Nước Pháp nơi cát cứ của quyền lực tài chính - phần 9

Chiến tranh Crimea

Chiến tranh Crimea - Tranh của Franz Roubaud Cuộc bao vây Sevastopol
Chiến tranh Crimea - Cuộc bao vây Sevastopol, tranh của Franz Roubaud 

Trong suốt 200 năm, gia tộc Rothschild nghĩ rằng có hai thứ sẽ ảnh hưởng đến đế chế tài chính của họ: chiến tranh và cách mạng. Cho dù đó là một cuộc cách mạng hay chiến tranh, các bên tham chiến chắc chắn phải huy động được một lượng lớn tài chính để thực thi các hành động bạo lực một cách có tổ chức. Bản thân các cuộc chiến tranh và cách mạng có thể tác động mạng mẽ đến trật tự thống trị vốn có của tầng lớp quý tộc phong kiến và giáo hội, khiến cho các gia tộc tài chính có thể khuếch trương tầm ảnh hưởng của mình đối với chính trị. Thời kỳ tái thiết sau khi kết thúc chiến tranh hoặc cách mạng cũng đòi hỏi một lượng lớn tài chính, như vậy có thể đạt được hiệu quả "nhất tiễn hạ song điêu".

Tháng 3 năm 1854, một cuộc chiến tranh khủng khiếp đã nổ ra và càn quét khắp các nước lớn ở châu Âu.

Lúc đầu, những dấu hiệu của cuộc chiến tranh Crimea (Crimea hay còn gọi là Kryun, là bán đảo phía Nam Ukraina và phía Tây của miền Kuban thuộc Nga – ND) không thu hút được sự chú ý của gia tộc Rothschild, mồi lửa châm ngòi cho cuộc chiến là việc tranh giành "thánh địa". Cái gọi là "vấn đề đất thánh" trên thực tế là sự tranh giành quyền tài phán đối với Jerusalem và nhà thờ Bethlehem giữa Giáo hội Công giáo (do Pháp ủng hộ) và Giáo hội Chính thống (với thế lực chủ yếu là Nga). Nguyên nhân là từ nửa sau thế kỷ XVIII, Nga phát triển nhanh chóng thế lực của mình ở vùng Cận Đông, cố gắng chiếm đóng hoặc chia cắt Đế chế Ottoman đang suy tàn để kiểm soát biển Đen và thực hiện mong muốn bất lâu nay là tiến về phía nam Địa Trung Hải. Và điều này dẫn tới xung đột gay gắt với Anh và Pháp – những nước có lợi ích chính trị và kinh tế quan trọng ở vùng Cận Đông. Bất kỳ cuộc chiến nào cũng sẽ gây chấn động trên thị trường tài chính quốc tế, làm thay đổi đáng kể tình hình tài chính của mỗi quốc gia và phân chia lại lợi ích của thị trường tài chính quốc tế. Vì vậy, khi Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống bắt đầu đáng nhau, người phản ứng đầu tiên chính là các chủ ngân hàng quốc tế.

Rothschild bị động trong những ngày đầu của cuộc chiến vì họ quá phụ thuộc vào những thông tin tình báo có được từ kênh ngoại giao. Tuy nhiên lần này, St. Petersburg tỏ ra rất không "thành thật", mãi cho đến tháng 6 năm 1853 họ vẫn liên tục thề với gia tộc Rothschild rằng chiến tranh sẽ không xảy ra. Đến tháng 1 năm 1854, các lực lượng liên minh phương Tây đã tiến vào biển Đen, nhưng James vẫn không quan tâm quá nhiều. Vào tháng 2, khi Bismarck nhận được thông điệp chính xác rằng Nga đã khẩn trương triệu hồi đại sứ của mình ở Paris, ông ngay lập tức đoán ra: "khi đó tôi đã nghĩ rằng, ai là người sợ tin tức này nhất? Mọi suy đoán của tôi đều đổ dồn về Rothschild. Quả nhiên khi nhận thông tin này, mặt ông ấy cắt không còn giọt máu. Phản ứng đầu tiên của ông ấy là, 'Nếu tôi biết thông tin này từ sáng nay thì tốt biết mấy'; phản ứng thứ hai là 'Liệu ngày mai ngài có thể bàn chuyện làm ăn với tôi không?'".

Lionel, người đứng đầu gia tộc Rothschild ở London, cũng rất ngạc nhiên khi Nga có những hành động thúc đẩy chiến tranh. Tháng 3 năm 1854, ông đã đánh giá thấp về nước Nga: "Một quốc gia đang phải gánh khoản nợ 800 triệu bảng Anh cần phải cân nhắc hết sức thận trọng trước khi bước vào một cuộc chiến tranh khác".

Cuộc chiến tranh Crimea kéo dài trong vòng ba năm đã giúp cho hoạt động kinh doanh tài chính nợ công của Ngân hàng Rothschild một lần nữa được đẩy lên cao độ. Cuộc chiến này khiến cho ngân sách chi tiêu quân sự của các nước tham gia vượt quá mức thuế thu quốc nội. Tất cả các quốc gia bất đắc dĩ phải phát hành một khối lượng nợ lớn và đổ xô vào thị trường nợ công.

Cục diện bất lâu nay gia tộc Rothschild phải chịu lép vế trước gia tộc Bellella có sự thay đổi rõ rệt. Giờ đây, không ai có thể lay chuyển được sự thống trị của Ngân hàng Rothschild, họ nắm chắc thị trường tài chính quốc tế sau hàng trăm năm làm việc chăm chỉ. Tất cả các đối thủ cạnh tranh, bao gồm cả Ngân hàng Tín dụng Động sản, đều trở về tay trắng từ trận chiến giành giật trái phiếu chiến tranh Crimea, trong khi đó gia tộc Barings – "oan gia ngõ hẹp" của gia tộc Rothschild thì lại ăn quả đắng vì trót đặt cược vào Nga – nước đã thảm bại toàn diện sau cuộc chiến này. Điều đó có nghĩa là khi chiến tranh nổ ra, về cơ bản là gia tộc Rothschild một mình hưởng trọn chiếc bánh.

Ban đầu chính phủ Anh quyết định vay tiền từ Ngân hàng Barings. Nhưng thật không may, hầu hết nguồn tiền của gia tộc Barings đều đã cho Nga vay và không rút ra được, họ đành giương mắt chứng kiến Ngân hàng Rothschild nuốt chửng khoản vay chiến tranh trị giá 16 triệu bảng.

Chiến tranh Crimea - Trận Tchernaya (16 tháng 8 năm 1855)
Chiến tranh Crimea - Trận Tchernaya (16 tháng 8 năm 1855)

Nước Pháp trong thời chiến đang hết sức đau đầu về vấn đề kinh tế, Napoléon III vội vàng đưa ra một loạt các chính sách điều chỉnh lãi suất để kích thích kinh tế. Ngân hàng gia tộc Rothschild chi nhánh Paris và gia tộc Hottinguer phối hợp với nhau hỗ trợ chính sách kích thích tài chính trong cuộc giải cứu khủng hoảng kinh tế của chính phủ, gạt gia tộc Bellella ra khỏi cuộc chơi. Do đó, khi Bộ Tài chính Pháp phát hành trái phiếu chiến tranh Crimea quy mô lớn vào năm 1854 và 1855, Ngân hàng Rothschild đương nhiên là lựa chọn hàng đầu. Lúc này gia tộc Bellella mới phản ứng, họ dốc toàn lực giúp sức cho Napoléon III. Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp nói với Napoléon III rằng thị trường nội địa Pháp gần như đã bão hòa với trái phiếu chiến tranh, vì vậy Pháp chuyển phần lớn trái phiếu chiến tranh sang London để phát hành. Ngân hàng Rothschild chi nhánh London sớm đã đón lõng, thương vụ kinh doanh trái phiếu Pháp cứ thế rơi gọn vào túi họ. Gia tộc Bellella không thể địch lại với một đối thủ mưu tính như thần như gia tộc Rothschild, lại đành giương mắt chứng kiến Ngân hàng Rothschild chi nhánh Paris và chi nhánh London "xơi sạch" thương vụ trái phiếu chiến tranh của Pháp.

Không phải là đối thủ với Rothschild ở Pháp, gia tộc Bellella nhanh chóng tìm đến Thổ Nhĩ Kỳ mong giành lấy thương vụ phát hành trái phiếu chiến tranh của Thổ Nhĩ Kỳ. Nào ngờ gia tộc Rothschild lại nhanh hơn một bước, họ đã sớm cử người đại diện đến Constantinople. Thương vụ trái phiếu chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ lại rơi về tay Ngân hàng Rothschild chi nhánh London. The times năm 1857 cho biết: "Ngân hàng Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ sắp trở thành một phần khác của Ngân hàng Rothschild".

Áo không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến ở Crimea, nhưng không đứng ngoài cuộc, họ dốc hết quốc lực nhằm chiêu bình mãi mã chuẩn bị cho cuộc chiến, cuối cùng họ ép được Nga phải rút quân khỏi sông Danube. Áo chưa kịp ăn mừng thì đã phát hiện ra tình trạng tài chính của nước mình đã rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đồng tiền nội địa mất giá khủng khiếp. Bộ trưởng Bộ Tài chính Áo gửi thư khẩn cấp cho James: "Trước khi đồng tiền của chúng tôi hoàn toàn biến thành giấy vụn, chỉ có ngài mới có thể cứu chúng tôi". James hứa sẽ hợp tác với các chi nhánh khác của Rothschild để cứu Áo, với điều kiện khoản vay ban đầu mà chính phủ Áo đồng ý dành cho Fould sẽ phải chuyển lại cho Ngân hàng Rothschild, thế là Fould món ngon dâng đến tận miệng mà cuối cùng lại bị đoạt mất.

Mức chi tiêu của chính phủ Phổ tăng tới 45% trong giai đoạn chiến tranh, họ đã không còn kham nổi nữa. Có Bismarck đứng ra điều phối, trái phiếu chiến tranh của Phổ được giao lại hoàn toàn cho Ngân hàng Rothschild chi nhánh Frankfurt. Meyer Carl Rothschild cũng được trao Huân chương Đại bàng đỏ của Phổ vì những đóng góp xuất sắc của mình.

Chiến tranh kéo dài đến năm 1856, các nước châu Âu gần như đồng thời trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, rất nhiều ngân hàng phá sản. Từ năm 1852 đến 1855, tốc độ tăng chi tiêu công của các chính phủ là: 42% ở Áo, 68% ở Anh, 53% ở Pháp và 88% ở Nga. Khấu hao nợ công là: 15% ở Anh, 15% ở Pháp, 24% ở Áo và 11% ở Phổ. Nguồn vốn dành cho chiến tranh dần trở nên "thiếu máu", sau đó là "khô máu", khi đó thì tất nhiên không thể đánh nhau được nữa. Chiến tranh Crimea cuối cùng đã kết thúc.

Thực ra Ngân hàng Rothschild không quan tâm đến việc thắng hay thua. Vào cuối những năm 1950, chính phủ Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Áo và Phổ đều sử dụng một hoặc một số ngân hàng của gia tộc Rothschild làm chủ nguồn tiền của mình. Ngân hàng Rothschild cũng mạnh tay dằn mặt, tiêu diệt các đối thủ cả cũ lẫn mới trong giai đoạn chiến tranh, và thế là chẳng ai còn dám động đến vị thế "đại ca giang hồ" của họ trong lĩnh vực phát hành trái phiếu chính phủ.

Ngay cả vào năm 1857, khi tất cả các ngân hàng không thể thoát khỏi tình cảnh phá sản, vẫn chẳng có một chi nhánh nào của Ngân hàng Rothschild phải chịu thua lỗ. Tổn thất lớn nhất chỉ là lợi nhuận giảm sút mà thôi.

Trích "Chương 3, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét