Vỡ nợ công trái Mỹ và tính thanh khoản toàn cầu bị siết chặt - phần 1

Vỡ nợ công trái Mỹ và tính thanh khoản toàn cầu bị siết chặt

Đầu tháng 8 năm 2007, một cơn bão siết chặt tính thanh khoản bùng phát bất ngờ đã quét qua toàn cầu, thị trường chứng khoán các nước rúng động dữ dội, thị trường trái phiếu gần như tê liệt, các ngân hàng trung ương rầm rộ bơm những khoản cứu trợ khổng lồ vào hệ thống ngân hàng để cứu vãn niềm tin vào một thị trường đang không ngừng suy sụp. Trong hai ngày 9 và 10 tháng 8, ngân hàng trung ương các nước châu Âu, Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản đã bơm tổng cộng 302,3 tỉ USD vào hệ thống các ngân hàng này, đây là hành động liên hiệp lớn nhất của các ngân hàng trung ương toàn cầu kể từ sau sự kiện 11 tháng 9 ở Mỹ. Mặc dù vậy, việc bơm tiền vẫn không thể kiềm chế được cơn khủng hoảng của thị trường. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) buộc phải hạ lãi suất triết khấu thêm 0,5% (xuống 5,75%) vào ngày 17 tháng 8, nhờ vậy mà thị trường tài chính mới có thể trụ vững. Kể từ đầu năm 2007, đây đã là lần thứ hai cơn địa chấn trên thị trường tài chính thế giới xảy ra, lần trước xảy ra vào ngày 27 tháng 2.

Đối với hai cơn địa chấn của thị trường tài chính này, giới học thuật hay giới truyền thông đều dần có chung một cảm nhận, đó là vấn đề cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn (tín dụng thứ cấp) của Mỹ chính là "tâm chấn" gây nên những cơn địa chấn ấy, nhưng đối với những người có quan điểm phát triển thì vấn đề lại hoàn toàn khác.

Đa số người cho rằng tỉ lệ của tín dụng thứ cấp trong thị trường tài chính Mỹ không lớn, phạm vi ảnh hưởng hẹp, cơn địa chấn rúng động thị trường tài chính chẳng qua là do phản ứng thái quá. Theo đà hành động bơm vốn quy mô lớn đầy kiên quyết của ngân hàng trung ương các nước, trạng thái hoảng loạn của thị trường sẽ nhanh chóng lắng dịu. Nền kinh tế của nước Mỹ không đến mức chỉ vì cú sốc quy mô lớn này mà rơi vào suy thoái. Nhưng cũng có một bộ phận khác cho rằng, lúc này vấn đề tín dụng thứ cấp ở Mỹ đang nổi cộm vẫn chỉ là một gốc của tảng băng, sự thật lớn hơn sẽ tiếp tục phơi bày trên mặt nước. Nhiều khả năng tín dụng thứ cấp là con domino đổ xuống, nó sẽ kích hoạt một loạt cơn địa chấn tài chính có cường độ mãnh liệt hơn, sức phá hủy dữ dội hơn nữa ở các thị trường khác. Hậu quả cuối cùng là sự thay đổi lớn trong chu kỳ kinh tế khi trạng thái thanh khoản quá mức chuyển ngược thành trạng thái thanh khoản bị siết chặt trên phạm vi toàn cầu, hay nói cách khác, "kỷ băng hà" của nền kinh tế thế giới có thể không hẹn mà đến, những mô hình kinh tế không chuẩn bị tốt để ứng phó có thể sẽ tuyệt diệt.

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 10.

Đọc tiếp:

Nhận xét