Nước Pháp nơi cát cứ của quyền lực tài chính - phần 10 - hết

Các chủ ngân hàng Công giáo: thế lực thứ ba

Một phần trong chiến tranh Pháp-Phổ - Trận Wörth- Thái tử Friedrich và quân sĩ sau chiến thắng, thạch bản của bức tranh của Georg Bleitreu
Một phần trong chiến tranh Pháp-Phổ - Trận Wörth - Thái tử Friedrich và quân sĩ sau chiến thắng, thạch bản của bức tranh do Georg Bleitreu vẽ.

Trước năm 1870, thế lực của các nhóm gia tộc ngân hàng Pháp đại khái là sự so kè sát nút giữa các ngân hàng Do Thái và chủ ngân hàng Thanh giáo. Trong số các gia tộc ngân hàng Do Thái, gia tộc Rothschild rõ ràng nắm giữ vị thế lãnh đạo. Trong hệ thống các gia tộc ngân hàng Thanh giáo, người lãnh đại là gia tộc Mirabaud. Các gia tộc ngân hàng Công giáo không chịu sự đàn áp tôn giáo như người Thanh giáo và chủ ngân hàng Do Thái, đó cũng là lý do tại sao họ thiếu sự gắn kết.

Sau khi chiến tranh Pháp – Phổ kết thúc năm 1870, gia tộc ngân hàng thứ ba, tức các gia tộc ngân hàng Công giáo đã dần dần hình thành tại Pháp. Nhóm này bao gồm Davillier, Lubersac, Demachy, Goudchaux, Lehideux và các gia tộc ngân hàng khác. Tuy nhiên, thế lực thứ ba này thực sự là một lực lượng kém ổn định hơn và họ nhanh chóng tách thành hai phe. Một phe gồm các ngân hàng Công giáo thì dần dần thành lập liên minh với mạng lưới của gia tộc Rothschild và ủng hộ việc thành lập nền Cộng hòa thứ ba; một phe thì chủ yếu hợp tác với các tập đoàn công nghiệp nặng đang trên đà trỗi dậy, và những gia tộc chủ lực của tập đoàn công nghiệp nặng đều là các tín đồ Công giáo, trong đó "Ông vua thép Pháp" Schneider là người nắm vai trò lãnh đạo. Trong số ba thế lực này, rõ ràng gia tộc Rothschild nắm ưu thế tuyệt đối.

Sự tiến hóa của quyền lực tài chính: từ quyền sở hữu đến quyền khống chế

Trong lịch sử nước Pháp, bất luận là gia tộc Rothschild hay gia tộc Bellella, hai nhóm quyền lực lớn này đều có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với chính phủ, nhưng mối quan hệ của họ với nền kinh tế thực thể của Pháp lại rất yếu. Ngoài việc đầu tư khá nhiều vào lĩnh vực đường sắt, sự quan tâm của họ với các ngành kinh tế thực tế khác là không lớn. Có hai lý do chính. Thứ nhất, Pháp có ngân sách dự trữ tương đối dồi dào cho nhu cầu vốn trong giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp, khiến việc cạnh tranh giữa các ngân hàng quốc tế không tạo ra nhiều lợi nhuận, nên họ không cố nhiều động lực. Thứ hai, các cuộc chiến tranh giữa chính phủ và nước ngoài sẽ làm nảy sinh nhu cầu lớn về nợ công, lợi nhuận vừa cao vừa được đảm bảo, và đó là những khoản đầu tư sẽ tạo ra lợi nhuận khủng khiếp và không có nhiều rủi ro. Ngoài ra, ở các quốc gia khan hiếm nguồn vốn, lợi nhuận từ các dự án như vậy là tương đối khả quan, lại có sự bảo lãnh của chính quyền địa phương, cũng thuộc dạng đầu tư có lợi nhuận cao và đáng tin cậy. Trong hoàn cảnh này, kỳ thực nguồn tiền của các ngân hàng quốc tế sẽ không đổ trực tiếp vào vòng tuần hoàn kinh tế thực thể của quốc gia, mà sẽ được dùng để tìm kiếm các thương vụ mang lại lợi nhuận cao trên thị trường quốc tế.

Xét theo mô thức vận hành của ngân hàng, nhu cầu tài chính của các ngành dệt, luyện kim, vận tải và máy móc trong những ngày đầu phát triển chủ nghĩa tư bản công nghiệp ở Pháp khá hạn chế, các ngân hàng tư nhân Pháp đã đủ để đối ứng. Đồng thời, người Pháp yêu thích tiết kiệm thường tỏ ra bảo thủ hơn trong hướng đầu tư của mình. Họ thích mua những trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp ổn định và đáng tin cậy và không mấy hứng thứ với kiểu đầu tư có tính rủi ro cao như mua bán cổ phiếu. Nếu đầu tư vào công nghiệp, họ có xu hướng lựa chọn các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp gia tộc, ít sẵn sàng đầu tư vào các tổ chức thương mại hoặc công ty lớn. Vì vậy các ngân hàng cổ phần với quy mô lớn phát triển rất chậm ở Pháp, điều này cũng tương tự như Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, cùng với việc xây dựng các dự án đường sắt quy mô lớn, cục diện này đã có những thay đổi sâu sắc.

Thời kỳ cao điểm của việc xây dựng đường sắt Pháp là từ năm 1830 đến 1870. Việc xây dựng các dự án đường sắt thường đòi hỏi việc huy động vốn với quy mô lớn, và nhu cầu vốn vượt xa khả năng đáp ứng của hệ thống ngân hàng tư nhân truyền thống. Hoạt động đầu tư của các ngân hàng tư nhân chủ yếu phụ thuộc vào lượng tiền tích trữ của một ngân hàng nhất định. Mô hình ngân hàng kiểu này đã gặp phải những thách thức lớn trong thời kỳ đại công nghiệp, đặc biệt là trong quá trình nổi lên của việc xây dựng đường sắt trong các hệ thống công nghiệp hiện đại. Để đáp ứng nhu cầu tài chính quy mô lớn trong giai đoạn hậu Cách mạng Công nghiệp, hệ thống tài chính bắt buộc phải thành lập một ngân hàng đầu tư hoàn toàn mới theo chế độ cổ phần, ngân hàng tiền gửi, ngân hàng tiết kiệm và một loạt các tổ chức tài chính mới như các công ty bảo hiểm. Những tổ chức tài chính này sẽ tập trung nguồn tiền tiết kiệm của các khách hàng nhỏ lẻ, thông qua hoạt động của các ngân hàng đầu tư, để dẫn vốn vào lĩnh vực công nghiệp – nơi nhu cầu vốn đặc biệt lớn, từ đó mang lại lợi nhuận đáng kể.

Trong mô hình ngân hàng đầu tư theo chế độ cổ phần mới, vai trò của các chủ ngân hàng tư nhân đã thay đổi từ một người cho vay bằng tiền riêng của mình thành một người quản lý và huy động nguồn vốn công cộng. Trên thực tế, quá trình này rất có lợi cho các chủ ngân hàng tư nhân. Trước đây, do các ngân hàng tư nhân sử dụng vốn của mình để cho vay, thế nên sự kiểm soát của các ngân hàng tư nhân đối với các ngành nghề là rất dễ nhận biết và thiếu tính bảo mật. Trong khi đó, với vai trò là người quản lý tài sản của các khách hàng công chúng, trong quá trình gia tăng sức kiểm soát đối với tài sản, họ cũng lặng lẽ gia tăng tính bảo mật trong quy trình hoạt động của mình. Trong mô hình quản lý tài sản này, họ sẽ không công khai danh tính của mình và chủ yếu hoạt động đằng sau hậu trường. Sự sắp xếp hệ thống tư bản tài chính tinh vi này sẽ cách ly một cách hiệu quả ánh mắt tò mò của công chúng.

Đằng sau hàng loạt các tổ chức tài chính mới nổi này, các thành viên của hội đồng quản trị về cơ bản là thuộc cùng một gia tộc ngân hàng. Ngân hàng Paribas là một điển hình trong số đó.

Từ năm 1870 đến khi Chiến tranh thế giới Thứ hai bùng nổ, Pháp trải qua thời kỳ của nền Cộng hòa thứ ba. Các gia tộc ngân hàng Do Thái do gia tộc Rothschild đứng đầu là tập đoàn quyền lực tài chính chính ủng hộ nền Cộng hòa thứ ba, nhưng các gia tộc ngân hàng Thanh giáo và Công giáo lại có xu hương chống lại nền Cộng hòa thứ ba này. Các gia tộc ngân hàng Do Thái do Rothschild đứng đầu đã thu được những lợi ích rất lớn khi nắm được quyền kiểm soát Ngân hàng Paribas – một ngân hàng đầu tư theo chế độ cổ phần lớn nhất và quan trọng nhất ở Pháp. Vào đầu thế kỷ XX, Ngân hàng Paribas đóng vai trò mang tính quyết định trong đời sống kinh tế và chính trị của Pháp.

Đến năm 1931, Ngân hàng Paribas do gia tộc Rothschild kiểm soát đã có tổng cộng 357 công ty niêm yết tại Pháp, các thành viên gia tộc và quản lý cấp cao của các ngân hàng gia tộc kiểm soát 180 ghế thành viên hội đồng quản trị của 120 công ty. Sự kiểm soát này được thiết kế một cách hết sức tinh vi thông qua chủ nghĩa tư bản tài chính. Ví dụ như thiết kế chặt chẽ trong quyền không biểu quyết (nonvoting) và quyền bỏ nhiều phiếu (multivoting) trong chế độ cổ phần, hay phương thức mà trong đó những thành viên hội đồng quản trị cũ bỏ phiếu bầu các thành viên hội đồng quản trị mới, v.v… Đây đều là những thủ đoạn hết sức hiệu quả để một số lượng cực ít các cổ đông đặc thù có thể khống chế tài sản của đa số các cổ đông còn lại. Hoặc lấy một ví dụ khác, số cổ phiếu mà các cổ đông đặc quyền nắm giữ trong tay sẽ tương đương với 1 cổ phiếu – 1 phiếu bầu, nhưng trong số cổ phiếu phát hành ra công chúng, mỗi cổ phiếu chỉ có quyền bỏ phiếu với tỉ lệ 1/10, cách sắp xếp như vậy nhằm đảm bảo quyền kiểm soát thực tế của cổ đông đặc quyền đối với việc bổ nhiệm hội đồng quản trị của công ty và hoạt động của công ty.

Để chống lại ảnh hưởng của Ngân hàng Paribas, các chủ ngân hàng Thanh giáo đã thành lập ngân hàng đầu tư cổ phần của riêng họ vào năm 1904, đó là Ngân hàng Liên hợp Paris (Union Parisienne). Từ năm 1904 đến 1919, với Ngân hàng Liên hợp Paris là cốt lõi, các chủ ngân hàng Thanh giáo đã hợp nhất các lực lượng tài chính khác nhau và tiến hành cạnh tranh với lực lượng ngân hàng Do Thái, trong đó Ngân hàng Paribas làm nòng cốt. Trên thực tế, việc hệ thống ngân hàng Thanh giáo và hệ thống ngân hàng Do Thái tranh giành quyền lực chính trị và kinh tế của Pháp đã góp phần lớn vào sự tê liệt của hệ thống chính trị và kinh tế Pháp. Đặc biệt vào giai đoạn 1934 – 1938, cuộc đấu tranh giữa hai nhóm quyền lực lớn này đạt đến một mức độ khốc liệt chưa từng có, dẫn đến sự phục hồi chậm chạp của Pháp trong cuộc Đại khủng hoảng, hậu quả nghiêm trọng hơn là sự thất bại nhanh chóng của Pháp trong Thế chiến II năm 1940.

Đánh giá từ tình hình của các công ty niêm yết của Pháp, tổng số công ty đăng ký tại Sở Giao dịch Chứng khoán Paris năm 1936 là 1.506. Khoảng 600 trong số đó là những công ty siêu quan trọng, có liên quan đến nền kinh tế quốc gia và đời sống của người dân. Ngoài ra còn có khoảng 200 công ty quan trọng nhưng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán và có khoảng 800 công ty "nặng ký" đối với nền kinh tế Pháp. Trong số các công ty này, nhóm các gia tộc ngân hàng Do Thái kiểm soát hơn 400 công ty, đối thủ của họ kiểm soát hơn 300 công ty, và chỉ có hơn 100 công ty nằm dưới sự kiểm soát của các thế lực khác hoặc không bị khống chế. Trong Thế chiến II, giai đoạn bốn năm Pháp bị Đức chiếm đóng, tài sản của các gia tộc ngân hàng Do Thái bị tước đoạt thẳng tay, bao gồm cả kiểm soát các công ty niêm yết. Tất nhiên sau chiến tranh, tất cả quyền lực được phe chiến thắng thu hồi lại, và nước Đức do đã chiến bại nên buộc phải bồi thường.

Bao gồm cả hai nhóm quyền lực gia tộc ngân hàng, theo thống kê thì có 183 thế lực tài chính lớn đã kiểm soát nước Pháp vào thời điểm đó, và họ trở thành tiền thân của "200 gia tộc" nổi tiếng của Pháp. Ngoài ra, các gia tộc tài chính đã tăng cường thâm nhập vào giới chính trị và báo chí, việc các chủ ngân hàng đầu tư vào báo chí hoặc thiết lập tòa soạn của chính họ là khá phổ biến. Tất cả những điều này mang lại ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực khác nhau của chính trị, kinh tế và đời sống xã hội Pháp. Ngoài việc lôi kéo giới quyền quý, các đại gia trong ngành tài chính cũng đích thân dấn thân vào lĩnh vực chính trị, và Achille Fould, Bộ trưởng Bộ Tài chính của Napoléon III, là một trong số đó. Ngoài ra có không ít đại diện của các gia tộc ngân hàng cũng tham gia vào giới chính trị, ví dụ năm 1962, Thủ tướng Pháp Pompidou do Tổng thống Charles de Gaulle bổ nhiệm vốn là Tổng giám đốc Ngân hàng Paribas của gia tộc Rothschild. Pompidou là thủ tướng Pháp từ 1962 đến 1968, từ năm 1969 đến năm 1974 là Tổng thống Pháp.

Sau hơn 200 năm tiến hóa, sức mạng của quyền lực tài chính đã ăn sâu bắt rễ ở Pháp và rất khó để lay chuyển.

Biểu đồ mạng lưới quan hệ
Biểu đồ mạng lưới quan hệ

Trích "Chương 3, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét