Châu Âu hỗn loạn - phần 7

Max Warburg: sa hoàng kinh tế của tương lai

Wilhelm II (trái) và Max Warburg
Wilhelm II (trái) và Max Warburg

Việc Đức phát triển một đội tàu biển lớn chắc chắn sẽ đòi hỏi một khoản chi tiêu lớn và các chủ ngân hàng quốc tế của Đức sẽ thu được lợi nhuận khổng lồ trong quá trình này. Đồng thời, chiến lược hải quân vĩ đại của Đức chắc chắn sẽ kích thích "dây thần kinh" của nước Anh. Các chủ ngân hàng quốc tế của Anh còn phóng đại thêm mối đe dọa hàng hải từ người Đức lên thành tầm chiến lược, có liên quan đến sự tồn vong của đế chế. Phản ứng bản năng của chính phủ Anh là xây dựng một hạm đội hải quân ở quy mô lớn hơn. Cuộc chạy đua vũ trang này đã vén màn của một bữa tiệc tài chính thịnh soạn và ngon miệng. Cuộc chạy đua vũ trang là một hành vi "bạo lực vô hình có tổ chức" và bắt buộc phải dựa vào nguồn tài chính quy mô lớn. Và thế là, hai nước Anh, Đức và các đồng minh của họ ở châu Âu cùng nhau dốc hết tốc lực để gia tăng tiềm lực quân sự nhằm chuẩn bị cho chiến tranh. Toàn bộ các chủ ngân hàng quốc tế ở châu Âu đều "sung sướng phát điên vì những khoản nợ công lũ lượt ùa tới!"

Max Warburg và Albert Ballin đã có mối giao tình kéo dài hơn 20 năm. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Ballin, Max tham gia vào hội đồng quản trị của công ty Ballin và một số công ty cung ứng khác của Ballin, bao gồm một nhóm các công ty đóng tàu lớn nhất của Đức, như Bromworth. Đối với Bromworth, Ballin là khách hàng lớn nhất của họ, vì vậy khi ông ta yêu cầu cho Max tham gia vào hội đồng quản trị, Bromworth không thể từ chối.

Thông qua sự sắp xếp này, Max nhanh chóng trở thành một nhân vật cốt lõi trong ngành công nghiệp đóng tàu và lĩnh vực thương mại của Đức. Đến năm 1920, Max và các đối tác khác của ngân hàng gia tộc đã đảm nhận các chức vụ điều hành khác nhau trong hội đồng quản trị của 80 – 90 công ty lớn. Họ trở thành nhà lãnh đạo thực thụ của toàn bộ ngành công nghiệp, thương mại và tài chính Đức. Dưới sự vận động mạnh mẽ của Max và Ballin, Hoàng đế Wilhelm II hết sức tự tin với viễn cảnh đại dương của đất nước, chuẩn bị bắt đầu giấc mộng vĩ đại của mình.

Năm 1893, Max tiếp quản Ngân hàng Warburg của gia tộc và trở thành người đứng đầu. Mười năm trôi qua, chàng trai trẻ năm nào giờ đã trở thành gã khổng lồ trong ngành tài chính Đức.

Năm 1903, Max khi đó 36 tuổi lần đầu tiên được Ballin giới thiệu với Hoàng đế Wilhelm II. Thời điểm đó, Thủ tướng Đức là Bullough, tin rằng Hoàng đế Wilhelm II cần nguồn kiến thức tài chính để thúc đầy cải cách tài chính trong nước, vì vậy ông đề nghị Ballin giới thiệu Max với Wilhelm II.

Ballin nói với Max rằng Wilhelm II muốn triệu kiến ông, nhưng chỉ cho 10 phút để phác thảo các vấn đề tài chính. Max từ chối ngay lập tức, ông khăng khăng 10 phút là không đủ. Sự kiên quyết của ông đã khiến Wilhelm II chấp nhận kéo dài thời gian tiếp kiến lên thành 32 phút. Để đảm bảo cho màn ra mắt, Max tập luyện diễn thuyết nhiều lần, cuối cùng, cho ra một bài phát biểu dài 25 phút và 7 phút còn lại được sử dụng để tiến hành thảo luận với Wilhelm II.

Diễn tập thì rất thành công, nhưng khi công diễn lại gặp vấn đề. Wilhelm II là một người đàn ông có tính khí gắt gỏng và cực kỳ thất thường. Khi Max mới bắt đầu Wilhelm II đã ngắt lời: "Sa hoàng Nga sẽ sớm đi tong thôi." Max trả lời: "Bệ hạ, không đâu, Sa hoàng Nga sẽ không thể đi tong."

Sau đó Max bắt đầu giải thích, bởi vì Nga vừa phát hành một khoản vay mới, khoản vay ban đầu đã được trả hết, và không làm gia tăng tổng nợ quốc gia. Thấy Max trực tiếp bác bỏ ý kiến của mình, Wilhelm II lập tức tức giận và hét lên: "Sa hoàng Nga chắc chắn sẽ đi đời, dù thế nào cũng sẽ đi đời!" Hét xong liền phủi tay bỏ đi, bỏ lại Max trơ trọi một mình. Về sau khi nhắc tới chuyện này, Max đùa rằng: "Vị thính giả của tôi đáng lẽ phải cho tôi 32 phút nhưng cuối cùng tôi chỉ mất có 3 phút là xong."

Cho dù "công diễn thất bại", nhưng do địa vị quan trọng của Max, nên Wilhelm II vẫn dành sự ưu ái hết mực cho ông. Năm sau, Wilhelm II lại triệu kiến Max, một lần nữa nâng ly và nói với ông rằng đã sẵn sàng nghe bài diễn giảng cải cách tài chính đã bị trì hoãn suốt một thời gian dài vừa qua.

Wilhelm II là người kiêu ngạo và tự phụ. Việc ông thể hiện thái độ thỏa hiệp không phải là một điều dễ dàng. Điều đó đủ để thấy địa vị của Max trong tâm trí của ông. Trong cuộc trò chuyện, Wilhelm II miễn cưỡng thừa nhận rằng Sa hoàng Nga sẽ không thể phá sản ngay lập tức, nhưng Max vẫn chưa thỏa mãn, ông nói thêm: "Tôi đã từng nói điều này với Đức vua rồi." Wilhelm II tức đến nỗi đập rầm xuống bàn: "Chẳng lẽ lần nào ông cũng nói đúng hay sao?" Thấy Wilhelm II sắp sửa hậm hực bỏ đi, Max lập tức xin lỗi, nhờ vậy ông mới có thể giảng cho Wilhelm II về vấn đề cải cách tài chính đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Kể từ đó, Max thường xuyên diện kiến Wilhelm II. Mối quan hệ giữa hai người có những điểm khác biệt so với mối quan hệ của Breslauer và Bismarck. Bismarck tiếp thu các kế sách của Breslauer, nhưng ông vẫn giữ chủ kiến của riêng mình. Còn Wilhelm II dù tính cách rất cố chấp, nhưng lại thích được "rót mật vào tai" nên rất dễ bị người khác thuyết phục. Mỗi khi Max nghĩ mình đã thành công trong việc thuyết phục hoàng đế, thì bất ngờ Wilhelm II lại nghe theo người khác và đột nhiên thay đổi ý định.

Tại Đức vào thời điểm đó, giới quý tộc Junker và các sĩ quan quân đội Phổ luôn có thái độ thù địch và chống lại người Do Thái, nguyên nhân chủ yếu là vì vấn đề lợi ích. Tư tưởng của giai cấp quý tộc địa chủ Junker tương đối bảo thủ. Lợi ích nhóm của họ là bảo vệ giá nông sản, yêu cầu tăng hàng rào thuế quan và ngăn chặn các đối thủ nước ngoài. Trong khi đó, các công ty vận chuyển đường biển và các chủ ngân hàng Do Thái thống trị lĩnh vực thương mại hàng hải thì kiên quyết phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Lý do rất đơn giản: Một khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại trở nên phổ biến thì thương mại quốc tế sẽ không thể tiếp tục tiến hành, một khối lượng lớn các nghiệp vụ và dịch vụ tài chính đối với lĩnh vực thương mại quốc tế của họ cũng chẳng còn thị trường nữa. Do đó, giữa giai cấp địa chủ Junker và các chủ ngân hàng Do Thái đã hình thành những xung đột hết sức gay gắt. Điều này có những điểm rất giống với các tranh chấp trong thương mại quốc tế ngày nay. Lực lượng chính ủng hộ thương mại tự do, thuế quan thấp hơn và thúc đẩy toàn cầu hóa về cơ bản là các tập đoàn đa quốc gia và tập đoàn tài chính quốc tế. Ngược lại, đa số những người phản đối là các lực lượng quốc gia và địa phương – vốn sẽ bị tổn hại bởi thương mại tự do.

Cho dù đó là toàn cầu hóa hay thương mại tự do, đây không phải là những khẩu hiệu của lý thuyết hay nguyên tắc, mà chỉ đơn thuần liên quan đến lợi ích sát sườn.

Bị ảnh hưởng bởi những lời thuyết phục ngon ngọt của Max và Ballin, Wilhelm II bắt đầu nảy sinh tham vọng đối với đại dương và sẵn sàng tạo ra những thành tựu to lớn. Khi nước Đức hừng hực khí thế, vận động sức người sức của để xây dựng đội tàu khổng lồ thì Vương quốc Anh cũng không chịu ngồi im. Họ cũng vội vã bắt tay thực hiện kế hoạch chế tạo nên những con tàu khổng lồ. Vào đầu thế kỷ XX, hai nhóm quyền lực lớn với Vương quốc Anh và Đức là nòng cốt đã phát động một cuộc đọ sức sinh tử giữa bao vây và chống bao vây, khắc chế và trỗi dậy trên lục địa châu Âu, mở ra một trang sử dữ dội và đẫm máu nhất trong lịch sử thế giới cận đại.

Trích "Chương 5, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét