Vỡ nợ công trái Mỹ và tính thanh khoản toàn cầu bị siết chặt - phần 7

Công ty đánh giá xếp hạng tài sản: đồng lõa bịp bợm

Trong các loại chứng khoán MBS của thị trường tín dụng thứ cấp hiện có, khoảng 75% đạt tiêu chuẩn AAA, 10% loại AA, 8% loại A, chỉ có 7% được xếp hạng BBB hoặc thấp hơn. Trên thực tế, quý IV năm 2006, tỉ lệ vi phạm hợp đồng của tín dụng thứ cấp lên đến 14,44%, quý I năm 2007 vọt lên 15,75%. "Ác mộng hoàn vốn" ở quy mô vô tiền khoáng hậu chắc chắn sẽ xảy ra khi ngày càng đến gần thời gian tái thiết lập lãi suất của đợt tín dụng trị giá 2.000 tỉ USD của năm 2007 – 2008, khi đó tỉ lệ vi phạm hợp đồng của thị trường tín dụng thứ cấp và ALT-A chắc chắn sẽ ngày càng cao hơn. Từ cuối năm 2006 đến giữa năm 2007, đã có hơn một trăm tổ chức tín dụng thứ cấp buộc phải đóng cửa. Đây mới chỉ là bắt đầu. Báo cáo điều tra do Hiệp hội ngân hàng thế chấp của Mỹ (MBAAS) công bố cho thấy, có thể sẽ có đến 20% hợp đồng tín dụng thứ cấp phải tiến hành bán đấu giá, 2,2 triệu người sẽ mất đi nhà cửa của họ.

Nhà đầu tư của các quỹ cỡ lớn vì căn cứ vào đánh giá của các công ty đánh giá xếp hạng tài sản như Moody's, Standard & Poor's mà dẫn đến sai lầm trong đầu tư, bên cạnh đó các cơ quan giám sát dồn dập khởi kiện các công ty này lên toàn án. Ngày 15 tháng 7 năm 2007, xuất hiện thông tin quỹ Ohio Police & Fire Pension Fund, quỹ trợ cấp hưu trí lớn thứ 3 của Mỹ, bị thua lỗ nghiêm trọng, trong cơ cấu đầu tư của quỹ này có 7% đã rót vào thị trường MBS. Marc Dann – một kiểm sát viên của bang Ohio đã tức giận rằng: "Những công ty đánh giá xếp hạng tài sản này đã kiếm được rất nhiều tiền trong mỗi hộp đồng đánh giá xếp hạng cho các gói tín dụng thứ cấp MBS. Bọn họ liên tục cấp tiêu chuẩn AAA cho chúng (rác độc tài sản), cho nên trên thực tế bọn họ là những kẻ đồng lõa của những trò bịp bợm này".

Trước những cáo buộc trên, Moody's đã lên tiếng phản bác, cho rằng đó là những cáo buộc vô căn cứ. "Ý kiến của chúng tôi là những đánh giá khách quan, hơn nữa không ai ép buộc mọi người mua và bán". Lập luận của Moody's chẳng khác gì nhà bình luận điện ảnh, chúng tôi khen ngợi phim "Hoàng Kim Giáp" không có nghĩa là ép buộc anh đi mua vé xem bộ phim này, hay nói cách khác, chúng tôi nói chỉ để nói, các người đừng có tin đó là thật.

Các nhà đầu tư đầy tức tối thì cho rằng, đối với những sản phẩm quá đỗi phức tạp và tin tức giá cả không minh bạch như CDO và "CDO tổng hợp", thị trường tin tưởng và dựa cả vào sự đánh giá của công ty đánh giá xếp hạng tài sản, sao có thể chối bay chối biến, phủi bỏ toàn bộ trách nhiệm như thế? Hơn nữa, nếu không có đánh giá tiêu chuẩn AAA, thì làm sao các quỹ đầu tư như quỹ trợ cấp hưu trí, quỹ bảo hiểm, quỹ giáo dục, quỹ ủy thác Chính phủ, quỹ đầu tư của các tổ chức nước ngoài lại đầu tư mua vào với số lượng lớn đến vậy?

Tất cả đều bắt nguồn từ đánh giá tiêu chuẩn AAA, nếu mức đánh giá này có vấn đề thì khoản đầu tư hàng trăm tỉ USD mà những quỹ đầu tư này đã rót vốn sẽ ngay lập tức rơi vào nguy hiểm.

Thực tế, đánh giá xếp hạng tài sản đã thúc đẩy mọi mắt xích tham gia cuộc chơi hiện có.

Mới đây, hai quỹ đầu tư thanh khoản chuyên hoạt động trong lĩnh vực tín dụng thứ cấp Bear Stearns, một trong năm ngân hàng đầu tư lớn nhất phố Wall, đã bị thua lỗ lớn. Thật ra, trước khi Bear Stearns xảy ra chuyện, đã có rất nhiều nhà đầu tư và các cơ quan giám sát đã bắt đầu điều trả vấn đề định giá tài sản mà ngân hàng đầu từ và quỹ đầu tư thanh khoản đang nắm giữ. Hội đồng đánh giá tiêu chuẩn kế toán tài chính (Financial Accounting Standard Board) bắt đầu yêu cầu cần phải dùng "giá cả công bằng" để tính toán "giá đầu ra" (exit price) của tài sản chứ không phải là "giá đầu vào" (enter price). Cái gọi là "giá đầu ra" chính là giá thị trường của tài sản bán ra, nhưng hiện nay giá được các ngân hàng đầu tư và quỹ đầu tư thanh khoản sử dụng thường là được "suy ra" theo những công thức toán học được thiết lập trong nội bộ của các tổ chức này. Vì giao dịch CDO cực kỳ hiếm gặp cho nên thiếu thông tin giá cả thị trường đáng tin cậy. Nếu nhà đầu tư hỏi báo giá CDO của 5 nhà phân phối trung gian thì rất có thể sẽ nhận được 5 mức giá khác nhau. Phố Wall cố ý giữ cho thị trường này không minh bạch để lợi dụng kiếm phí thủ tục cao ngất.

Khi mọi người đều kiếm được tiền thì ai náy đều vui vẻ, nhưng một khi xảy ra sự cố, thì ai náy cũng cố sống cố chết mà thoát thân. Lúc này, những bậc quân tử nhún nhường thường ngày của xã hội phương Tây sẽ lôi ra những thứ ngụy trang. Mối quan hệ giữa Bear Stearns với Merrill Lynch chính là như vậy.

Hài quỹ đầu tư thanh khoản lớn của Bear Stearns theo báo chí đưa là đang "thua lỗ lớn do đặt niềm tin sai chỗ trên thị trường MBS thứ cấp", nhưng sự thật là họ đang đóng vai một bên không may bị rủi ro vi phạm hợp đồng trong vở kịch "CDO tổng hợp" rác độc cô đặc có độ tinh khiết cao và "đứng ở phía sai lầm lịch sử", còn bên chuyển giao rủi ro có lẻ cũng chính là sân sau của các ngân hàng đầu tư. Đến ngày 31 tháng 3 năm 2007, giá trị tài sản của hai quỹ đầu tư này do Bear Stearns kiểm soát vẫn ở mức cao trên 20 tỉ USD, đầu tháng 7 tổng giá trị tài sản mà hai quỹ này nắm giữ đã giảm xuống khoảng 20%. Chính vì vậy, các chủ nợ của hai quỹ này cũng nhao nhao đòi thoái vốn.

Công ty Merrill Lynch, một trong những chủ nợ lớn nhất, sau khi liên tục đòi nợ không thành đã tỏ ra sốt ruột, bất ngờ tuyên bố sẽ bắt đầu bán đấu giá lượng chứng khoán thế chấp tín dụng hơn 800 triệu USD mà quỹ Bear Stearns đang nắm giữ. Trước đó, Merrill Lynch từng cho biết, trước khi quỹ đầu tư thanh khoản của Bear Stearns tuyên bố kế hoạch điều chỉnh kết cấu tư bản, sẽ không bán những tài sản này. Mấy ngày sau, Merrill Lynch đã từ chối phương án tái cấu trúc do Bear Stearns đề xuất. Bear Stearns lại đề xuất kế hoạch khẩn cấp tăng vốn 1,5 tỉ USD, nhưng không nhận được sự ủng hộ của các chủ nợ. Merrill Lynch chuẩn bị bán các chứng khoán thông thường trước, sau đó còn lên kế hoạch bán các sản phẩm phái sinh liên quan. Cùng lúc đó, Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Bank of America tuyên bố cũng đã chuộc lại một phần quỹ tương ứng.

Điều khiến mọi người hoang mang là, trong cuộc bán đấu giá công khai chỉ có ¼ số chứng khoán là có người hỏi giá và chỉ bằng 85% - 90% mệnh giá. Đây có lẽ là phần được đánh giá tiêu chuẩn AAA tinh túy nhất của quỹ Bear Stearns, nếu ngay cả những tài sản được đánh giá tốt này mà còn lỗ từ 15% trở lên, thì nghĩ mà xem những loại CDO rác độc hạng BBB trở xuống chẳng ai thèm đếm xỉa kia thật khiến người ta hồn siêu phách lạc, mức độ thua lỗ khủng khiếp không thể tưởng tượng nổi.

Hiện thực tàn khốc đã thức tỉnh Bear Stearns, đồng thời làm rúng động cả phố Wall. Phải biết rằng, các sản phẩm CDO trị giá 750 tỉ USD đang được dùng làm tài sản thế chấp cho các ngân hàng thương mại. Thủ đoạn trước mắt của họ chính là đem những tài sản CDO này chuyển thành tài sản ngoài bảng (Off Balance Sheet), vì ở đây, những CDO này có thể được tính giá theo những mô hình số học nội bộ, mà không cần phải sử dụng giá thị trường.

Các ngân hàng phố Wall lúc này chỉ có một niềm tin: tuyệt đối không thể bán đấu giá công khai trên thị trường! Vì như vậy sẽ khiến giá cả thực sự của CDO bị lộ, người ta sẽ thấy rằng giá cả thực tế của những tài sản bong bóng này chẳng những không bằng 120% hay 150% như công bố của báo cáo tài chính, mà rất có thể chỉ có 50% thậm chí là 30%. Một khi giá thị trường bị lột trần, tất cả các quỹ đầu tư lớn nhỏ đã đổ vốn vào thị trường CDO sẽ buộc phải thẩm trả lại các khoản tài sản của họ, những khoản lỗ khổng lồ sẽ khó mà bưng bít được, cơn bão chưa từng có tất yếu sẽ quét qua thị trường tài chính thế giới.

Ngày 19 tháng 7, hai quỹ đầu tư thanh khoản thuộc quyền của Bear Stearns đã "chẳng còn giá trị tồn tại", tài sản lớn trị giá 20 tỉ USD đã tan thành mây khói chỉ trong mấy tuần. Ngày 1 tháng 8, hai quỹ đầu tư này tuyên bố bảo hộ phá sản.

Vậy rốt cuộc ai đang nắm giữ rác độc tài sản? Đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm của phố Wall. Theo thống kê, đến cuối năm 2006, các quỹ đầu tư thanh khoản nắm giữ 10%, quỹ trợ cấp hưu trí sở hữu 18%, công ty bảo hiểm ôm 19%, công ty quản lý tài sản có 22%. Tất nhiên, danh sách sở hữu còn có các nhà đầu tư nước ngoài. Họ cũng là những nhà đầu tư hăng hái nhất của thị trường MBS, CDS và CDO. Từ năm 2003 đến nay, Trong số các "sản phẩm đầu tư dạng cấu trúc" được các tổ chức tài chính nước ngoài "long trọng giới thiệu" ở Trung Quốc, có bao nhiêu sản phẩm bị "ô nhiễm" do những đống "rác độc tài sản" này? E rằng chỉ có trời mới biết.

Ngân hàng thanh toán quốc tế (Bank for International Settlements) từng cảnh báo rằng: "Vấn đề thị trường tín dụng thế chấp thứ cấp của Mỹ ngày càng nổi cộm, nhưng vẫn không rõ những vấn đề này thâm nhập vào thị trường tín dụng như thế nào". Câu trả lời "vẫn chưa rõ" này phải chăng đã ám chỉ thị trường CDO có thể sụp đổ? Tổng quy mô của tín dụng thứ cấp và tín dụng dạng ALT-A cũng như các sản phẩm phái sinh như CDO, CDS và CDO tổng hợp ít nhất đang ở mức trên 3.000 tỉ USD. Thảo luận gần đây, ngân hàng thanh toán quốc tế liên tục cảnh báo, thế giới có thể sẽ đối mặt với cuộc đại suy thoái như những năm 30 của thế kỷ 20. Ngân hàng này còn cho rằng, chu kỳ kinh tế trong lĩnh vực tín dụng toàn cầu trong mấy tháng từ nay về sau sẽ xảy ra sự chuyển biến có tính chất xu thế.

Theo các vị quan chức của FED, các nhà hoạch định chính sách hoàn toàn không thừa nhận sự lo lắng của thị trường tài chính đối với thị trường thứ cấp, đồng thời không trông mong nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Ben Bernanke cuối tháng 2 năm 2007 từng phát biểu, tín dụng thứ cấp là vấn đề rất quan trọng, nhưng không có dấu hiệu cho thấy đang lan sang thị trường tín dụng chính, thị trường hầu như vẫn ổn định. Sau đó, cả nhà đầu tư lẫn các vị quan chức đều tránh không nhắc đến rủi ro tiềm ẩn về khả năng phát tán của khủng hoảng tín dụng thứ cấp.

Tránh né vấn đề hoàn toàn không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề. Người dân sễ phải liên tục đối diện với khủng hoảng đang sắp sửa giáng xuống.

Nếu các quỹ ủy thác của Chính phủ tổn thất nặng nề trong thị trường thế chấp tài sản thì hậu quả chính là mỗi ngày dân chúng đều có thể phải đối mặt với vé phạt giao thông đến 3.000 USD. Nếu quỹ dưỡng lão tổn thất thì chỉ còn cách phải kéo dài tuổi nghỉ hưu. Nếu công ty bảo hiểm thua lỗ thì các loại phí bảo hiểm sẽ tăng vọt.

Tóm lại, quy luật sáng kiến tài chính của phố Wall là ngân hàng kiếm được khoản tiền thưởng hằng hà sa số, còn kẻ thua cuộc sẽ là những người nộp thuế và nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng bất kể là thắng hay thua, trong "quá trinh sáng tạo sáng kiến tài chính", những khoản tiền nợ khổng lồ do nợ thế chấp liên tục, tuần hoàn và cao gấp bội giá trị thực được hệ thống ngân hàng tạo ra cũng như hậu quả tất yếu dẫn đến lạm phát tiền tệ, đang lặng lẽ cắt xén từng phần của cải do người dân toàn cầu làm ra. Cho nên không có gì lạ khi sự phân hóa giàu nghèo trên thế giới này ngày càng nghiêm trọng, cũng như không có gì lạ khi thế giới này ngày càng bất ổn.

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 10.

Đọc tiếp:

Nhận xét