Nước Anh đỉnh cao của quyền lực tài chính - phần 16 - hết

Tiến quân vào Trung Quốc

Rothschild là một gia tộc hết sức độc đáo, họ không ngừng tranh cãi với nhau, nhưng khi phải đối phó với thế giới thì họ lại đoàn kết như một.
__
Charles Dürk, nhà bình luận chính trị nổi tiếng người Anh, tháng 3 năm 1879

Kể từ lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc ký hợp đồng vay nợ của nước ngoài vào năm 1874, họ đã dựa vào hai tổ chức của Anh để huy động vốn ở nước ngoài: HSBC (Ngân hàng Hồng Kông – Thượng Hải) và Jardine Matheson. Đồng thời, chính phủ Anh chính thức nắm quyền kiểm soát hải quan của Đại Thanh bằng cách bổ nhiệm ngài Robert Hart làm Tổng giám. Tháng 3 năm 1885, Alphonse Rothschild khi đó đang phụ trách chi nhánh Paris, nghe tin Bismarck "có ý định can thiệp vào Trung Quốc". Mạng lười tình báo của Rothschild nhanh chóng xác nhận: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức – David Hansemann (Hansman) đã đề xuất rằng Rothschild và HSBC sẽ lần lượt đại diện cho Đức và Vương quốc Anh chia đều nghiệp vụ tài chính liên quan đến các dự án đường sắt và những dự án khác của Chính phủ Trung Quốc. Alfons ngay lập tức bày tỏ sự tán đồng cho rằng "Đức nên khuếch trương thế lực của mình sang vùng Viễn Đông như vậy từ lâu, đó là một hướng đi vô cùng chính xác". Vấn đề duy nhất là Hansman lại muốn chiếm được nhiều hơn 50% quyền lợi trong liên minh này. Trong quá trình tháp tùng Đại sứ Trung Quốc tại London đi thăm Đức, Nathan Rothschild đã kêu gọi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh cần "đảm bảo rằng các nhà sản xuất Anh chiếm tỷ lệ hợp lý trong các giao dịch và hợp đồng trong tương lai với chính phủ Trung Quốc".

Khi Hansman ra mắt Wilhelm Carl vào tháng 2 năm 1889 để thành lập Ngân hàng Đức – Asiatische, 13 ngân hàng cốt lõi của Đức, bao gồm cả ngân hàng Rothschild chi nhánh Frankfurt, đã gia nhập vào ngân hàng này. Oppenheimer được chọn làm đại diện đến Trung Quốc khảo sát tình hình kinh tế, còn Ngân hàng Rothschild chi nhánh London chịu trách nhiệm tài trợ hoạt động này.

Trên bàn cờ lợi ích ở khu vực Viễn Đông, người Anh độc bá một phương, và đối thủ cạnh tranh với họ là người Pháp và người Nga. Bất chấp ảnh hưởng và thế lực ngày càng tăng của Nga ở khu vực Viễn Đông, trong cuộc Chiến tranh Giáp Ngọ năm 1894, cuối cùng Nhật Bản vẫn đánh bại Trung Quốc, và sự kiện này đã mang tới cho Berlin và London một cơ hội tuyệt vời để làm việc cùng nhau. Rothschild và Hansman là những nhà hoạch định chính đằng sau. Thiết kế của họ là: thúc đẩy sự hợp tác giữa Ngân hàng HSBC và Ngân hàng Đức, với sự hậu thuẫn của chính phủ Anh và Đức, nhằm khắc chế sự mở rộng hơn nữa của thế lực Nga tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ý tưởng của các chủ ngân hàng và ý tưởng của các nhà ngoại giao hoặc chính trị gia luôn có sự mâu thuẫn cực lớn. Một số quan chức chính trị của Đức thúc giục Đức đứng về phía Nga và Pháp chứ không phải Vương quốc Anh, và họ phản đối Nhật Bản sáp nhập bán đảo Liêu Đông vào tháng 4 năm 1895. Một số quan chức khác thì nghi ngờ rằng Rothschild muốn đẩy các ngân hàng Đức ra khỏi thị trường Trung Quốc. Trong khi đó HSBC đương nhiên không muốn từ bỏ quyền lũng đoạn bất lâu đối với chính phủ Trung Quốc về mặt tài chính. Sự tính toán của Rothschild và Hansman đã không thành hiện thực. Tháng 5 năm 1895, triều đình nhà Thanh tuyên bố vay 15 triệu bảng Anh từ Nga để bồi thường chiến tranh cho Nhật Bản, chứ không cần khoản vay đa quốc gia mà Rothschild và Hansman đã nhiệt tình đề xuất. Alfons cho răng sự kiện này là một "liều thuốc đắng" với chính phủ Anh và Đức.

Trên thực tế, Nga hoàn toàn không có tiền cho nhà Thanh vay, bởi ngay chính họ cũng đang nợ nần chồng chất. Vì vậy, khoản tiền này thực chất là một khoản vay từ Pháp, được ba ngân hàng lớn của Pháp như ngân hàng Paris cùng móc hầu bao chi ra, lợi ích thu lại thì Nga và Pháp sẽ chia đều. Nga có thể sửa chữa tuyến đường sắt xuyên Siberia đến Mãn Châu và Pháp có quyền xây dựng đường sắt của Trung Quốc. Nhân đà thuận nước đẩy thuyền, năm 1896, chủ ngân hàng người Nga, ông Rothstein sử dụng nguồn vốn của Pháp để thành lập một ngân hàng Nga – Trung mới, ngoài ra ông còn xúc tiến để thành lập một liên minh Nga – Trung.

Tận mắt chứng kiến Nga độc chiếm chiếc bánh lớn Trung Quốc rồi thỏa sức mà ăn, Hansman vừa lo lắng vừa tức tối, còn Rothschild thì rất nôn nóng muốn vơ cho bằng được chiếc bánh cho vay hấp dẫn của Trung Quốc về tay mình, hai người họ liền tằng tốc thúc đẩy HSBC và Ngân hàng Đức – Asiatische chính thức ký thỏa thuận hợp tác vào tháng 7 năm 1895. Lần này công sức bỏ ra không còn là vô ích, bởi họ đã bắt kịp khoản vay thứ hai của Trung Quốc vào năm 1898 trị giá 16 triệu bảng. Thế nhưng vấn đề nan giải lại xuất hiện, chính phủ Anh không sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho khoản vay này, dẫn đến việc rất khó để xác định tỷ lệ vay của Vương quốc Anh trong tổng giá trị khoản vay. Trong khi đó, chính phủ Anh lẫn chính phủ Đức lại không tin tưởng lẫn nhau, họ đều hoài nghi dã tâm của đối phương đối với lãnh thổ Trung Quốc. Giữa thời điểm này, HSBC và Hansman nổ ra cuộc xung đột gay gắt về quyền triển khai tuyến đường sắt ở tỉnh Sơn Đông. Và điều này khiến cho Alfred và anh em Nathan cực kỳ lo lắng. Hai người họ phải đứng ra điều đình và vỗ về Ngân hàng HSBC và Hansman, cuối cùng cũng làm nguôi cơn giận của cả hai bên vào tháng 8.

Alfred đích thân ra mặt, mời tất cả các chính trị gia quan trọng của Anh và Đức đến tham dự bữa tối của gia tộc Rothschild ở London, để phía Đức sử dụng một phương thức "thân thiện, riêng tư và phi chính thức" để giãi bày nỗi khổ, kể lể những điều oan ức của họ trong vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Trong khi đó phía HSBC thì nổi trận lôi đình, cáo buộc ngân hàng Đức bội tín bội nghĩa. Nathan phải vội vã đứng ra điều đình giữa Hansman và HSBC. Sau một số công việc bận rộn, đầu tháng 9 năm 1898, các chủ ngân hàng và chính trị gia cuối cùng ngồi lại với nhau tại bàn hội nghị ở London và đạt được thỏa thuận chia đều quyền triển khai đường sắt ở Trung Quốc. Các chủ ngân hàng Anh được quyền triển khai tuyến đường sắt dọc sông Dương Tử, các chủ ngân hàng Đức thì được triển khai tuyến đường sắt của bán đảo Sơn Đông, Thiên Tân đến Tần Hoàng Đảo. Nathan lên giọng và nhắc lại rằng "xét đến lợi ích thương mại của Trung Quốc, thủ tướng Đức rất sẵn lòng hợp tác với Vương quốc Anh, Mỹ và Nhật Bản".

Thỏa thuận tuy đã đạt được, nhưng sự tranh chấp, nghi kỵ và mâu thuẫn giữa các bên không hề dừng lại. Năm 1900, sau cuộc vận động Nghĩa Hòa Đoàn, Đức gửi quân đến Trung Quốc. Nga thì trực tiếp xâm chiếm Mãn Châu. Cả hai bên thấy tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng, bèn nhờ Rothschild gửi lời truyền đạt. Gia tộc Rothschild một mặt chuyển thư "Người Nga đảm bảo rằng sẽ không khai chiến" với chính phủ Anh, một mặt phải đứng ra làm cầu nối để Anh và Đức ký một vòng thỏa thuận mới về vấn đề Trung Quốc, duy trì sự hoàn chỉnh của Vương triều nhà Thanh và thúc giục họ phải "mở cửa" giao thương với nước ngoài. Dưới sự vận động hành lang tích cực của gia tộc Rothschild, Vương quốc Anh và Đức đã đạt được một thỏa thuận chính trị chưa từng có trong việc phân chia lợi ích ở Trung Quốc. Năm 1902, Nathan và Hansman tổ chức một cuộc họp tại Berlin có sự góp mặt của các chủ ngân hàng lớn để thành lập Syndicat Bắc Kinh (một trong những hình thức tổ chức độc quyền), chuyên xử lý các vấn đề liên quan đến việc hợp tác kinh doanh tại Trung Quốc. Đối với hàng loạt vấn đề này, Anh, Đức và Nga đều coi Rothschild là "kênh giao tiếp ngoại giao an toàn và hiệu quả nhất".

Với tư cách là bá chủ thị trường tài chính thế giới, ngay từ đầu thế kỷ XIX, gia tộc Rothschild đã bắt đầu xâm nhập vào Trung Quốc và có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình chính trị, kinh tế và chiến tranh của Trung Quốc. Năm 1979, gia tộc Rothschild một lần nữa tiến vào Trung Quốc. Chỉ là trong lần này, họ đến một cách hết sức "lặng lẽ".

Buổi đồ mạng lưới quan hệ
Buổi đồ mạng lưới quan hệ

Trích "Chương 2, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét