Phụ lục - Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính - phần 1

Phụ lục - Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính

Rủi ro lớn nhất của việc mở cửa thị trường tài chính Trung Quốc là thị trường này thiếu ý thức phòng bị "chiến tranh".

Vấn đề mà đại đa số học giả và những người hoạch định chiến lược quan tâm khi nghiên cứu vấn đề rủi ro của việc mở cửa tài chính Trung Quốc là rủi ro về mặt "chiến thuật". Ví dụ, rủi ro của việc ngân hàng nước ngoài đầu tư khống chế thị trường chứng khoán, rủi ro quản lý của các tổ chức tài chính, rủi ro thị trường cho vay bất động sản, rủi ro mở cửa thị trường tài khoản tư bản, rủi ro đồng nhân dân tệ tăng giá, rủi ro mất kiểm soát trong ngân hàng quốc hưu, rủi ro của thị trường sản phẩm phái sinh tài chính, rủi ro xung đột của thỏa thuận Basel… Thực ra, rủi ro lớn nhất của việc mở cửa tài chính bắt nguồn từ cấp độ "chiến lược", vì về bản chất, một khi Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính thì nước này cũng đã tham gia vào "cuộc chiến tranh tiền tệ". Thiếu ý thức và sự chuẩn bị cho chiến tranh là rủi ro lớn nhất trước mắt của Trung Quốc!

Việc hiểu việc mở cửa thị trường tài chính cũng giống như mở cửa các ngành nghề bình thường là một điều cực kỳ nguy hiểm.

Tiền tệ là một loại hàng hóa, nhưng khác với các loại hàng hóa khác. Nó là thứ hàng hóa mà mọi ngành nghề, mọi tổ chức, mọi cá nhân đều cần đến. Khống chế phát hành tiền tệ là hình thức cao nhất trong các hình thức lũng đoạn tài chính!

Việc phát hành tiền tệ của Trung Quốc vốn dĩ do Chính phủ khống chế, chỉ có cách này mới có thể đảm bảo sự công bằng cơ bản trong tổ chức xã hội. Ngay sau khi các ngân hàng nước ngoài tiến vào Trung Quốc, quyền phát hành tiền tệ nước này sẽ ở vào tình thế nguy hiểm.

Mọi người sẽ cho rằng tiền tệ của Trung Quốc là tiền giấy nhân dân tệ, chỉ có Chính phủ mới có thể in ấn và phát hành tiền tệ, và bản thân các ngân hàng nước ngoài làm sao có thể in được đồng nhân dân tệ của mình. Thực ra, các ngân hàng nước ngoài vốn dĩ chẳng cần in ấn đồng nhân dân tệ cũng vẫn có thể "sáng tạo" ra nguồn cung ứng tiền tệ. Họ sẽ đem theo một lượng lớn sản phẩm tài chính "mới toanh" vào Trung Quốc, khiến người ta phải hoa mắt bối rối. Họ dùng các phương thức sáng tạo ra công cụ nợ và tiền tệ hóa các sản phẩm mà họ đem theo. Đây chính là "tính lưu động" của sản phẩm tương tự như tiền tệ. Những loại sản phẩm tài chính này hoàn toàn có đầy đủ sức mua của tiền tệ trong lĩnh vực kinh tế thực thể. Từ góc độ này có thể nói, ngân hàng nước ngoài sẽ tham dự vào sự phát hành tiền tệ của đồng nhân dân tệ Trung Quốc.

Khi tổng lượng tín dụng bằng đồng nhân dân tệ do các ngân hàng nước ngoài "sáng tạo" ra vượt quá mức của ngân hàng thương mại quốc doanh thì trên thực tế họ có thể đủ sức "treo cổ" Ngân hàng trung ương Trung Quốc, khống chế quyền phát hành tiền tệ của Trung Quốc! Họ sẽ có đủ năng lực và mưu đồ để khống chế dao động cung ứng tiền tệ một cách đầy ác ý. Họ sử dụng khéo léo công cụ lạm phát tiền tệ và siết chặt tiền tệ để tướt đoạt tài sản của người dân Trung Quốc, giống như các cuộc khủng hoảng kinh tế đã xuất hiện lặp đi lặp lại trong lịch sử.

Khi các thế lực ngân hàng nước ngoài này càng ngày càng mạnh, họ sẽ thông qua các hình thức giao dịch giữa tiền và quyền, giữa tiền với tiền, giữa tiền bạc và danh dự, giữa tiền bạc và học thuật để hình thành nên một thế trận "liên hợp hùng mạnh" của "tập đoàn lợi ích đặc thù siêu cấp" chưa từng có ở Trung Quốc. Họ sẽ cung cấp tín dụng để tưởng thưởng cho các cơ quan địa phương "tâm đầu ý hợp" với họ, sẽ dùng tiền tài và sắc dục để "bồi dưỡng" cho các ngôi sao chính trị mới "có tiềm lực" nhằm mong nhận được sự báo đáp về mặt chính trị trong tương lai lâu dài. Họ sẽ thông qua các quỹ đầu tư nghiên cứu học thuật để "khuyến khích và ủng hộ" các thành tựu nghiên cứu có lợi cho họ. Họ sẽ tài trợ một lượng lớn kinh phí cho các tổ chức xã hội để tác động đến các chương trình nghị sự chung, từ đó mà hình thành nên "một ý thức hệ" lớn mạnh từ trên xuống dưới. Họ sẽ hào phóng ủng hộ sự hoạt động theo hướng thị trường hóa của các giới truyền thông để phản ánh "sự phê bình tích cực" của xã hội đối với ngân hàng nước ngoài. Họ sẽ sử dụng vốn đầu tư để báo đáp lại các tổ chức xã hội có ích cho họ, sẽ đầu tư mạnh tay vào ngành y tế, bao gồm cả y học cổ truyền núp bóng một cách có hệ thống, từng bước tiến hành xâm nhập vào lĩnh vực giáo dục, hệ thống pháp luật, thậm chí hệ thống quân đội. Quan điểm của họ là, trong một xã hội hàng hóa sẽ không có ai đủ sức "miễn dịch" đối với tiền bạc.

Các thế lực ngân hàng nước ngoài sẽ còn thông qua đầu tư để khống chế các ngành nghề quốc hữu nòng cốt như: viễn thông, dầu mỏ, giao thông, hàng không, công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc, vì chẳng có quy định pháp luật nào ngăn cản các ngành này rơi vào tay của các ngân hàng nước ngoài. Một khi trở thành người cung cấp các khoản vốn chủ yếu của các ngành nắm quyền khống chế trong nền kinh tế của Trung Quốc, các ngân hàng nước ngoài sẽ nắm giữ mạch máu các "các tài sản cốt lõi" này của Trung Quốc. Họ có thể cắt đứt dây chuyền vốn của các doanh nghiệp trọng yếu này bất cứ lúc nào, từ đó dẫn đến sự tê liệt của ngành sản xuất trọng tâm của Trung Quốc.

Các ngân hàng nước ngoài vào Trung Quốc đương nhiên là để kiếm tiền, nhưng không nhất định phải kiếm tiền theo cách bình thường.

Rủi ro chiến lược mà việc mở cửa tài chính đối mặt không hề đơn giản như bản thân ngành tài chính mà nó bao hàm toàn bộ các phương diện của xã hội Trung Quốc. Chỉ cần có một chút bất trắc thì hậu quả sẽ khôn lường. Điều đáng tiếc là trong danh sách các ngành quốc doanh được Trung Quốc bảo hộ, tuyệt nhiên không có ngành tài chính, một ngành đáng ra phải được bảo hộ trọng điểm nhất. Trước mắt, các ngân hàng quốc doành Trung Quốc hoàn toàn không phải đối thủ của các nhà tài phiệt ngân hàng Âu – Mỹ đã từng "lăn lộn giang hồ" hơn hai trăm năm. Điều này chẳng khác nào bắt một môn sinh nhập môn đi đọ sức với nhà vô địch, chẳng cần phải tưởng tượng quá nhiều thì người ta cũng biết được kết quả cuối cùng của việc đọ sức ấy.

Do rủi ro chiến lược của việc mở cửa tài chính sẽ liên quan đến toàn cuộc cho nên các cơ quan quản lý như Ủy ban Giám sát ngân hàng, Ủy ban Giám sát chứng khoán, Ủy ban Giám sát bảo hiểm đã không thể gánh vác trách nhiệm nặng nề để giám sát rủi ro chiến lược từ việc mở cửa này. Cho nên Chính phủ Trung Quốc cần phải xây dựng một "Ủy ban An toàn tài chính quốc gia" để thống nhất ba tổ chức này lại với nhau và trực thuộc quản lý của cấp hoạch định chiến lược, tăng cường sức mạnh nghiên cứu tình báo tài chính, tăng cường công tác nghiên cứu phân tích các phương diện như bối cảnh nhân viên, điều động vốn, chiến lược đối với ngân hàng nước ngoài; xây dựng chế độ phân cấp bảo mật an toàn tài chính quốc gia, những người nắm quyền hoạch định chiến lược tài chính quốc gia cần phải được sát hạch thông qua chế độ này. Cần phải cân nhắc đến việc tiến hành "hạn chế lỏng" đối với các ngành nghề mà ngân hàng nước ngoài có thể với đến, xây dựng các phương án dự phòng để ứng phó các cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra đột ngột cho Trung Quốc và tiến hành cử duyệt định kỳ.

An toàn tài chính đối với Trung Quốc là một vấn đề cần phải giám sát nghiêm ngặt hơn cả vũ khí hạt nhân chiến lược. Trước khi chưa xây dựng được một cơ chế kiểm soát an toàn tài chính, việc Chính phủ mở cửa thị trường tài chính chẳng khác nào đang xây con đường để rước họa vào nhà.

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 10.

Đọc tiếp:

Nhận xét