Nước Đức cái nôi của các chủ ngân hàng quốc tế - phần 3

Cuộc chiến tranh bị kết thúc đột ngột

Trong 200 năm trở lại đây, gia tộc Rothschild luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho hai chuyện lớn: chiến tranh và cách mạnh. Cho dù là chiến tranh hay cách mạng, để tiến hành những hành động bạo lực có tổ chức và quy mô lớn, hai bên giao chiến bắt buộc phải tiến hành kêu gọi đầu tư.
- Nail Ferguson –

Thời khắc bình minh của ngày mùng 3 tháng 7 năm 1866, tại pháo đài Kone Gretz ở làng Sadova Bohemia (cộng hòa Séc ngày nay), một đội quân gồm 35.000 người đang hành quân lặng lẽ giữa trời mưa tầm tã. Từng khuôn mặt trẻ măng, góc cạnh toát lên vẻ căng thẳng, hưng phấn và chờ đợi. Những chàng trai thuộc binh đoàn Elbe này đều biết, đối thủ mà họ sắp tấn công là liên quân gồm 200.000 người của Áo và Sachsen. Trong tình thế lấy ít địch nhiều như vậy, niềm hy vọng duy nhất mà họ có thể trông đợi là quân đoàn số 1 của Phổ gồm 85.000 người do thân vương Frederick Charles thống lĩnh, đội quân này sẽ tấn công đồng thời ở một hướng khác. Ban đầu dựa theo chiến lược của tướng quân Helmuth Karl Bernhard von Moltke – tổng tham mưu trưởng của quân Phổ, nhánh quân tham gia tấn công còn có thêm 100.000 binh lính của thái tử nước Phổ và hoàng đế tương lai của Đức Wilhelm II. Nhưng do khu vực trú quân của quân đoàn này, quá xa phạm vi tiếp nhận tín hiệu điện báo, họ không thể kịp thời tiếp nhận mệnh lệnh nên không thể thực thi hành động.

 

Trận chiến Sadova trong chiến tranh Áo- Phổ
Trận chiến Sadova trong chiến tranh Áo- Phổ

Do quá vội vã nên binh đoàn Elbe của Phổ chưa kịp triển khai đầy đủ trận tuyến tấn công của mình. Không những vậy, hỏa lực của họ còn vọt sang cả hướng tấn công của quân đoàn số 1, cục diện bất chợt trở nên vô cùng hỗn loạn. Dưới đòn phản công mãnh liệt và những trận pháo kích cấp tập của quân Áo, đến 11 giờ trưa, đòn tấn công của quân Phổ đã bị chặn đứng, cánh quân dự bị của họ cũng lao vào giữa chiến trường vốn đã hết sức chật chội. Giả dụ trong lúc này quân Áo kiên quyết phát động một đợt tấn công bằng kỵ binh, thì có lẽ quân Phổ sẽ bị hất văng ra khỏi chiến trường. Thế nhưng, Bernardek – nguyên soái thống lĩnh quân Áo lại quá mức cẩn trọng, yêu cầu kỵ binh án binh bất động. Hai bên cứ thế giằng co nhau trên chiến trường hỗn loạn.

Đúng vào thời khắc quân Phổ rơi vào tình thế nguy cấp thì ngài Otto von Bismarck – vị thủ tướng Phổ bấy lâu nay vẫn kề vai sát cánh cùng Helmuth Karl Bernhard von Moltke chợt phát hiện ra: cách chiến trường vài kilomet về phía Đông, có thứ gì đó giống như cây cối đang chuyển động. Helmuth Karl Bernhard von Moltke cầm ống nhòm lên quan sát trong giây lát, sau đó hào hứng nói với vua Wilhelm I ngự giá thân chinh: "Bệ hạ không chỉ chiến thắng trong chiến dịch lần này, mà còn thắng cả cuộc chiến này nữa". Hóa ra, trong lúc binh đoàn Elbe và quân đoàn số 1 của Phổ rơi vào trận khổ chiến với quân Áo thì một tay lính đã cưỡi ngựa hơn 30 kilomet để truyền mệnh lệnh của nhà vua cho thái tử. Thế là quân đoàn số 2 ngay lập tức hành quân về phía Bắc, đó chính là những "đám cây cối chuyển động" mà Bismarck trông thấy.

2 giờ 30 phút chiều, quân đoàn số 2 của Phổ bắt đầu tấn công vào khu vực phòng thủ phía Bắc của quân Áo. Phòng tuyền quân Áo nhanh chóng tan rã. Đến khoảng 3 giờ, nguyên soái Bernardek hạ lệnh triệt thoái toàn bộ. Thế nhưng, thế tấn công của quân Phổ hết sức mãnh liệt, quân đoàn số 1 của Áo chỉ có thể phát động kỵ binh phản kích, tạo đường yểm trợ cho pháo binh và các nhánh quân lân cận rút lui. Động thái này khiến cho hơn 10.000 người thương vong chỉ trong vòng 20 phút, quân đoàn số 1 gần như bị đánh quỵ. Dù vậy, trong đợt phản công này, Áo đã kịp rút lui khoảng 180.000 quân qua kẽ hở trên chiến trường trước vòng vây khép kín của đối phương. Trong trận chiến Sadova, quân Phổ đã giành được thắng lợi manh tính quyết định. 10 ngày sau đó, quân Phổ tiến sát tới thủ đô Vienna của Áo, công chiếm pháo đài Froslov chỉ cách Vienna 6 kilomet. Như vậy việc chiếm Vienna, chinh phục Áo đã nằm trong tầm tay quân Phổ.

Kỳ lạ là, lúc này Vua Wilhelm I, thủ tường Bismarck và tổng tham mưu trưởng Moltke bắt đầu tranh cãi dữ dội. Vua Phổ chủ trương chiếm lấy thủ đô Vienna của Áo đang trong tầm tay. Xét từ góc độ của một vị tướng, đương nhiên Moltke cũng muốn nắm lấy cơ hội hiếm có này, tiến quân chiếm Vienna đã bị cô lập. Thế nhưng thủ tướng Bismarck lại nhất mực yêu cầu từ bỏ việc công chiếm thành Vienna, tranh thủ địa vị có lợi về mặt quân sự, nhanh chóng ký điều ước đình chiến với Áo, vì chỉ cần đạt được mục đích đuổi Áo ra khỏi Đức đã là thành công lớn rồi.

Khi vua Phổ nhất quyết không chịu nhượng bộ, Bismarck nước mắt hai hàng, đe dọa sẽ từ chức thủ tướng, thậm chí định nhảy từ tầng 4 xuống để tự sát. Cuộc tranh cãi kéo dài mãi tới tận đêm khuya, cuối cùng vua Đức dù vô cùng đau khổ nhưng cũng đành đồng ý từ bỏ tấn công. Vua Wilhelm I yêu cầu phải ghi chép lại tình hình khi đó và lưu giữ trong Sở Lưu trữ Quốc gia "để chứng minh rằng ông đã bất lực và chấp nhận thỏa hiệp ra sao".

Cuối cùng, Phổ quả nhiên đã ký với Áo một bản "Hiệp ước cầu hòa" rằng sẽ không cắt đất, không yêu cầu bồi thường chiến phí, nước Áo phải rút ra khỏi Liên bang Đức (hay còn gọi là Liên minh các quốc gia Đức). Trong tình thế cục diện chiến trường có lợi, Bismarck quyết tâm từ bỏ cơ hội công chiếm thành Vienna để thu thêm nhiều chiến quả khác. Sự kiện này trở thành một vấn đề vô cùng nổi bật trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Tại sao Bismarck không ngần ngại đe dọa bằng cách từ chức và nhảy lầu, dù có phải làm trái "thánh chỉ" cũng kiên quyết ngăn cản quân Phổ tiến về thành Vienna? Đầu tiền, cần suy xét về chiến lược cân bằng giữa các thế lực châu Âu, các cường quốc khác sẽ không chịu ngồi yên nhìn quân Phổ đánh triệt quân Áo và trỗi dậy trở thành một cường quốc vùng Trung Âu. Kết quả tất yếu của việc quân Phổ kiên quyết tiến chiếm thành Vienna là sự can thiệp quân sự của các cường quốc khác, khiến cho sự trỗi dậy của Phổ và tiến trình thống nhất của Đức có thể bị gián đoạn. Thêm nữa, trong trận chiến Sadova quân Phổ giành được thắng lợi quyết định, nhưng chưa hẳn đánh bại được quân chủ lực của Áo. Sau khi thoát khỏi vòng vây, 180.000 quân Áo dốc toàn lực để lùi về bảo vệ kinh đô. Trong tình thế cấp thiết như vậy, quân Phổ dù cố gắng tấn công Vienna cũng chưa chắc đã chiếm ưu thế. Là một chiến lược gia kiệt xuất, tầm nhìn của Bismarck quả là hết sức sâu xa.

Kỳ thực, Bismarck chưa được coi là một chiến lược gia kiệt xuất, ông chỉ là một nhà thám hiểm may mắn mà thôi. Trong cuộc chiến tranh Phổ-Pháp diễn ra bốn năm sau đó, Bismarck đã kiên trì cưỡng ép nước Pháp. Pháp vừa bại trận vừa phải cắt nhượng lại hai tỉnh Lorraine và Alsace, và chi trả khoảng bồi thường chiến tranh khổng lồ 5 tỉ franc cho Phổ. Đó là một lưỡi dao sắt khoét sâu vào tâm thế kiêu ngạo và tự hào của người Pháp, khiến cho nước Pháp không thấy hối hận khi ngã vào lòng người Anh – đối thủ chiến lược thực sự của Đức trong tương lai.

Nước Đức không cần cố tình làm nhục người Pháp, chỉ cần nhắm đến lợi dụng mâu thuẫn giữa Anh và Pháp, để từ đó thực hiện mục tiêu chiến lược giúp nước Đức trỗi dậy trở thành cường quyền trên thế giới. Nhưng tầm nhìn ngắn hạn của Bismarck đã mang tới cho Đức một kẻ địch hùng mạnh và rất khó lòng chinh phục. Hành động của Đức vô tình thúc đẩy Anh – Pháp kết thành một liên minh hùng mạnh, quyết không cho Đức trỗi dậy. Sự thảm bại của Đức trong hai cuộc chiến tranh thế giới sau này đều có liên quan đến chiến lược sai lầm của Bismarck năm xưa.

Trên thực tế, phía sau cuộc chiến bị ngừng lại đột ngột dưới chân thành Vienna còn có nguyên nhân khác. Đó chính là, khi cuộc chiến Áo-Phổ kéo dài đến tuần thứ bảy, và quân Phổ đến được dưới chân thành Vienna, khả năng huy động tài chính của Bismarck đã chạm tới cực hạn, ông không thể tiếp tục cuộc chiến này nữa. Muốn hiểu được tình cảnh khi đó của quân đội Phổ, chúng ta phải nhìn vào tiến trình lịch sử trỗi dậy của Phổ, quan sát ảnh hưởng mang tính then chốt mà sức mạnh tài chính có thể phát huy. Nếu không lý giải được sức mạnh tài chính đứng sau các cuộc chiến tranh và cách mạng, chúng ta cũng không thể thực sự nhìn thấu toàn bộ diện mạo của lịch sử.

Trích "Chương 1, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét