Vỡ nợ công trái Mỹ và tính thanh khoản toàn cầu bị siết chặt - phần 9 - hết

Tương lai của thị trường tài chính thế giới sẽ ra sao?

Mặc dù các ngân hàng trung ương đã tạm thời khống chế khủng hoảng, nhưng vấn đề vỡ nợ mang tính căn bản không hề được giải quyết. Vấn đề CDO có tổng giá trị tài sản lên đến 750 tỉ USD trong hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn chưa được giải quyết, ngoài ra vấn đề thiết lập lại lãi suất của các khoản tín dụng thế chấp trên quy mô lớn sẽ xuất hiện vào cuối năm 2007 và năm 2008. Đến lúc đó, chắc chắn lại có một cơn địa chấn lớn xảy ra. Sau những trận động đất thảm họa liên tục, người tiêu dùng nước ngoài khó có thể hớn hở vung tay vay tiền để tiêu dùng.

Bản chất của vấn đề là trong một thời đại tiền định danh điều khiển kinh tế thế giới, bồi hoàn hay hủy nợ đều đồng nghĩa với việc tính thanh khoản bị siết chặt. Do sự kỳ vọng của thị trường tài chính đối với mức lợi tức cao là điều mà sự tăng trưởng kinh tế thực thể khó có thể thỏa mãn được, thị trường này thậm chí còn không thể chấp nhận tăng trưởng thanh khoản giảm tốc, chứ đừng nói là ngừng tăng trưởng hoặc hạ mức tăng trưởng. Nhưng sự sụp đổ của thị trường tín dụng thứ cấp đã nói rõ khả năng thấu chi của người Mỹ trong tương lai đã bị hao mòn. Năm 2006, tín dụng bất động sản của Mỹ tăng thêm 1.900 tỉ USD, và quy mô của các sản phẩm phái sinh trên nền tảng của những khoản tín dụng loại này cũng phình to. Nếu tính năng của hệ thống công cụ tín dụng khổng lồ này suy giảm, thì có thể đi đâu tìm được một hệ thống tín dụng quy mô lớn hơn đây?

Để tìm kiếm công cụ thay thế, các thiên tài phố Wall đang khẩn trương triển khai sản phẩm mới "chứng khoán chết" (Death Bond). Bản chất của "chứng khoán chết" chính là đem tiền bổi thường bảo hiểm nhân thọ của người đã qua đời ra đảo ngược lại. Các ngân hàng đầu tư sẽ tìm đến những người có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, họ sẽ đề nghị rằng, bảo hiểm nhân thọ là tiền sau khi mình qua đời được trao cho người khác tiêu, tại sao không rút ra ngay lúc này để tiêu dùng cho bản thân? Đề nghị này khiến không ai có thể cưỡng lại được, ngân hàng đầu tư sẽ tập hợp khoảng 200 đơn bảo hiểm nhân thọ đóng thành một gói ABS (chứng khoán đảm bảo bằng tài sản), rồi đem bán cho nhà đầu tư ở phố Wall. Cá nhân bán bảo hiểm nhân thọ thông thường có thể nhận được khoản tiền tương đương 20% - 40% của toàn bộ giá trị gói bảo hiểm của bản thân, nhà đầu tư mua chứng khoán chết thì cần chi trả khoản tiền này đồng thời tiếp tục thanh toán bảo hiểm cho công ty bảo hiểm mãi đến khi người đứng tên trong đơn bảo hiểm qua đời, sau đó toàn bộ số tiền bảo hiểm đều sẽ thuộc về nhà đầu tư. Người đứng tên trong đơn bảo hiểm ra đi càng sớm, thì nhà đầu tư thu lợi càng nhiều. Cho nên nhà đầu tư đang từng ngày vặn đồng hồ chờ đợi người đứng tên trên đơn bảo hiểm ra đi. Ngân hàng đầu tư thu được khoản phí trị giá 5% - 6% giá trị gói bảo hiểm. Mặc dù vậy, quy mô thị trường này không thể đủ sức thay thế thị trường tín dụng thế chấp, cho dù đạt đến mức cao nhất đi chăng nữa cũng chỉ có thể tạo ra công cụ nợ hằng năm trị giá khoảng 190 tỉ USD, chỉ bằng 1/10 quy mô của thị trường tín dụng thế chấp mà thôi.

Một ý tưởng khác là kéo dài kỳ hạn của gói tín dụng thế chấp, từ kỳ hạn thông thường 30 năm kéo dài lên 40 – 50 năm, như vậy cũng có thể mở rộng quy mô của thị trường tín dụng này lên rất nhiều lần, cung cấp được tính thanh khoản vừa đủ cho thị trường tài chính.

Nếu không có một hệ thống nợ có quy mô đủ lớn, tăng trưởng đủ nhanh, cơ chế vận hành đủ hợp lý để tạm thời thay thế thị trường nợ thế chấp bị tê liệt, thì sẽ chẳng có sức mạnh nào có thể ngăn cản được một trận suy thoái kinh tế đầy khắc nghiệt sẽ diễn ra.

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 10.

___ HẾT PHẦN 1___

Đọc tiếp PHẦN 2:

Nhận xét