Châu Âu hỗn loạn - phần 8

Tuyến đường sắt Berlin – Baghdad: con đường chiến lược giúp Đức thoát khỏi tình cảnh bị bao vây

Gottlieb Diamler
Gottlieb Diamler

Năm 1885, kỹ sư người Đức Gottlieb Daimler đã phát minh ra loại động cơ chạy bằng dầu tinh vi và hiệu quả hơn nhiều so với hệ thống động cơ hơi nước chạy bằng than đá cồng kềnh, thô sơ được sử dụng phổ biến vào thời điểm đó. Công nghệ động cơ tiên tiến này cũng có thể được sử dụng trên tàu thủy, chiến hạm và máy bay sau này, và thế là nguồn tài nguyên dầu mỏ tự nhiên trở thành tâm điểm chú ý của tất cả các quốc gia. Vào thời điểm đó, Vương quốc Anh và các thuộc địa mà họ kiểm soát vẫn chưa phát hiện ra dầu mỏ. Ánh mắt của cả thế giới đang hướng đến nguồn tài nguyên dầu mỏ của khu vực Ả Rập.

Xuất phát từ đánh giá thực tiễn rằng nhất thời khó có thể vượt qua được sức mạnh hùng hậu của người Anh trên biển, trước áp lực từ đại dương, Đức phải cố gắng tìm kiếm cơ hội phát triển chiến lược trên đất liền. Cuối thế kỷ XIX, Đức bắt đầu đầu tư vào Bán đảo Anatolia (Tiểu Á) và thành lập các tổ chức ngân hàng. Bán đảo Anatolia giáp với biển Đen ở phía bắc, biển Aegean ở phía tây và biển Địa Trung Hải ở phía nam. Đây là một tuyến đường xung yếu dẫn từ châu Âu đến khu vực Trung Đông. Mục tiêu chiến lược của Đức hết sức rõ ràng, đó là xây dựng một tuyến đường sắt chủ chốt từ Berlin đến Baghdad (tuyến đường sắt Orient Express trước đó đã được xây dựng đến Istanbul). Tuyến đường sắt này sẽ liên kết năng lực sản xuất công nghiệp mạnh mẽ của Đức tới nguồn nguyên liệu thô và dầu mỏ, lương thực và các thị trường tiềm năng lớn ở khu vực Trung Âu. Về chiến lược kinh tế thì sẽ tích hợp sản xuất công nghiệp với tài nguyên thiên nhiên ở khu vực Trung Âu, Balkan và toàn Trung Đông. Bên cạnh đó, nó sẽ mở rộng ảnh hưởng chính trị của Đức trên khắp khu vực Tây Á và Nam Á, tiếp theo đó mở ra thông đạo trên biển từ Vịnh Ba Tư đến Ấn Độ Dương. Điều quan trọng nhất là thông đạo này sẽ tránh được sự kiềm tỏa của lực lượng hải quân hùng mạnh Anh, vượt qua kênh đào Suez vốn nằm dưới sự kiểm soát của Anh và Pháp, nhận được sự bảo hộ từ lực lượng lục quân mà Đức nắm nhiều ưu thế, trở thành "động mạch chủ" chiến lược hết sức an toàn của người Đức. Trong bối cảnh đó, vào năm 1900, Ngân hàng Warburg ở Hamburg, Đức và Ngân hàng Deutsche Bank đã hợp tác để cung cấp tài chính quy mô lớn cho dự án đường sắt này.

Bản đồ đường sắt Berlin - Baghdad
Bản đồ đường sắt Berlin - Baghdad

Và hiển nhiên, chiến lược này đã khiến cho Vương quốc Anh vô cùng lo lắng. Căng thẳng giữa Anh và Đức đã dần dần leo thang.

Arthur Balfour
Arthur Balfour

Năm 1907, Thủ tướng Anh – Arthur Balfour bày tỏ sự quan ngại với nhà ngoại giao Mỹ Henry White: "Nếu chúng ta không nhanh chóng tuyên chiến với Đức trước khi họ xây dựng thêm hệ thống giao thông và chiếm lấy nguồn lợi thương mại, vậy thì nước Anh sẽ phạm một sai lầm ngu ngốc." White lại không cho là vậy, ông nói: "Nếu muốn cạnh tranh với người Đức trong thương mại, các ngài nên làm việc chăm chỉ hơn." Balfour trả lời: "Việc đó sẽ hạ thấp mức sống của chúng tôi, tính ra thì phát động chiến tranh còn dễ dàng hơn. Đây chỉ là một câu hỏi đúng hay sai đơn giản sao? Đây là một câu hỏi về quyền bá chủ của Anh."

Tương tự như Anh, Pháp và Nga cũng phản đối quyết liệt dự án đường sắt Baghdad và đang nổ lực hết sức để ngăn chặn việc xây dựng tuyến đường sắt. Người Anh cố gắng thuyết phục Đế chế Ottoman, cho rằng đây là một âm mưu của Đức nhằm kiểm soát và tiêu diệt Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, cho dù Pháp có khoản đầu tư 2,5 tỷ franc tại địa phương, nhưng chính phủ đã ban hành lệnh không cho phép trái phiếu đường sắt Baghdad được giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Paris.

Cần phải nói rằng, dự án đường sắt Baghdad là một phần không thể hòa giải trong cuộc tranh đoạt bao vây và chống bao vây giữa Anh, Pháp, Nga và Đức. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng dẫn đến sự bùng nổ của Thế chiến I.

Trích "Chương 5, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét