Vỡ nợ công trái Mỹ và tính thanh khoản toàn cầu bị siết chặt - phần 3

Chứng khoán hóa tài sản và tính thanh khoản quá mức

Như chúng ta đều biết, các sáng kiến tài chính của thế giới ngày nay đều ra đời và phát triển vào những năm 70 của thế kỷ 20 sau khi hệ thống "bản vị vàng ròng" của Bretton Woods bị phế bỏ. Nguyên nhân chính là dưới sự chi phối của hệ thống này, tư bản hạt nhân của ngành tài chính là vàng, tất cả tiền tệ trong lưu thông đều phải chịu sự thách thức của quy luật kinh tế "bạc giấy quy đổi với vàng ròng". Hệ thống ngân hàng không thể cũng như không dám mạnh tay sản sinh ra "nợ của người khác" để tạo ra tiền định danh (tiền giấy), để tránh gặp phải sự phản đối của người dân. Tiền định danh duy trì một quy mô khiêm tốn dưới sự giám sát gắt gao của vàng.

Dưới sự ràng buộc của bản vị vàng, lạm phát tiền tệ của các quốc gia chủ yếu trên thế giới hầu như không đáng kể, thâm hụt tài chính dài hạn tuyệt nhiên không có chốn dung thân, rủi ro ngoại hối gần như bằng không. Vậy mà chỉ trong vỏn vẹn 30 năm khi đồng USD thoát khỏi mối ràng buộc với vàng, sức mua của đồng USD đã mất đi đến hơn 90%. Tiền tệ thiếu sức mua, có người sẽ hỏi ai sẽ là người có lợi nhất, ai sẽ là người thất bại nhất trong ván bài lớn này?

Keynes nói rất đúng: "Nhờ sự lạm phát tiền tệ liên tục, Chính phủ có thể bí mật, ngấm ngầm tướt đoạt sự giàu có của nhân dân, quá trình này khiến đa số người nghèo đi, cũng khiến cho sốt ít người phất nhanh".

Năm 1996, Greenspan cũng từng nói: "Khi không có bản vị vàng, sẽ chẳng có cách gì để bảo vệ lượng tích lũy của nhân dân không bị lạm phát tiền tệ nuốt chửng".

Trường phái Österreich từng ví von một cách hình tượng rằng chế độ dự trữ pháp định của ngân hàng – một trong những căn nguyên của lạm phát tiền tệ - như một tên tội phạm đang "in ấn tiền giả". Một chế độ dự trữ như vậy chắc chắn sẽ làm nảy sinh tính bền vững của lạm phát tiền tệ".

Lạm phát tiền tệ sẽ dẫn đến hai hậu quả chủ yếu và lớn nhất, một là sức mua tiền tệ giảm xuống, hai là tái phân hóa giàu nghèo.

Tiền in ra quá nhiều thì hàng hóa tự nhiên sẽ tăng giá, những ai đã trải qua thời kỳ Tưởng Giới Thạch trước khi chạy ra Đài Loan đã điên cuồng phát hành Kim viên quyển (một loại tiền giấy do Chính phủ nhà nước phát hành vào năm 1948) thì đều sẽ hiểu rõ quy luật đơn giản này. Nhưng các nhà kinh tế học ngày nay lại chủ yếu cho rằn việc phát hành tiền tệ chẳng có mối liên hệ tất yếu nào đối với việc giá cả leo thang, họ còn đưa ra rất nhiều thông tin để chứng minh cảm giác của mọi người đối với sự leo thang vật giá là sai lầm.

Lạm phát tiền tệ dẫn đến tái phân hóa giàu nghèo lại là vấn đề không hoàn toàn dễ hiểu một cách trực quan như thế. Nói một cách hình tượng, ngân hàng dưới chế độ dự trữ pháp định đã "từ không sinh ra có" sáng tạo ra tiền chi phiếu (hay tiền định danh), so với ngày nay chẳng khác gì sao in làm giả. Người đầu tiên cầm đồng "bạc giả" này đến nhà hàng cao cấp đánh chén một bữa, trờ thành người tiêu dùng "bạc giả" sớm nhất, vật giá trên thị trường vẫn bình ổn như cũ, "bạc giả" trong tay anh ta vẫn có đầy đủ sức mua như cũ. Ngay sau khi ông chủ nhà hàng chấp nhận đồng "bạc giả" này, rồi dùng nó mua một bộ quần áo, ông ta đã trở thành người hưởng lợi thứ hai, lúc này lượng lưu thông của "bạc giả" vẫn chưa nhiều đến mức bị thị trường phát giác, cho nên vật giá vẫn chẳng biến động gì. Nhưng theo đà trao tay liên tục đồng "bạc giả", lượng "bạc giả" lưu thông sẽ ngày càng nhiều, thị trường sẽ dần phát giác, vật giá sẽ từng bước tăng lên.

Xui xẻo nhất là người mà ngay cả mặt mũi của đồng "bạc giả" ra sao cũng chưa thấy được, mà vật giá đã tăng lên vùn vụt, tiền trong tay anh ta không ngừng mất đi sức mua khi vật giá leo thang. Nói cách khác, người nào càng gần với "bạc giả" thì càng chiếm được ưu thế, còn những ai càng xa và chậm chân thì càng xui xẻo. Dưới chế độ ngân hàng hiện nay, ngành bất động sản khá gần với ngân hàng, chính vì vật mà ngành này chiếm không ít lợi thế. Ngược lại, những người dựa vào lương hưu và tích trữ để sống là những người thiệt thòi nhất.

Vì vậy, quá trình lạm phát tiền tệ chính là quá trình xảy ra nhiều sự dịch chuyển của cải trong xã hội. Trong quá trình này, những gia đình nào có tài sản càng xa hệ thống ngân hàng thì càng bị tổn thất.

Ngay sau khi gạt bỏ khái niệm coi vàng là hạt nhân của tư bản, khái niệm của tư bản bị ngầm đổi thành nợ thuần túy, sau năm 1971, đồng đô-la Mỹ (USD) cũng từ "biên nhận của vàng" trở thành "biên lai ghi nợ". Lượng phát hành của đồng USD ghi nợ sau khi vùng thoát khỏi sự ràng buộc của vàng đã tăng phi mã như ngựa hoang thoát khỏi dây cương, đồng USD ngày nay cũng không còn là đồng "Mỹ kim" nặng trình trịch như trong ký ức của nhiều người nữa, mà đã trở thành biên lai ghi nợ USD ngày càng mất giá hơn 30 năm qua.

Ngay từ thập niên 70 của thế kỷ 20, Ngân hàng Bank of America đã bắt đầu mua đi bán lại nợ của các khoản vay thế chấp bất động sản, chỉ có điều mua bán toàn bộ khoản vay này một cách trực tiếp không hề dễ dàng. Làm thế nào để có thể tiêu chuẩn hóa, khiến những trái quyền có giá trị lớn bé khác nhau, điều kiện khác nhau, thời hạn khác nhau, mức tin cậy khác nhau này trở nên tiện lợi cho giao dịch? Các ngân hàng tự nhiên đã nghĩ ra được một phương thức kinh điển là chứng khoán. Đây chính là chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp MBS (Mortgage Backed Securities) đầu tiên trên thế giới do Ginnie Mae của Mỹ sáng tạo ra. Họ đem nhiều loại khoản vay thế chấp có điều kiện khá tương đồng nhau đóng thành từng gói, sau đó đặt ra các chứng từ tiêu chuẩn, rồi đem những khoản nợ vay thế chấp này làm thành chứng từ thế chấp bán cho nhà đầu tư, thu nhập lãi suất nợ vay và rủi ro của khoản nợ vay ấy cũng đồng thời chuyển qua (Pass-throughs) cho nhà đầu tư. Sau này, Hiệp hội cho vay thế chấp bất động sản quốc dân liên bang (Fannie Mae) cũng bắt đầu phát hành chứng khoán MBS được tiêu chuẩn hóa.

Phải nói rằng MBS là một phát minh quan trọng, cũng giống như sự xuất hiện của tiền trong giao dịch hàng hóa vậy. MBS làm đơn giản hóa giao dịch trái quyền được thế chấp, nhà đầu tư có thể dễ dàng mua bán chứng khoán đã được tiêu chuẩn hóa, còn ngân hàng thì có thể nhanh chóng đem những trái quyền thế chấp bất động sản dài kỳ, định mức vốn lớn, thanh khoản kém của mình dọn sạch khỏi sổ nợ, sau khi nhận được mức chênh lệch lợi nhuận nhất định thì chuyển nhượng sạch mọi rủi ro cũng như lợi ích, yên tâm đi tìm người tình nguyện vay nợ mua nhà tiếp theo.

Nhìn từ góc độ tài chính, điều này khiến ai cũng đều vui mừng, ngân hàng giải quyết được vấn đề tính thanh khoản của các khoản vay thế chấp, đồng thời nhà đầu tư có được nhiều lựa chọn đầu tư hơn, người mua nhà có thể nhận được khoản vay dễ dàng hơn, người bán nhà dễ dàng tung hàng ra bán.

Nhưng sự tiện lợi có cái giá của nó. Ngay khi hệ thống ngân hàng sử dụng phương thức chứng khoán MBS, thì cũng lập tức (thông thường chỉ trong thời gian có mấy tuần) giải phóng các khoản vay thế chấp đã bị ràng buộc trong suốt 30 năm, đồng thời đem toàn bộ rủi ro trút hết cho xã hội, trong đó bao gồm cả vấn đề lạm phát tiền tệ mà ít người biết đến.

Ngay khi người mua nhà ký hợp đồng vay tiền ở ngân hàng, ngân hàng sẽ đem "hợp đồng vay nợ" này biến thành một thứ tài sản nằm trong bảng cân đối tài sản của ngân hàng, đồng thời đặt ra nghĩa vụ nợ với cùng số lượng, lưu ý nghĩa vụ nợ này của ngân hàng bằng với tiền xét trên nghĩa tích cực. Nói cách khác, trong lúc cho vay nợ, ngân hàng đã tạo ra tiền tệ, do chế độ dự trữ bắt buộc cho phép ngân hàng tạo ra tiền mà vốn dĩ chúng không tồn tại, cho nên hàng chục vạn tiền mới đã vừa được ngân hàng "sáng tạo" ra theo cách "từ không sinh ra có" này lập tức được xuất hiện trong sổ sách của công ty bất động sản.

Trong quá trình này, ở hệ thống dự trữ bắt buộc, ngân hàng có thể "in sao làm giả tiền hợp pháp". Công ty bất động sản chính là người đầu tiên có "tiền giả" trong tay, đây chính là nguyên nhân giải thích vì sao công ty bất động sản tích lũy của cải nhanh chóng mặt như vậy. Khi công ty bất động sản bắt đầu tiêu khoản "tiền giả" này, áp lực tăng giá lên toàn bộ hệ thống vật giá của xã hội sẽ lan tỏa như sóng trong quá trình "tiền giả" trao tay. Do cơ chế vận hành này hết sức phức tạp, sự cung cấp hàng hóa trong xã hội thay đổi và đa chiều hơn, lại thêm phản ứng tâm lý tiền tệ xã hội vẫn còn tương đối lạc hậu, những yếu tố này kết hợp với nhau nên thật dễ hiểu khi Keynes cho rằng "trong một trăm vạn người cũng chẳng ai phát hiện ra" ngọn nguồn thật sự của lạm phát tiền tệ. Về bản chất, nhờ tác dụng khuếch đại của dự trữ bắt buộc, hệ thống ngân hàng có thể tăng lượng phát hành tiền nợ lên gấp bội, về căn bản loại tiền phát hành tăng thêm này tất nhiên vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế trên thực tế, đây chính là nguồn gốc thật sự của việc tăng thanh khoản quá mức.

Bản chất loại tiền ngân hàng này là "biên nhận" mà ngân hàng in ra. Ở thời bản vị vàng, "biên nhận" này tương ứng với lượng tài sản vàng mà ngân hàng đang có, còn trong hệ thống tiền tệ định danh thuần túy, nó chỉ tương ứng với khoản nợ bằng với con số mà người nào đó đang thiếu ngân hàng.

Về cơ bản, MBS đã nâng cao hiệu suất phát hành tiền tệ dạng chi phiếu của hệ thống ngân hàng, đồng thời gây ra hệ quả tất yếu là cung ứng tiền tệ vượt ngưỡng nghiêm trọng, nếu lượng tiền tệ phát hành vượt ngưỡng này không chảy dồn vào thị trường cổ phiếu chật chội đông đúc, thì sẽ tiếp tục thổi phồng bong bóng giá cả bất động sản, đáng lo là nếu những khoản tiền này "rò rỉ" vào trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa và tiêu dùng thì vật giá sẽ leo thang khiến tiếng oán thán vang vọng khắp nơi.

Nhờ vào sự kích hoạt của MBS, một ý tưởng còn táo bạo hơn nữa đã được hiện thực hóa, đó chính là Chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (ABS). Các ngân hàng nghĩ rằng, nếu MBS hưởng lợi ích từ lợi tức và vốn gốc cố định trong tương lai làm thế chấp có thể phát triển, thì theo lý mà nói, tất cả những tài sản có dòng hiện kim tương lai làm thế chấp đều có thể sử dụng để tiến hành chứng khoán hóa theo con đường tương tự. Những tài sản như thế có thể bao gồm: các khoản nợ phải trả của thẻ tín dụng, tín dụng mua ô tô, khoản vay học tập, khoản vay thương mại, thu nhập từ các khoản tiền cho thuê ô tô, máy bay, nhà cửa, xưởng may, thậm chí là thu nhập tương lai của bằng sáng chế hoặc bản quyền sách báo, v.v…

Quy mô tín dụng thứ cấp (Nguồn: U.S Treasury Department; WSJ Market Data group; Inside Mortgage Finance; UBS; Dealogic)
Quy mô tín dụng thứ cấp
(Nguồn: U.S Treasury Department; WSJ Market Data group; Inside Mortgage Finance; UBS; Dealogic)

Phố Wall có câu nói nổi tiếng, "nếu có dòng tiền mặt tương lai hãy biến nó thành chứng khoán". Thực ra, bản chất của sáng kiến tài chính này chính là, chỉ cần những thứ có thể bội chi trong tương lai, thì đều có thể biến thành hiện kim trong hôm nay. Quy mô của thị trường ABS thời gian gần đây phình to nhanh chóng, từ năm 2000 đến nay quy mô đã tăng gấp đôi, tổng trị giá ước tính đạt đến con số khủng khiếp 19.800 tỉ USD.

Những loại chứng khoán như ABS và MBS có thể dùng làm thế chấp để vay vốn ngân hàng, thậm chí MBS do Fannie Mae và Freddie Mac phát hành còn có thể dùng như tiền dự trữ của ngân hàng hay vật thế chấp của hợp đồng mua lại (REPO) tại FED. Phát hành gia tăng tiền tệ với quy mô lớn như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát tiền tệ nghiêm trọng. Nếu nói lạm phát tiền tệ đồng nghĩa với sự dịch chuyển âm thầm của của cải xã hội, giả sử lấy ngân hàng làm tâm, lấy quy mô tín dụng làm bán kính, thì chúng ta không khó để nhận ra ai đã động chạm đến miếng "pho-mát" của người dân.

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 10.

Đọc tiếp:

Nhận xét