Châu Âu hỗn loạn - phần 15

Cuộc chiến bảo vệ đồng "Rentenmark"

Một tờ tiền Rentenmark - Cuộc chiến bảo vệ đồng "Rentenmark"
Đồng Rentenmark

Trải qua 18 tháng khủng hoảng, danh tiếng của đồng mark Đức đã hoàn toàn tiêu tan. Vào thời điểm đó, xét từ góc độ tâm lý học, hầu hết mọi người nghĩ cần một loại tiền tệ hoàn toàn khác. Loại tiền mới này, trong lịch sử gọi là Rentenmark, là một loại tiền tệ được phát hành thông qua việc thế chấp toàn bộ các sản phẩm công nghiệp và đất đai của Đức, với tổng giá trị tương đương 3,2 tỷ mark. Đồng Rentenmark được liên kết với đồng đô-la. Tỷ giá hối đoái là 4,2:1. Tỷ giá hối đoái giữa Rentenmark và đồng mark cũ là 1:1 nghìn tỷ. Để có thể đoạn tuyệt về mặt tâm lý giữa đồng mark cũ và đồng Rentenmark, phương pháp cụ thể là thiết lập một "ngân hàng Rentenmark" (Rentenbank) mới. Ngân hàng Rentenmark của Chính phủ sẽ cung cấp một khoản vay bằng đồng mark mới cho Ngân hàng Đế quốc Đức, sau đó Ngân hàng Đế quốc Đức sẽ cung cấp cho xã hội các khoản tín dụng bằng đồng Rentenmark. Tuy nhiên, Ngân hàng Rentenmark vẫn mãi không hoạt động độc lập với Ngân hàng Đế quốc Đức. Nó chỉ phát huy chức năng của một "bức tường lửa" nhằm cách lý về mặt tâm lý giữa đồng mark cũ và mark mới. Đồng Rentenmark bắt đầu lưu thông vào ngày 15 tháng 11 năm 1923. Đồng mark mới không phải là một loại tiền định danh (Tiền định danh là một loại tiền tệ không có giá trị nội tại được gắn giá trị nhờ quyền lực của chính phủ - ND) và nó không có khả năng thanh toán nợ chính phủ và nợ nước ngoài.

Schacht, người đã có 23 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng được giao trọng trách ổn định đồng mark của Đức. Khi Schacht phát minh ra loại tiền Rentenmark mới, nó đã không giúp cho giá trị của đồng mark cũ được ổn định ngay lập tức. Cuộc chiến đánh bật nạn đầu cơ tiền tệ mới là bước ngoặt quan trọng trong việc ổn định giá trị của mark. Cuộc chiến này đã kéo dài một năm, tiếp sau đó là một loạt các chính sách thắt chặt tín dụng, và cuối cùng đã đạt được mục tiêu ổn định đồng mark.

Trong lần đầu tiên "chấp chính" này, Schacht ngay lập tức chấm dứt quyền phát hành tiền mark của tất cả các ngân hàng tư nhân khác, và lập tức tiến hành thanh toán cho tất cả các đối tượng đang nắm giữ tiền mark cũ.

Biện pháp thứ hai là cấm cho người nước ngoài vay bằng đồng Rentenmark mới. Schacht hiểu rằng các nhà đầu cơ ngoại tệ là lực lượng đầu cơ chính đã bán khống đồng mark của Đức. Cách làm này của ông đồng nghĩa với việc sau khi bán khống đồng Rentenmark, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó tìm được đủ lượng Rentenmark để "chốt sổ" trên thị trường ngoại hối. Thế nên mong muốn đầu cơ của họ sẽ gặp phải trở ngại rất lớn. Chỉ riêng động thái này đã đủ để bước đầu hạ gục các nhà đầu cơ ngoại tệ. Việc ngăn chặn nạn đầu cơ tiền tệ chính là bước đầu tiên hết sức quan trọng trong tiến trình cải cách tiền tệ của Đức.

Hjalmar Schacht - Cuộc chiến bảo vệ đồng "Rentenmark"
Hjalmar Schacht

Đến thời điểm này, các nhà đầu cơ tiền tệ này bắt đầu nhận ra rằng nếu Ngân hàng Trung ương quyết tâm làm như vậy, rất có thể họ sẽ phải chấm dứt mọi hành vi đầu cơ tiền mark trên thị trường ngoại hối. Ngay từ đầu, Schacht đã thực sự hiểu được phải làm thế nào để đối phó với nạn đầu cơ tiền tệ, nhưng vài tháng trước đó, khi cuộc lạm phát nghiêm trọng nhất xảy ra, Ngân hàng Đế quốc Đức lại khoanh tay đứng ngoài cuộc và để mặc các nhà đầu cơ nước ngoài phá hủy đồng mark.

Các nhà đầu cơ ngoại tệ vẫn đang tiếp tục tấn công đồng Rentenmark, và Schacht cuối cùng đã bị chọc giận. Cuối tháng 11 năm 1923, Schacht chỉ ra rằng: "Việc đầu cơ Rentenmark không chỉ độc hại đối với lơi ích kinh tế quốc gia, mà bản thân hành động này cũng vô cùng ngu ngốc. Trong vài tháng qua, hoạt động đầu cơ như vậy hoặc là thông qua những khoản vay hết sức hào phóng từ Ngân hàng Đế quốc Đức, hoặc là qua việc dùng tiền giấy được in khẩn cấp của các ngân hàng tư nhân để trao đổi tiền mark của Ngân hàng Đế quốc Đức." "Nhưng bây giờ có ba điều đã xảy ra. Tiền tệ khẩn cấp (tiền giấy được in bởi chính các ngân hàng tư nhân) đã mất giá trị. Việc trao đổi nó (tiền giấy được in bởi ngân hàng tư nhân) và đồng mark của Ngân hàng Đế quốc đã bị cấm. Những khoản vay hào phóng từ Ngân hàng Đế quốc không còn được phân phát nữa, đồng Rentenmark không thể được sử dụng ở nước ngoài. Những lý do này đã khiến các nhà đầu cơ không có được đủ lượng tiền mark từ thị trường ngoại hối để trả nợ, và họ đã chịu nhiều tổn thất."

Câu nói này của Schacht vô tình tiết lộ thông tin quan trọng về sự sụp đổ của đồng mark Đức. Đầu tiên, việc bán khống với quy mô lớn sẽ nhận được những khoản vốn hỗ trợ hết sức "hào phóng" từ Ngân hàng Đế quốc Đức. Do tại thời điểm đó, các nhà đầu cơ dễ dàng tiếp cận các khoản vay với chi phí thấp từ Ngân hàng Trung ương Đức, các khoản vay này được sử dụng để bán khống đồng mark. Đó là một biện pháp quan trọng để hủy diệt đồng mark. Nói cách khác, Ngân hàng Trung ương dưới sự kiểm soát của các chủ ngân hàng quốc tế đã cung cấp một lượng lớn đạn dược để bán khống đồng mark cho các nhà đầu cơ tiền tệ. Thứ hai, các nhà đầu cơ ngoại tệ vay tiền từ các ngân hàng tư nhân ở Đức, trong khi các ngân hàng tư nhận lại "cung cấp hàng" cho các nhà đầu cơ ngoại tệ bằng cách in tiền giấy của chính họ và sau đó chuyển đổi thành đồng mark ở Ngân hàng Trung ương. Các ngân hàng tư nhân của Đức rõ ràng là đồng phạm của các nhà đầu cơ nước ngoài. Những kẻ đó là ai? Schacht đã không chỉ ra một số gia tộc ngân hàng nổi tiếng của Đức, thậm chí kể cả sau khi đảm nhận trọng trách ổn định đồng mark, ông vẫn không hề đả động đến họ. Schacht chỉ ra rằng "một số tổ chức ngân hàng nổi tiếng cũng liên quan đến mánh khóe đầu cơ tiền tệ. Đất nước này vẫn đầy rẫy những kẻ đầu cơ tiền tệ. Nếu có cơ hội để kiếm tiền thì họ thậm chí chẳng buồn coi danh tiếng và uy tín của ngân hàng gia tộc là gì." Sự trừng phạt của ông là Ngân hàng Trung ương phải đình chỉ việc mua lại các loại tiền mặt tự phát hành của các ngân hàng tư nhân này. Thứ ba, tất cả các ngân hàng trong nước vi phạm lệnh cấm cho những nhà đầu cơ nước ngoài vay bằng đồng Rentenmark đều bị trừng phạt.

Từ ngày 7 tháng 4 năm 1924, Schacht ra lệnh cho Ngân hàng Trung ương Đức từ chối cấp tín dụng mới trong vòng hai tháng. Cách làm này nhằm khôi phục sự ổn định của đồng mark Đức. Đồng thời, Schacht cũng áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng nghiêm ngặt. Ông tăng lãi suất cho vay trong một tháng từ 30% lên 45%, và lãi suất thấu chi tăng từ 40% lên 80%. Động thái này đột nhiên khiến tất cả các nhà đầu cơ đồng mark ở nước ngoài gặp rắc rối, buộc họ bất đắc dĩ phải đem ngoại tệ để đổi lấy đồng mark Đức nhằm chi trả cho số tiền họ đã chịu tổn thất bởi việc bán khống đồng mark. Bằng cách này, Ngân hàng Trung ương Đức đã tăng rất nhiều dự trữ ngoại hối. Tháng 4 năm 1924, dự trữ ngoại hối của Đức vào khoảng 600 triệu mark. Đến tháng 8, chỉ trong vòng bốn tháng khi chính sách này được thực thi, dự trữ ngoại hối của Đức đã tăng hơn gấp đôi.

Sau khi Schacht thực hiện nghiêm túc các biện pháp trên, màn thảm sát đồng mark với quy mô lớn cuối cùng đã bị cắt khỏi nguồn cung cấp vốn, nhờ đó đã chấm dứt cuộc tấn công điên cuồng của các nhà đầu cơ nhắm vào đồng mark của Đức. Sau đó, đồng mark Đức đã lấy lại bình ổn trên thị trường ngoại hối.

Tháng 7 năm 1924, khi đồng mark Đức ổn định trở lại, lãi suất cho vay bắt đầu giảm dần. Vào thời điểm đó, do chính sách thắt chặt tín dụng nghiêm ngặt của Schacht, nhiều bưu điện và đường sắt thuộc sở hữu của Chính phủ Đức đã thành lập ngân hàng của riêng họ. Các tổ chức này có cơ cấu rất lớn và thực lực hùng hậu. Họ nhanh chóng tích lũy được số tiền khổng lồ, không những vậy tốc độ tích lũy này còn vượt xa hệ thống ngân hàng tư nhân. Đến cuối năm 1924, giới thương gia và các doanh nhân khác trong xã hội Đức đã nhất trí nhìn nhận rằng đồng Rentenmark và đồng mark Đế quốc có giá trị ngang nhau.

Tại thời điểm này, Schacht đã biến Rentenmark thành đồng mark do Ngân hàng Trung ương Đức phát hành.

Các biện pháp của Schacht cũng có những nét tương đồng sâu sắc với những động thái của Cục Quản lý Tiền tệ Hồng Kông, Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, đó là đẩy chi phí vay tiền của các nhà đầu cơ đến mức mà họ không thể chịu đựng được, "chiêu thức" này sẽ ngay lập tức dập tắt cơn sóng đầu cơ tiền tệ điên cuồng!

Schacht dành cả đời mình để lăn lộn trong vòng tròn của các chủ ngân hàng quốc tế. Trên thực tế, ông không nhất thiết phải tiết lộ những vấn đề liên quan đến nội tình, nhưng ông không cam tâm để cho thế hệ sau bình luận rằng Ngân hàng Đế quốc Đức hoàn toàn bất lực trong siêu lạm phát năm 1923. Với tư cách là người trong cuộc, ông cảm thấy mình cần phải công khai những vấn đề này, Schacht quả thực là người rất có bản lĩnh. Ngoài ra, Schacht vẫn là một người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, ủng hộ sự ổn định của đồng mark Đức, và ông cũng coi đó là nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Khi tận mắt chứng kiến đồng mark hùng mạnh bị phá hủy bởi siêu lạm phát, trong lòng ông dâng trào một sự phẫn nộ không thể diễn tả thành lời. Trong cuốn sách Sự ổn định của đồng mark Đức xuất bản năm 1927, Schacht vẫn biện hộ cho sự khoanh tay đứng nhìn của Ngân hàng Đế quốc Đức. Khi cuốn sách Ma thuật tài chính được xuất bản năm 1967, cuối cùng ông cũng muốn có một "lời giải thích" với lịch sử. Từ năm 1923 đến 1967, sau 44 năm im lặng và âm thầm truy tìm nguyên nhân thực sự dẫn đến cuộc siêu lạm phát, cuối cùng ông đã phá vỡ một số quy tắc bất thành văn trong vòng tròn tài chính Anglo-saxon. Ông sử dụng cách tiếp cận hết sức mập mờ, trong một cuốn sách tưởng chừng đã rơi vào quên lãng từ 44 năm trước, lưu lại một lời giải thích sòng phẳng với chính mình và lịch sử.

Trích "Chương 5, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

  • Đang cập nhật...

Nhận xét