Nước Anh đỉnh cao của quyền lực tài chính - phần 14

Cứu rỗi ngân hàng kình địch – Barings

Những năm 80 của thế kỷ XVIII, các thế lực mới ở Nam Mỹ bỗng chốc nổi lên, nền kinh tế của họ phát triển nhanh chóng dựa trên các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản phong phú (cà phê và cao su của Brazil, mỏ photphat và đồng của Chile, quặng sắt của Argentina). Trong số đó, Argentina có đà tăng trưởng và tiềm lực tốt nhất, một mình xưng bá cả khu vực. Các quốc gia Nam Mỹ cũng nhanh chóng mở rộng các ngành công nghiệp, năng lực sản xuất và chỉ số phát triển kinh tế liên tục thiết lập những kỷ lục mới. Các ngân hàng Anh, dẫn đầu là Ngân hàng Barings, nắm giữ một lượng lớn trái phiếu của các quốc gia Nam Mỹ, nhiều nhất là trái phiếu Argentina, trong khi Rothschild thì đánh gia cao trái phiếu của Brazil.

Năm 1888, Nathan Rothschild – người đứng đầu Ngân hàng London, liên tục bài tỏ nỗi lo lắng của mình với Argentina. "Kinh tế Argentina đang phát triển quá nóng", "Mức tăng trưởng kinh tế thực tế của Argentina giờ không thể bù đắp khoản nợ của họ". Ông còn dự đoán rằng "Thị trường vốn Argentina sẽ sụp đổ và cuộc khủng hoảng này sẽ nhanh chóng lan sang các nước khác".

Hai năm sau, tức năm 1890, bong bóng kinh tế Argentina vỡ tung, khủng hoảng kinh tế lan nhanh và trái phiếu của đất nước này lao dốc không phanh. Người đầu tiên chịu ảnh hưởng là Ngân hàng Barings. Do sự mất giá của trái phiếu Argentina, cộng thêm với việc Chính phủ Nga đổ thêm dầu vào lửa, đột ngột rút một lượng tiền lớn tại Ngân hàng Barings, khiến cho Ngân hàng Barings liên tiếp hứng chịu những cú sốc nặng nề, dòng tiền cạn kiệt và bỗng chốc rơi vào bờ vực phá sản.

Ngân hàng Anh ngay lập tức tiến hành giải cứu Ngân hàng Barings, kêu gọi các ngân hàng lớn cùng chung tay cứu lấy Barings. Nathan Rothschild hưởng ứng một các tích cực: "Nếu Ngân hàng Barings sụp đổ, hầu hết các tổ chức tài chính của London cũng sụp đổ theo. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để ngăn chặn thảm họa". Cuộc khủng hoảng Barings ngày càng nghiêm trọng, Ngân hàng Rothschild – chi nhánh London khẩn cấp điều động 2 triệu bảng tiền mặt và lượng vàng trị giá 1 triệu bảng từ chi nhánh Paris hai lần trong một tháng để giúp Ngân hàng Anh đối phó với tình trạng thiếu tiền.

Thời gian để giải cứu Ngân hàng Barings chỉ còn tính bằng từng giờ. Ngân hàng Anh phải triệu tập các đại gia trong lĩnh vực ngân hàng đốc thúc kế hoạch giải cứu. Số phận của Barings rơi vào tay của Rothschild hết lần này đến lần khác. Nathan liên tục tỏ ra do dự tại cuộc họp khẩn cấp và nói rằng cần tham khảo ý kiến của anh em khác. Sau khi Corey – một đại gia ngân hàng khác quyết định tham gia kế hoạch giải cứu, Ngân hàng Anh không còn đủ kiên nhẫn và liên tục gây áp lực với Nathan: "Không có ngân hàng của ngài, chúng tôi vẫn phải tiếp tục (cứu ngân hàng Barings)". Cuối cùng, Nathan đành miễn cưỡng gật đầu.

Với việc Ngân hàng Rothschild và Corey dẫn đầu, các ngân hàng khác cũng lần lượt đầu tư vào quỹ cứu trợ Barings. Trước thời hạn chót 24 giờ, quỹ cứu trợ đã lên tới 10 triệu bảng và sau đó tăng lên 17 triệu bảng.

Ngân hàng Barings được cứu sống khi sinh mệnh của họ đã như mành chỉ treo chuông.

Liên quan đến vai trò của gia tộc Rothschild trong cuộc khủng hoảng của Ngân hàng Barings năm 1890, cần đặt ra ba câu hỏi: Thứ nhất, có "bàn tay Do Thái" trong cuộc khủng hoảng này không? Tất cả mọi người đều biết, gia tộc Rothschild và Barings là những cây đa cây đề trong thế giới tài chính, và họ là kẻ thù cũng như đối thủ cạnh tranh đáng gờm của nhau. Nathan thậm chí đã dự đoán được cuộc khủng hoảng của Barings từ hai năm trước đó, liệu có phải chính tay ông ta đã bóp cò khẩu súng chĩa vào Barings? Thứ hai, chính xác điều gì đã thúc đẩy Nathan đi đầu trong việc giải cứu Barings? Thứ ba, tại sao Ngân hàng Rothschild không phải chịu đựng kiếp nạn giống như của Ngân hàng Barings?

Đối với hai câu hỏi đầu tiên, Alfons Rothschild, người phụ trách Ngân hàng Rothschild – chi nhánh Paris nhận xét rằng, Ngân hàng Barings về cơ bản đã trở thành nền tảng tín dụng cho toàn bộ doanh nghiệp và nền kinh tế Anh. Một khi Barings sụp đổ, tín dụng của Anh trên thế giới sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Từ quan điểm bảo vệ lợi ích của chính mình, Ngân hàng Rothschild cuối cùng đã quyết định làm hết sức mình để cứu Barings.

Liên quan đến câu hỏi thứ ba, Ngân hàng Rothschild trả lời rằng họ nắm giữ nhiều trái phiếu Brazil hơn Argentina. Mặc dù cuộc khủng hoảng Argentina quét qua Nam Mỹ, nhưng Ngân hàng Rothschild đã bán hầu hết trái phiếu Brazil từ trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra. Năm 1886, trái phiếu Brazil chỉ chiếm 2,4% tài sản Ngân hàng London của gia tộc Rothschild. Ngoài ra, tình trạng nợ của Ngân hàng Rothschild vượt trội hơn nhiều so với Ngân hàng Barings. Ngay cả trong thời kỳ lớn nhất và nóng nhất của bong bóng kinh tế Nam Mỹ, gia tộc Rothschild vẫn giữ được sự tỉnh táo và bình tĩnh, không để dư nợ quá cao, trong khi đó gia tộc Barings lại quá nóng vội và mạo hiểm.

Dù sao đi nữa, Ngân hàng Barings cuối cùng đã được giải cứu, nhưng nó chỉ sống thoi thóp trong một thời gian rất dài, mãi vẫn không gượng dậy nổi. "Kình địch thế kỷ" của gia tộc Rothschild cuối cùng đã đến hồi tàn lụi.

Năm 1995, Ngân hàng Barings cuối cùng bị một thương nhân trẻ 27 tuổi, Nick Leeson phá hủy hoàn toàn. Chuyện này chúng ta sẽ bàn tới sau.

Trích "Chương 2, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét