Nước Anh đỉnh cao của quyền lực tài chính - phần 15

Giá thập tự bằng vàng

Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, sự lưu chuyển dòng vốn quy mô lớn của Vương quốc Anh chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phát triển của hệ thống tiền tệ toàn cầu. Vào những năm 70 của thế kỷ XIX, hệ thống tiền tệ thế giới được chuyển đổi từ tiêu chuẩn kép bản vị vàng - bạc sang thành bản vị vàng và liên kết với đồng bảng Anh với vai trò là loại tiền tệ dự trữ của thế giới. Vai trò của gia tộc Rothschild trong quá trình chuyển đổi trọng đại này xưa nay luôn bị đánh giá thấp.

Trong 20 năm cuối thế kỷ XIX, sự hứng thú và lợi ích đến từ việc mở rộng khai thác các mỏ vàng của gia tộc Rothschild tăng lên nhanh chóng. Tuyệt đại đa số trái phiếu nước ngoài họ xử lý trong 20 năm đó đều thuộc về các quốc gia áp dụng bản vị vàng.

Sau khi nội chiến Mỹ kết thúc, gia tộc Rothschild và người đại diện của họ ở Mỹ, August Belmont cùng với gia tộc Seligman đóng vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình xóa bỏ loại tiền xanh Lincoln và tái sử dụng vàng.

Mùa thu năm 1874, Ngân hàng Rothschild chi nhánh London và chủ ngân hàng Do Thái ở New York, Joseph Seligman cùng nhau bảo lãnh cho lượng trái phiếu trị giá 5 triệu đô-la. Sau đó, tập đoàn Morgan và ngân hàng quốc dân đầu tiên của New York cũng tham gia vào, tổ chức phát hành 25 triệu đô-la trái phiếu và Ngân hàng Rothschild chiếm 55% trong số đó. Từ năm 1873 đến 1877, các ngân hàng của Rothschild ở London và Phố Wall đã phát hành tổng cộng 267 triệu đô-la trái phiếu Mỹ. Những khoản vay này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định tài chính của Mỹ và đặt nền tảng để Mỹ áp dụng bản vị vàng trong tương lai.

Tuy nhiên, vào tháng 10 năm 1877, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật tại cuộc họp lần thứ 45 nhằm kích hoạt lại bản vị bạc làm tiền tệ hợp pháp. Với dự luật đó, Belmont cực kỳ phẫn nộ, coi đó là "hành động trộm cắp công khai" và là "một chuyện ngu ngốc, điên rồ từ những kẻ có mắt như mù". Dưới áp lực của Ngân hàng Rothschild, Mỹ phải xác định lại rằng bản vị bạc chỉ lưu hành trong một phạm vi rất hạn chế và không dùng để trả lãi cho khoản vay của Ngân hàng Rothschild. Năm 1899, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ John Sherman đồng ý ký kết lại khoản vay trị giá 50 triệu đô-la với Ngân hàng Belmont và Ngân hàng Rothschild, được kết toán bằng vàng. Giao dịch này trở thành một bước ngoặt quan trọng đối với gia tộc Rothschild trong việc cố gắng thúc đẩy thực thi định chế bản vị vàng tại Mỹ kể từ năm 1879.

Tháng 3 năm 1893, để duy trì khả năng trao đổi của đồng đô-la trong thời kỳ dự trữ vàng quốc gia của Mỹ giảm mạnh, Tổng thống Cleveland đã cố gắng phát hành khoản vay vàng trị giá 50 triệu đến 60 triệu đô-la. Mặc dù tập đoàn Morgan rất háo hức tham gia, nhưng Rothschild lại tỏ ra rất do dự. Kể cả sau khi Cleveland hứa sẽ bãi bỏ "Đạo luật mua bạc Sherman" – vốn có tác dụng hạn chế tối đa việc lưu hành đồng bạc, Alfred Rothschild vẫn rất không hài lòng. Kỹ năng đàm phán của anh em nhà Rothschild thực sự rất tuyệt vời, cuối cùng họ đã ký kết được một thỏa thuận đảm bảo lợi ích phi thường của gia tộc Rothschild. Gia tộc Rothschild sẽ đứng ra bảo lãnh cho lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 62,3 triệu đô-la với mức giá 104,5 đô-la/trái phiếu và bán cho các nhà đầu tư đang có nhu cầu cấp bách ở mức 112,25 đô-la/trái phiếu (và sau đó tăng lên 119 đô-la). Sự kiện này đã tạo nên một câu chuyện huyền thoại kiếm được khoản lợi nhuận 6 triệu đô-la trong 22 phút. Thương vụ này đã bị bàn tán và chỉ trích nặng nề ở Mỹ, cuối cùng dẫn đến ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ năm 1896 là William Jennings Bryan, chứ không phải là Cleveland.

Năm 1868, chỉ có Vương quốc Anh và một số ít các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào Anh như Bồ Đào Nha, Ai Cập, Canada, Chile và Úc áp dụng bản vị vàng. Pháp, Nga, Ba Tư và một số quốc gia Mỹ Latinh áp dụng bản vị kép. Phần còn lại của thế giới, bao gồm đa số các quốc gia Trung Âu vẫn áp dụng bản vị bạc. 40 năm sau, chỉ có Trung Quốc, Ba Tư và một số quốc gia Trung Mỹ vẫn sử dụng bản vị bạc. Trên thực tế, vàng đã trở thành tiêu chuẩn của hệ thống tiền tệ thế giới.

Trong quá trình chuyển đổi hệ thống tiền tệ của các nước lớn ở châu Âu, Đức áp dụng bản vị vàng vào năm 1871 – 1873, Pháp năm 1878, Nga năm 1897 và Ý năm 1881 – 1882. Ngân hàng Rothschild đã phát huy một vai trò rất quan trọng trong quá trình này. Ngân hàng Rothschild chi nhánh London và Paris thực sự trở thành ngân hàng trung ương thứ hai tại các quốc gia này. Mạng lưới Ngân hàng Rothschild có lượng luân chuyển tín dụng và tiền tệ rất lớn trên thị trường tài chính quốc tế. Chỉ khi chấp nhận tuân theo định chế bản vị vàng do Rothschild làm chủ đạo thì các quốc gia mới có thể tránh được rủi ro của biến động tỷ giá hối đoái, trong khi đó nghiệp vụ chính của họ - giao dịch nợ công lại đòi hỏi phải đảm bảo sự trao đổi tự do tiền tệ giữa các quốc gia, thế nên việc thống nhất các quốc gia theo bản vị vàng sẽ có lợi cho việc triển khai nghiệp vụ của gia tộc Rothschild. Do địa vị độc quyền của gia tộc Rothschild trên thị trường vàng, nên nó cũng gián tiếp hình thành sự khống chế đối với ngân hàng trung ương của các quốc gia khác. Vào cuối thế kỷ XIX, Ngân hàng Rothschild không tiếc nỗ lực nhằm thúc đẩy việc thực hiện bản vị vàng, và ý định chiến lược của họ là ở đây.

Trích "Chương 2, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét