Châu Âu hỗn loạn - phần 13

Năm 1922, Ngân hàng Trung ương Đức "độc lập": mắt của siêu bão lạm phát

Cuộc siêu lạm phát của Đức diễn ra từ năm 1922 đến 1923 xuất hiện rộng rãi trong sách giáo khoa phương Tây như một trường hợp kinh điển về việc kiểm soát của chính phủ đối với hệ thống tiền tệ đã dẫn tới một thảm họa tiền tệ. Kết luận rằng chỉ có các chủ ngân hàng kiểm soát quyền phát hành tiền tệ mới là "có trách nhiệm" và "an toàn". Tuy nhiên trên thực tế, chính các chủ ngân hàng và ngân hàng trung ương dưới sự thao túng của họ mới là chủ mưu thực sự dẫn đến tình trạng siêu lạm phát ở Đức.

Được thành lập vào năm 1876, Ngân hàng Đế quốc Đức (Reichsbank) với tư cách là ngân hàng trung ương của Đức. Kết cấu cơ bản của nó là thuộc sở hữu tư nhân, nhưng phần lớn lại chịu sự kiểm soát của Hoàng đế Đức và Chính phủ. Tổng giám đốc và tất cả các thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Đế quốc Đức đều là các quan chức của Chính phủ Đức, được chỉ định trực tiếp bởi Hoàng đế Đức, và nhận chức suốt đời. Tất cả thu nhập do Ngân hàng Trung ương Đức tạo ra được phân chia cho các cổ đông tư nhân và chính phủ. Nhưng theo một nghĩa nào đó, các cổ đông này không có quyền quyết định các chính sách của ngân hàng trung ương. Đây là một chế độ ngân hàng trung ương đặc thù kiểu Đức, hoàn toàn khác biệt với Ngân hàng Anh, Ngân hàng France và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Đặc điểm nổi bật nhất của nó là Hoàng đế Đức, với tư cách là người cai trị tối cao của đất nước, luôn kiểm soát chặt chẽ quyền phân phối tiền tệ. Kể từ khi Ngân hàng Đế quốc Đức thành lập, giá trị tiền tệ của đồng mark Đức rất ổn định, đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy kinh tế Đức phát triển. Đây là một ví dụ thành công của một quốc gia lạc hậu về tài chính bắt kịp các nước phát triển. Ngay cả sau thất bại của Đức năm 1918, cho đến năm 1922, sức mua của đồng mark Đức vẫn tương đối mạnh và không có khoảng cách đáng kể giữa lạm phát Đức và các quốc gia giành chiến thắng như Anh, Mỹ và Pháp. Đối với một quốc gia bại trận, hơn nữa lại là một quốc gia chiến bại với tình cảnh cực kỳ bi thảm mà nói, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Đế quốc Đức có thể đạt được tới mức độ và hiệu quả này, có thể coi là rất hiếm có.

Tuy nhiên, sau thất bại của Đức, các nước chiến thắng đã thông qua một loạt đạo luật để tước đoạt việc kiểm soát Ngân hàng Trung ương của Chính phủ Đức. Ngày 26 tháng 5 năm 1922, các quốc gia chiến thắng đã thông qua đạo luật nhằm xác lập "tính độc lập" của Ngân hàng Đế quốc Đức. Hoạt động của Ngân hàng Trung ương được giải phóng khỏi sự kiểm soát của Chính phủ Đức, quyền khống chế chính sách tiền tệ của Chính phủ Đức cũng không còn. Quyền phân phối tiền tệ ở Đức thuộc về các chủ ngân hàng tư nhân, bao gồm cả các chủ ngân hàng quốc tế hàng đầu như Warburg.

Đây là nhân tố cốt lõi dẫn tới siêu lạm phát nghiêm trọng nhất của Đức trong lịch sử hiện đại!

Wilhelm Cuno
Wilhelm Cuno

Liên quan đến nguyên nhân của cuộc lạm phát này, Thủ tướng Đức lúc đó là Wilhelm Cuno đã phản ứng tiêu cực. Ông cho rằng sự chiếm đóng của Pháp và Bỉ tại khu vực Ruhr của Đức, khiến Chính phủ Đức phải in một lượng tiền giấy lớn. Xét từ mọi góc độ, đây là một lời giải thích rất khó tin. Đầu tiên, Chính phủ có in tiền giấy quá mức không? Không hề. Việc tư nhân hóa Ngân hàng Trung ương Đức đã tiến hành vào tháng 5 năm 1922 và vấn đề Ruhr hồi tháng 1 năm 1923. Việc in tiền giấy quá mức Ngân hàng Trung ương thực hiện dưới sự kiểm soát của các ngân hàng quốc tế.

Thứ hai, Ngân hàng Trung ương Đức in số lượng lớn tiền giấy để cứu vãn cuộc khủng hoảng tài chính? Không phải. Sự chiếm đóng khu vực Ruhr đã gây ra những khó khăn nghiêm trọng cho tài chính của Đức, nhưng nó không đến mức khiến cho Ngân hàng Trung ương Đức thực hiện cách tiếp cận "tự sát tiền tệ" như vậy, và điều này cũng chẳng thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào. Trên thực tế, Thủ tướng Đức, ngài Cuno vẫn có nhiều sự lựa chọn. Ông từng là Tổng giám đốc của Công ty Tuyến hàng hải Hamburg – Mỹ. Max Warburg vừa là Giám đốc của công ty này, vừa là Giám đốc của Ngân hàng Đế quốc Đức. Ngân hàng Warburg khi đó đang có mối quan hệ rất tốt với công ty Kuhn Loeb có lợi nhuận cao nhất ở Phố Wall. Hai anh em Warburg là đối tác cao cấp của công ty này, trong đó Paul là nhà điều hành thực tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Trong trường hợp như vậy, cho dù Chính phủ Đức có phát hành trái phiếu loại đặc biệt với lãi suất cao cho các chủ ngân hàng quốc tế, hay là Ngân hàng Đế quốc Đức (đại diện bởi Max) tiến hành đàm phán nhờ "quốc tế cứu viện" với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (đại diện bởi người em trai Paul), để giải quyết những khó khăn tài chính do vấn đề Ruhr gây ra trong suốt hơn một năm, có lẽ cũng chẳng thành vấn đề.

Thứ ba, Ngân hàng Đế quốc Đức in tiền quá mức là để chi trả cho khoản bồi thường chiến tranh. Cố tình in quá nhiều nội tệ liệu có thể giảm nợ nước ngoài? Không thể. Trên thực tế, Hiệp ước Versailles đã yêu cầu rõ ràng rằng Đức phải sử dụng vàng, bảng Anh và đô-la để chi trả cho các khoản bồi thường chiến tranh. Trong trường hợp này, việc phát hành quá mức đồng tiền quốc gia đơn giản là không hữu ích. Đồng tiền in càng nhiều thì lại càng mất giá, việc đổi ngoại tệ để trả nợ nước ngoài sẽ càng trở nên khó khăn. Điều này cũng giống như việc Thái Lan không thể dựa vào việc in đồng baht nội tệ để trả nợ nước ngoài bằng đô-la Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Sau đó, vào năm 1927, chủ tịch của Ngân hàng Đế quốc Đức, Schacht, đã xuất bản cuốn sách Sự ổn định của đồng mark Đức, điều mà ông đề cập đến trong cuốn sách chính là những lời giải thích "tự mâu thuẫn" này. Là một nhà kinh tế tự do truyền thống, ông tin cuộc khủng hoảng siêu lạm phát là do Chính phủ Đức gây ra. Ông cho rằng trong phạm vi quyền lực của mình, Ngân hàng Đế quốc Đức chủ yếu sẽ kiểm soát lạm phát, nhưng Ngân hàng Đế quốc Đức nhận thấy họ không thể đưa ra quyết định. Vào thời điểm đó, Ngân hàng Đế quốc Đức giữ quan điểm rằng chừng nào khu công nghiệp Ruhr của Đức vẫn còn bị Pháp chiếm đóng, tổng nợ nước ngoài từ cuộc chiến tranh vẫn không thể được xác định. Khi Chính phủ Đức không có đủ nguồn lực tài chính thì mọi biện pháp và nỗ lực ổn định tiền tệ đều trở nên vô dụng. Ngân hàng Đế quốc Đức vội vã in tiền giấy là để giải cứu Chính phủ Đức. Họ đã tạo ra một loại tiền mark đế chế mới, có thể cung cấp cho chính phủ sử dụng. Schacht tin rằng Đức, quốc gia chiến bại trong thời điểm đó, bất đắc dĩ phải dùng đến tiền giấy của Ngân hàng Đế quốc Đức để duy trì sự sống còn của chính mình. Đức đã phải đối mặt với các vấn đề sinh tồn vào thời điểm đó, vù vậy Ngân hàng Trung ương không có cách nào để duy trì một chính sách tiền tệ độc lập.

Quan điểm của Schacht thực sự rất khó tin.

Trích "Chương 5, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét