Châu Âu hỗn loạn - phần 1

Châu Âu hỗn loạn

CHỈ DẪN CHƯƠNG

Cốt tủy của người Đức luôn là cảm giác tự hào xen lẫn thất vọng sâu sắc. Những đức tính truyền thống ưu việt của dân tộc German như cần củ, nghiêm túc, trung thành và luôn giữ quy tắc, đã giúp nước Đức vươn tới một vị trí nổi bật trong lịch sử của thế giới hiện đại. Họ có vô số những tài năng xuất chúng và nhân sĩ nổi tiếng có đóng góp rất lớn cho các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn học, âm nhạc, quân sự, chính trị, tài chính của nhân loại. Nhưng cùng với đó, Đức cũng là một đất nước nhuốm đầy màu sắc bi thảm hiếm hoi trong lịch sử nhân loại. Chưa có quốc gia nào có nhiều đóng góp nổi bật cho nền văn minh nhân loại, đồng thời cũng mang lại quá nhiều đau khổ cho nhân loại như vậy.

Điều bất hạnh lớn nhất của Đức là trên đất liền họ bị kẹp giữa hai cường quốc châu Âu là Nga và Pháp, đồng thời, lối đi ra biển thì bị Vương quốc Anh chặn ngay yết hầu. Nước Đức tràn đầy sức sống, bừng bừng năng lượng nhưng lâu nay lại luôn bị mắc kẹt trong vùng nội địa của châu Âu bởi một tấm lưới mạnh mẽ và vô hình. Họ càng phản kháng quyết liệt và ngoan cường bao nhiều thì tấm lưới đó lại càng thít cuộn chặt lại bấy nhiêu. Từ thế kỷ XVII, nhà vua Richelieu của Pháp đã cố tình kích động cuộc chiến đẫm máu với người Đức kéo dài suốt 30 năm (1618 ~ 1648), cố gắng đạt được mục tiêu chiến lược là khiến cho Đức không còn nguồn lực để trỗi dậy trong vòng 200 năm. Đến Thế chiến I, Anh, Pháp, Mỹ và Nga đã hợp lực để tiêu diệt tham vọng trỗi dậy toàn cầu của Đức, và sau đó hợp tác với bốn quốc gia trong Thế chiến II để đập tan hoàn toàn nỗ lực thống trị thế giới của Đức. Nước Đức vẫn có thể "trùng sinh" sau ba lần bị hủy diệt, quả thực sức sống bền bỉ của họ rất đáng kinh ngạc.

Cả xã hội của họ đều có chung một tâm thái, đó là bắt đầu phát triển từ trạng thái kinh tế lạc hậu, nỗ lực tăng tốc để đuổi kịp và vượt qua các quốc gia tiên tiến khác. Kể từ nửa sau của thế kỷ XIX, quá trình công nghiệp hóa của Đức và quá trình thực dân hóa ở nước ngoài hoàn toàn thua xa so với Anh và Pháp. Trong quá trình cạnh tranh với các đối thủ hùng mạnh là Anh, các công ty công nghiệp và thương mại của Đức chủ yếu muốn chính phủ thực hiện các chính sách bảo hộ như mức thuế cao và chi phí tín dụng thấp. Dưới sự che chở của chính phủ, sự cần cù và chăm chỉ của người dân, Đức dần dần thu hẹp khoảng cách kinh tế với Vương quốc Anh. Năm 1871, "thủ tướng sắt" Bismarck cuối cùng đã hoàn thành đại nghiệp thống nhất nước Đức. Đây là một sự kiện quan trọng mang tính thời đại, nó có nghĩa là cán cân quyền lực được duy trì ở lục địa châu Âu trong suốt 200 năm đã bị phá vỡ. Khu vực Trung Âu bấy lâu nay gồm các quốc gia tản mát và nhược tiểu bỗng chốc được nước Đức thống nhất, ngoan cường và đầy sức bùng nổ sáp nhập làm một. Lợi ích chiến lược của Vương quốc Anh phải đối mặt với thách thức vô cùng lớn, họ bắt đầu phối hợp với Pháp, Nga và các nước khác để kiềm chế toàn diện nước Đức trên lục địa châu Âu.

Các ngân hàng quốc tế luôn tận dụng triệt để sự đối đầu và thù địch giữa các quốc gia, thậm chí đôi khi họ còn kích động những cảm xúc đối địch này, một mặt là để thu được những lợi ích kinh tế to lớn, mặc khác là để phục vụ mưu đồ chiến lược lớn hơn của chính mình.

Trích "Chương 5, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét