Nước Mỹ "người trong cuộc" của quyền lực tài chính - phần 8

Seligman: cha đẻ thực sự của Panama

Jesse Seligman
Jesse Seligman

Sau khi Joseph Seligman qua đời, người em trai của ông là Jesse Seligman trở thành người đứng đầu mới của ngân hàng gia tộc. Kênh đào Suez hoàn thành năm 1869 đã hiện thực hóa ý tưởng kết nối hai lục địa. Việc xây dựng một kênh đào ở khu vực Panama thuộc vùng biển Caribbean, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, sẽ giúp giảm đáng kể khoảng cách và thời gian vận chuyển từ Thái Bình Dương đến Bờ Đông của Mỹ. Không còn nghi ngờ gì nữa, kế hoạch này rõ ràng có giá trị chiến lược quan trọng.

Jesse Seligman là người thúc đẩy chính của dự án. Ông đã giúp thành lập Công ty Kênh đào Panama của Pháp để điều hành dự án. Ngân hàng Seligman chịu trách nhiệm phát hành cổ phiếu của công ty. Lúc đó, công ty Pháp này cực kỳ khao khát được sử dụng thương hiệu gia tộc Seligman để huy động vốn, và họ không tiếc tay thanh toán một lần trị giá 300.000 đô-la như một khoản phí sử dụng thương hiệu. Tổ chức bảo lãnh phát hành của Công ty Kênh đào Panama đã nhanh chóng được thành lập tại Mỹ, trong đó Seligman, Zogso và Morgan hợp tác với nhau với tư cách là đơn vị bảo lãnh cho việc phát hành cổ phiếu của Mỹ. Phụ trách tiêu thụ tại Pháp là Ngân hàng Seligman chi nhánh Pháp và Ngân hàng Paribas.

Ban đầu, chi phí xây dựng ước tính khoảng 114 triệu đô-la, tổng số cổ phiếu bán ra đã lên tới 600 triệu đô-la, xem ra khoản vốn huy động được đã là quá đủ. Sau khi hoàn thành, kênh đào sẽ do chính phủ Pháp quản lý. Tất nhiên, việc này đã gây nên một làn sóng phản ứng dữ đội trong xã hội Mỹ. Một mặt, nhiều người chỉ trích dự án này dẫn lối cho các thế lực cường quyền châu Âu, giúp họ kiểm soát các tuyến đường thủy quan trọng và chỉ trích Seligman bán rẻ lợi ích của nước Mỹ. Mặt khác, suốt bao năm nay Mỹ vẫn muốn xây dựng một kênh đào nối hai đại dương ở Nicaragua thuộc khu vực Trung Mỹ. Xét từ quan điểm địa lý, Nicaragua gần với Mỹ hơn. Nếu có một kênh đường thủy thông thương thiết lập qua hồ Nicaragua thì sẽ phù hợp hơn với những cân nhắc thực tế. Trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1873 nổ ra, các công ty Mỹ thường xuyên đến đây làm công tác thăm dò khảo sát, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến cho toàn bộ dự án rơi vào bế tắc. Tại thời điểm này, do tầm quan trọng của hai dự án trên là tương đương nhau nên chúng đã trở thành một vấn đề chính trị trọng đại.

Seligman và gia tộc Morgan ủng hộ chương trình Kênh đào Panama. Một số phương tiện truyền thông Mỹ cũng chỉ trích họ bán rẻ quyền lợi của Mỹ cho Pháp. Những người khác cho rằng đây là một âm mưu của người Do Thái. Seligman tuyên bố trên một tờ báo ở New York rằng đây là một dự án tư nhân, không liên quan đến đất nước này và hoạt động của công ty sẽ mang lại những lợi ích cực lớn, các máy móc và thiết bị sử dụng trong dự án sẽ được mua từ Mỹ, điều đó đảm bảo lợi ích tối đa của nước Mỹ. Sau đó, vị anh hùng nổi tiếng người Pháp – De Lesep được quảng bá rầm rộ để trở thành người phụ trách xây dựng kênh đào Suez. Nhờ De Lesep nên doanh số bán cổ phiếu của Công ty Kênh đào Panama tại Pháp không gặp phải bất kỳ trở ngại nào, và việc bán cổ phiếu tại thị trường Mỹ cũng hết sức thuận lợi, thậm chí còn được đặt mua vượt mức.

Công việc động thổ sắp bắt đầu và De Lesep đã quyết định xây dựng một kênh đào ngang bằng với mực nước biển, do đó không cần thiết phải sử dụng âu tàu (Âu tàu còn gọi là Hệ thống khóa nước, là một "thiết bị" lắp đặt trên các kênh rạch hoặc cảng biển để tăng và giảm mực nước, giúp các phương tiện giao thông đường thủy đi vào hệ thống đường thủy liền kề có mực nước chênh lệch nhau - ND), và việc xây dựng dự kiến mất khoảng bảy năm. Ông và các kỹ sư đã đi khảo sát những ngọn núi và thung lũng địa phương, bao gồm cả môi trường tự nhiên như thác nước. Năm 1884, chính phủ Nicaragua và Mỹ đã ký hiệp ước kênh đào. Nếu nó được hoàn thành một cách thuận lợi thì sẽ có hai kênh đào song song ở khu vực Trung Mỹ. Ngay sau khi đào kênh, De Lesep gặp phải nhiều khó khăn và cảm thấy bắt buộc phải xây dựng âu tàu mới, bởi có thể sẽ xuất hiện chênh lệch mực nước ở cả hai bên, vấn đề âu tàu đã khiến ông vật lộn suốt hơn hai năm. Sau chín năm xây dựng, De Lesep dử dụng hết 400 triệu đô-la, gấp bốn lần ngân sách ban đầu. Tuy nhiên, 1/3 dự án cũng không được hoàn thành và toàn bộ dự án lâm vào rắc rối nghiêm trọng. Và người anh hùng Pháp bị đuổi về nước, Quốc hội Mỹ tổ chức một cuộc điều tra về nguyên nhân các nhà đầu tư Mỹ chi quá nhiều tiền và chịu nhiều tổn thất với dự án kênh đào này, trong khi các chủ ngân hàng như Seligman và Morgan lại kiếm được bộn tiền nhờ việc bảo lãnh cổ phiếu của dự án. Sau khi điều tra đã phát hiện Jesse Seligman có ý định sắp xếp cho người bạn cũ của mình, cựu Tổng thống Mỹ Grant, làm Chủ tịch Ủy ban kênh đào với mức lương hằng năm là 24.000 đô-la, nhưng Grant đã từ chối. Jesse đã tìm đến Bộ trưởng Bộ Hải quân của Tổng thống Hayes Thompson. Thompson đã quyết đinh từ chức Bộ trưởng Bộ Hải quân và chấp nhận công việc.

Kênh đào Panama
Kênh đào Panama

Cuộc khảo sát cho thấy Seligman ký kết nhiều thỏa thuận và hợp đồng với một số nhà cung cấp thiết bị máy móc, tất cả những điều này tạo ra xung đột lợi ích trong cuộc điều tra của Quốc hội. Tại thời điểm điều tra, một thượng nghị sĩ đã hỏi Jesse Seligman tại sao một người như Thompson lại được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Kênh đào: "Ông ấy không phải là một nhà tài chính vĩ đại, đúng không?" Jesse trả lời: "Vâng, nhưng ông ấy là một chính trị gia và luật sư tuyệt vời." Thượng nghị sĩ lại hỏi: "Ông đã từng giao vị trí này cho tướng Grant, ông ấy là một chiến binh vĩ đại và là thận tượng của công chúng, nhưng ông ấy không phải là một luật sư hay nhà tài chính vĩ đại, hay là một chính trị gia vĩ đại, phải không?" Seligman bình tĩnh trả lời: "Tướng Grant là một người bạn cực kỳ thân thiết của tôi, tôi sẽ luôn đối đãi một cách đặc biệt với bạn bè của mình."

Với tư cách là một Bộ trưởng Bộ hải quân, vài ngày sau cái chết của Joseph, Thompson đã viết thư cho Jesse, Seligman hy vọng sẽ đưa bức thư vào hồ sơ tài liệu của cuộc điều tra. Bức thư đề cập rằng: "Trong nhiệm kỳ chính thức của mình, tôi đã rất may mắn khi hiểu được khá nhiều về tính cách của Joseph. Lần tiếp xúc đầu tiên giữa tôi và ngân hàng gia tộc của họ là thông qua anh ấy, lúc đó là mùa hè năm 1877, khi đó Bộ Hải quân đang nằm dưới sự quản lý của tôi, Vào thời điểm đó, tình hình tài chính của Bộ Hải quân quả thực khiến người ta cảm thấy xấu hổ, chủ yếu la khoản nợ lên tới hàng trăm ngàn đô-la từ ngân hàng của gia tộc này, không những vậy khoản nợ vẫn không ngừng tăng thêm. Vào thời điểm đó, Bộ Hải quân không thể trả được toàn bộ khoản nợ, thậm chí ngay việc thanh toán một phần lớn của số nợ cũng là điều bất khả thi. Điều này đã gây ra những rắc rối và khó khăn lớn cho chính phủ, và cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục vụ của Bộ Hải quân. Khi Joseph Seligman biết được điều này, ông đã lập tức đề nghị gia hạn tất cả các khoản nợ cho năm tài chính tiếp theo và cho phép (Bộ Hải quân) tiếp tục vay. Lời đề nghị của ông mang đậm tinh thần của chủ nghĩa ái quốc. Khi đó tôi cảm thấy rất biết ơn và chấp nhận đề nghị của ông ấy để Bộ Hải quân của chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn nhất."

Bức thư được viết một cách kịp thời và rất có sức nặng, giải cứu Seligman ra khỏi hiểm cảnh của búa rìu dư luận. Cuối cùng, cuộc điều tra của Quốc hội đã không tìm thấy bất kỳ hành vi sai trái nào từ Seligman và những người khác, nhưng vụ việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của gia tộc Seligman và hình ảnh Phố Wall. Vì vậy, Quốc hội quyết định bắt đầu xây dựng Kênh đào Nicaragua ngay lập tức.

Philippe Bunau-Varilla
Philippe Bunau-Varilla

Trong khi hai bên đang tranh cãi kịch liệt về việc kênh đào cần phải đi qua những khu vực nào, Seligman đã móc nối với một số người bạn để làm "nội ứng" trong Quốc hội, bao gồm thượng nghị sĩ Mark Hanna – nhà lãnh đạo của Ủy ban Nghiên cứu và xác định lộ tuyến của kênh đào. Seligman đã thỉnh cầu thượng nghị sĩ Mark Hanna đề xuất với Quốc hội tạm thời không đưa ra quyết định thời gian này, chờ đến khi Ủy ban điều tra gửi báo cáo. Thượng nghị sĩ đã nhận lời, và Quốc hội cũng đồng ý. Tuy nhiên, kết quả đã khiến Seligman thất vọng, cuộc điều tra của Ủy ban kết luận họ có khuynh hướng lựa chọn lộ tuyến ở Nicaragua. Trong cơ tuyệt vọng, gia tộc Seligman tìm đến Philippe Bunau-Varilla ở Paris để tiến hành vận động hành lang.

Năm 10 tuổi, Philippe đã mơ ước được đào một kênh ở Panama. Khi nghe tin De Lesep đã xây dựng kênh đào Suez thành công, suy nghĩ của anh thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Khi Seligman tìm đến Philippe, anh lập tức nhận công việc này. Sau đó anh đến Mỹ và bắt đầu tiến hành các bài phát biểu với tần suất dày đặt. Thật không may, cuộc vận động hành lang của Philippe ở Mỹ suốt vài tháng đã không đem lại hiệu quả. Cuối cùng, Quốc hội bỏ phiếu nhất trí ủng hộ lộ tuyến Nicaragua. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Seligman, Philippe đã tham gia chiến dịch vận động hành lang quan trọng cuối cùng, cố gắng đảo ngược quyết định của Thượng viện. Philippe gần như điên cuồng vận động cho những lợi thế của lộ tuyến Panama và tổ chức nhiều bài phát biểu đầy đam mê. Niềm đam mê này được phóng đại đến mức Đại sứ Pháp tại Mỹ nghĩ Philippe đã phát diên và vội vàng thống báo cho anh trai của Philippe ở Paris. Anh trái của Philippe vội vã từ Paris đến Mỹ và thấy Philippe đã không còn giữ nổi bình tĩnh. Dưới sự kích thích của số tiền khổng lồ, Philippe đã bước vào trạng thái hoang tưởng.

Tại thời điểm khẩn cấp và nhạy cảm này, một sự kiện mang tính bước ngoặc xảy ra. Ngọn núi lửa St. Vincent thuộc khu vực quần đảo Tây Ấn bất ngờ phun trào và giết chết hàng ngàn người. Hai ngày trước đó, Pili – một ngọn núi lửa vốn được coi là "đã chết" cũng phun trào và khiến 3.000 người thiệt mạng. Nicaragua có núi lửa, nhưng Panama thì không. Philippe thấy được cơ hội, anh ngay lập tức chạy đến bưu điện, tìm một con tem Nicaragua với giá 5 peso trong cửa hàng bưu phẩm, trên con tem vẽ cảnh một núi lửa phun trào với tro muội dày đặc. Như tìm được báu vật, ngay lập tức Philippe mua liền 90 con tem dán lên 90 bức thư và gửi cho từng nghị sĩ. Trong thư, anh viết rằng hình ảnh trên tem là bằng chứng lịch sử cho thấy những vụ phun trào núi lửa thường xuyên xảy ra ở khu vực Nicaragua. Chỉ còn ba ngày là đến thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu cuối cùng của Thượng viện. Seligman và Philippe chờ đợi trong tâm trạng hết sức lo lắng, một ngày dài như cả trăm năm. Cuối cùng, Thượng viện đã bỏ phiếu ủng hộ lộ tuyến Panama với sự chênh lệch 8 phiếu, Seligman cực kỳ vui mừng trước thông tin này. Ngay lập tức Philippe lại mua thêm tem núi lửa và gửi chúng cho tất cả các thành viên của Hạ viện. Chẳng bao lâu sau, Hạ viện cũng bắt đầu thay đổi lập trường.

Seligman và Philippe không có thời gian để ăn mừng, bởi họ đang phải đối mặt với một vấn đề mới nghiêm trọng hơn. Panama là một tỉnh của Colombia vào thời điểm đó, chính phủ Colombia thay đổi quyết định và không chấp nhận cung cấp một đoạn kênh. Philippe ngay lập tức gây áp lực lên Colombia và sử dụng rất nhiều tiền để vận động hành lang đối với các quan chức chính phủ Colombia, nhưng Quốc hội Colombia vẫn từ chối hiệp ước kênh đào. Nếu Colombia không chấp thuận xây dựng kênh đào ở Panama thì coi như mọi nỗ lực của Seligman đã đổ sông đổ bể, bao gồm cả việc gửi những bức thư có dán tem hình ảnh núi lửa phun trào.

Gần như rơi vào tình trạng tuyệt vọng, Philippe than thở với Seligman: "Chúng ta đã thua rồi, trừ khi Panama ly khai khỏi Colombia, nhưng điều đó đồng nghĩa với một cuộc cách mạng." Jesse Seligman đã hỏi Philippe sẽ tốn bao nhiêu tiền để tạo ra một cuộc cách mạng? Philippe hiểu ý Seligman và ngay lập tức triệu tập một nhóm người theo đuổi chủ nghĩa ly khai Panama để thảo luận về kế hoạch cách mạng và bắt đầu tính toán chi phí của nó. Phe ly khai Panama khẳng định họ cần ít nhất 6 triệu đô-la để trả cho quân du kích địa phương. Philippe nhanh chóng báo cáo với Seligman rằng 6 triệu đô-la là chi phí thấp nhất của cuộc cách mạng. Seligman cảm thấy lời để nghị đó là thái quá và đưa ra mức khởi điểm là 100.000 đô-la, và đó phải là một cuộc cách mạng triệt để. Phe ly khai Panama chấp nhận điều khoản này một cách dễ dàng.

Sau khi đạt được thỏa thuận, Philippe nhanh chóng chạy tới văn phòng của Seligman và soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập PanamaHiến pháp Panama ngay trên bàn làm việc của các đối tác ngân hàng. Sau đó, anh lên tàu đến Washington để gặp Tổng thống Roosevelt, như ông đã nói trong hồi ký của mình: "Tôi nói với Tổng thống Roosevelt, yêu cầu ông chấp nhận một điều kiện của tôi, khi cuộc cách mạng nổ ra, tàu chiến Mỹ sẽ xuất hiện gần Panama để bảo vệ cuộc sống và lợi ích của người Mỹ. Lợi ích này của Mỹ cũng bao gồm lợi ích của Seligman, Tổng thống chỉ nhìn tôi và không nói gì. Đương nhiên Tổng thống Mỹ không thể cho tôi một lời hứa như vậy, đặc biệt là với một người nước ngoài như tôi. Nhưng ông ấy đã cho tôi một cái nhìn, đối với tôi như vậy là đủ." Nói cách khác, Tổng thống Roosevelt đã ngầm chấp thuận việc này.

Khi cuộc cách mạng nổ ra vào năm 1903, quả thực tàu chiến Mỹ Nassier đã nhanh chóng tới Panama để theo dõi tiến trình của cuộc cách mạng. Sự xuất hiện của tàu chiến Nassier có thể được coi là sự ủng hộ của Mỹ đối với phe ly khai ở Panama, và ở một mức độ nhất định, nó đã đóng vai trò uy hiếp chính phủ Colombia hạ vũ khí và giúp Panama giành độc lập. Khoảnh khắc này đánh dấu chiến thắng vĩ đại của Seligman. Để cảm ơn các công thần và bạn bè của mình, gia tộc Seligman đã sắp xếp một công việc rất thú vị cho Philippe. Philippe Bunau-Varilla, với tư cách là công dân Pháp, đã được bổ nhiệm làm Đại sứ đầu tiên của Cộng hòa Panama tại Mỹ.

Tại thời điểm này, các chủ ngân hàng quốc tế đã có đủ năng lực để tạo nên một cuộc cách mạng lớn, phân chia quốc gia hoặc chiến tranh để hiện thực hóa lợi ích của chính họ. Panama đã giành được độc lập một cách kỳ diệu như vậy. Trên thực tế, gia tộc Seligman thực sự là "cha đẻ" của Panama.

Trích "Chương 4, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét