Châu Âu hỗn loạn - phần 3

Gia tộc ngân hàng Đức: trở về với ngọn lửa hy vọng

đất thánh Jerusalem
Đất thánh Jerusalem

Sự nghiệp phục quốc Israel là một công việc hết sức vĩ đại, cực kỳ phức tạp và gần như bất khả thi. Sau hai ngàn năm lưu tán khắp nơi trên thế giới, đâu dễ để người Do Thái trở lại vùng đất thánh Jerusalem và tái thiết Israel. Người Do Thái trước thế kỷ XIX đã phải chịu đựng sự áp bức, xua đuổi của các lực lượng tôn giáo thời trung cổ ở châu Âu và định kiến thế tục phong kiến. Ngay cả việc sinh tồn cũng đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn, chứ đừng nói đến việc tái thiết Israel. Trong giai đoạn lịch sử này, sự nghiệp phục quốc vẫn chỉ trong giai đoạn "nằm mơ".

Sau thế kỷ XVI, các cuộc cách mạng tôn giáo và những cuộc vận động thay đổi tư tưởng dần dần bùng phát và lan tỏa khắp nơi. Cuối cùng, nó xé tan sự thống trị chuyên chế phong kiến hà khắc và thế lực Thiên chúa giáo. Giấc mơ phục quốc của họ bắt đầu xuất hiện những tia hy vọng. Vào cuối thế kỷ XVIII, cuộc Cách mạng tư sản Pháp nhanh chóng trở thành một ngọn lửa dữ dội, càn quét qua lục địa châu Âu. Hệ thống quyền lực xã hội truyền thống của tôn giáo và chế độ phong kiến sụp đổ. Cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản, nguồn năng lượng của quyền lực tài chính mở rộng chưa từng thấy. Đến giữa thế kỷ XIX, giấc mơ phục quốc dần dần chuyển hóa thành những hành động thiết thực, và các phần tử của Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái bắt đầu tập hợp ở Đức, nơi môi trường tôn giáo và xã hội tương đối lỏng lẻo.

Trong lịch sử châu Âu, địa vị và trạng thái sinh tồn của người Do Thái đại khái được chia thành ba tầng lớp xã hội. Đầu tiên là tầng lớp Do Thái phổ biến nhất. Những người này sống trong các khu ổ chuột, hoặc sống trong các cộng đồng đặc thù của riêng họ, chịu nhiều áp bức từ giới chính trị, sự bài trừ tôn giáo và truyền thống xã hội. Tầng lớp thứ hai là những người Do Thái nhận được sự bảo hộ. Họ có thể trả ít thuế hơn và được hưởng nhiều quyền lợi hơn, ví dụ như đất cư trú sau khi di cư. Những người Do Thái này tương đối vó giá trị đối với chính quyền địa phương, vì vậy họ được gọi là "người Do Thái được bảo hộ", chủ yếu là do những ngành nghề của họ có những đóng góp khá lớn cho khu vực địa phương. Tầng lớp thứ ba là một nhóm thiểu số trong xã hội Do Thái. Địa vị xã hội của họ tương đối cao, chủ yếu là do họ tham gia vào một số dịch vụ đặc thù, chẳng hạn như các chủ ngân hàng – những người cho chính phủ nước sở tại vay tiền và do đó có địa vị xã hội cao hơn. Những người này được gọi là "người Do Thái hoàng gia". Các chủ ngân hàng Do Thái giàu có như gia tộc Rothschild, gia cảnh xuất thân của họ đều là người Do Thái hoàng gia.

Trong lịch sử, người Do Thái luôn ở trong tình trạng bị xua đuổi và áp bức. Một số lượng lớn người Do Thái đang phải sống bên lề xã hội và bị giới hạn trong cộng đồng của chính mình. Họ nói tiếng địa phương, mặc trang phục dân tộc riêng, phục tùng các quy định tôn giáo và duy trì những tập tục ăn uống đặc biệt. Do sự xua đuổi, kỳ thị từ ác lực lượng tôn giáo chính thống ở châu Âu và sự phân biệt đối xử trong các xã hội thế tục địa phương, người Do Thái bị hạn chế rất nhiều về việc làm, di cư và cuộc sống. Ví dụ, họ không thể sở hữu bất động sản, trang trại hay tham gia vào các ngành nghề thủ công. Điều này khiến họ buộc phải tham gia vào các công việc cấp thấp như trao đổi tiền tệ trong xã hội. Khách hàng của dịch vụ đổi tiền là những vị khách vãng lai tới từ các vùng khác nhau của đất nước. Họ cần đổi ngoại tệ thành các loại tiền tệ địa phương được lưu hành và chấp nhận ở các khu vực khác nhau. Và người Do Thái này đã tận dụng triệt để những đặc tính của mình như sự linh hoạt trong công việc, sự nhạy bén trong thông tin, sự lưu chuyển nhanh chóng và tính toán hết sức tỉ mẩn để thu về những khoản tiền chênh lệch giữa các thị trường tiền tệ, tích góp từng bước, mở rộng mạng lưới quan hệ xã hội, nỗ lực tìm kiếm nguồn khách hàng. Họ trải qua quá trình tích lũy kéo dài cả ngàn năm, dần biến nghề này trở thành một ngành truyền thống của người Do Thái, đạt đến cảnh giới mà người ngoài không thể bước vào.

Từ góc độ phát triển của chủ nghĩa tư bản, sự phát triển của thị trường tài chính gần như song song với bốn giai đoạn phát triển tư bản, đó là chủ nghĩa tư bản thương mại, chủ nghĩa tư bản công nghiệp, chủ nghĩa tư bản tài chính và chủ nghĩa tư bản độc quyền. Bắt đầu từ sự tăng trưởng nhảy vọt về thương mại tại khu vực Địa Trung Hải, bắt nguồn từ việc đội quân Thập tự chinh tiến về phía Đông hồi thế kỷ XIII. Sau đó là cuộc vận động văn hóa Phục Hưng được khởi nguồn từ những tuyệt tác văn học, nghệ thuật từ thời Hy Lạp cổ đại và Rome cổ đại – những báu vật vô giá được tái phát hiện trong thế giới Ả Rập, cho đến sự kiện phát hiện ra châu lục mới và cuộc Cách mạng công nghiệp thế kỷ XVIII, khối lượng lớn về mậu dịch hàng hải đã dẫn đến sự phát triển cao độ của ngành thương mại. Mục đích của thương mại là xây dựng một cây cầu giữa người sản xuất và người tiêu dùng, và thương nhân chính là người xây dựng cây cầu đó. Sự gia tăng về khối lượng thương mại cũng dẫn đến xu hướng phân công lao động giữa các nhóm thương gia. Một bộ phận trong số họ đã bắt đầu chuyển từ quá trình mua, vận chuyển, lưu kho và bán hàng hóa sang cung cấp dịch vụ tài chính cho tất cả các khía cạnh của quy trình, như cung cấp tín dụng mua hàng, bảo hiểm vận tải, trao đổi hóa đơn, chiết khấu hóa đơn và giao dịch tài chính. Sự phân công chuyên nghiệp hóa này đã làm tăng đáng kể quy mô và hiệu quả thương mại. Một số lượng lớn các chủ ngân hàng thương mại (merchant banker) đã bắt đầu nổi lên. Họ được coi là tổ tiên của các chủ ngân hàng đầu tư sau này. Một số lượng lớn người Do Thái đổ vào Ý ở thời điểm đó, cấu thành bộ phận quan trọng của các "chủ ngân hàng thương mại".

Khoảng thế kỷ XIII sau Công nguyên, với sự kiện Đông chinh của đoàn quân Thập tự và sự phát triển của lĩnh vực thương mại hàng hải, đã xuất hiện nhu cầu lớn về thương mại và vận chuyển hàng hóa ở khu vực Địa Trung Hải. Ý dần trở thành trung tâm cung ứng nguồn nhân lực, vật tư và thông tin. Sự giàu có và tiền bạc bắt đầu lũ lượt chảy đến. Lĩnh vực tín dụng thương mại và giao dịch hóa đơn dựa trên nhu cầu thương mại cũng bắt đầu xuất hiện, khiến Ý trở thành nơi mà thị trường tài chính và dịch vụ ngân hàng xuất hiện sớm nhất.

Ví dụ, khi một nhà xuất khẩu Ai Cập đạt được thỏa thuận với một nhà nhập khẩu Pháp để kinh doanh lông thú, nhà xuất khẩu Ai Cập cần có đủ vốn trước mới có thể tích trữ hàng hóa, hoặc nhà nhập khẩu Pháp kia không đủ vốn nên phải đi vay. Lúc này một chủ ngân hàng thương mại người Ý sẽ xuất hiện với tư cách là bên trung gian cung cấp khoản vay. Người này sẽ nhận được tiền lãi từ khoản vay đó, và thế là nền tảng tín dụng thương mại đã ra đời. Khi nhà xuất khẩu Ai Cập vận chuyển lông thú đi, họ mong muốn sẽ nhận được khoản thành toán ngay lập tức. Còn nhà nhập khẩu Pháp thì đợi tàu ở phía bên kia đại dương nhưng không dám trả tiền vì chưa có gì đảm bảo. Cả hai bên đều rơi vào rắc rối. Tại thời điểm này, người Ý đã xuất hiện trở lại, họ đã phát triển một công cụ tài chính mới có tên là hối phiếu (bill of exchange). Trên hối phiếu (do phía Ai Cập chỉ định) vào thời gian nào và dùng loại tiền tệ nào để thành toán. Phía Ai Cập hết sức vui mừng và chấp nhận phương thức thanh toán này. Nếu vì lý do nào đó, người Ai Cập đột nhiên muốn "tiền trao cháo múc", không muốn đợi đến thời gian đã hẹn mới nhận được tiền mặt, họ có thể yêu cầu đại lý người Ý của mình bán hối phiếu với mức giá chiết khẩu cho các nhà đầu tư – những người sẵn sàng chờ đợi đến thời gian đã định mới được nhận tiền. Ai sẵn sàng chấp nhận những hối phiếu này? Chủ yếu là những người Do Thái với sự thông minh thiên phú của mình. Người Do Thái có hai mục đích để thu mua hối phiếu. Thứ nhất là để hưởng lợi từ đầu tư. Thứ hai là để tránh khỏi sự hạn chế liên quan đến điều luật chống cho vay nặng lãi hết sức nghiêm khắc của Tòa thánh, bởi vì chiết khấu trên hối phiếu có thể che giấu được hành vi cho vay với lãi suất cao.

Thời kỳ Phục Hưng đã kích thích sự phát triển của kinh doanh thương mại ở các vùng đô thị, và vai trò của người Do Thái trong lĩnh vực thương mại ngày càng trở nên nổi bật nhờ tài năng tài chính của họ. Đặc biệt kể từ cuộc Cách mạng Pháp vào cuối thế kỷ XVIII, tình trạng phong tỏa ở các khu định cư của người Do Thái đã gần được dỡ bỏ. Cuộc chiến kéo dài 25 năm trên khắp châu Âu và cuộc Cách mạng công nghiệp bắt đầu ở Anh đã làm nảy sinh nhu cầu tài chính chưa từng có. Các chuyên gia tài chính Do Thái đã nắm bắt cơ hội chiến lược này, nhanh chóng phát triển từ nghiệp vụ giao dịch và trao đổi tiền tệ thành nghiệp vụ huy động tài chính cho hoàng gia và chiến tranh. Qua đó họ tích lũy được một lượng lớn của cải và cải thiện đáng kể vị thế xã hội của mình, trở thành lực lượng trụ cột của phong trào phục quốc Do Thái. Nổi tiếng nhất trong số đó là gia tộc Rothschild và Warburg.

Sự bài trừ và áp bức kéo dài hàng thiên niên kỷ ở châu Âu đã tạo nên "khứu giác tài chính" hết sức độc đáo và nhạy bén của người Do Thái. Môi trường bên ngoài khắc nghiệt đã buộc người Do Thái phải tìm kiếm và khám phá cách sinh tồn, đó chính là liên tục tham gia vào tất cả các lĩnh vực giao dịch và buôn bán, từ tiền tệ cho đến hàng hóa, không nề hà bất cứ thứ gì. Trong quá trình này, mua giá thấp – bán giá cao và kiếm về những khoản lợi nhuận chênh lệch giá tương ứng, cũng chính là hiện tượng "kiếm lời chênh lệch giá" mà ngày nay chúng ta thường nhắc đến.

Bất cứ ai chiếm lĩnh được các kênh đều sẽ có được lợi thế rất lớn. Sau hàng trăm năm làm việc chăm chỉ, cuối cùng người Do Thái đã kiểm soát chặt chẽ các kênh của dòng vốn và tín dụng toàn cầu. Sự nhạy bén tuyệt với của họ đối với thông tin tình báo trong thương mại, mạng lưới khách hàng rộng khắp, đầu óc kinh doanh tinh tế và sức hội tụ nội tại cực kỳ mạnh mẽ của dân tộc Do Thái – tất cả những điều đó đã giúp họ nắm giữ vị thế độc bá trong ngành này, vun đắp nên địa vị vững chắc, đảm bảo được ưu thế và truyền thống lũng đoạn này sẽ tồn tại lâu bền từ đời này qua đời khác mà không bị suy chuyển. Trong hàng trăm năm qua, quy mô của thị trường tài chính đã mở rộng một cách nhanh chóng. Độ sâu và sự phức tạp của nó đã vươn tới đẳng cấp mới mà thời kỳ đầu không thể so sánh được. Vốn, tín dụng và tín phiếu đã phát triển thành nhiều loại chứng khoán khác nhau, cho đến khi biến thành đủ các thể loại như cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm tài chính phái sinh theo nghĩa hiện đại, mỗi ngày một khác. Điều duy nhất không thay đổi là sự kiểm soát của gia tộc tài chính Do Thái đối với các kênh vốn, tín dụng toàn cầu và quyền thiết lập nên các quy tắc trò chơi. Các gia tộc tài chính Do Thái chính là mạch máu của hệ thống tài chính thế giới ngày nay. Mạng lưới mao mạch tài chính đầy đủ, ổn định, hiệu quả, dày đặc và chính xác này trải khắp cơ thể của nền kinh tế toàn cầu và đi sâu vào mọi khía cạnh, tầng lớp từ trên xuống dưới của xã hội. Nguồn máu của sự giàu có trên toàn thế giới đang chảy trong hệ thống mạch máu khổng lồ này. Tất cả lượng tiền chảy qua kênh này đều phải trả nhiều khoản phí khác nhau.

Nếu coi kênh hàng hóa là vua, vậy thì kênh tài chính chính là thái thượng hoàng!

Chính nhờ tập trung thiết lập các kênh tài chính mà các gia tộc tài chính Do Thái trước tiên đã lấy Đức làm nơi phát tích, tích lũy nên khối tài sản khổng lồ, từng bước xây dựng được quyền lực vững chắc. Cuối cùng, họ đã khơi dậy ngọn lửa hy vọng về đại nghiệp phục quốc vĩ đại của dân tộc.

Trích "Chương 5, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét