Nước Mỹ "người trong cuộc" của quyền lực tài chính - phần 3

Cục dự trữ Liên bang của Auguste Belmont

Cùng thời điểm anh em Seligman đến New York, cũng có một nhân vật mà sau này cũng được lưu danh trong sử sách, đó là Auguste Belmont – người Do Thái. Belmont hơn Joseph Seligman ba tuổi và cuộc sống của anh ta chứa đầy những sắc màu huyền thoại.

Auguste Belmont
Auguste Belmont

Năm 13 tuổi, Belmont đến Frankfurt làm nhân viên học việc miễn phí cho Ngân hàng Rothschild. Dù tính cách nóng nảy, thô lỗ và không biết kiềm chế, nhưng anh ta là một bậc kỳ tài trong lĩnh vực tài chính với tư chất nổi trội. Khi mới bước chân vào ngân hàng Rothschild, Belmont phải bắt đầu với công việc quét dọn, nhưng chẳng bao lâu sau anh đã tích cực đề xuất rất nhiều giải pháp liên quan đến công việc, thể hiện được tài năng xuất chúng của mình. Vì thế rất nhanh sau đó Belmont được đặc cách dự thính các cuộc họp quan trọng – nơi mà chỉ có những đối tác mới được góp mặt. Thật đáng tiếc khi bản tính Belmont vẫn quá tùy tiện, cử chỉ chẳng toát lên vẻ quý tộc, thường xuyên khiến cho Rothschild mất mặt trước bao nhiêu quan khác và đối tác. Dù vậy gia tộc Rothschild vẫn rất có mắt nhìn người, không quá câu nệ tiểu tiết, quyết định chuyển chàng trai Belmont trẻ tuổi đến thành phố Naples, Ý để làm quản lý. 21 tuổi, Belmont được điều chuyển công tác đến thành phố Havana của Cuba, không lâu sau đó là New York với tư cách là đại diện của gia tộc Rothschild tại Mỹ.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và sự tăng trưởng phi mã của lĩnh vực thương mại xuyên Đại Tây Dương, New York nhanh chóng vươn lên trở thành trung tâm thương mại lớn nhất ở Mỹ. Lúa mì, bột mì và bông ở khu vực phía tây tràn vào New York và xuất khẩu sang thị trường châu Âu, các sản phẩm công nghiệp châu Âu cũng được tập kết về đây để tiến sâu hơn vào thị trường Mỹ. Sự thịnh vượng chưa từng có của kinh doanh và thương mại tạo ra nhu cầu cực lớn đối với các dịch vụ tài chính về tín dụng, huy động vốn, chiết khẩu, thanh toán, bảo hiểm và ngoại hối.

Tại New York, các hóa đơn từ cả hai bờ Đại Tây Dương được chiết khấu tập trung, mở rộng hạn mức giao dịch tín dụng, dòng vốn lưu động chảy mạnh. Nguồn vốn mạnh mẽ của châu Âu chảy vào nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Mỹ thông qua thị trường trái phiếu New York. Sàn Giao dịch Chứng khoán New York thành lập vào năm 1972, có lịch sử lâu đời hơn nhiều so với Sở Giao dịch Chứng khoán London. Các công ty quan trọng bậc nhất của Mỹ lũ lượt đổ tới niêm yết, và hàng trăm triệu đô-la cổ phiếu được giao dịch ở đây. Tất cả những điều này dẫn đến bước nhảy vọt của ngành tài chính, New York nhanh chóng trở thành thành phố trung tâm lớn thứ ba sau Boston và Philadelphia.

Không giống như tình hình ở khu vực New England khác, với tư cách là một thành phố mới nổi, New York không cứng nhắc và rập khuôn như các thế lực khác của đại gia tộc New England truyền thống như Boston, Philadelphia và Charleston. Nền kinh tế chính thống ở Boston và Philadelphia về cơ bản là độc quyền của các đại gia tộc có truyền thống lâu đời, chặt chẽ và cứng nhắc. Như nhóm gia tộc Capote Rowell Lawrence ở Boston kiểm soát ngành dệt may chủ yếu thông qua tài chính, trong khi gia tộc Lee Higginson Jackson kiểm soát thị trường tiền tệ. Hai thế lực này về cơ bản kiểm soát nền kinh tế của khu vực Boston. Philadelphia có một số ngân hàng thương mại quy mô lớn trên toàn quốc, do gia tộc Hamilton, gia tộc Morris và gia tộc Welling nắm độc quyền. Sự kiểm soát của ba gia tộc này đối với hệ thống ngân hàng thương mại của Mỹ vẫn tiếp diễn cho tới tận ngày nay.

Ở một thành phố trẻ trung và đầy năng lượng như New York, các gia tộc truyền thống sẽ không có được lợi thế rõ ràng. New York có những cơ hội chưa từng có trong ngành tài chính, đây là lý do tại sao nhiều chủ ngân hàng Do Thái đã cập bến New York, thiết lập nền tảng, coi đây là khởi điểm để dần dần phát triển thành một nguồn sức mạng tài chính mang tính quyết định ở Mỹ.

Khi Belmont đến New York cũng là lúc xảy ra cuộc Đại suy thoái năm 1837 của Mỹ. Tuy nhiên, Belmont và Seligman không ở cùng một vạch xuất phát: sự hậu thuẫn của Belmont là nguồn tài chính khổng lồ của gia tộc Rothschild châu Âu. Khi Belmont đến New York, vừa ra tay là anh đã gây chấn động giới tài chính. Ở tuổi 24, Belmont càn quét tất cả các loại trái phiếu và cổ phiếu bị bán khống với giá rẻ trên thị trường chứng khoán New York vốn đang trong tình trạng lộn xộn. Khi một số lượng lớn các ngân hàng bản địa ở New York mất đi khả năng trả nợ, Belmont đã bơm rất nhiều tiền để "cải tử hoàn sinh" họ. Sau khi Ngân hàng Thứ hai của Mỹ bị Tổng thống Jackson tuyên bố đóng cửa vào năm 1836, Ngân hàng Trung ương tư nhân của Mỹ dưới sự kiểm soát của gia tộc Rothschild một lần nữa lại bị bỏ rơi. Trong cuộc khủng hoảng tài chính này, Mỹ không hề có "người cho vay cuối cùng" để cứu rỗi hệ thống ngân hàng đang chìm dần vào tình trạng lụi bại, và sự xuất hiện cũng như ra tay của Belmont trên thực tế đã đóng vai trò ngân hàng trung ương cứu rỗi hệ thống tài chính. Dù mới 24 tuổi nhưng Belmont đã phát huy vai trò chức năng tương tự như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ngày nay. Trên thực tế, đế chế tài chính khổng lồ của gia tộc Rothschild đứng đằng sau Belmont mới thực sự là "Cục Dự trữ Liên bang" đứng từ xa để điều khiển, kiểm soát dòng vốn và tín dụng của Mỹ.

Trích "Chương 4, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét