ hơn: 2/8. Joseph suy đi tính lại. Ông cho rằng từ góc độ danh tiếng, nếu tên của Seligman gắn với gia tộc Rothschild thì hiệu ứng thương hiệu và giá trị thương mại tiềm năng sẽ rất lớn, có vẻ đáng để làm theo. Tuy nhiên ông vẫn có chút không cam tâm và hy vọng sẽ nhận thêm được một chút hạn mức. Vì vậy, ông lại đề xuất một báo giá mới, khẩn cầu gia tộc Rothschild rằng liệu có thể cho ông nhiều hơn một chút so với mức 2/8, trong phạm vi 2/9 và 3/8, cụ thể là 31,25% hay không. Sự năn nỉ "dai như đỉa" đó rốt cuộc đã khiến gia tộc Rothschild mất hết kiên nhẫn, trả lời luôn nếu Joseph đồng ý thì ông có thể nhận 28% hạn mức phát hành, và sau đó có quyền đặt tên trên quảng cáo, và đương nhiên cái tên đó phải đặt sau tên của gia tộc Rothschild.

Sau nhiều lần cân nhắc, Joseph cuối cùng cũng thỏa hiệp. Trong bức thư gửi Ithaca, ông nói: "Cho đến thời điểm này, chí ít chúng ta cũng có thể đấu thầu cùng với gia tộc Rothschild. Mặc dù hạn mức 28% quả là có hơi ít, nhưng tôi vẫn quyết định đồng ý."

Với tư cách là một đại diện của gia tộc Seligman, Isaac Seligman đã mang theo điều kiện như vậy để đến gặp Rothschild trong tâm thế kính sợ và lo lắng. Ithaca đã từng diện kiến các nhân vật nổi tiếng từ sớm, ngay từ 10 năm trước, tức vào năm 1864, ông đã là thượng khách của Tổng thống Mỹ Lincoln. Tuy nhiên, tâm trạng của ông lúc này lại căng thẳng và phức tạp hơn nhiều so với khi gặp Tổng thống Lincoln. Vị nam tước của gia tộc Rothschild mà Ithaca nhìn thấy chính là Lionel Rothschild. Đây cũng là một nhân vật sành sỏi, ông đã ở trong Quốc hội Anh được tám năm nhưng rất mực từ chối tuyên thệ. Bởi vì khi tuyên thệ, ông kiên quyết sử dụng Cựu Ước chứ không bao giờ sử dụng Tân Ước. Thực tiễn này đã vi phạm truyền thống của Quốc hội Anh và gây ra tranh cãi lớn trong Quốc hội Anh. Kết quả của sự bế tắc giữa hai bên là Lionel tuy là thành viên của Hạ viện suốt 15 năm nhưng chưa bao giờ phát biểu bất cứ điều gì. Qua đó có thể thấy Lionel là một người đàn ông với tính cách cực kỳ cứng rắn.

Ithaca đến thăm Lionel vào một ngày thứ Bảy. Theo quy định đạo Do Thái, thứ Bảy là ngày không bàn đến công việc. Lionel nói với Ithaca: "Tôi là người Do Thái tốt đời đẹp đạo hơn anh. Bởi vì anh vẫn phải làm việc vào thứ Bảy, còn tôi thì không." Đây là cách Lionel thể hiện sự khinh mạn của mình. Ithaca nhìn quanh phòng, ông trông thấy một chồng tài liệu trên bàn của Lionel và trả lời: "Thưa ngài nam tước, tôi cho rằng lượng công việc mà ngài làm trong ngày thứ Bảy còn nhiều hơn lượng công việc mà tôi làm cả tuần." Thực đúng là "cao thủ xuất chiêu", nói câu nào là hàm ý thâm sâu câu đó.

Trong bức thư gửi Joseph tối hôm đó, Ithaca nói rằng thái độ của gia tộc Rothschild, có thể coi là tương đối thân thiện, và nếu như ông muốn thì mối quan hệ giữa hai bên có thể gần gủi hơn chút nữa. Vậy là giờ đây, Ithaca cuối cùng đã phá vỡ bức tường băng kiên cố của gia tộc Rothschild và bước vào vòng tròn cốt lõi của các chủ ngân hàng quốc tế. Sau khi Joseph nhận được tin, ông đã viết một bức thư hồi âm dài ba trang và ca ngợi gia tộc Rothschild với những lời ca ngợi hết mực. Ông yêu cầu Ithaca nhất định phải để Lionel đọc được bức thư này. Trong bức thư, Joseph nửa âm thầm nửa công khai đá trái bóng về phía gia tộc Rothschild, nói rằng nếu gia tộc Rothschild hợp tác với họ ở New York thì sẽ tốt hơn hẳn so vơi việc cộng tác với một người như Belmont. Joseph không tiếc lời tự quảng cáo bản thân rằng, xét mọi khía cạnh, khả năng và tài năng của ông đều vượt trội so với Belmont.

Sau khi gia tộc Seligman hợp tác với gia tộc Rothschild, họ cũng đạt được hiệu quả bất ngờ và nhận được sự thỏa mãn lớn về mặt tinh thần.

Trong một bức thư gửi Ithaca, Joseph viết: "Lần này gia tộc Morgan và gia tộc Zogso thể hiện sự đố kị ra mặt. Một mặt là do chúng ta đã có được thương vụ này, mặt khác là sự hợp tác của chúng ta với gia tộc Rothschild rõ ràng đã khiến họ hậm hực."

Mùa thu năm 1874, Lionel yêu cầu Ithaca Seligman đến văn phòng của mình và cho ông biết thông tin rằng 55 triệu đô-la trái phiếu của chính phủ Mỹ sắp phát hành. Gia tộc Rothschild kiến nghị rằng nhóm bảo lãnh phát hành nên được thiết lập bởi ba gia tộc ngân hàng là Rothschild, Morgan và Seligman. Đây cũng là lần đầu tiên Belmont xuất hiện với tư cách là một người đại diện chung cho hai ngân hàng của gia tộc Rothschild và Seligman. Ithaca đã ngay lập tức đồng ý, điều đó có nghĩa là kể từ giờ phút này, Seligman đã chính thức bước vào vòng tròn tài chính mạnh nhất thế giới.

Thời điểm này, tại New York và châu Âu đã hình thành nên bốn liên minh gia tộc ngân hàng quốc tế lớn, bao gồm Rothschild, Seligman, Belmont và Morgan. Liên minh này vừa thành công vừa hùng mạnh đến nỗi vào khoảng năm 1880, Phố Wall phàn nàn rằng những ngân hàng của London và Đức về cơ bản là đang độc quyền tiêu thụ trái phiếu của Mỹ trên khắp châu Âu. Đương nhiên, họ gần như đã độc quyền tiêu thụ trái phiếu của Mỹ ở châu Âu. Lúc này, Seligman bắt đầu được gọi là "Rothschild của Mỹ".

Kể từ khi phát hành tiền xanh Lincoln, các chủ ngân hàng quốc tế đã coi cuộc cải cách tiền tệ của Lincoln là một cái gai trong mắt và họ muốn tiễu trừ nó càng sớm càng tốt. Năm 1877, các chủ ngân hàng ở Phố Wall đã đến Washington để thảo luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính Sherman về việc làm thế nào để xóa bỏ tiền xanh Lincoln, trong đó Joseph và Belmont là hai nhân vật trụ cột trong quá trình thương thảo này. Sherman yêu cầu từng người một đưa ra một bản kế hoạch riêng, nội dung là làm sao để giúp chính phủ cân đối dự toán và thúc đẩy các khoản nợ của quốc gia. Hai vị "cao nhân" này sau đó đã đưa ra những kiến nghi riêng biệt, cả hai không hẹn mà gặp, đều cùng chủ trương xóa bỏ tiền xanh Lincoln.

Một tuần sau, Sherman cho người đưa tin cho Joseph, ca ngợi rằng bản kế hoạch của ông quá đỗi xuất sắc, hết sức tỉ mỉ và thiết thực, chắc chắn sẽ được chính phủ thông qua. Cốt lõi của kế hoạch này là thiết lập dự trữ 40% lượng vàng cho tiền xanh Lincoln và trả lãi cho tiền xanh Lincoln bằng vàng. Phương án này trên thực tế đã "khóa chặt" việc phát hành tiền xanh Lincoln cùng với vàng, bản chất của nó là hạn chế quyền lực của chính phủ trong việc phát hành tiền tệ, nhưng đồng thời không làm rùm beng mọi chuyện lên, quả là một kế hoạch hết sức tinh vi. Tiền trói buộc với vàng, trong khi vàng lại bị kiểm soát chặt chẽ bởi gia tộc Rothschild. Cần phải hiểu rằng, bất cứ quốc gia nào trên thế giới áp dụng bản vị vàng thì ngân hàng trung ương của các quốc gia đó không phải là cơ quan tiền tệ cuối cùng, chính gia tộc Rothschild – người nắm giữ các mỏ vàng, đầu mối giao dịch và lưu thông vàng của thế giới mới là chỗ dựa thực sự của họ. Vàng có lợi thế tự nhiên như một loại tiền tệ. Làm thế nào để phá vỡ sự độc quyền của vàng là chìa khóa của vấn đề.

James A. Garfield – Tổng thống thứ 20 của Mỹ
James A. Garfield – Tổng thống thứ 20 của Mỹ

Ngày 2 tháng 7 năm 1881, James A. Garfield – Tổng thống thứ 20 của Mỹ vừa mới nhậm chức đã bị ám sát ở Washington DC và được đưa đến Nhà Trắng để điều trị y tế, một thời gian sau tình trạng của ông đã dần ổn định. Ngày 6 tháng 9, để "tránh nóng", Tổng thống Garfield đã được đưa đến căn biệt thự của gia tộc Seligman ở New Jersey để "nghỉ dưỡng", nhưng ngay sau đó tình hình của ông trở nên tồi tệ hơn. Vào hồi 10 giờ 35 phút ngày 19 tháng 9, Tổng thống Garfield qua đời tại biệt thự của gia tộc Seligman, nơi ông sống khoảng 13 ngày.

Đây là một sự kiện lịch sử cực kỳ hiếm hoi và đáng ngờ, Tổng thống Mỹ Garfield bị ám sát đã không chết trong bệnh viện, cũng không chết trong Nhà Trắng, mà lại qua đời ở nhà của gia tộc Seligman. Thông thường, Tổng thống Mỹ không nên và sẽ không đến nhà của ai đó để điều trị. Họ hoặc là ở trong bệnh viện, hoặc là ở trong Nhà Trắng. An toàn là yếu tố quan trọng đầu tiên. Đây rõ ràng là một sự sắp xếp "không hợp lẽ thường".

Cũng giống như Tổng thống Jackson, Tổng thống Garfield là một người kiên định trong việc phản đối chế độ ngân hàng trung ương tư nhân của Mỹ, trong khi đó Seligman và các gia tộc ngân hàng quốc tế khác rõ ràng là những người ủng hộ mạng mẽ nhất đối với chế độ các ngân hàng trung ương tư nhân.

Trích "Chương 4, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét