Châu Âu hỗn loạn - phần 14

Cuộc chiến tiền tệ dẫn đến sự sụp đổ của nước Cộng hòa Weimar

Siêu lạm phát ở Đức - sự sụp đổ của nước Cộng hòa Weimar
Siêu lạm phát ở Đức

Rốt cuộc, đồng mark Đức đã bị phá hủy như thế nào? Nói một cách dễ hiểu thì thủ đoạn đơn giản nhất để phá hủy một loại tiền tệ là phát hành quá nhiều. Việc phát hành quá mức này có thể được thực hiện theo nhiều cách. Thứ nhất, Ngân hàng Trung ương tự phát hành quá nhiều tiền. Thứ hai, các ngân hàng tư nhân tạo ra tín dụng và tiền quá mức. Thứ ba, các nhà đầu cơ tiền tệ trên thị trường sử dụng thủ đoạn "bán khống triệt để" với quy mô lớn để phá hủy giá trị của một loại tiền tệ quốc gia. Hiệu quả của nó tương đương với việc các nhà đầu cơ tiền tệ phát hành tiền tệ với số lượng lớn. Trên thực tế, vào tháng 5 năm 1922, khi Ngân hàng Đế quốc Đức rơi vào tay các chủ ngân hàng quốc tế, ba hình thức phát hành quá mức tiền tệ trên đã xuất hiện cùng một lúc.

Xét theo tình huống thứ nhất, việc in tiền giấy quy mô lớn của Ngân hàng Đế quốc Đức là sự thực, nhưng không phải để chính phủ trả các khoản nợ nước ngoài và giải quyết các khó khăn tài chính.

Nhìn vào trường hợp thứ hai, việc các ngân hàng tư nhân đối phó với ảnh hưởng của siêu lạm phát. Có thể thấy qua các mốc thời gian:

  • Tháng 11 năm 1921, tỷ giá hối đoái của đồng mark so với đồng đô-la Mỹ là 330:1;
  • Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 1922, tỷ giá hối đoái của đồng mark so với đồng đô-la Mỹ ổn định ở mức 320:1;
  • Ngày 26 tháng 5 năm 1922, Ngân hàng Đế quốc Đức đã được tư nhân hóa;
  • Tháng 12 năm 1922, tỷ giá hối đoái của đồng mark so với đồng đô-la Mỹ là 9.000:1;
  • Tháng 1 năm 1923, cuộc khủng hoảng Ruhr, đồng mark liên tục mất giá, tỷ giá hối đoái của đồng mark so với đồng đô-la Mỹ là 49.000:1;
  • Tháng 7 năm 1923, tỷ giá hối đoái của đồng mark so với đồng đô-la Mỹ đạt 1.100.000:1;
  • Tháng 11 năm 1923, tỷ giá hối đoái của đồng mark so với đồng đô-la Mỹ là 2.500.000.000.000:1;
  • Tháng 12 năm 1923, tỷ giá hối đoái của đồng mark so với đồng đô-la Mỹ 4.200.000.000.000:1;
  • Năm 1923, vật giá của Đức trung bình cứ sau hai ngày lại tăng gấp đôi.

Thời điểm này, đồng mark Đức đã bị phá hủy hoàn toàn. Trong quá trình mark bị rao bán điên cuồng, Đức đã xuất hiện tình trạng siêu lạm phát. Nhiều chủ ngân hàng tư nhân bắt đầu phát hành tiền tệ của riêng họ, có thể được hỗ trợ bởi vàng hoặc ngoại hối. Ngân hàng Đế quốc Đức (lúc này đã tư nhân hóa) bắt đầu dốc hết tốc lực để in tiền nhưng vẫn không thể theo kịp số tiền do các ngân hàng tư nhân phát hành. Schacht đã đưa ra một ước tính: thời điểm đó, khoảng một nửa tổng số lưu thông tiền tệ của Đức được phát hành bởi các chủ ngân hàng tư nhân, không phải là loại tiền tệ chính thức của Ngân hàng Đế quốc Đức. Do đó, việc in tiền thừa của các ngân hàng tư nhân gần như chiếm gần một nửa nguồn siêu lạm phát.

Trường hợp thứ ba tuy ít rõ ràng nhưng lại nguy hiểm nhất. Việc có những nhà đầu cơ bán khống đồng mark Đức một cách có hệ thống và quy mô lớn đã dẫn đến sự mất giá mạnh của đồng mark, hậu quả của việc này tương đương với một khối lượng khổng lồ tiền giấy được in ra.

Trẻ em Đức trong giai đoạn siêu lạm phát chơi trò chơi xếp gỗ với tiền giấy
Trẻ em Đức trong giai đoạn siêu lạm phát chơi trò chơi xếp gỗ với tiền giấy

Việc bán khống cơ chế hoạt động tiền tệ cơ bản của một quốc gia có thể được chia thành vài giai đoạn. Đầu tiên, loại tiền tệ đó có tồn tại những vấn đề nội sinh rõ ràng. Tình hình ở Đức vào thời điểm đó hoàn toàn phù hợp với điều kiện này. Sau chiến tranh Thế giới thứ nhất, Đức cần sử dụng ngoại tệ để bồi thường. Rõ ràng, Đức phải đối mặt với áp lực nợ nước ngoài rất lớn. Bản thân đồng mark Đức có những khiếm khuyến rõ ràng. Điều này tương tự với tình trạng của "bốn con rồng nhỏ châu Á" trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, nghĩa là gánh nặng nợ nước ngoài quá lớn, và họ phải lấy đồng đô-la để trả nợ. Trong trường hợp bình thường, vấn đề này có thể được giải quyết dần dần thông qua việc thể chế kinh tế của quốc gia đó tự động khôi phục một cách chậm rãi, chẳng hạn như tăng thuế, hoặc tạm thời hạ thấp mức sống của người dân, như vậy những khoản nợ nước ngoài có thể dần được hoàn trả. Tuy nhiên, khi việc đầu cơ tiền tệ xuất hiện tập trung và đột ngột trong một phạm vi lớn, sẽ ảnh hưởng đến giá trị của tiền tệ. Việc đầu cơ tiền tệ quy mô lớn này vẫn được coi là một hành vi hợp pháp. Trong quá trình đầu cơ, họ chỉ cần bán khống một loại tiền của quốc gia, loại tiền này đang có những khó khăn và vấn đề nội sinh, và cuối cùng các nhà đầu cơ thường sẽ có siêu lợi nhuận.

Cơ chế bán khống là gì? Khi các nhà đầu cơ tiền tệ tiến hành bán khống tiền tệ, họ không thực sự sở hữu tiền tệ, họ chỉ tuyên bố rằng họ sở hữu nó. Chỉ cần trong một khoảng thời gian nhất định, loại tiền tệ nào đó bị mất giá mạnh, họ sẽ mua lại tiền từ thị trường với mức giá thấp, xóa bỏ "lời nói dối" ban đầu rằng họ "đang sở hữu" và từ đó có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ. Theo nghĩa này, khi các nhà đầu cơ tiền đang bán khống một lượng lớn tiền tệ không tồn tại mà họ tuyên bố "đang sở hữu", điều cốt lõi là họ có quyền tạo ra một loại tiền như vậy trong một khoảng thời gian nhất định. Các nhà đầu cơ tiền tệ này thường ra tay cùng một lúc. Họ bán khống quy mô lớn cùng một lúc, số lượng đủ nhiều và khi tiền tệ của một quốc gia nào đó đủ yếu, hành vi bán khống đó sẽ có hiệu ứng "tự thực hiện" hết sức mạnh mẽ. Kết quả cuối cùng là giá trị của loại tiền tệ đó rơi tự do, nếu nghiêm trọng thì có thể xuất hiện tình trạng khủng hoảng tiền tệ. Sự hoảng loạn tiền tệ sẽ dẫn đến một phản ứng dây chuyền, kích hoạt bản năng hoảng loạn của các tầng lớp xã hội khác nhau, khiến dân chúng đem bán một lượng lớn nội tệ để đổi lấy ngoại tệ, dẫn đến hành vi bán khống lớn hơn trên thị trường.

Siêu lạm phát ở Đức - sự sụp đổ của nước Cộng hòa Weimar
Siêu lạm phát ở Đức

Trong quá trình tiền tệ mất giá khủng khiếp như vậy. Lợi nhuận khổng lồ mà các nhà đầu cơ kiếm được là của cải tích cóp được suốt nhiều năm của các nhà sản xuất và người dân của quốc gia đó, các hoạt động kinh tế và sản xuất xã hội sẽ bị tàn phá. Tại thời điểm này, những người được gọi là "nhà kinh tế tự do" sẽ chĩa mũi dùi về phía chính phủ. Họ đổ lỗi cho chính phủ vì tất cả những sai lầm trong chính sách kinh tế, và bỏ qua các nhà đầu cơ tiền tệ - tác nhân chính dẫn đến thảm họa.

Trên thực tế, các vấn đề ở Đức năm 1923 rất giống với những bất ổn trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Hệ thống tiền tệ địa phương và nền kinh tế trong nước có những khiếm khuyết nghiêm trọng, nợ nước ngoài cao, các nhà đầu cơ ngoại tệ đổ xô vào để bán khống tiền tệ với quy mô siêu lớn, đồng nội tệ mất giá mạnh, lạm phát cuốn sạch của cải xã hội và phá hủy cơ sở kinh tế của đất nước. Sự khác biệt nằm ở chỗ, thay vì ngăn chặn hành vi đầu cơ tiền tệ, Ngân hàng Đế quốc Đức lại cung cấp đủ đạn dược cho các nhà đầu cơ một cách trá hình. Các ngân hàng tư nhân của các chủ ngân hàng quốc tế đã phát hành một nửa tổng lượng tiền trong cuộc siêu lạm phát này, chẳng khác gì đổ them dầu vào lửa.

Lịch sử luôn giống nhau một cách kỳ lạ, nguyên do là bởi kẻ lặp lại lịch sử luôn thuộc cùng một nhóm người. Tỷ phú Soros và các chủ ngân hàng quốc tế đằng sau ông có thể coi là "đồng môn đồng đạo" với các nhà đầu cơ tiền tệ đã phá hủy đồng mark Đức vào năm 1923.

Mọi của cải xã hội của Cộng hòa Weimar bị cướp phá tan tác trong vòng một năm. Tầng lớp trung lưu Đức trở nên nghèo khó. Cơn phẫn nộ vì mất sạch tất cả và sự sỉ nhục phải chịu đựng sau chiến tranh, đã nhen nhóm lên một ngọn lửa báo thù phẫn uất chưa từng có trong tâm trí người Đức. Lúc này xã hội Đức chẳng khác gì một đống củi khô, đang chờ đợi tia lửa từ trên trời giáng xuống.

Trích "Chương 5, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét