Nước Anh đỉnh cao của quyền lực tài chính - phần 13

Kênh đào Suez: đòn tập kích tài chính của Rothschild

Với Vương quốc Anh, con đường tốt nhất từ Đại Tây Dương đến Ấn Độ - thuộc địa lớn nhất ở nước ngoài của họ, là từ eo biển Gibraltar, đi qua Malta đến Ai Cập, rồi từ Ai Cập đến Ấn Độ. Đây là "huyết mạch của đế chế" mà người Anh không bao giờ chấp nhận bất cứ sự thách thức nào. Với tư cách là một đế chế hàng hải, Anh buộc phải dựa vào Hải quân, trong khi hải quân cần phải dựa vào một căn cứ kiên cố ở nước ngoài. Ở Đại Tây Dương có Pholipfax và Bermuda ở Canada, ở Ấn Độ Dương có Mumbai và Trincomalee, ở Thái Bình Dương có Hồng Kông (Trung Quốc) và Esquimat bờ biển phía Tây Canada, ở Biển Đỏ có cảng Aden. Các căn cứ hải quân này nằm ở những vị trí yết hầu của các đại dương, kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường thủy quan trọng khắp thế giới. Tuy nhiên, Suez của Ai Cập dù là khu vực quan trọng dẫn đến Ấn Độ, nhưng lại là liên kết yếu nhất trong huyết mạch của đế chế.

Ai Cập đã đuổi được quân đội của Napoléon ra khỏi bờ cõi vào năm 1801. Năm 1805, Muhammad Ali chấp chính và thành lập đế chế của người Ả Rập. Năm 1840, ông buộc phải chấp nhận Hiệp ước London và bắt đầu con đường bán thuộc địa. Trong giai đoạn cai trị của hoàng đế Abbas I thuộc Vương triều Ali (1849-1854), các thế lực thực dân phương Tây nhanh chân xâm nhập vào đất nước này. Năm 1851, Vương quốc Anh giành được đặc quyền xây dựng tuyến đường sắt từ Alexandria đến Suez. Năm 1854, Pháp nhận hợp đồng nhượng quyền xây dựng kênh đào Suez. Năm 1869, kỹ sư người Pháp – Ferdinand Lexeps xây dựng kênh đào Suez nổi tiếng với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Pháp, nối biển Địa Trung Hải và Biển Đỏ thành một thể thống nhất. Nó rút ngắn đáng kể quãng đường vận chuyển từ Đại Tây Dương đến Ấn Độ Dương và trở thành tuyến đường thủy vàng có giá trị chiến lược. 70% đội tàu đi qua kênh đào này mỗi năm là của Vương quốc Anh và 50% giao dịch thương mại giữa Anh và Ấn Độ được thực hiện thông qua kênh đào Suez. Không có gì lạ khi kênh đào Suez được Bismarck gọi là "cột sống của Đế quốc Anh".

Tuy nhiên, cột sống của đế chế này có thể bị chặt đứt bởi đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ - Pháp. Đó là lý do quan trọng khiến người Anh luôn lo lắng đến quên ăn quên ngủ.

Khi thủ tướng Anh Disraeli nhậm chức, ông ủy nhiệm cho một người bạn cũ – Lionel Rothschild đến Pháp để thăm dò xem liệu có thể mua lại kênh đào Suez hay không, nhưng Chính phủ Pháp từ chối thẳng thừng.

Ngày 14 tháng 11 nắm 1875 rơi vào đúng ngày Chủ nhật và Thủ tướng Disraeli đến làm khách tại gia tộc Rothschild. Trong lúc chủ và khách đang vui vẻ trò chuyện thì nhận được một bức mật thư gửi từ chi nhánh Paris. Đọc thư xong, Lionel nói với Disraeli rằng Thống đốc Ai Cập đang gánh món nợ rất lớn và cần rao bán 177.000 cổ phiếu của kênh đào Suez. Ông ta chuyển lời đề nghị đến Chính phủ Pháp trước tiên, nhưng lại rất không hài lòng với tốc độ phản hồi và mức báo giá từ phía Pháp. Ông ta muốn có được số tiền nhanh chóng, càng sớm càng tốt.

Disraeli và Lionel nhận ra đây là một thời cơ lớn. Suy nghĩ một hồi lâu, Disraeli chỉ hỏi một câu: "Bao nhiêu?" Lionel ngay lập tức gửi điện cho chi nhánh Paris để hỏi mức giá mà đối phương đưa ra. Thấp thỏm chờ đợi, Disraeli chẳng còn tâm trạng thưởng thức bữa tối "ngon nhất London" của gia tộc Rothschild. Lúc rượu Brandy được bưng lên bàn tiệc, tin cấp báo của gia tộc Rothschild cũng kịp tới nơi, đối phương ra giá 4 triệu bảng Anh.

Disraeli nói không một chút do dự: "Chúng ta phải mua bằng được kênh đào này". Lionel không thể hiện thái độ gì. Điều ông cần làm lúc này là xác minh thông tin. Đến sáng thứ Hai, thông tin được chứng thực.

Bây giờ, ưu tiên hàng đầu của họ là hoàn thành thỏa thuận ngay lập tức nhân lúc các quốc gia khác chưa kịp phản ứng, ra tay nhanh chóng và giữ bí mật tối đa. Song, Quốc hội đang trong kỳ nghỉ, nếu triệu tập hợp rồi tiến hành tranh luận kéo dài thì e rằng sẽ vuột mất thời cơ ngàn năm có một này. Thủ tướng cũng không thể đến Ngân hàng Anh. Phản ứng của "Bà già" (Ngân hàng Anh) xưa nay vốn hết sức chậm chạp, hơn nữa là họ cũng không có nhiều tiền mặt như vậy và luật pháp quy định rằng Ngân hàng Anh không có quyền cho Chính phủ vay tiền trong các ngày nghỉ của Quốc hội. Tìm đến một ngân hàng cổ phần cũng không ổn, bởi lẽ họ phải họp hội đồng quản trị và thảo luận từng bước đúng theo tinh thần của giới quý tộc Anh. Nếu huy động vốn trên thị trường tài chính, một số tiền lớn trong một thời gian ngắn là rất khó và thông tin rất dễ bị rò rỉ. Chỉ duy nhất Ngân hàng Rothschild có thể làm điều này.

Thủ tướng Anh Disraeli ngay lập tức triệu tập một cuộc họp gồm các bộ trưởng Nội các của ông. Chủ đề là cho phép vay tiền từ gia tộc Rothschild. Disraeli phái thư ký riêng thân cận của mình đứng đợi bên ngoài phòng họp Nội các, chỉ cần đạt được nghị quyết là ông lập tức thò đầu ra ngoài và nói "Ok", thì lập tức lên xe ngựa đợi sẵn ngoài cửa và đến gặp Lionel Rothschild. Khi nhìn thấy Lionel, viên thư ký thở không ra hơi, nói: "Thủ tướng cần gấp 4 triệu bảng, ngày mai phải có ngay". Lionel nhặt một quả nho trước mặt thong thả ăn, nhổ vỏ xong mới hỏi: "Thủ tướng lấy gì để đảm bảo?" Câu trả lời là: "Chính phủ Anh". Lionel nói giọng nhẹ tênh: "Được rồi, các ngài sẽ có được khoản tiền đó".

Khi Disraeli báo cáo với Nữ hoàng, ông không giấu nổi sự phấn khích và kích động: "Lần này Pháp đã bị gạt ra ngoài, họ hết đất diễn rồi. 4 triệu bảng! Có thể lấy ra ngay lập tức! Chỉ có một ngân hàng có thể làm điều này, Rothschild!".

Việc Rothschild khảng khái mở ví rút tiền như vậy đương nhiên không phải vì muốn "ra tay hiệp nghĩa”, nếu mức lãi suất của khoản đầu tư này không đáp ứng mục tiêu của ông thì đừng nói là lấy Chính phủ Anh ra đảm bảo, mà ngay cả đem Nữ hoàng ra thế chấp, gia tộc Rothschild cũng chưa chắc đã chịu làm. Lý do khiến cho Lionel gật đầu đồng ý cho vay đó là khoản lãi suất đầu tư: cho vay 3 tháng với mức lãi 150.000 bảng, tương đương 15% mỗi năm, đây là một khoản đầu tư an toàn và không có rủi ro!

Hơn nữa, ý nghĩa sâu xa từ hành động này của Rothschild không liên quan đến tiền. Thông qua việc huy động tài chính để mua lại kênh đào Suez, Rothschild có được sự thăng cấp hiếm có, tiếp cận gần hơn với việc đưa ra những quyết sách cốt lõi với các vấn đề nội chính và ngoại giao của Anh. Sau khi xuất ra khoản tiền này, tiếng nói của gia tộc Rothschild với các sự vụ và chính sách đối ngoại giữa Vương quốc Anh và Ai Cập sẽ "có trọng lượng" một cách danh chính ngôn thuận. Đây đúng là một bước ngoặt chiến lược. Tầm ảnh hưởng và sự can dự của Rothschild vào các chính sách và vấn đề công của Anh bất đầu vượt qua Ngân hàng Barings – trước nay luôn được coi là "chủ soái chính trị".

Vương quốc Anh rất quan tâm đến dự án kênh đào Suez, để kiểm soát toàn bộ nền kinh tế - chính trị Ai Cập. Với sự thâm nhập sâu rộng của thế lực Anh ở Ai Cập, Ngân hàng Rothschild đã thuận nước đẩy thuyền, đưa toàn bộ hoạt động tài chính vào đất nước này. Từ năm 1885 đến năm 1893, Ngân hàng Rothschild và Breslauer liên kết với nhau, chủ yếu ở London, Paris và Frankfurt và bao thầu toàn bộ bốn thương vụ phát hành trái phiếu kho bạc lớn nhất Ai Cập, với tổng trị giá gần 50 triệu bảng.

Trên "trạm dừng chính trị", Rothschild và các chủ ngân hàng Do Thái đã lựa chọn Đảng Tự do và ủng hộ mạnh mẽ chính sách bành trướng ra nước ngoài, tức "Chủ nghĩa đế quốc" của đảng này.

Cuối thế kỷ XIX, Vương quốc Anh mở rộng một cách mạnh mẽ thế lực ở nước ngoài, dựa vào nguồn cung tiền bạc cực kỳ dồi dào của các chủ ngân hàng Do Thái. Với cơ hội từ việc mở rộng thuộc địa của Anh, các chủ ngân hàng Do Thái do gia tộc Rothschild đứng đầu không chỉ thu được lợi nhuận kinh tế lớn, mà còn luồn sâu "bàn tay vàng" của mình vào hệ thống huyết mạch tài chính của thế giới.

Trích "Chương 2, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét