Nước Pháp nơi cát cứ của quyền lực tài chính - phần 7

Vừa là kẻ lừa đảo, vừa là nhà tiên tri

Bản chất kép cố hữu của hệ thống tín dụng là: một mặt, khiến cho động lực sản xuất của chủ nghĩa tư bản – dùng biện pháp bóc lột sức lao động của người khác để làm giàu cho bản thân – phát triển thành một chế độ dối trá và mang tính may rủi thuần túy và lớn nhất, không những vậy còn khiến cho số lượng của nhóm người thiểu số đang bóc lột tài sản của xã hội ngày càng ít đi; mặt khác, nó cũng là một hình thức chuyển tiếp sang một phương thức sản xuất mới. Chính bản chất kép này đã khiến cho người tuyên truyền chính của chủ nghĩa tín dụng, từ John Law đến Isaac Bellella, đều có một đặc điểm thú vị như vậy: vừa là cả kẻ lừa đảo, vừa là nhà tiên tri.
- Karl Marx –

Karl Marx
Karl Marx

Đánh giá của Marx rất thú vị, ông vừa hiểu được tác dụng thúc đẩy của tín dụng đối với sức sản xuất, vừa nhận ra rằng nhóm người đang cố gắng thực hiện chủ nghĩa tín dụng thực chất là những kẻ lừa đảo. Cầu nói này của Marx có thể coi là một bình luận kinh điển đã nhìn nhận chính xác bản chất của tất cả sự đổi mới tài chính. Lý thuyết luôn phải dựa vào sự thực hành của con người, và những người thực hành lý thuyết đều có lợi ích riêng của họ, làm thế nào để tích hợp các mục tiêu của lý thuyết với lợi ích của những người thực hiện chính là sự khác biệt quan trọng nhất giữa các chính trị gia vĩ đại và các nhà tư tưởng vĩ đại.

Gia tộc Rothschild và Bellella được mô tả là đại diện của "hai loại người Do Thái". Gia tộc Rothschild là điển hình của những người Do Thái miền Bắc, "luôn bình tĩnh và lý trí", luôn đề cao việc tiêu hao ít chi phí và đạt hiệu suất cao trong việc sở hữu tài sản. Còn gia tộc Bellella thì đại diện cho người Do Thái miền Trung, những người hưởng lợi từ chính sách khoan hồng của người Pháp đối với người Do Thái, do đó khi hành sự hoặc kinh doanh, họ có xu hướng cởi mở hơn và tính toán đến lợi ích chung của cộng đồng, tuy nhiên "tâm hồn nhiệt huyết" này sẽ khiến họ phải tiêu tốn nhiều năng lượng và hiệu suất kém hơn. Trong xã hội Pháp thời bấy giờ, gia tộc Rothschild tiêu biểu cho nền "tài chính phong kiến", trong khi gia tộc Bellella lại đại diện cho nền "tài chính dân chủ".

Anh em nhà Bellella nhanh chóng hoàn thành công tác tổ chức ngân hàng của mình, và Benoit Fould của gia tộc Fould đã trở thành chủ tịch hội đồng quản trị đầu tiên của ngân hàng này cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1854. Nhưng việc vận hành công tác thường ngày của ngân hàng là trách nhiệm của Isaac Bellella – phó chủ tịch hội đồng quản trị. Các thành viên khác của hội đồng quản trị bao gồm Galilea – vị công tước xứ Musi quyền thế khuynh đảo triều cương Bá tước Andre, Nam tước Cyril, và gia tộc ngân hàng Thanh giáo – Charles Mallet, và August de Morny – người đã lên kế hoạch cho cuộc đảo chính và lên ngôi hoàng đế của Napoléon III để thành lập nên Đế chế Thứ hai, Morny cũng là anh trai cùng cha khác mẹ của Napoléon III.

Dưới sự vận hành và chuẩn bị hết sức mạnh mẽ, Ngân hàng Tín dụng Động sản vừa mới ra đời ngay lập tức bung tỏa một nguồn năng lượng kinh hoàng. Mức định giá 500 franc/cổ phiếu vừa lên sàn đã lập tức vọt lên 1.100 franc, sau đó chạm mức 1.600 franc vào ngày thứ tư. Đến tháng 3 năm 1856, nó đã chạm ngưỡng 1.982 franc. Cổ tức đã tăng từ 13% vào năm 1853 lên 40% vào năm 1855. Các nhà đầu tư của Ngân hàng Tín dụng Động sản ai nấy đều vui mừng khôn xiết, và khi đó lời tiên tri của James Rothschild về việc Ngân hàng Tín dụng Động sản là một thảm họa tài chính nghe thật giống như một trò đùa.

Mặc dù Ngân hàng Tín dụng Động sản là một ngân hàng cổ phần, nhưng quy mô nguồn vốn ban đầu của nó thua xa so với ngân hàng Rothschild. Ngân hàng Tín dụng Động sản được thành lập với nguồn vốn ban đầu 20 triệu franc (Bellella chiếm 29% cổ phần), trong khi năm 1852, Ngân hàng Rothschild chi nhánh Pháp có tài sản hơn 88 triệu franc và tổng tài sản của các chi nhánh vượt quá mức 230 triệu franc. Tuy nhiên ngay sau khi thành lập, Ngân hàng Tín dụng Động sản đã cho thấy sự linh hoạt, thời thượng và tham vọng của nó – những điều trái ngược hoàn toàn với sự nghiêm cẩn, truyền thống, khiêm nhường và rập khuôn của Ngân hàng Rothschild.

Trong Ngân hàng Tín dụng Động sản, các chủ ngân hàng luôn được bao quanh bởi một nhóm bằng hữu. Mọi người đều dỏng tai lên để nghe ngóng tình hình kinh doanh, các khách hàng cũ đang muốn mua vào hay bán ra, v.v… Còn các nhân viên ngân hàng thì đứng trên cầu thang để tiếp đón khách hàng, siêng năng tìm hiểu xem có cơ hội kinh doanh nào không. Mọi người đều mong muốn làm giàu nhanh chóng, bất chấp thủ đoạn và không cần che đậy.

Thời kỳ này là đỉnh cao huy hoàn của việc xây dựng đường sắt Pháp. Từ năm 1851 đến 1856, đầu tư vào ngành đường sắt đã tăng gấp năm lần. Các tuyến đường sắt mới khánh thành trong những năm 50 của thế kỷ XIX còn nhiều hơn gấp đôi so với những năm 40. Cùng với sự mở rộng nhanh chóng của Ngân hàng Tín dụng Động sản, sự cạnh tranh của nó với Rothschild trong lĩnh vực đường sắt ngày càng trở nên nóng bỏng. Ngân hàng Tín dụng Động sản nhanh chóng kiểm soát ba tuyến đường sắt chính ở Pháp, còn Ngân hàng Rothschild "tử thủ" giữ vững hai tuyến đường sắt ban đầu của mình. Ngân hàng Tín dụng Động sản có 8 ghế thành viên hội đồng quản trị trong các công ty đường sắt khác nhau của Pháp, còn gia tộc Rothschild có 14 ghế.

Các chủ ngân hàng Do Thái của cả hai phe đều tranh giành quyết liệt cho việc huy động tài chính cho ngành đường sắt của Pháp. Napoléon III thì rất ủng hộ Ngân hàng Tín dụng Động sản, hết lần này đến lần khác phê duyệt các dự án huy động vốn của các tuyến đường sắt cho gia tộc Bellella. Vào thời điểm này, Mani – người em trai có một nửa mối quan hệ huyết thống với hoàng đế, đã nhìn thấy cơ hội trong ngành đường sắt và sốt sắng làm giàu, ông đề xuất việc các công ty đường sắt nhở nên sáp nhập vào thành một số tuyến chính. James ngay lập tức nắm lấy cơ hội để bấu víu vào Mani. Ngân hàng Rothschild chi nhánh Pháp đang nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá hơn 20 triệu franc, chiếm 15% tài sản ngân hàng. Sau khi nhận được sự khuyến khích của Mani, những cổ phiếu này nhanh chóng lên giá. Trong tuần đầu tiên của tháng 4 năm 1852, James kiếm được lợi nhuận ròng 1,5 triệu franc mà không cần "móc ra một xu".

Ngân hàng Rothschild chi nhánh Pháp với nguồn lực hùng hậu, đang dẫn đầu cuộc đua giành các dự án huy động tài chính đường sắt. Ngân hàng Tín dụng Động sản không hề tỏ ra yếu thế, bằng cách sáng tạo ra mô thức "đóng gói" tiêu chuẩn hóa các loại cổ phiếu và trái phiếu với kỳ hạn và điều kiện khác nhau của các công ty đường sắt, họ thực sự đã đặt nền móng cho các sản phẩm tài chính có cấu trúc ngày nay. Thông qua "đổi mới tài chính", Ngân hàng Tín dụng Động sản sáng tạo ra một số lượng lớn phương thức đầu tư sản phẩm tài chính mới, lấp đầy khoảng cách giữa thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán, và động thái này ngay lập tức thu hút vô số nhà đầu tư nhỏ. Tài sản của Ngân hàng Tín dụng Động sản nhanh chóng tăng lên 60 triệu franc, thách thức trực tiếp vị thế của gia tộc Rothschild trong lĩnh vực huy động tài chính đường sắt.

Điều khiến James lo lắng hơn nữa là gia tộc Bellella đang "vươn vòi bạch tuộc" tới Pháp và lên kế hoạch càn quét khắp châu Âu. Ngày 2 tháng 4 năm 1853, ngân hàng gia tộc Oppenheimer ở Köln đã nhận được giấy phép thành lập một ngân hàng mới ở phía nam Frankfurt, cách Darmstadt chưa đầy 20 dặm. Đây rõ ràng là một phiên bản Đức của Ngân hàng Tín dụng Động sản, và mục tiêu được nhắm đến là ngân hàng của gia tộc Rothschild ở Frankfurt. Bellella, Fould, Oppenheimer và Ngân hàng Tín dụng Động sản sẽ cùng nhau nắm quyền kiểm soát ngân hàng mới này.

Bellella tiếp tục thành lập Ngân hàng Tín dụng Động sản ở Tây Ban Nha vào năm 1853 và lên kế hoạch thành lập Ngân hàng Tín dụng Động sản chi nhánh Bỉ. Năm 1854, Ngân hàng Tín dụng Động sản Áo cũng được thành lập. Không chỉ có vậy, Bellella cũng đang hướng đến nước Nga xa xôi.

Kể từ sau thất bại trong cuộc chiến tranh Crimea, Nga hết sức đau đớn khi nhận ra giá trị chiến lược của mạng lưới đường sắt. Họ quyết tâm xây dựng một mạng lưới đường sắt quốc gia với tuyến Moscow-St.Petersburg là trung tâm, nối phần châu Âu của Nga với phía nam biên giới Ba Lan và bán đảo Crimea, tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 4.000 dặm, dự kiến đầu tư 1 tỷ franc. Để hoàn thành kế hoạch cơ sở hạ tầng chiến lược này, Công ty Đường sắt Đại Nga (The Great Russian Railway Company) đã được thành lập với số vốn ban đầu là 300 triệu franc. Các cổ đông bao gồm Stieglitz – chủ ngân hàng tư nhân của Sa hoàng ở St.Petersburg, Fraenkel ở Warsaw, anh em Barings ở London, Hope ở Amsterdam, Mendelssohn ở Berlin, cùng với những đối thủ cạnh tranh của gia tộc Rothschild ở Pháp như Bellella, Mallet, Fould và gia tộc Hottinguer. Hội đồng quản trị có 10 người Nga gồm các sĩ quan quân đội và các quan chức chính phủ (bao gồm cả chủ tịch hội đồng do Sa hoàng bổ nhiệm), 4 thành viên hội đồng quản trị của tập đoàn Barings-Hope và 5 thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng Pháp, Bellella và Fould. Do đó, sức mạng tài chính của Pháp với đại diện là Ngân hàng Tín dụng Động sản đã thâm nhập vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội của Nga trên quy mô lớn và trở thành đại bản doanh ở liên minh Nga – Pháp trong tương lai.

Năm 1856, tạp chí Công nghiệp của Pháp bình luận: "Ngân hàng Tín dụng Động sản được định sẵn sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng ra thế giới. Sau 4 năm phát triển, công ty mẹ ở Paris đã trở thành hình mẫu cho việc học tập công nghiệp của Pháp. Các chi nhánh bên ngoài lãnh thổ Pháp như Áo, Tây Ban Nha, vùng Piemonte (miền Bắc nước Ý) đều được thành lập, và sau khi hiệp ước hòa bình sau chiến tranh Crimea giữa Anh – Pháp và Nga được ký kết, chắc chắn họ sẽ mở thêm chi nhánh ở Constantinople và St.Petersburg… (Bởi lẻ) các nước châu Âu đều thừa nhận rằng, sự phát triển quá trình sản xuất và sự tiến bộ về vật chất chính là lợi ích chính trị lớn nhất trên thế giới hiện nay… Vì lý do đó, tín dụng là yếu tố không thể thiếu".

Tạp chí Đường sắt – một thân tín của gia tộc Rothschild thì tỏ ý nghi ngờ việc mở rộng Ngân hàng Tín dụng Động sản ở châu Âu dự kiến sẽ tiêu tốn 1 tỷ franc, bởi điều này đòi hỏi phải huy động toàn bộ vốn cần thiết để phát triển công nghiệp trong nước ra nước ngoài.

Bất chấp những nghi vấn, chỉ trích của giới truyền thông ủng hộ Rothschild, Ngân hàng Tín dụng Động sản vẫn không hề nao núng và tiếp tục mở rộng thế lực sang các nước châu Âu. Bảo lãnh phát hành trái phiếu chính phủ ở Áo, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ; đầu tư đường sắt ở Bỉ, Áo, Ý và Romania; bảo lãnh trái phiếu thế chấp ở Hà Lan, Áo và Bỉ; mở nhà máy luyện đường ở Hà Lan, mở nhà máy luyện sắt ở Prague, thậm chí còn có đồn điền cà phê ở Ceylon (Sri Lanka). Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất của nó là thành lập Ngân hàng Thương mại Hà Lan – Indonesia, công ty điều hành đường sắt quốc gia và công ty đường sắt Hà Lan – Indonesia. Quan trọng nhất trong số đó là Ngân hàng Thương mại Hà Lan – Indonesia đã thiết lập các chi nhánh tại Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc. Nghiệp vụ kinh doanh hỗn hợp của họ bao gồm ngân hàng đầu tư, ngân hàng thế chấp, mậu dịch thương mại, v.v… và được coi là những ngân hàng con của Ngân hàng Tín dụng Động sản.

Trích "Chương 3, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét