Vỡ nợ công trái Mỹ và tính thanh khoản toàn cầu bị siết chặt - phần 5

Tín dụng thứ cấp CDO: rác độc tài sản cô đặc

Tổng giá trị của hai loại rác độc tư bản gồm tín dụng thứ cấp và tín dụng ALT-A này là 2,500 tỉ USD. Những đống rác độc tư bản này cần phải bị loại bỏ khỏi sổ kế toán tài sản của hệ thống ngân hàng cung cấp tín dụng thứ cấp, nếu không hậu quả sẽ rất khôn lường.

Làm sao để loại bỏ? Đó chính là chứng khoán hóa tài sản như chúng ta đã nói ở trên.

Vốn dĩ chứng khoán MBS lấy tín dụng thứ cấp làm vật thế chấp dễ sinh ra nhưng khó bán, bởi sự đầu tư lớn của Mỹ như quỹ trợ cấp hưu trí, quỹ bảo hiểm, quỹ Chính phủ cần phải phù hợp với những điều kiện đầu tư nhất định, tức là sản phẩm đầu tư cần phải đạt tiêu chuẩn AAA của Moody's hoặc Standard & Poor's. Rõ ràng ngay cả BBB – tiêu chuẩn đầu tư thấp nhất, MBS của tín dụng bất động sản thứ cấp còn chưa đạt, do đó rất nhiều tổ chức đầu tư lớn không thể thu mua loại chứng khoán này. Chính vì rủi ro của chúng cao, cho nên mức lãi suất kỳ vọng cũng khá, các ngân hàng đầu tư của phố Wall liếc mắt đã nhìn ra lợi nhuận đầu tư cao tiềm năng của đống rác độc tư bản này. Thế là ngân hàng đầu tư bắt đầu nhảy vào lĩnh vực tư bản rủi ro này.

Trước hết, căn cứ theo xác suất có thể xuất hiện nợ trễ hạn, các ngân hàng đầu tư đem chứng khoán MBS ở cấp độ "đống rác độc" này chia thành nhiều phần khác nhau (Tranche), đây chính là chứng chỉ nghĩa vụ nợ có thế chấp CDO (Collateralized Debt Obligations) mà chúng ta hay nghe nói. Trong đó, loại có rủi ro thấp nhất được gọi là "CDO cao cấp" (tức senior tranche, tổng thể chiếm khoảng 80%), các ngân hàng đầu tư dùng những hộp quà tinh xảo đóng gói chúng lại, gắn lên một sợi kim tuyến lấp lánh. "CDO trung cấp" (tức Mezzanine, tổng thể chiếm 10%) có mức độ rủi ro trung bình, cũng được cho vào trong hộp quà, sau đó dán lên sợi dây bạc sáng loáng. Loại cuối cùng là "CDO phổ thông" (tức Equity, chiếm 10%) có mức rủi ro cao nhất, được đặt trong hộp quà có dán sợi dây bằng đồng óng ảnh. Sau khi được các ngân hàng đầu tư phố Wall trang trí một loạt, những đống rác độc vốn dĩ xấu xí khó coi ban đầu lập tức trở thành những món quà lấp lánh, rực rỡ.

Ngay khi các ngân hàng đầu tư bê những hộp quà rực rỡ này đến gõ cửa các công ty xếp hạng tài sản, ngay cả Moody's và Standard & Poor's cũng đều phải lóa mắt. Các ngân hàng đầu tư khéo miệng ra sức khoa trương những món "hàng cao cấp" này đáng tin và bảo đảm như thế nào, họ đem những số liệu của vài năm gần nhất để chứng mình tỉ lệ xảy ra vi phạm hợp đồng của những món "hàng cao cấp" này thấp như thế nào, sau đó lôi những mô hình số học của những chuyên gia số học hàng đầu thế giới nào đó ra để chứng minh xác suất xảy ra vi phạm hợp đồng trong tương lai cũng cực kỳ thấp. Cho dù chẳng may xảy ra vi phạm, cũng được che chắn bởi CDO "trung bình" và "phổ thông", có hai phòng tuyến bảo vệ này, CDO "cao cấp" đương nhiên sẽ vững chắc. Sau đó lại khoa trương về xu thế phát triển của thị trường bất động sản đáng mừng như thế nào, khách hàng vay tín dụng thế chấp có thể "đảo nợ" (Re-finance) bất cứ lúc nào để thu được lượng tiền mặt, hoặc bán bất động sản một cách hết sức dễ dàng, sau đó thu được một khoản lợi nhuận khổng lồ, hàng loạt những ví dụ sống động khác liên tục được nêu ra.

Moody's và Standard & Poor's cẩn thận xem xét số liệu trong quá khứ, chẳng có chỗ sai sót nào, rồi cân nhắc những mô hình số học đại diện cho xu thế tương lai, hầu như cũng không nhặt ra được một hạt sạn nào, còn thị trường bất động sản đang nóng rực như lửa thì rõ ràng ai cũng đều thấy rõ. Tất nhiên, Moody's dựa vào trực giác làm nghề mấy mươi năm cùng với kinh nghiệm đã trải qua bao nhiêu đợt suy thoái kinh tế, họ thừa hiểu cạm bẫy đằng sau những số liệu hào nhoáng này, nhưng đồng thời cũng hiểu được lợi ích đằng sau chúng. Nếu nhìn hộp quà "không chút sơ hở" từ góc độ bề ngoài, Moody's và Standard & Poor's cũng vui vẻ mà thỏa thuận theo. Suy cho cùng, mọi người đều cùng lăn lộn trên giang hồ tài chính cả, Moody's và Standard & Poor's cũng đánh liều với kiểu làm ăn của ngân hàng đầu tư mới kiếm được miếng cơm, hơn nữa giữa Moody's và Standard & Poor's cũng có cạnh tranh qua lại, anh không làm người khác cũng sẽ làm, nếu từ chối thì không chỉ gây thù chuốc oán với người ta mà còn mất luôn cả mối làm ăn. Vậy nên Moody's và Standard & Poor's đều đồng lòng phê duyệt, "CDO cao cấp" đạt được tiêu chuẩn cao nhất là AAA.

Các ngân hàng đầu tư mừng hớn hở ra về.

Nói một cách hình tượng, quá trình này giống như bọn tiểu thương phi pháp thu gom dầu cặn mà McDonald's đổ đi, sau đó trải qua quá trình lọc và phân tách đơn giản, "biến chất thải thành dầu tốt", đóng chai trở lại rồi tiếp tục bán cho các ông chủ nhà hàng để xào nấu hoặc chiên rán.

Các ngân hàng đầu tư với vai trò là nhà tiêu thụ chấp nhận đống rác độc sau khi nhận được đánh giá xếp hạng CDO, liền tìm đến hãng luật lập ra một công ty phục vụ mục đích đặt biệt (Special Purpose Legal Vehicle), "công ty" này đăng ký hoạt động ở quần đảo Cayman để tránh sự giám sát của Chính phủ và trốn thuế. Sau đó, "công ty" này sẽ mua lại đống rác độc tài sản kia đồng thời phát hành CDO. Cứ như vậy, ngân hàng đầu tư có thể tránh được rủi ro của "công ty" về mặt pháp lý.

Những ngân hàng đầu tư thông minh này gồm những ai? Chúng bao gồm những ngân hàng đầu tư có thương hiệu nổi tiếng như: Lehman Brothers, Bear Stearns, Merrill Lynch, Citibank, Wachovia, Deutsche Bank, BOA.

Tất nhiên, các ngân hang đầu tư tuyệt đối không muốn nắm giữ những đống rác độc này trong thời gian dài, họ phải mau chóng giải quyết để thu tiền về. Nhờ có tiêu chuẩn xếp hạng cao nhất là AAA, lại thêm khả năng xúc tiến bán hàng thiên phú của các ngân hàng đầu tư, việc tiêu thụ "CDO cao cấp" hiển nhiên rất dễ dàng. Khách mua đều toàn là những quỹ đầu tư lớn và các tổ chức đầu tư nước ngoài, trong đó bao gồm cả quỹ trợ cấp hưu trí, quỹ bảo hiểm, quỹ giáo dục và các loại quỹ do Chính phủ ủy thác. Nhưng "CDO trung cấp" và "CDO phổ thông" thì chẳng được dễ dàng như vậy. Các ngân hàng đầu tư tuy đã hao tổn khá nhiều tâm trí và tiền bạc, Moody's và Standard & Poor's vẫn không chịu chứng thực cho hai loại "rác độc cô đặc" này, dẫu sao vẫn có giới hạn của "đạo đức nghề nghiệp".

Vậy làm thế nào để giải quyết thứ "rác độc cô đặc" phỏng tay này? Các ngân hàng đầu tư vắt óc nghĩ ra được tuyệt chiêu – thành lập quỹ đầu tư thanh khoản!

Các ngân hàng đầu tư lấy ra một phần tiền "của riêng" rồi khua chiêng đánh trống thành lập quỹ đầu tư thanh khoan độc lập, sau đó đem đống "rác độc cô đặc" này tách khỏi sổ sách của mình và giao qua cho quỹ đầu tư thanh khoản hoạt động độc lập kia. Quỹ đầu tư thanh khoản mua lại CDO "rác độc cô đặc" từ ngân hàng đầu tư vốn "cùng một cha sinh mẹ đẻ mà ra" ấy với "giá cao", cái "giá cao" này được ghi vào tài sản của quỹ đầu tư thanh khoản và trở thành "giá đầu vào" (enter price). Như vậy về mặt pháp lý, ngân hàng đầu tư đã hoàn thành việc vạch rõ ranh giới với đống "rác độc cô đặc".

Điều may mắn là, từ năm 2002 đến nay, môi trường sinh thái tài chính lãi suất siêu thấp do FED tạo dựng đã sinh ra làn sóng tín dụng mở rộng hết sức nhanh chóng. Trong hoàn cảnh thuận lợi như vậy, giá bất động sản trong 5 năm đã tăng gấp đôi. Những người vay tín dụng thứ cấp có thể nhẹ nhàng sở hữu được nguồn vốn để bảo đảm việc chi trả khấu trừ nợ gốc hàng tháng. Kết quả là tỉ lệ nợ trễ hạn của tín dụng thứ cấp thấp xa mức dự tính ban đầu.

Rủi ro lớn đi đôi với lợi nhuận cao, nếu rủi ro không xuất hiện như dự báo thì lợi nhuận cao sẽ khiến người ta chú ý ngay lập tức. Lượng giao dịch trên thị trường CDO so với các thị trường chứng khoán khác phải lắng đọng hơn nhiều, "đống rác độc" ít được trao đổi trên thị trường, vì vậy chẳng có thông tin nào đáng tin để tham chiếu. Trong điều kiện như vậy, các cơ quan giám sát cho phép quỹ đầu tư thanh khoản dùng kết quả tính toán trên mô hình số học của quỹ này làm tiêu chuẩn đánh giá tài sản. Đối với quỹ đầu tư thanh khoản, đây có thể nói là tin mừng, qua "tính toán" của chính các nhà này, lãi suất 20% không nỡ nói ra, lãi suất 30% khó để mở miệng với quỹ khác, lãi suất 50% khó đăng lên bảng xếp hạng, lãi suất 100% là chắc chắn.

Trong một thời gian, quỹ đầu tư thanh khoản nắm giữ CDO "rác độc tài sản cô đặc" kia đã gây sốt cả phố Wall.

Các ngân hàng đầu tư cũng vui ra mặt, chẳng thể ngờ rằng, lượng lớn "rác độc cô đặc" mà quỹ đầu tư thanh khoản đang nắm giữ kia đã trở thành món hàng nóng. Do mức lợi tức chót vót, ngày càng nhiều nhà đầu tư yêu cầu nhập hội với quỹ đầu tư thanh khoản, theo đà rót vốn ồ ạt như vậy, quỹ đầu tư thanh khoản cuối cùng đã trở thành cỗ máy sinh lời của các ngân hàng đầu tư.

Đặc điểm cơ bản của quỹ đầu tư thanh khoản chính là rủi ro cao và vận hành tỉ suất đòn bẩy tài chính cao. Thấy đống "rác độc cô đặc" CDO phình to, nếu không biết khéo léo lợi dụng một chút tỉ suất đòn bẩy cao gấp hàng chục để kiếm tiền, thì cũng không đáng mặt quỹ đầu tư thanh khoản. Thế là, giám đốc quỹ đầu tư thanh khoản tìm đến ngân hàng thương mại đề nghị vay thế chấp, mà vật thế chấp chính là "rác độc cô đặc" CDO đang nóng ran trên thị trường.

Đối với các ngân hàng, danh tiếng của CDO chẳng khác gì sét đánh bên tai, cho nên họ hoan hỉ chấp nhận CDO làm vật thế chấp, sau đó cấp tín dụng tiếp tục tạo ra tiền tệ ngân hàng. Lưu ý, đây đã là lần thứ "n" mà hệ thống ngân hàng dùng một phần nợ thế chấp để "sao in tiền giả".

Tỉ suất đòn bẩy tài chính mà quỹ đầu tư thanh khoản vay thế chấp với ngân hàng là 5 – 15 lần!

Quỹ đầu tư thanh khoản nhận được tiền của ngân hàng, liền quay sang mua lại nhiều hơn nữa CDO của chính ngân hàng đầu tư đã khai sinh ra mình. Các ngân hàng đầu tư lại vui mừng hoan hỉ hoàn thành nhiều hơn nữa quá trình "tinh luyện" đống "rác độc" chứng khoán MBS đến CDO. Trên cao tốc chứng khoán hóa tài sản, ngân hàng phát hành tín dụng thứ cấp càng nhanh chóng thu được nhiều tiền mặt thì càng thao túng được nhiều hơn nữa khách hàng vay tín dụng thứ cấp.

Ngân hàng tín dụng thứ cấp chịu trách nhiệm sản xuất; ngân hàng đầu tư, các công ty Fannie Mae và Freddie Mac chịu trách nhiệm gia công thêm và tiêu thụ; các công ty đánh giá tài sản như cục giám sát chất lượng, quỹ đầu tư thanh khoản chịu trách nhiệm lưu kho và bán buôn; ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng; quỹ trợ cấp hưu trí, quỹ đầu tư do Chính phủ ủy thác quản lý, quỹ giáo dục, quỹ bảo hiểm, nhà đầu tư các tổ chức nước ngoài thì đóng vai người tiêu dùng cuối cùng của đống rác độc tài sản. Sản phẩm phụ của quá trình này chính là tính thanh khoản toàn cầu vượt quá mức và phân hóa giàu nghèo.

Một dây chuyền sản xuất rác độc tư sản hoàn mỹ đã được hình thành như vậy.

Thống kê của Bộ Tài chính Mỹ như sau:

Quý I nắm 2007 đã phát hành lượng CDO trị giá 200 tỉ USD.

Năm 2006 phát hành 310 tỉ USD CDO.

Năm 2005 phát hành 151 tỉ USD CDO.

Năm 2004 phát hành 100 tỉ USD CDO.

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 10.

Đọc tiếp:

Nhận xét