Nước Pháp nơi cát cứ của quyền lực tài chính - phần 2

Gia tộc ngân hàng Thụy Sĩ đứng sau cuộc Cách mạng Pháp

Mặc dù sắp chết, nhưng tôi chưa bao giờ phạm phải tội lỗi nào. Tôi tha thứ cho những người đã khiến tôi chết. Tôi cũng cầu nguyện với Chúa rằng sau khi máu của tôi tuôn chảy, trên đất Pháp sẽ không còn cảnh máu chảy đầu rơi nữa.
__
Câu nói cuối cùng của vua Louis XVI trước máy chém

Khi người Anh bắt đầu thiết lập các thuộc địa ở đại lục mới tại châu Mỹ vào đầu thế kỷ XVII, triều đại Bourbon của Pháp vẫn an phận thủ thường ở một góc của châu Âu. Khi Pháp thức giấc và bắt đầu bành trướng ra nước ngoài, họ đã muộn hơn nhiều thập kỷ so với Anh. Tuy nhiên, Pháp đã bắt kịp rất nhanh. Trong hầu hết thế kỷ XVIII, thương mại Đại Tây Dương của Pháp thậm chí còn phát triển nhanh hơn cả Vương quốc Anh, nhờ vậy họ tích lũy được nguồn vốn quý giá khởi đầu cho kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp sau này. Theo thống kê, từ năm 1716 đến 1787, tổng khối lượng thương mại của các thuộc địa Pháp ở nước ngoài tăng gấp 10 lần.

Sau khi người Anh phát minh ra động cơ hơi nước, máy móc dệt may, khai thác mỏ, luyện sắt và các công nghệ khác bắt đầu được truyền bá sang Pháp, cuộc cách mạng công nghiệp Pháp bắt đầu khởi sắc. Mặc dù Anh là ngọn cờ đầu và cũng là nhà xuất khẩu công nghệ chủ yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp châu Âu, nhưng Pháp cũng có rất nhiều đóng góp trong tiến trình này. Ví dụ, việc Robert phát minh ra máy sản xuất giấy mang ý nghĩa thúc đẩy cuộc Cách mạng Công nghiệp.

Tiến trình cải cách tài chính dựa trên sự phát triển thương mại và công nghiệp bị gián đoạn tại Pháp bởi trò lừa "đổi mới tài chính" của John Law trong giai đoạn 1718 – 1720. Các danh từ như ngân hàng, tiền giấy, chứng khoán khiến người dân Pháp vô cùng chán ghét trong suốt nửa thế kỷ. Trong một khoảng thời gian dài ở Pháp, tài chính đồng nghĩa với những kẻ lừa đảo, và người Pháp bản địa về cơ bản đã từ bỏ ý tưởng tham gia vào ngành tài chính. Do thiếu công cụ tài chính và không có một thị trường tài chính hùng mạnh nên Louis XIV đã phải dựa vào mức thuế khắc nghiệt và các khoản nợ nước ngoài với chi phí hết sức đắt đỏ để chi trả cho những cuộc chiến tranh kéo dài liên miên của mình. Lãi suất nợ của họ cao tới 8,5 – 10%, gấp đôi so với Vương quốc Anh.

Đến thập niên 80 của thế kỷ XVIII, mức nợ quốc gia của Pháp đã chiếm hơn một nửa khoản thu nhập từ thuế. Khi Louis XVI xui xẻo lên ngôi năm 1774, ông đã phải đối mặt với một mớ hỗn độn do "Vua Mặt trời" để lại. Louis XVI không phải là một hôn quân. Trên thực tế, ông vốn là người khiêm tốn, đôn hậu. Nhưng đứng trước một xã hội đương hồi nhiễu nhương và sắp rơi vào cảnh hỗn loạn, chính tính cách yếu mềm, không quyết đoán, dưới thì chưa đủ tạo ơn trạch cho nhân dân, trên thì không đủ khiến giới quyền quý nhượng bộ đã đẩy ông vào cái kết bi kịch. Ở một khía cạnh nào đó, hoàn cảnh của ông khá giống với hoàng đế Sùng Trinh của triều đại nhà Minh. Cùng với tình trạng tài chính quốc gia đang ngày càng xấu đi, lại cộng thêm chế độ thuế bất hợp lý khiến cho muôn dân căm phẫn, quý tộc bất mãn, trong khi đó nguồn lực tài chính của giai cấp tư sản mới nổi lại đang trên đà hưng thịnh, từ lâu họ đã không thể nhẫn nhịn hơn nữa đối với sự lũng đoạn quyền lực của các thế lực tôn giáo và phong kiến. Ba tập đoàn thế lực chính của xã hội Pháp: cốt lõi quyền lực truyền thống của giới quý tộc và tốn giáo, giai cấp tư sản mới nổi và thường dân đều đang đổ dồn ngọn lửa căm hận về phía Chính phủ Pháp, và Louis XVI bị trói chặt trên ngọn núi lửa sắp phun trào. Người Pháp không coi trọng tài chính, trong khi nợ nước ngoài của Louis XVI thì ngày càng nghiêm trọng, tình trạng đó đã mở ra một khoảng trống quyền lực tài chính cho các gia tộc ngân hàng ngoại lai từ Thụy Sĩ, Ý, Hà Lan và Đức. Nhóm gia tộc ngân hàng thuộc Thanh giáo như Puritan ở Geneva, Thụy Sĩ là một trong những đại diện nổi bật nhất. Họ đến Paris, đưa ra các "phương án giải quyết" cho khối nợ khổng lồ đang khiến hoàng gia Pháp tuyệt vọng. Do các ngân hàng Thụy Sĩ này có tiềm lực tài chính hùng hậu, nên họ đã nhiều lần giúp hoàng gia giải quyết các vấn đề khẩn cấp. Họ dựa vào Louis XVI để dần dần kiểm soát quyền diễn ngôn tài chính và quyền quyết định cải cách tài khóa của Pháp.

Louis XVI bất lực trước tình cảnh vô cùng bi đát của tài chính, ông bất đắc dĩ phải sử dụng vị "hòa thượng nước ngoài" Nike (Jacques Necker) để đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Nike cũng là một chủ ngân hàng theo Thanh giáo của Thụy Sĩ, ông đã sử dụng tầm ảnh hưởng của mình đối với mạng lưới các gia tộc ngân hàng Thụy Sĩ để huy động các khoản vốn nhằm giải quyết những sự vụ cấp bách. Tính chất của dạng vay mượn này tương tự như hành vi vay mượn lẫn nhau của một số doanh nhân ngày nay. Vì đây là khoản cho vay ngắn hạn chẳng khác nào cho vay nặng lãi, nên mạng lưới các gia tộc ngân hàng Thụy Sĩ rất hy vọng đó là một khoản đầu từ sinh lời nhanh chóng. Tuy nhiên chi phí của giới quý tộc hoàng gia Pháp là quá lớn, những giải pháp tài chính ngắn hạn chẳng thể giúp họ đảo ngược tình thế. Điều này khiến các chủ ngân hàng cực kỳ lo lắng, họ nhận ra rằng "sinh lời nhanh chóng" sắp sửa biến thành "sinh lời cực chậm", chưa biết chừng "sinh lời cực chậm" sẽ biến thành "tiền chết", họ đã dốc trọn vào đó cả tính mệnh gia tộc của mình nên không thể khoanh tay đứng nhìn. Trong cơn tuyệt vọng, Nike quyết định thực hiện "cú sốc cải cách". Đầu tiên ông hủy bỏ một số đặc quyền của giới quý tộc hoàng gia và cắt giảm bổng lộc của họ. Sau đó, ông mạnh tay cải cách triệt để vấn đề thu thuế. Gánh nặng thuế đã được thay đổi từ "thuế cá nhân" thành "thuế đất đai", giới quý tộc sở hữu số lượng lớn đất đai sẽ đánh thuế rất nặng. Một điều không may, nhưng cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, là điều này rõ ràng đã đụng chạm đến miếng pho-mát của giới quyền quý. Giới quý tộc bắt đầu lũ lượt tấn công cuộc cải cách của Nike. Nike đã dốc toàn bộ tài sản lẫn tính mệnh của bản thân lẫn rất nhiều gia tộc ngân hàng trong vòng ảnh hưởng của mình vào cuộc cải cách này, thế nên khi thấy tình hình bất lợi, ông đã vội vàng công bố với đại chúng bảng hóa đơn chi tiêu của giới quyền quý Pháp. Sự kiện này ngay lập tức đã làm rung chuyển toàn bộ xã hội Pháp. Công chúng Pháp – những người suốt một thời gian dài đã hấp thu làn sóng tư tưởng của chủ nghĩa tự do từ những nhân vật như Voltaire, Rousseau đã ngay lập tức bừng bừng lửa hận, và sự phẫn nộ đối với giới quyền quý diễn biến thành sự thù địch với hoàng gia.

Nike cũng bị mất chức vì hành động sơ suất của mình. Sau đó Pháp còn trải qua bốn đời Bộ trưởng tài chính nữa, và tình trạng suy thoái tài chính càng trở nên nghiêm trọng hơn. Louis XVI hoàn toàn bất lực, đến năm 1788, Ngân hàng Nike của Thụy Sĩ mới được sử dụng trở lại. Vào thời điểm này, Pháp đang đứng trước nguy cơ bất ổn xã hội, mâu thuẫn giữa cư dân Paris, giai cấp tư sản mới nổi và các chức sắc truyền thống ngày càng gia tăng, cuộc khủng hoảng đang trên đà bùng nổ. Ở một nơi khác, những chủ ngân hàng cho vay đang đổ dồn sự chú ý của họ sang Hội nghị ba cấp, với hy vọng sẽ giành được quyền kiểm soát tài chính, thuế và ngân sách chính phủ để thu hồi các khoản vay lớn. Các bên đều đã sẵn sàng ra tay. Giai cấp tư sản thành thị mới nổi của Pháp nắm nguồn lực tài chính ngày càng hùng hậu, khao khát đối với việc chia sẻ quyền lực của họ đã phát triển từ "tham vọng" thành "không thể chậm trễ". Trong khi đó giới quý tộc phong kiến và giáo hội thì vẫn ngất ngưởng trên cao, họ hoàn toàn coi nhẹ, thậm chí là có tâm lý đối địch với xu thế mang tính tất yếu này. Áp lực từ gánh nặng thuế đằng đẵng bấy lâu thì khiến cho giai cấp thường dân phẫn uất đến cực độ. Vì vậy, thế cục nước Pháp năm 1789 chẳng khác nào củi khô đang chờ lửa bén.

Tháng 6 năm 1789, Hội nghị ba cấp bấy lâu chỉ có hư danh đã bị những người tham gia chuyển đổi thành Hội nghị quốc dân, ngoài ra còn tự quy định rằng có quyền thu thuế riêng. Vào tháng 7, Hội nghị quốc dân lại tự biểu quyết đổi tên thành Hội nghị lập hiến quốc dân. Louis XVI bắt đầu sợ hãi và huy động quân đội tập hợp ở Paris và Versailles, cố gắng kiểm soát tình hình ngoài tầm kiểm soát. Ngày 14 tháng 7, thường dân phẫn nộ tiến hành cách mạng và chiếm được nhà tù Bastille. Sau đó cuộc bạo động của nông dân đã nổ ra trên khắp nước Pháp. Tháng 8, Hội nghị lập hiến quốc dân đã ban hành Tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân. Tháng 10, Louis XVI bị những người dân tham gia bạo loạn bắt.

Dưới sự thúc đây mạng mẽ của các chủ ngân hàng Thụy Sĩ, đến tháng 10, việc cấm các điều luật cho vay nặng lãi theo quy định của Tòa Thánh bị bãi bỏ, việc các ngân hàng cho vay với lãi suất cao chính thức được hợp pháp hóa. Đến tháng 11, Hội nghị lập hiến tuyên bố tịch thu đất đai của giáo hội trên toàn quốc. Tháng 12, thông qua quyết định phát hành tiền giấy (Assignats) với tài sản thế chấp là đất đai của nhà thờ, tình hình tài chính của Pháp cải thiện đáng kể, và khoản vay từ các ngân hàng cuối cùng đã hạ cánh an toàn.

Ngày 21 tháng 1 năm 1793, Louis XVI đầu lìa khỏi cổ, khi đó 39 tuổi. Người ta nói rằng ông đã thở phào nhẹ nhõm trước khi chết: "Mặc dù sắp chết, nhưng tôi chưa bao giờ phạm phải tội lỗi nào. Tôi tha thứ cho những người đã khiến tôi chết. Tôi cũng cầu nguyện với Chúa rằng sau khi máu của tôi tuôn chảy, trên đất Pháp sẽ không còn cảnh máu chảy đầu rơi nữa".

Từ sự bùng nổ của cuộc Cách mạng năm 1789 đến sự thất bại của Napoléon năm 1815, ngoài một thỏa thuận ngừng bắn ngắn ngủi ở giữa, nước Pháp đã trải qua một cuộc chiến tranh kéo dài 25 năm. Một lượng tài nguyên khổng lồ bị chiến tranh phá hủy, tính mệnh của hơn 5 triệu người bị thiêu rụi thành tro, ngành công – thương nghiệp hết sức tiêu điều, lạm phát nặng nề và cuộc cách mạng công nghiệp của Pháp đã bị hoãn lại trong gần 30 năm, so với Pháp, Anh có lợi thế chiến lược tuyệt đối. Kể từ đó, sức mạng quốc gia của Pháp chưa bao giờ vượt qua Vương quốc Anh. Cái giá về mặt chính trị và kinh tế của Cách mạng Pháp chắc chắn là rất trầm trọng và đắt đỏ.

Trích "Chương 3, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét