Nước Mỹ "người trong cuộc" của quyền lực tài chính - phần 10

Schiff và chiến tranh Nga – Nhật

Takahashi Korekiyo (1854 – 1936)
Takahashi Korekiyo (1854 – 1936)

Khi chiến tranh Nga – Nhật nổ ra năm 1904, Nhật Bản đã sẵn sàng đánh bại nước Nga, nhưng họ nhanh chóng nhận thấy sức chiến đấu của quân đội Nga rất mạnh, và ngân sách phục vụ chiến tranh của Nhật Bản đang cạn dần, khó có thể ứng phó nổi. Để huy động kinh phí, Takahashi Korekiyo – Phó Chủ tịch Ngân hàng Specie của Nhật Bản, đã đến London để gặp gỡ các chủ ngân hàng quốc tế.

Khi đến London, ý định ban đầu của Takahashi Korekiyo là thỉnh cầu gia tộc Rothschild đứng ra bảo lãnh cho trái phiếu chiến tranh của Nhật Bản. Phía Nhật Bản chỉ đề xuất quy mô huy động vốn vỏn vẹn 5 triệu bảng, thấy vậy gia tộc Rothschild còn chẳng buồn đếm xỉa. Cần phải biết rằng, trong thương vụ bảo lãnh trái phiếu để bồi thường chiến tranh Pháp – Phổ từ 30 năm trước, gia tộc Rothschild đã huy động được số tiền khổng lồ 5 tỷ franc (khoảng 200 triệu bảng) chỉ trong vòng hai năm. Mặc dù Anh là đối tác chính trị và kinh doanh lớn nhất của Nhật Bản vào thời điểm đó, nhưng các chủ ngân hàng ở London không tin Nhật Bản có khả năng chiến thắng trong cuộc chiến, vì vậy kế hoạch huy động vốn của Nhật Bản bị đóng băng ở London.

Trong lúc phiền muộn, Takahashi Korekiyo tình cờ gặp Schiff ở bữa tiệc, khi đó ông đang đến London để xử lý công việc, Takahashi Korekiyo dốc bầu tâm sự với Schiff, còn Schiff vừa lắng nghe vừa âm thầm tính toán. Khi sức mạnh của nền kinh tế Mỹ tăng lên, sức mạnh tài chính của Mỹ cũng dần lớn mạnh, mặc dù Schiff cũng là một nhân vật nổi tiếng ở Phố Wall, nhưng khi ở London, ngay cả một nhân vật tầm cỡ như Morgan cũng phải thận trọng và nhìn sắc mặt của các ông lớn ở London mà nói chuyện. Schiff hiểu vị thế của mình vẫn còn kém quá xa so với các chủ ngân hàng quốc tế ở London. Tuy nhiên, Nhật Bản thực sự là một thị trường mới, nếu các ông lớn đã không buồn để ý thì những nhân vật mới nổi ở Phố Wall vẫn có thể dành sự quan tâm. Không giống các chuyên gia tài chính London – những người tin Nhật Bản sẽ bị đánh bại, Schiff cho rằng chiến trường của Chiến tranh Nga – Nhật cách xa những trung tâm kinh tế của Nga, nhưng lại nằm kề những yết hầu kinh tế cốt yếu của Nhật Bản, cộng thêm với sự hủ bại của triều đình và sự mục ruỗng của chế độ Sa hoàng, một quốc gia đang trong giai đoạn trỗi dậy mạnh mẽ như Nhật Bản rất có thể sẽ đánh bại nước Nga. Vì vậy Schiff đã hứa với Takahashi Korekiyo sẽ giúp đỡ Nhật Bản huy động tài chính cho Chiến tranh Nga – Nhật trên thị trường Phố Wall. Một lý do khác khiến Schiff sẵn sàng giúp đỡ Nhật Bản: Cuộc đàn áp người Do Thái ở Nga khiến Schiff cho rằng Nga là kẻ thù công khai của loài người. Ông thậm chí còn ủng hộ việc sử dụng cách mạng vũ trang để lật đổ Sa hoàng. Ông sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai có thể chiến đấu chống lại Nga.

Thời điểm này, về cơ bản là chỉ có mình Schiff đứng ra huy động kinh phí chiến tranh cho Nhật Bản. Trong hoàn cảnh ấy, Schiff bất đắc dĩ phải liên kết với các đối thủ cũ của mình là gia tộc Morgan và George Baker để thành lập một tập đoàn tài chính. Sau khi cân nhắc, họ đã lôi kéo được thêm tập đoàn Rockefeller. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Nhật Bản có thể huy động được vốn từ các thị trường tài chính bên ngoài London.

Trong Chiến tranh Nga – Nhật, Nhật Bản đã nhận được tổng cộng ba khoản vay với quy mô lớn, tất cả đều là kiệt tác của Schiff. Chính ba khoản vay này đã cải thiện đáng kể khả năng chiến tranh của Nhật Bản và trở thành một trong những yếu tố quan trọng giúp Nhật Bản cuối cùng giành chiến thắng.

Trước Chiến tranh Nga – Nhật, các cường quốc châu Âu và Mỹ vẫn tin Nhật Bản là một bá chủ nhỏ ở châu Á, tuy không thể so sánh với các cường quốc thế giới như Anh, Mỹ, Đức, Pháp và Nga. Chiến thắng của Nhật Bản đã gây sốc cho các thế lực cường quyền của châu Âu và Mỹ, và cũng khiến cho Schiff trở nên nổi tiếng trên thị trường tài chính quốc tế. Tầm nhìn chiến lược của ông đã khiến các chủ ngân hàng quốc tế phải hết lời thán phục. Đức vua Edward VII của Anh đã mời Schiff dùng bữa trưa tại Cung điện Buckingham. Thiên hoàng Nhật Bản cũng mời Schiff ăn trưa tại Cung điện Hoàng gia Nhật Bản. Đây là đãi ngộ cao nhất của Thiên hoàng Nhật Bản. Trước Schiff, chưa có một người nước ngoài nào nhận được vinh dự đặc biệt như vậy. Schiff là một người rất giỏi các chiêu trò lấy lòng, khi đang dùng bữa trưa với Thiên hoàng Nhật Bản trong hoàng cung, ông đột nhiên đề nghị với người phụ trách nghi thức trong hoàng cung rằng hy vọng có thể kính Thiên hoàng một ly rượu. Người phụ trách nghi thức sợ hãi đến nỗi mặt mày trắng bệch, vội vàng khuyên ngăn Schiff chớ làm như vậy, bởi lẽ việc người nước ngoài kính rượu Thiên hoàng chưa từng xảy ra trong hoàng cung Nhật Bản, anh ta sợ Thiên hoàng sẽ hiểu nhầm và nổi cơn đại nộ. Schiff vẫn nhất mực làm theo ý mình, ông đứng dậy nâng lý và nói: "Đầu tiên xin hãy nâng ly chúc mừng Hoàng đế, kính mong rằng trong mắt các thần dân của mình, trong khói lửa của chiến tranh, trong những năm tháng hòa bình, ngài sẽ luôn là nguyên thủ của Nhật Bản." Sau khi Schiff nói xong, trông Thiên hoàng vẫn khá vui vẻ, lúc đó mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Với tư cách là một vị thượng khách hết sức tôn quý, Schiff đã được mời đến nhà Takahashi Korekiyo làm khách, tình cờ ngồi cạnh cô con gái mới 15 tuổi của Takahashi Korekiyo, ông thuận miệng nói: "Cháu nên đến Mỹ để tham quan và học tập một thời gian." Schiff là một người luôn giữ thái độ nghiêm túc với người khác, thần thái khi ông nói chuyện chẳng khác gì đưa ra mệnh lệnh ở Phố Wall, ông cũng không để ý quá nhiều về việc này. Nhưng sáng sớm hôm sau, Takahashi Korekiyo có mặt tại cửa căn hộ của Schiff, cúi người thi lễ và nói: "Mặc dù để một cô gái Nhật Bản tuổi còn trẻ như vậy mà đã rời khỏi đất nước của mình và bắt đầu một hành trình dài đầy khó khăn là một điều hết sức kỳ lạ ở Nhật Bản, nhưng vì ngài đã chứng tỏ được rằng ngài là bạn của đất nước Nhật Bản, thế nên tôi đồng ý để con gái tôi đến New York với ngài." Tuy nhiên, ông mong Schiff hiểu được rằng, ông không muốn con gái mình ở lại Mỹ quá ba năm. Một câu nói khách sáo mà Schiff buộc miệng nói ra, vậy mà một chủ chân hàng quan trọng bậc nhất của Nhật Bản lại coi là mệnh lệnh từ Phố Wall. Schiff là một người luôn giữ lời, quả nhiên ông đã dẫn theo con gái của Takahashi Korekiyo đến New York, và ba năm sau ông lại tiễn cô bé về nước như đã hẹn. Kể từ đó, Nhật Bản đã chính thức gắn tên mình lên thị trường Phố Wall.

Trích "Chương 4, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét