Nước Pháp nơi cát cứ của quyền lực tài chính - phần 3

Ngân hàng France: hoàn vốn đầu tư từ cuộc "đảo chính tháng sương mù"

Bất chấp môi trường chính trị và kinh tế hỗn loạn do những cuộc chiến tranh với nước ngoài và cuộc cách mạng vĩ đại sau đó, với tư cách là một viên ngọc của lục địa châu Âu, Paris vẫn giống như một thỏi nam châm thu hút những người khao khát làm giàu và các phú hào từ những quốc gia xung quanh. Pháp là nơi khai sinh của phong trào giải phóng ý thức hệ châu Âu, sự đàn áp của Công giáo đối với các tốn giáo khác dần được giảm nhẹ, và những người không theo Công giáo đã có quyền công dân đầy đủ. Tất thảy những điều này trở thành sức hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với những người Thanh giáo và các chủ ngân hàng Do Thái đang bị áp bức tôn giáo ở châu Âu. Nhu cầu tiền bạc cực cao từ Hoàng gia Pháp và các cuộc chiến tranh nước ngoài đã tạo ra một thiên đường phiêu lưu chưa từng có dành cho các nhà tài chính. Từ việc bảo lãnh trái phiếu hoàng gia cho đến cung cấp vật tư quân sự, từ việc bán đất nhà thờ đến đầu cơ tiền tệ của Pháp, từ việc chiết khấu hóa đơn trong nước đến doanh thu của Anh, các gia tộc ngân hàng hưởng lợi từ những nghiệp vụ này đã dần hình thành nên Haute Banque (mạng lưới các chủ ngân hàng đặc biệt cao cấp). Thành viên cốt lõi của mạng lưới này là các gia tộc ngân hàng Thụy Sĩ đã bí mật tài trợ cho cuộc Đảo chính tháng sương mù của Napoléon.

Sau khi Napoléon đăng quang, mạng lưới các chủ ngân hàng đặc biệt cao cấp đã nhận được phần thưởng hậu hĩnh. Napoléon ủy quyền cho họ thành lập ngân hàng trung ương tư nhân đầu tiên của Pháp – Ngân hàng France, coi đó là cái giá đánh đổi để ông được nắm quyền chấp chính, giao huyết mạch tài chính của Pháp vào tay các gia tộc ngân hàng Thụy Sĩ. Trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX, các chủ ngân hàng đặc biệt cao cấp này gần như nắm độc quyền hội đồng quản trị của Ngân hàng France. Trong quá trình mở rộng cuộc cách mạng công nghiệp của Pháp, các chủ ngân hàng đặc biệt cao cấp đã đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển của toàn bộ các ngành công nghiệp khoáng sản, luyện kim, dệt may và vận tải của Pháp thông qua việc nắm độc quyền tài chính.

Theo điều lệ của Ngân hàng France, chỉ có 200 cổ đông lớn nhất là có quyền biểu quyết. Toàn bộ Ngân hàng France đã phát hành 182.500 cổ phiếu mệnh giá 1.000 franc. Trong số hơn 30.000 cổ đông, chỉ 200 cổ đông có quyền bỏ phiếu để bầu ra 12 thành viên hội đồng quản trị. Trong số 200 cổ đông lớn nhất, có 78 công ty hoặc cổ đông tổ chức, 122 cổ đông cá nhân. Nếu phân tích chi tiết, chúng ta có thể thấy rằng 200 cổ đông này về cơ bản thuộc cùng một nhóm người, chính là 44 gia tộc lớn đang kiểm soát Ngân hàng France. Và những chiếc ghế thuộc sở hữu của các gia tộc này sẽ được thừa kế trong suốt 100 năm qua. Họ là Mallet, Mirabaud và Rothschild.

Trong số các gia tộc ngân hàng Thụy Sĩ, những người dẫn đầu nổi bật nhất là gia tộc Mallet, Hottinguer và Mirabaud.

Năm 1557, gia tộc Mallet tháp tùng nhà lãnh tụ cải cách tôn giáo nổi tiếng châu Âu – John Calvin tới Geneva, Thụy Sĩ, gây dựng cơ nghiệp và ăn nên làm ra trong lĩnh vực kinh doanh và ngân hàng. Năm 1709, Isaac Mallet khi đó 25 tuổi, từ Thụy Sĩ đến Paris. Anh đại diện cho các gia tộc ngân hàng ở Geneva sang Pháp để gấp rút tìm kiếm cơ hội phát triển trong lĩnh vực tài chính. Sau hơn 70 năm chuyên tâm kinh doanh, gia tộc Mallet đã trở thành gã khổng lồ trong ngành ngân hàng tại Pháp. Ngay cả trong thời đại của cuộc cách mạng, ngân hàng gia tộc Mallet vẫn hoạt động bình thường. Năm 1799, con trái của ông là Guillaume Mallet và các gia tộc ngân hàng Thụy Sĩ khác đã hợp lực để lên kế hoạch hỗ trợ Napoléon phát động cuộc Đảo chính tháng sương mù. Sau khi Napoléon lên nắm quyền, Mallet đã được Napoléon phong làm Nam tước và chiếm vị trí thứ ba trong hội đồng quản trị của Ngân hàng France cho đến khi ông qua đời vào năm 1826. Con trai, cháu trai và chắt trai của ông tiếp tục ngồi trên chiếc ghế này cho đến khi Ngân hàng France tiến hành quốc hữu hóa vào năm 1936. Mallet là gia tộc duy nhất vẫn năm quyền kiểm soát hội đồng quản trị của Ngân hàng France từ đầu đến cuối, kéo dài 136 năm!

Đứng thứ hai ngay sau gia tộc Mallet là Hottinguer – gia tộc ngân hàng theo Thanh giáo của Thụy Sĩ. Hottinguer cũng là một gia tộc nổi tiếng Thụy Sĩ, từng có nhiều người thuộc gia tộc này đảm nhận các chức vị bộ trưởng của chính phủ. Năm 1784, Conrad Hottinguer đến Paris. Đầu tiên, ông làm nhân viên tập sự tại một ngân hàng. Sau đó, ông mở ngân hàng riêng và đồng thời làm đại diện tại thị trường Pháp cho ngân hàng Cantonal Zurich của Thụy Sĩ, công việc chính của ông là cung cấp các giải pháp nợ cho hoàng gia Pháp và những dịch vụ huy động tài chính. Hottinguer có mối quan hệ rất thân thiết với các nhà lãnh đạo đầu tiên của cuộc Cách mạng Pháp, bao gồm Talleyrand – người sau này sở hữu quyền lực khuynh đảo triều cương. Trong thời kỳ "cai trị khủng bố" dưới chế độ độc tài Jacobin, Hottinguer theo Talleyrand lưu vong ở Mỹ và trở lại Paris vào năm 1798 để tái hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng của mình. Nhờ có công trong việc lập kế hoạch và tài trợ cho cuộc đảo chính Napoléon, ông được phong làm Nam tước và đồng thời có chân trong hội đồng quản trị của Ngân hàng France. Tầm ảnh hưởng của gia tộc Hottinguer trong ngành tài chính, kinh doanh và công nghiệp của Pháp vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Các chủ ngân hàng Thụy Sĩ sau này gia nhập vào mạng lưới Haute Banque còn có các gia tộc như Mirabaud, Andes, Odys, Venus và hầu hết trong số họ cũng tham gia hội đồng quản trị của Ngân hàng France. Ngân hàng Trung ương của Pháp hoàn toàn có thể mở một hội nghị gồm toàn các ngân hàng Thụy Sĩ. Tình hình chính trị Pháp trải qua sự biến thiên của các thời đại Napoléon, Louis XVIII, Charles X, Louis Philippe và Napoléon III, bao gồm sự phục hưng của triều đại Bourbon năm 1815, cuộc Cách mạng tháng 7 năm 1830, cuộc Cách mạng 1848, cuộc đảo chính Napoléon III năm 1851, thành lập nền Đệ tam Cộng hòa năm 1870, trong sự thay đổi liên tục về mặt chính quyền như vậy, các chủ ngân hàng Thụy Sĩ lại có thể vững vàng ngồi trong hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Pháp, với vị thế không thể suy suyển, điều này quả thực khiến cho người ta thán phục. Đặc biệt là sức ảnh hưởng của chi nhánh Thụy Sĩ của gia tộc Mirabaud vẫn được duy trì cho đến ngày nay, họ trở thành nhân vật tiêu biểu, đại diện cho các gia tộc theo Thanh giáo.

Baron Jean-Conrad Hottinguer
Baron Jean-Conrad Hottinguer

Vào đầu thế kỷ XIX, các gia tộc ngân hàng Thụy Sĩ theo Thanh giáo này dần thiết lập nên một mạng lưới tài chính khổng lồ. Họ tiếp tục duy trì mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ với gia tộc ngân hàng Thụy Sĩ bản địa, độc quyền các quỹ vốn và tín dụng của hệ thống ngân hàng Pháp.

Pierre Mirabaud
Pierre Mirabaud

Việc Đức tham gia Thế chiến II, chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng Do Thái và việc chính phủ Mỹ quyết liệt yêu cầu các ngân hàng Thụy Sĩ phải công khai những tài khoản bí mật – có lẽ đều có liên quan đến cuộc nội chiến kéo dài hàng trăm năm giữa các gia tộc ngân hàng quốc tế.

Trích "Chương 3, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét