Nước Pháp nơi cát cứ của quyền lực tài chính - phần 4

Thế độc quyền bị phá vỡ: sự trỗi dậy của các gia tộc ngân hàng Do Thái

Một chi nhánh lớn khác của mạng lưới Haute Banque là các gia tộc ngân hàng Do Thái di cư sang Pháp từ năm 1780. So với các chủ ngân hàng Thụy Sĩ, họ khởi đầu có phần muộn hơn ở Pháp, nhưng đà phát triển thật đáng kinh ngạc. Sau khi các chủ ngân hàng Do Thái giành được quyền công dân bình đẳng trong cuộc Cách mạng Pháp, tài sản và địa vị xã hội của họ tăng lên nhanh chóng, dần dần hình thành xu hướng đối kháng với các gia tộc ngân hàng Thụy Sĩ.

 

Achille Fould
Achille Fould

Các gia tộc như Fould, Bellella và Rothschild là nòng cốt của mạng lưới gia tộc ngân hàng Do Thái ở Pháp.

Gia tộc Fould đến Paris vào năm 1784. Công việc chính của họ là làm đại lý cho các gia tộc ngân hàng Do Thái ở nước ngoài, sau đó mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh và thu nhận khoản lãi từ trái phiếu chính phủ. Fould bắt đầu kiếm bộn tiền trong giai đoạn xảy ra cách mạng. Trước tiên, ông dồn tiền đầu tư vào loại tiền giấy mới do chính phủ Cách mạng Pháp dùng đất đai làm tài sản thế chấp để phát hành năm 1790, sau đó tích cực tham gia vào việc mua bán đất nhà thờ, từ đó kiếm được mẻ vàng đầu tiên.

Fould rất giỏi trong việc tìm kiếm các mối quan hệ. Ông đã thiết lập mối quan hệ bạn bè bền chặt với nhiều doanh nhân và chủ ngân hàng người Do Thái ở Đức và trở thành người đại diện của họ tại Pháp. Achille Fould, con trai của Old Fould, đã trở thành một nhân vật nổi bật trong giới chính trị và tài chính, tiếp tục khuếch trương sức ảnh hưởng của gia tộc mình.

Achille tham gia vào lĩnh vực chính trị sau khi tiếp quản công việc kinh doanh của gia tộc, và đến năm 1842, ông gia nhập hội đồng địa phương với tư cách là đại biểu quốc dân. Trong cuộc cách mạng nổ ra vào tháng 2 năm 1848, ông thận trọng ủng hộ các nhà hoạt động cách mạng và tài trợ cho việc thành lập chính phủ lâm thời sau đó với tầm ảnh hưởng tài chính của mình. Không lâu sau, ông cho xuất bản hai cuốn sách nhỏ với nội dung phản đối tiền giấy. Vào giai đoạn cuối của triều đại Napoléon III, Fould đã bốn lần làm Bộ trưởng Bộ Tài chính và đóng vai trò lãnh đạo trong cải cách kinh tế Pháp. Với khuynh hướng bảo thủ mạnh mẽ, ông phản đối giáo điều về thương mại tự do, ủng hộ cuộc đảo chính của Louis Bonaparte và việc Napoléon III thành lập Đế chế Thứ hai của Pháp. Tuy nhiên, ông cũng phản đối sự tấn công quá mức của Napoléon III với đối thủ chính trị của mình – gia tộc Orleans. Sau khi toàn án đế quốc đưa ra phán quyết tịch thu toàn bộ tài sản của gia tộc Orleans, ông từ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính vào ngày 25 tháng 1 năm 1852, nhưng ngay lập tức lại được bổ nhiệm làm Thượng nghị sĩ, không lâu sau lại quay trở lại hoàng gia đế quốc với tư cách là Bộ trưởng Quốc vụ, phụ trách tổ chức Hội chợ Quốc tế Paris năm 1855. Ông lại từ chức vào tháng 11 năm 1860, ông mới về hưu vì tuổi già sức yếu. Trong nhiệm kỳ cuối cùng của mình, khoản nợ ngắn hạn trị giá 300 triệu franc bắt nguồn từ cuộc chiến tranh xâm lược Mexico của Pháp đã được giảm bớt thông qua các cuộc đàm phán, điều đó thể hiện tài năng xuất chúng của ông với tư cách là một chủ ngân hàng và chính trị gia.

Ngân hàng Tín dụng Động sản do hai gia tộc Fould và Bellella thành lập đã tạo ra một áp lực cạnh tranh mạnh mẽ đối với gia tộc Rothschild và trở thành một ví dụ điển hình về cuộc đấu tranh nội bộ giữa các chủ ngân hàng Do Thái.

Bellella là một trong những gia tộc ngân hàng nổi tiếng nhất ở Pháp trong thế kỷ XIX, họ có vị thế sánh ngang với gia tộc Rothschild, cũng từng là đối tác của gia tộc ngân hàng Rothschild và học hỏi rất nhiều điều từ gia tộc Rothschild, sau đó mới "trở cờ" để ra làm riêng. Mặc dù cả hai đều là người Do Thái, nhưng gia tộc Bellella và Rothschild lại có nguồn gốc Do Thái khác nhau. Họ là người Do Thái Sephardi bắt nguồn từ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, vốn là một nhánh từ Ý di cư sang phía tây trong giai đoạn Phục hưng. Nghiệp vụ đổi ngân phiếu chính là bản lĩnh sở trường của gia tộc này, họ tự coi mình là thượng đẳng trong tộc người Do Thái, tôn quý hơn so với người Do Thái di cư đến Đông Âu.

 

Anh em nhà Bellella
Anh em nhà Bellella

Trong suốt thế kỷ XIX, các trụ cột của gia tộc Bellella là anh em Emile và Isaac, cha của họ Jacob Bellella – một trong những nhà phát minh ra ngôn ngữ ký hiệu, từng là dịch giả của Louis XV. Anh em nhà Bellella đã thành lập một ngân hàng đầu tư theo chế độ cổ phần mới với nòng cốt là Ngân hàng Tín dụng Động sản. Nó không chỉ kiếm soát một phần quan trọng của mạng lưới đường sắt quốc gia mà còn kiểm soát sáu công ty khí đốt, công ty xe điện ở Paris, thành lập hai công ty bảo hiểm, chỉnh đốn lại ngành công nghiệp muối ăn, thành lập nên một công ty bất động sản chuyên cải tạo các công trình đô thị của Paris và một công ty ngoại thương với mạng lưới xuyên Đại Tây Dương. Ngoài ra, Ngân hàng Tín dụng Động sản còn đầu tư rộng rãi vào các công ty đường sắt ở Áo, Nga, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và các quốc gia khác, thành lập các phân hiệu Ngân hàng Tín dụng Động sản ở Tây Ban Nha, Hà Lan và Ý. Thông qua các thương vụ sáp nhập, mua lại hoặc kiểm soát tài chính, một tập đoàn tài chính với quy mô chưa từng có với nòng cốt là Ngân hàng Tín dụng Động sản của gia tộc Bellella đã được hình thành, trở thành đối thủ không đội trời chung, cực kỳ đáng gờm của gia tộc Rothschild trên toàn bộ lục địa châu Âu. Kể từ sau năm 1852, các ngân hàng và công ty do tập đoàn này kiểm soát đã phát hành số lượng cổ phiếu với giá thị trường hơn 1,5 tỷ franc mỗi năm, tầm ảnh hưởng của họ đối với nền kinh tế Pháp và châu Âu dễ khiến người ta liên tưởng đến Giáo hội Công giáo thời kỳ Trung cổ.

Tất nhiên, gia tộc ngân hàng quyền lực nhất ở Pháp trong thế kỷ XIX chắc chắn là gia tộc Rothschild. Chính họ đã lật đổ Napoléon về mặt tài chính vào năm 1814 và tài trợ cho việc khôi phục Vương triều Bourbon. Năm 1830, gia tộc Rothschild lại bỏ rơi Vương triều Bourbon và ủng hộ công tước sứ Orleans, Louis Philippe lên ngai vàng, mở ra Triều đại tháng 7 với quyền lực chưa từng có của gia tộc Rothschild ở Pháp. Các tài sản do ngân hàng gia tộc Rothschild kiểm soát đã tăng từ 6 triệu bảng năm 1815 lên 14,9 triệu bảng năm 1825, với tỷ lệ tăng từ 1/6 lên 1/3 tổng tài sản của gia tộc. Năm 1836, sau khi Nathan – người lãnh đạo cốt lõi của gia tộc Rothschild tại Anh qua đời, James – người đứng đầu chi nhánh ngân hàng gia tộc tại Pháp thực sự đã trở thành người lãnh đạo mới của cả gia tộc. Tài sản cá nhân của ông lên tới 40 triệu franc, giữ vững vị trí người đàn ông giàu nhất nước Pháp, gấp 10 lần gia tộc Hottinguer. Gấp 20 lần so với gia tộc Mallet. Vào thời điểm này, quyền lực của các gia tộc ngân hàng Do Thái đã vượt xa so với các chủ ngân hàng theo Thanh giáo.

Trích "Chương 3, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét