Nước Pháp nơi cát cứ của quyền lực tài chính - phần 6

Ngân hàng Tín dụng Động sản: sự thách thức của Bellella

Nếu xét theo kinh nghiệm lịch sử, có rất nhiều lý thuyết nghe có vẻ vô cùng hợp lý, nhưng thực ra chúng chỉ "có lý" mà thôi. Thực tiễn không bao giờ phát triển theo logic của lý thuyết, bởi những người thực hành lý thuyết sẽ phải mãi mãi tuân theo các quy tắc của trò chơi lợi ích. Do đó, lý thuyết buộc phải phù hợp với quy tắc trò chơi lợi mà những người thực hành lý thuyết vốn ngấm ngầm bảo vệ, như vậy nó mới có thể trở thành hiện thực.

Napoléon III
Napoléon III

Sự mê tín của Napoléon III đối với lý thuyết của các Ngân hàng Tín dụng Động sản cũng không phải là ngoại lệ.

Bản thân hoàng đế cũng là một người cuồng tín của chủ nghĩa Saint Simon, và ông cũng muốn được lưu danh thiên cổ với vai trò là một kiến trúc sự xã hội vĩ đại. Trước khi nhậm chức vào những năm 30 của thế kỷ XIX, ông đã thảo luận với những người bạn thân trong giới tài chính của mình là Bellella và Fould, để tìm cách hiện thực hóa chủ nghĩa thực nghiệp của Saint Simon tại Pháp, thiết lập một hệ thống tổ chức tài chính bốn trong một:

  • Ngân hàng thương mại: Ngân hàng Chiết khấu Quốc gia Pháp
  • Ngân hàng công nghiệp: Ngân hàng Tín dụng Động sản
  • Ngân hàng thế chấp: Ngân hàng Tín dụng Bất động sản
  • Ngân hàng hỗ tương: Ngân hàng Đối ứng Tín dụng Tài chính cho các Doanh nghiệp nhỏ

Trong số đó, đứng ở vị trí cốt lõi là ngân hàng đầu tư theo chế độ cổ phần – Ngân hàng Tín dụng Động sản.

Anh em nhà Bellella đã lợi dụng tâm lý mưu cầu hư danh của Napoléon III, đưa ra cái cớ là thực hiện ý tưởng của Saint Simon về việc "tất cả các mâu thuẫn giai cấp sẽ buộc phải biến mất trước niềm hạnh phúc phổ quát mà một kế hoạch tín dụng xã hội mới được phát minh có thế đạt được", đến năm 1852, họ hết lời khoa trương với Napoléon III về lợi ích của mô hình kinh doanh của Ngân hàng Tín dụng Động sản. Mô hình này là để huy động vốn cho ngân hàng bằng cách bán cổ phiếu và trái phiếu cho công chúng, sau đó sử dụng nguồn vốn đó để mua cổ phiếu của các công ty công nghiệp mới nổi mà nó hy vọng sẽ phát triển. Anh em nhà Bellella đã thao túng nhân tâm, thổi phồng về mô hình này như là một phương tiện hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội thực nghiệp Saint Simon.

Chế độ tín dụng mới do anh em Bellella phát minh được Napoléon III ủng hộ nhiệt tình. Marx mỉa mai gọi đó là "chủ nghĩa xã hội của Napoléon" và "từ John Law đến Isaac Bellella, họ đều có một đặc điểm thú vị: vừa là kẻ lừa đảo, vừa là nhà tiên tri". Trên thực tế, việc triển khai hệ thống tín dụng này đã khiến cho các sàn giao dịch chứng khoán Pháp rơi vào tình trạng đầu cơ, tham nhũng và lừa đảo tràn lan. Nhưng trong mắt người dân thời đó, đây là một sự đổi mới hệ thống tài chính mang tính chiến lược vĩ đại, có thể cung cấp nguồn vốn và tín dụng cho sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp hóa. Nghiệp vụ kinh doanh chủ yếu của Ngân hàng Tín dụng Động sản gồm hai phần: một phần là nghiệp vụ ngân hàng truyền thống, bao gồm tiếp nhận tiền gửi tiết kiệm của khách hàng, chiết khấu hóa đơn thương mại, cho vay và bảo hiểm; một phần là bảo lãnh trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp – những nghiệp vụ của một ngân hàng đầu tư.

Ngoài sự cám dỗ của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng, anh em nhà Bellella và gia tộc Fould còn dùng đến các biện pháp khích tướng và ly gián để thúc giục Napoléon III nhanh chóng hạ quyết tâm. Người xưa có câu "Đại thụ thì hay bị sét đánh", tiềm lực và sự giàu có của gia tộc Rothschild không chỉ dẫn đến sự thù địch của các chủ ngân hàng Thanh giáo, mà còn thu hút sự ghen tị của các gia tộc ngân hàng Do Thái khác, bao gồm cả gia tộc Bellella và Fould. Năm xưa, Bellella là một đối tác của ngân hàng gia tộc Rothschild, và gia tộc Rothschild chính là "sư phụ" của họ trong lĩnh vực tài chính. Sau này, khi Bellella quyết đứng ra xây dựng cơ nghiệp riêng của mình, thái độ của họ đối với gia tộc Rothschild ngày càng không thân thiện, hành vi "lừa thầy phản bạn" chính là điều mà gia tộc Rothschild căm ghét đến tận xương tủy.

Fould và gia tộc Bellella được liệt vào danh sách "đội quân hậu duệ" ủng hộ tài chính cho cuộc chính biến của Napoléon III, và mục tiêu hết sức nhất quán của họ là thách thức vị thế "đại ca" trong lĩnh vực tài chính của gia tộc Rothschild. Khi đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp, Achille Fould đã trịnh trọng nói với Napoléon III rằng: "Giải phóng vương quốc của ngài khỏi sự kiểm soát của Rothschild là điều vô cùng cần thiết, trên thực tế họ đã thay thế quyền thống trị của ngài suốt bấy lâu nay".

James Rothschild
James Rothschild

Rothschild không phải dạng vừa. James Rothschild viết một lá thư cho Napoléon III, chỉ ra rằng một khi Ngân hàng Tín dụng Động sản được thành lập và hoạt động thành công, nó sẽ kiểm soát phần lớn tài sản công cộng và cuối cùng trở nên "có quyền lực mạnh mẽ hơn cả chính phủ", nhằm cố gắng làm lay chuyển quyết tâm của chính phủ Pháp trong việc thành lập Ngân hàng Tín dụng Động sản.

Vốn dĩ nhờ sự hỗ trợ của gia tộc Bellella và Fould, Napoléon III mới có thể lên ngôi hoàng đế, thế nên ông rất mực trọng dụng hai gia tộc này, đồng thời cũng thực sự tin tưởng và không chút mảy may nghi ngờ về hệ thống lý luận của Ngân hàng Tín dụng Động sản. Mối quan hệ giữa Napoléon III và gia tộc Rothschild cũng chẳng lấy gì làm tốt đẹp, và James Rothschild vừa không thích, vừa không tin tưởng Napoléon III. Trong hoàn cảnh này, rõ ràng chính phủ sẽ đứng về phía anh em Bellella. Kể từ cuộc cách mạng năm 1848, nhờ có công giúp hoàng đế lên ngồi, gia tộc Bellella và Fould đã là những nhân vật rất có tiếng nói trong chính phủ, gia tộc Rothschild ngày càng có xu thế bị gạt ra khỏi thế cuộc. Mặc dù gia tộc Rothschild cũng từng dốc sức giúp Napoléon III đăng cơ, nhưng xét cho cùng, giờ đây họ đã không còn duy trì được khí thế "một tay che lấp bầu trời" như trong giai đoạn phục hưng triều đại Bourbon và Vương triều tháng Bảy nữa. Lại cộng thêm với việc Bellella và Fould không ngừng buông lời xàm ngôn về gia tộc Rothschild với hoàng đế, thế nên tình cảnh của James là hết sức khó khăn.

Chỗ dựa của gia tộc Rothschild trong triều đình Pháp là nhân vật từng một thời rất được trọng dụng – tướng quân Genniel. Tuy nhiên, tướng Genniel dần dần thất thế khi đối mặt với Napoléon III. Trong suốt năm 1850, James vừa cố gắng đứng ra hòa giải cho mối quan hệ của Napoléon III với Genniel, vừa nổ lực tìm cách "tăng điểm" trước mặt Tổng thống (lưu ý: khi đó Napoléon III vẫn chưa xưng đế): "Tổng thống hình như nghĩ rằng tôi đã hiểu lầm ngài ấy, xem ra từ nay tôi phải tỏ vẻ khiêm tốn trước mặt ngài ấy, bởi gia tộc Fould sẽ không bao giờ dành cho tôi những lời tốt đẹp".

Napoléon III rõ ràng nghiêng về Fould hơn, và hoàng đế ngày càng không chịu lắng nghe nhưng kiến nghị của Genniel và James về chính sách đối ngoại. Napoléon III có ý định trừ khử Genniel, James nhận thấy tình hình bất trắc, bèn vội vã chuyển tất cả số vàng của mình sang London. Ông nói không chút lo lắng: "Tôi thà gửi tất cả số vàng của mình ở London để kiếm lợi nhuận vỏn vẹn 3% còn hơn là ở lại Pháp. Napoléon có thể sẽ tịch thu toàn bộ tiền của tôi vì tôi là bạn của Genniel. Tôi không sợ hoàng đế, nhưng tôi phải đề phòng ngài ấy. Đây là một đất nước với sự bẩn thỉu chính trị đã lên đến cực độ".

Tháng 12 năm 1850, Genniel bị bắt giữ, đánh dấu sự thất thế hoàn toàn của Đảng Cộng hòa. James là một nhân vật cực kỳ khôn ngoan, ông không bao giờ đánh đồng khuynh hướng chính trị với lợi ích thương mại, ngay lập tức lựa gió để đẩy thuyền, từ bỏ Đảng Cộng hòa và quay sang ủng hộ chế độ quân chủ. Tuy nhiên, do lập trường của ông không kiên định như hai gia tộc Bellella và Fould, thế nên dù ít dù nhiều vẫn bị Napoléon III coi là kẻ gió chiều nào xoay chiều ấy, bất khả tín.

Ngăm 1852, Ngân hàng Tín dụng Động sản do Bellella và Fould đồng sáng lập được chính thức thành lập với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Napoléon III, và từ đó thành đối thủ cạnh tranh khốc liệt của gia tộc Rothschild.

Trích "Chương 3, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét