Châu Âu hỗn loạn - phần 5

Bao vây và trỗi dậy: cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Anh và Đức

Nền tảng lập quốc của Anh là thương mại tự do. Ý tưởng này lần đầu tiên được nhà kinh tế người Scotland, Adam Smith đề xuất Theo lý thuyết của các nhà kinh tế cổ điển như Smith, thương mại quốc tế mang lại lợi ích cho cả hai bên. Nếu một loại hàng hóa có chi phí sản xuất thấp hơn ở một quốc gia khác, vậy thì không cần thiết phải sản xuất ở nội địa, bởi vì bỏ tiền ra mua loại hàng hóa đó ở quốc gia khác sẽ hợp lý và có lợi hơn. Trên nền tảng nắm trong tay các thuộc địa rộng lớn chiếm tới 1/6 diện tích đất liền của thế giới, Vương quốc Anh, với khẩu hiệu thương mại tự do, đã buộc các nước chưa tiến hành công nghiệp hóa phải mở cánh cửa thương mại để thực thi chiến lược nuốt chửng thị trường và tài nguyên, từ đó thu lại những khoản lợi nhuận khổng lồ. Việc Anh chiếm đóng nhà Thanh trong Chiến tranh Nha phiến là một ví dụ. Trong nửa đầu thế kỷ XIX, tiến trình công nghiệp hóa ở Đức và quá trình thực dân hóa nước ngoài của họ tụt hậu hơn hẳn so với Anh và Pháp. Khi đó, mô hình thành công của Anh chính là nền tảng chủ đạo trong giới kinh tế học của Đức. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái kinh tế của Anh vào những năm 1870 đã khiến người Đức nhận ra những hạn chế nghiêm trọng của mô hình thương mại tự do của Anh. Họ bắt đầu chuyển sang ủng hộ luận điểm "bảo hộ công nghiệp non trẻ" do nhà kinh tế học người Đức Friedrich Liszt đề xướng.

Friedrich Liszt
Friedrich Liszt

Liszt là một người phê phán Adam Smith, ông đã chỉ ra trong cuốn sách Hệ thống kinh tế chính trị quốc gia rằng: "Nền kinh tế học chính trị theo chủ nghĩa quốc tế do Adam Smith sáng tạo ra coi thương mại tự do là một lý tưởng, trên thực tế là để phục vụ lợi ích của người Anh. Đức cần phải thiết lập một nền kinh tế học chính trị quốc gia, thực hiện bảo hộ thương mại để phục vụ lợi ích cho người Đức." Liszt cho rằng, trong cuộc cạnh tranh tự do với các quốc gia có nền công nghiệp phát triển mạng mẽ, việc một quốc gia lạc hậu và không được bảo hộ muốn trở thành một quốc gia công nghiệp mới nổi là điều bất khả thi. Thời điểm này, các quốc gia lạc hậu nói chung sẽ phải khuất phục trước những cường quốc nắm trong tay ưu thế về công thương nghiệp và hàng hải. Việc yêu cầu một quốc gia tương đối lạc hậu như Đức tiến hành cạnh tranh với một quốc gia giàu mạnh như Vương quốc Anh thông qua thương mại tự do, chẳng khác gì việc để một đứa trẻ vật lộn với người lớn. Trước thực tế này, nếu một quốc gia yếm thế hơn muốn trỗi dậy và trở nên cường thịnh thì bắt buộc phải tiến hành bảo hộ đối với "nền công nghiệp non trẻ" của chính mình. Lý luận về bảo hộ nền công nghiệp non trẻ là sử dụng hệ thống thuế quan làm cốt lõi và coi việc tăng thuế như một phương tiện để đạt được mục tiêu thúc đẩy năng suất trong nước, đặc biệt là năng suất công nghiệp.

Đức quyết tâm phát triển mạnh mẽ ngành vận tải biển và đường sắt, cùng với đó là thực hiện các chính sách bảo hộ thuế quan cho các ngành công nghiệp liên quan trong nước, trau dồi tài năng khoa học và kỹ thuật. Dưới đôi cánh che chở của Chính phủ, sự cần cù và chịu khó của người dân đã giúp Đức nhanh chóng thu hẹp khoảng cách kinh tế với Anh. Năm 1871, "thủ tướng sắt" Bismarck cuối cùng đã hoàn tất đại nghiệp thống nhất nước Đức. Đây là một sự kiện quan trọng mang tính thời đại. Điều đó có nghĩa là cán cân sức mạnh được duy trì ở châu Âu trong hơn 200 năm đã bị phá vỡ. Khu vực Trung Âu bấy lâu nay gồm các quốc gia tản mát và nhược tiểu bỗng chốc được nước Đức thống nhất, ngoan cường và đầy sức bùng nổ sáp nhập làm một. Sự phát triển kinh tế và việc thiết lập mô hình kinh tế mới của Đức đã đặt ra thách thức mạnh mẽ đối với phương châm lập quốc và lợi ích chiến lược của Vương quốc Anh.

Trích "Chương 5, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét