Nước Đức cái nôi của các chủ ngân hàng quốc tế - phần 4

Old Breslauer: người đại diện của Rothschild

Nước Đức nằm ở điểm kết nối giữa hai vùng Đông – Tây của châu Âu, thủ đô Berlin lại càng ở vị trí trung tâm địa lý và giao cắt về giao thông của châu Âu. Những thương khách khắp nơi tề tựu tấp nập ở Berlin, kéo theo mọi loại tiền tệ đến đó. Bắt đầu từ thời Đế quốc La Mã, Berlin đã trở thành trung tâm trao đổi tiền tệ. Sau khi Napoléon chiếm cứ vùng đất này, nhu cầu trao đổi tiền tệ lại càng trở nên hưng thịnh.

Old Breslauer còn gọi là Samuel, công việc kinh doanh chủ yếu của ông ta là mua bán các loại trái phiếu chính phủ, kiếm lời nhờ khoản chênh lệch trong quá trình giao dịch mua bán. Khi đó, việc phát hành những trái phiếu này chủ yếu để trợ cấp cho các gia đình bị mất chồng, con trong chiến tranh. Trước và sau năm 1828, gia tộc Breslauer bắt đầu tạo dựng nên mối quan hệ hợp tác thương mại với gia tộc Rothschild. Do gia tộc Rothschild nắm giữ quyền lực tài chính tối cao của châu Âu, thế nên chính nhờ mối quan hệ theo kiểu "núp bóng quan lớn" này gia tộc Breslauer đã một bước trở thành thế lực nổi bật trong vô số các ngân hàng ở Berlin. Sau năm 1830, gia tộc Breslauer bắt đầu lĩnh nhận tiền công định kỳ từ gia tộc Rothschild, và gia tộc Ngân hàng Mendelssohn có tiếng tăm lâu đời ở Berlin đã dần bị gạt ra lề.

Dưới sự điều tiết và chỉ huy thống nhất từ gia tộc Rothschild, Breslauer tích cực tìm kiếm các cơ hội "mua giá thấp, bán giá cao" ở các thị trường tài chính của London, Paris, Frankfurt, Berlin, Vienna và Napoli. Do giá cả của các loại trái phiếu và tiền tệ trên thị trường châu Âu có sự chênh lệch tỉ giá giữa các thành phố, nên yếu tố mấu chốt để trục lợi là phải nhanh chóng thu thập tin tình báo chuẩn xác và nắm bắt thời cơ phù hợp. Ngay từ khi mới khởi lập, ngành tài chính đã có một yêu cầu rất cao đối với tin tình báo. Trên thực tế, cơ cấu tình báo quốc tế hiện đại vốn xây dựng dựa trên nền tảng hệ thống truyền phát thông tin tình báo của các gia tộc ngân hàng quốc tế trong thời kỳ đầu. Không còn nghi ngờ gì nữa, hệ thống tình báo tiên tiến nhất thuộc về gia tộc Rothschild. Mức độ phủ sóng, tính nhanh nhạy, độ bảo mật, tỉ lệ chuẩn xác và mức độ phức tạp của nó đều vượt xa các hệ thống tình báo của chính phủ các nước.

Ngay từ những năm 30 của thế kỷ XIX, gia tộc Breslauer đã khao khát mãnh liệt rằng một ngày nào đó sẽ gia nhập vào mạnh lưới tình báo tốc độ cao của gia tộc Rothschild. Ở Berlin, muốn nhận thư từ Paris phải mất khoảng sáu ngày, nhưng nếu thông qua mạng lưới tình báo Rothschild thì chỉ mất năm ngày. Nhanh hơn một ngày cũng đồng nghĩa với một khoản lợi nhuận thương mại khổng lồ. Dựa trên quá trình khảo sát suốt nhiều năm, gia tộc Rothschild dần dần chấp nhận kết nạp gia tộc Breslauer vào hệ thống tình báo của mình.

Năm 1831, gia tộc Breslauer trở thành đại diện rất mực trung thành của gia tộc Rothschild tại Berlin, họ không ngừng gửi cho gia tộc Rothschild những thông tin về mọi phương tiện trên thị trường tài chính và nội chính của Phổ, ví dụ năm cường quốc châu Âu và quốc vương Hà Lan có thái độ chính trị ra sao đối với chính phủ mới thành lập của Bỉ, Sa hoàng Nga lập trường và động thái thế nào đối với sự phản bội của Ba Lan. Gia tộc Breslauer cũng báo cáo tình hình liên quan đến bệnh dịch đang lan tràn ở châu Âu, ngoài ra còn cả động thái của Berlin đối với cuộc cách mạng năm 1848. Họ liên tục đảm bảo cho gia tộc Rothschild về tính an toàn của việc mua vàng và trái phiếu.

Qua công tác thu thập và truyền đạt của Breslauer, mọi nguồn thông tin không ngớt đổ về hệ thống tình báo châu Âu của gia tộc Rothschild. Điều này giúp gia tộc Rothschild tiếp tục nắm giữ ưu thế bất đối xứng về mặt thông tin, từ đó ảnh hưởng sâu rộng vào các chính sách ngoại giao, nội chính của các quốc gia châu Âu, và lại càng nắm giữ ưu thế khi giao dịch trên thị trường tài chính châu Âu.

Quy mô thị trường tài chính Berlin trong những năm 30-40 thế kỷ XIX vẫn chưa lớn, sản phẩm tài chính có tần suất giao dịch lớn nhất là trái phiếu đường sắt. Để thực hiện chính sách "thu hút đầu tư" từ bên ngoài, lôi kéo sự chú ý của các gia tộc ngân hàng quốc tế thuộc hàng "cây đa cây đề" như Rothschild với trái phiếu đường sắt, chính phủ Phổ đã nghĩ trăm phương ngàn kế để thuyết phục gia tộc Rothschild đầu tư vào ngành công nghiệp đường sắt của Phổ. Trong quá trình đầu tư này, sức ảnh hưởng của gia tộc Rothschild đối với ngành công nghiệp của Phổ được nâng cao rõ rệt, dần dần nắm giữ vai trò quản trị trong rất nhiều công ty đường sắt.

Năm 1836, Nathan – người cai quản Ngân hàng London của gia tộc Rothschild, đồng thời cũng là nhân vật đầu não của toàn bộ gia tộc, đã qua đời. James Rothschild lúc đó đang ở Paris, tiếp nhận vị trí "lãnh đạo" gia tộc. Trong giai đoạn đầu khi Breslauer đầu quân cho James, địa vị hai bên hoàn toàn bất bình đẳng, Breslauer bắt buộc phải nhượng lại rất nhiều lợi ích mới nhận được đặc quyền gia nhập vào mạnh lưới tài chính của gia tộc Rothschild. Khi đó thái độ của James đối với Breslauer không mấy tốt đẹp, thường xuyên đánh tiếng rằng Breslauer không được phép coi nhẹ lợi ích của gia tộc Rothschild. Trên thực tê, lời cảnh cáo như vậy đồng nghĩa với việc gia tộc Rothschild không hoàn toàn hài lòng vối sự hợp tác giữa đôi bên, không những vậy họ đang do dự định tìm kiếm người đại diện và đối tác mới.

Để duy trì dòng chảy của một kênh dẫn vốn như gia tộc Rothschild, gia tộc Breslauer bất đắc dĩ phải thường xuyên hy sinh lợi ích của gia tộc mình. Đặc biệt là năm 1840 khi thị trường tài chính Đức xuất hiện một đợt khủng hoảng lớn, gia tộc Breslauer đã chấp nhận tổn thất, tự dùng tiền công của mình để đổi lấy đơn hàng cho gia tộc Rothschild. Vài năm trôi qua, việc hợp tác giữa đôi bên vẫn chẳng thể khiến gia tộc Rothschild hài lòng, đến nỗi có những lúc gia tộc Breslauer không chỉ không được nhận tiền công, mà thậm chí còn phải bồi thường một số tiền để duy trì mối quan hệ thương mại với gia tộc Rothschild.

Chúng ta có thể lờ mờ thấy được mối quan hệ chủ - tớ giữa đôi bên thông qua bức thư mà Old Breslauer gửi cho gia tộc Rothschild. Trong bức thư này, Samuel đã giới thiệu cậu con trai Gerson 17 tuổi cho nam tước Solomon Rothschild, khi đó đang ở Vienna:

"Xin cho phép tôi bày tỏ lời cảm tạ tới ngài bằng tất cả sự chân thành và niềm kính mến sâu sắc. Nhiều năm nay, lòng thiện ý và sự đại độ lớn lao của ngài đã khiến cho tôi rất mực kính trọng và cảm thấy vinh dự, tựa như một hạt bụi trong sa mạc được may mắn chọn lựa. Ngài là quý nhân cao quý nhất, tốt lành nhất. Ngài đã đặt tôi vào một vị trí quan trọng đến nhường đó trong một đại gia đình, tôi không có từ ngữ nào để diễn tả lòng biết ơn của mình. Chỉ cần tôi còn sống thì hình ảnh của ngài sẽ mãi mãi tồn tại trong trái tim tôi, cho đến thời khắc cuối cùng của đời mình, tôi sẽ mãi mãi và hoàn toàn trung thành với ngài, ân nhân của tôi. Còn bây giờ, tôi thỉnh cầu ngài truyền lại sự quan tâm và bảo vệ đó cho con trai tôi".

Năm 1855, Samuel qua đời, con trai của ông, Gerson đã danh chính ngôn thuận trở thành "lãnh đạo" của gia tộc. Khoảng giữa thế kỷ XIX, cuộc cách mạng công nghiệp đang bùng nổ mãnh liệt ở Đức, dưới sức bật đó, thị trường tài chính Berlin cũng bước vào một thời đại phồn thịnh chưa từng có. Lúc này đây, đối với gia tộc Breslauer, nguồn tài sản quan trọng nhất của họ vẫn là mối quan hệ thương mại ổn định, lâu dài với gia tộc Rothschild. Mô thức hợp tác này ngày càng vững chắc hơn trong thời kỳ Gerson lèo lái con thuyền của gia tộc Breslauer. Cùng lúc đó, Breslauer cũng bắt đầu xây dựng nên trung tâm quyền lực của bản thân. Ông liên kết với rất nhiều Ngân hàng Do Thái ở Berlin tạo nên một cộng đồng cùng chung lợi ích, thâm nhập vào các ngành nghề như luyện kim, xây dựng đường sắt, v.v.. Đối tác chủ chốt của họ khi đó chính là gia tộc Oppenheimer của vùng Köln.

Trích "Chương 1, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét