Nước Pháp nơi cát cứ của quyền lực tài chính - phần 8

Ngân hàng France: điểm chốt chiến lược đánh bại gia tộc Bellella

James Rothschild - Portrait by Jean-Hippolyte Flandrin
James Rothschild - Portrait by Jean-Hippolyte Flandrin

Ai có thể kiểm soát được ngân hàng trung ương thì người đó có thể nắm được ưu thế vượt trội về mặt chiến lược trong cạnh tranh. Xưa là thế, và nay cũng vậy. Sự sụp đổ của Lehman Brothers là bởi họ không chịu rút ra bài học đó trong lịch sử.

Ngân hàng Tín dụng Động sản được coi là một trung tâm tài chính, đại diện cho lợi ích công cộng, và thực tế nó đặt ra một thách thức với hoạt động kinh doanh của Ngân hàng France. Trước năm 1852, Ngân hàng France không chấp nhận các khoản vay với tài sản thế chấp là cổ phiếu đường sắt và lãi suất cho vay cao tới 6%. Tháng 11 năm 1852, dưới áp lực của Ngân hàng Tín dụng Động sản, lãi suất chỉ là 3,6%. Đồng thời, cổ phiếu của Ngân hàng France do ngân hàng Rothschild chi nhánh Pháp nắm giữ cũng rớt giá rất nhanh. Như một lẽ tất yếu, Rothschild càng căm hận Ngân hàng Tín dụng Động sản tới tận xương tủy. Tình trạng này cũng trở thành động lực thúc đẩy Rothschild thành lập liên minh với Ngân hàng France.

Khi Ngân hàng Tín dụng Động sản được thành lập, Rothschild đã mua 5.000 cổ phiếu của ngân hàng này để quan sát tình hình, nhưng cũng trong lúc đó, Bellella lại âm thầm bán ra. Trên thực tế, giống như tất cả những kẻ lừa phỉnh khác, Bellella ý thức một cách rõ ràng rằng rất nhiều sáng kiến tài chính của họ sẽ sớm muộn cũng sẽ gặp vấn đề lớn, và Rothschild cũng hoàn toàn hiểu rõ điều đó.

Ngày 15 tháng 11 năm 1852, James Rothschild viết một lá thư riêng cho Napoléon III, chỉ trích nặng nề các ngân hàng theo chế độ cổ phần như Ngân hàng Tín dụng Động sản là "một thảm họa của nền kinh tế quốc gia". Ông chỉ ra rằng các cổ đông của ngân hàng cổ phần không cần công khai danh tính của họ, thế nên họ có thể không chịu trách nhiệm và có thể lạm dụng quyền lực đối vối tài sản của người dân.

James cảnh báo rằng các ngân hàng theo thể chế mới này sẽ sử dụng các khoản đầu tư khổng lồ của họ để thống trị doanh nghiệp và nền công nghiệp, tạo ra các quy tắc và luật pháp riêng trên thị trường, và các quy tắc đó sẽ không được kiểm soát, vượt qua sự cạnh tranh […] Phần lớn tài sản của quốc gia sẽ tập trung vào tay họ […] và cuối cùng sức mạnh của ngân hàng đó sẽ vượt qua cả chính phủ". Đồng thời, James nói với Napoléon III rằng, Ngân hàng Tín dụng Động sản có nền tảng không ổn định, "nó được xây dựng trên bãi cát", bởi lẽ khoản lãi trái phiếu mà họ trả cho nhà đầu tư là cố định, trong khi sự đầu tư của ngân hàng đối với khoản đầu tư đó lại "không xác định và mang nhiều rủi ro". Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, các ngân hàng này sẽ kéo toàn bộ nền kinh tế rơi "rơi xuống vực thẳm". James dự đoán rằng lượng tiền dự trữ của các ngân hàng kiểu mới này chắc chắn sẽ không đủ. Một khi rơi vào khủng hoảng, chính phủ chỉ có thể chọn cách "phá sản hoàn toàn", hoặc "chấm dứt trao đổi vàng, bạc tiền giấy". Những lời này không hoàn toàn nhằm mục đích khiến Napoléon III sợ hãi, nhưng sự thật sau đó đã chứng minh rằng điều này không phải là không có căn cứ. Đánh giá của Rothschild về Ngân hàng Tín dụng Động sản chỉ cần thay đổi danh xưng và thời gian, hoàn toàn có thể dùng tiêu đề là "Luận bàn về rủi ro của các công cụ tài chính phái sinh" rồi đăng tải trực tiếp trên trang nhất của Thời báo tài chính sau cơn sóng thần của thảm họa tài chính. Gia tộc Rothschild ngày nay vẫn một mình một con đường riêng sau cơn sóng thần của ngành tài chính toàn cầu, xem ra họ cũng không phải hư danh.

Alfons Rothschild - Alphonse de Rothschild
Alfons Rothschild

Năm 1855, sự thịnh vượng của ngân hàng và đường sắt lên đến đỉnh điểm, cuộc chiến tranh Crimea gây ra tình trạng thiếu vốn rất lớn, chưa kể năm đó ngành nông nghiệp cũng thất bát, mất mùa, khiến cho Ngân hàng France trở tay không kịp. Tháng 8 năm 1855, để giảm bớt tình trạng trống rỗng của nguồn tiền dự trữ, Ngân hàng France đã phải mua 30 triệu franc vàng và 25 triệu franc bạc từ Ngân hàng Rothschild chi nhánh Pháp. Một năm sau, tình hình trở nên tồi tệ hơn, và Ngân hàng Pháp không còn "chiêu" gì nữa, đành phải xin chấm dứt trao đổi tiền mặt, vàng và bạc. Hầu hết các giám đốc ngân hàng đều đồng ý với đề xuất này, chỉ riêng Alfons Rothschild phản đối. Cuối cùng, hai cha con Alfons được Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp ủng hộ, bằng cách nâng cao tỷ giá trao đổi và mua vào lượng vàng bạc với quy mô lớn trị giá 83 triệu franc, Ngân hàng Rothschild đứng ra duy trì dòng tiền của Ngân hàng France. Từ năm 1855 đến 1857, Ngân hàng Rothschild chi nhánh Paris cung cấp vàng cho Ngân hàng France trị giá 751 triệu franc, và thu về tổng cộng 11% lợi nhuận. Mối quan hệ cộng sinh giữa Ngân hàng Rothschild và Ngân hàng France được tăng cường chưa từng có.

Ở Pháp, sự ủng hộ đối với gia tộc Bellella không phải lúc nào cũng có sự đồng nhất. Dưới sự tác động của gia tộc Rothschild, một số lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng France có khuynh hướng thân cận với Bellella được điều đến Paris và làm đại sứ tại nước này. Năm 1855, Alfons Rothschild được bầu làm Chủ tịch của Ngân hàng France, và Ngân hàng Rothschild chi nhánh Pháp trở thành cổ đông lớn nhất. Sức ảnh hưởng của gia tộc Rothschild đối với chính sách tài chính và tiền tệ của Pháp sẽ quyết định ai là người chiến thắng cuối cùng trong trận chiến giữa gia tộc Rothschild và Bellella.

Sự mở rộng của gia tộc Bellella vẫn trên đà tiếp tục, với phương hướng chính là thành lập Ngân hàng Tín dụng Động sản Áo.

Isaac Bellella đến Vienna đề xuất một gói phát triển tài chính và công nghiệp Áo, dùng tiền lệ thành công ở Pháp để thuyết phục Quốc hội và hoàng gia thành lập Ngân hàng Tín dụng Động sản Áo và xây dựng tuyến đường sắt từ Vienna đến Trieste. Một nhóm quý tộc và chủ ngân hàng của Vienna cũng ủng hộ điều này và yêu cầu hoàng gia ban hành hiến chương mới để thành lập Ngân hàng Tín dụng Động sản Áo. Cựu Thủ tướng Áo – Alexander Bach và Bộ trưởng Bộ Tài chính – Von Bruck cảm thấy rằng đề xuất của gia tộc Bellella là có lợi cho sự phát triển kinh tế của đế chế.

Đúng thời điểm này, Solomon – người đứng đầu gia tộc Rothschild ở Vienna bỗng qua đời, và gia tộc Rothschild không còn ai đứng ra đại diện trong hoàng cung Habsburg. James không thể chấp nhận tình trạng không có thành viên gia tộc Rothschild nào góp mặt trong các tổ chức tài chính mới ở Áo, thế nên ông đã chọn con trai của Solomon, Anselm Rothschild, làm lãnh đạo doanh nghiệp gia tộc tại Áo. Khi Anselm nhậm chức, ông ngay lập tức kết nối các lực lượng đối lập của Ngân hàng Tín dụng Động sản, buộc hoàng gia Áo phải nhận ra thực lực của các tập đoàn tài chính vốn là địch thủ của Ngân hàng Tín dụng Động sản, và sau đó các bộ trưởng đế quốc đã thuyết phục hai nhà cùng góp cổ phiếu chung để thành lập một ngân hàng mới, để cùng phụng sự cho Vương triều Habsburg.

Đáp lại đề xuất này, Anselm khôn ngoan đề nghị hoàng gia đế quốc phải giới hạn nghiêm ngặt rằng tổ chức mới này chỉ được hoạt động trong phạm vi lãnh thổ của triều đại Habsburg, để ngăn chặn tình trạng chảy máu nguồn vốn ra nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nội địa Áo. Đối với Rothschild – một gia tộc có vô số chi nhánh và đối tác rải khắp châu Âu mà nói, họ có thể dễ dàng né thoát khỏi những hạn chế đó, nhưng đối với Ngân hàng Tín dụng Động sản – một tổ chức tài chính đang muốn thỏa sức vùng vẫy trên vũ đài quốc tế, và buộc phải điều động nguồn vốn ở khắp nơi để mở rộng phát triển trong các lĩnh vực lớn hơn này, đây chẳng khác gì một "câu thần chú thắt chặt vòng kim cô".

Isaac bất đắc dĩ đồng ý tham gia tổ chức tài chính mới với mức góp vốn giảm đáng kể so với định mức ban đầu là 230 triệu franc. Song, tại thời điểm này, do không có nguồn vốn đầy đủ nên khí thế tiến công của gia tộc Bellella bắt đầu rơi vào tình trạng đuối dần.

Sau khi nắm quyền tại Ngân hàng Trung ương, Rothschild quyết định thực hiện một cuộc phản công chiến lược vào thời điểm này. Ông giáng một đòn chí mạng vào gia tộc Bellella đang hừng hực khí thế thông qua vấn đề về Ngân hàng Tín dụng Động sản của Áo.

Đầu tiên, họ đã sử dụng tình thế tiến thoái lưỡng nan của Ngân hàng Tín dụng Động sản do đầu tư quá dàn trải và không đủ nguồn vốn để đối ứng, qua đó cắt đứt sự hỗ trợ mở rộng dòng tiền của họ. Vào tháng 9 năm 1855, anh em Bellella tuyên bố phát hành trái phiếu dài hạn, Rothschild sử dụng ảnh hưởng của mình tại Ngân hàng Trung ương Pháp, lấy lý do "giảm áp lực lên thị trường vốn" để trì hoãn và đóng băng việc phát hành 120 triệu franc trái phiếu doanh nghiệp của Ngân hàng Tín dụng Động sản. Hành động này lại càng làm tiêu giảm dòng tiền của Ngân hàng Tín dụng Động sản. Sau khi mất cơ hội phát hành trái phiếu dài hạn, rất khó để Ngân hàng Tín dụng Động sản tiếp tục đầu tư vào các dự án khai phá đấy đai với quy mô lớn. Thế tấn công ác liệt của gia tộc Bellella cuối cùng đã bị khắc chế.

Đồng thời, Rothschild cũng thúc đẩy mạnh mẽ thái độ hoài nghi của chính phủ Pháp đối với Ngân hàng Tín dụng Động sản rằng ngân hàng này đang đổ một lượng vốn lớn ra thị trường nước ngoài, cuối cùng khiến cho Isaac bất đắc dĩ phải thông báo cho chính phủ Áo: Do thái độ của chính phủ Pháp, nên Ngân hàng Tín dụng Động sản không thể tham gia vào Ngân hàng Tín dụng Liên hợp mới thành lập của Áo, trong khi đó ngân hàng này sẽ sớm phát triển thành ngân hàng đầu tư nắm giữ vị thế lãnh đạo của Đế quốc Áo và là một trong những tổ chức tài chính có quy mô lớn nhất lục địa châu Âu. Vậy là liên quan đến vấn đề ngân hàng tín dụng liên hợp của Áo, gia tộc Bellella đã hoàn toàn thất bại.

Năm 1857, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu ngày càng sâu rộng, các dự án đường sắt bị ảnh hưởng rất nhiều, một số tuyến đường sắt chính mà gia tộc Bellella nắm trong tay rơi vào tình trạng thua lỗ, trong khi các tuyến đường sắt do gia tộc Rothschild sở hữu lại sống sót qua cuộc khủng hoảng. Ngân hàng France đã nhận ra rằng lỗ hổng chết người chính là ngân hàng "mới" do gia tộc Bellella đứng đầu, chứ không phải là ngân hàng "cũ" của gia tộc Rothschild.

Cùng với việc xây dựng đường sắt của châu Âu ngày càng vượt ra khỏi biên giới quốc gia, phát triển mở rộng ra nhiều quốc gia. Lợi thế "quốc tế hóa" của Ngân hàng Rothschild càng trở nên nổi bật vào thời điểm này. Trong khi đó Ngân hàng Tín dụng Động sản lại hụt hơi, rõ ràng không thể cạnh tranh được với lợi thế nắm trong tay vô số chi nhánh rải khắp châu Âu có thể tiếp ứng và tương trợ lẫn nhau của Ngân hàng Rothschild. Sau năm 1857, Ngân hàng Tín dụng Động sản đã thực sự chấp nhận vị thế "cửa dưới" trong lĩnh vực huy động vốn đầu tư đường sắt.

Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ vào năm 1857, lượng hao hụt vốn của Ngân hàng Tín dụng Động sản ngày càng lớn, nguồn cổ tức tiền mặt của một số lượng lớn các công ty niêm yết đã cạn kiệt, không chỉ vậy, các công ty này còn cần nguồn vốn lớn từ Ngân hàng Tín dụng Động sản để duy trì hoạt động. Giữa lúc giá trị tài sản trên đà lao dốc, gia tộc Bellella không thể chịu được những tổn thất nghiêm trọng đến từ việc bán tháo những cổ phiếu này, điều đó khiến cho nguồn tiền của Ngân hàng Tín dụng Động sản nhanh chóng cạn kiệt.

Hành vi đầu tư quá rủi ro của Bellella cũng là một lý do dẫn đến sự thất bại sau cùng của họ. Năm 1854, Pháp giành được hợp đồng nhượng quyền xây dựng Kênh đào Suez. Anh em Bellella tin rằng cảng Marseille sẽ trở thành cảng đầu tiên của Pháp trên hải trình đi ra phía đông sau khi mở kênh, vì vậy họ đổ một khoản đầu tư lớn vào bất động sản gần cảng Marseille, chiếm tới 52 triệu franc trong số 55 triệu franc đầu tư đối ngoại cùng thời điểm đó. Kết quả là mãi tới năm 1869 kênh đào Suez mới được hoàn thành, trong thời gian đó khoản tiền đầu tư khổng lồ đã bị chôn chặt vào các dự án bất động sản ở khu vực Marseille, cuối cùng Ngân hàng Tín dụng Động sản trở thành ngân hàng tín dụng "bất động sản".

Năm 1863, anh em nhà Bellella đề xuất tăng gấp đôi vốn của Ngân hàng Tín dụng Động sản, nhưng bị chính phủ từ chối. Cho đến khi Bellella được chấp thuận mở rộng thì đã quá muộn và giá cổ phiếu của Ngân hàng Tín dụng Động sản giảm mạnh và đang trên bờ vực phá sản. Các tổ chức tài chính khác thấy tình hình bất trắc, đều không chịu ra tay cứu giúp. Năm 1868, anh em Bellella rơi vào tình thế tuyệt vọng, đành phải nhờ đến sự giúp đỡ của "người cho vay cuối cùng" là Ngân hàng France.

Và đây chính là điều mà gia tộc Rothschild mong muốn. Như một điều kiện để cho vay, ngân hàng trung ương yêu cầu anh em Bellella từ chức và sắp xếp cho một cựu chủ tịch của Ngân hàng France trở thành chủ tịch của Ngân hàng Tín dụng Động sản và chủ trì công việc tái thiết ngân hàng. Kể từ đó, Ngân hàng Tín dụng Động sản dần lụi bại và chính thức chết hẳn trong cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930. Trên thực tế, giai đoạn hưng thịnh của Ngân hàng Tín dụng Động sản là từ năm 1852 cho đến khi cuộc khủng hoảng nổ ra vào năm 1857, nó chỉ tồn tại trong khoảng 5 năm.

Eugène Pereire by Charles Louis Gratia
Eugène Pereire by Charles Louis Gratia

Eugène Péreire là con trai của Isaac, sau này trở thành nhân vật cốt lõi của thế hệ tiếp theo của gia tộc Bellella. Ngân hàng xuyên Đại Tây Dương được thành lập vào năm 1881, hiện nó là một trong những ngân hàng tư nhân lâu đời nhất ở Pháp. Năm 1909, cháu gái của Eugène kết hôn với một chàng trai của gia tộc Rothschild, và hai bên cuối cùng đã trở thành thông gia.

Trích "Chương 3, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét