Phụ lục - Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính - phần 2

Cần chủ quyền tiền tệ hay là cần ổn định tiền tệ

Chủ quyền tiền tệ là một trong những quyền cơ bản nhất không thể tướt đoạt của một quốc gia có chủ quyền. Nó trao trách nhiệm cho một quốc gia có chủ quyền hoạch định chính sách phát hành tiền tệ căn cứ vào tình hình của nước mình. Chủ quyền tiền tệ đương nhiên cao hơn tất cả các quyền lợi ngoại lai khác, bao gồm các thông lệ quốc tế và các thỏa thuận quốc tế, cũng như các áp lực chính trị bên ngoài. Chủ quyền tiền tệ phải phục vụ cho lợi ích căn bản của người dân bản quốc.

Bảo vệ duy trì ổn định tiền tệ là bảo vệ và duy trì ổn định giá trị tiền tệ của một nước trong hệ thống tiền tệ quốc tế nhằm tạo ra một môi trường sinh thái phát triển, nền kinh tế thông thoáng và bình ổn cho các ngành nghề quốc nội.

Hiện tại, cái khó của Trung Quốc nằm ở chỗ họ chỉ có thể lựa chọn hoặc chủ quyền tiền tệ hoặc ổn định tiền tệ. Nếu chọn bảo vệ chủ quyền của đồng nhân dân tệ thì nước này sẽ đối mặt với hậu quả đồng nhân dân tệ tăng giá, còn nếu theo đuổi sự ổn định cơ bản về tỉ suất hối đoái giữa đồng nhân dân tệ và đồng đô-la Mỹ thì sẽ mất đi chủ quyền tiền tệ. Chính sách hiện tại của Trung Quốc là để phát triển kinh tế không thể không theo đuổi sự ổn định tiền tệ và gạt bỏ chủ quyền tiền tệ. Cái nguy của cách lựa chọn này nằm ở chỗ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang can dự rất nhiều vào lượng cung ứng tiền tệ của Trung Quốc. Do Trung Quốc chọn chế độ kết nối cưỡng chế nên Mỹ có thể tăng cường thâm hụt thương mại đối với Trung Quốc để ép Ngân hang trung ương Trung Quốc phải phát hành thêm tiền tệ mới. Với sự giúp đỡ của ngân hàng thương mại, khoản tiền phát hành thêm này sẽ được nhân bản lên gấp hàng trâm nghìn lần, lạm phát tràn lan, thị trường bất động sản và cổ phiếu rơi vào trạng thái bùng nổ kiểu bong bóng, làm xấu đi trầm trọng môi trường sinh thái tài chính của Trung Quốc. Để bình ổn lạm phát, Chính phủ và ngân hàng trung ương lại phải phát hành thêm công trái quốc gia và ngân phiếu định mức của ngân hàng trung ương để rút lại số tiền thừa mứa trong lưu thông. Nhưng hành động này lại làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của Chính phủ, mà những khoản nợ này sớm muộn gì cũng phải hoàn trả cả gốc lẫn lãi.

Một chiến lược tái chính hoàn toàn bị động như vậy quả thật là cực kì bất lợi với Trung Quốc. Nếu đồng đô-la Mỹ vẫn còn ở địa vị tiền tệ tích lũy của thế giới thì Trung Quốc không thể thoát khỏi được cục diện này. Về cơ bản, việc thúc đẩy quá trình tiền tệ hóa vàng là phương pháp duy nhất để tạo ra môi trường sinh thái tài chính tự do, công bằng và hài hòa cho các nước trên thế giới. Trong tình hình thị trường tỉ suất hối đối quốc tế dao động dữ dội, cái giá kinh tế mà các quốc gia trên thế giới phải trả quả thực là hết sức đắt đỏ và đau đớn, đặc biệt là các quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản càng chịu tổn thương nặng nề hơn. Nếu một bước khó có thể thành công ngay, thì các nước cũng phải cố gắng thúc đẩy tiến trình đa nguyên hóa tiền tệ tích lũy của thế giới và sách lược chia để trị.

Tiền tệ tăng giá và chứng "rối loạn nội tiết" của hệ thống tài chính

Nhật Bản được xem là tấm gương phản chiếu đầy đủ nhất những hậu quả kinh tế và xã hội của việc tiền tệ tăng giá dữ dội. Nền kinh tế Nhật Bản tiêu điều trong thời gian dài, đương nhiên có nhân tố khách quan nội tại của nó, nhưng việc thiếu chuẩn bị tư tưởng đối với "cuộc chiến tranh tài chính" mà Mỹ phát động một cách đột ngột cũng là một nhân tố quan trọng nhất. Năm 1941, Nhật Bản đã phát động sự kiện "đánh úp Trân Châu Cảng", khiến cho quân Mỹ chẳng kịp trở tay, còn nước Mỹ đã đáp lại Nhật Bản bằng một cuộc chiến "chiến tranh chớp nhoáng về tài chính" vào năm 1990. Và như vậy, tức là sau gần nửa thế kỷ, đôi bên xem như hòa.

Kitsusengenchu – tác giả cuốn sách Thất bại tài chính xót xa cho rằng, nếu căn cứ theo tỉ lệ tổn thất của cải mà nói, hậu quả của thất bại tài chính năm 1990 của Nhật Bản gần như tương đương với tổn thất mà cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai đã gây ra cho nước này.

Nhật Bản và Trung Quốc cũng giống như nhau, đều là những quốc gia điển hình ra sức sáng tạo của cải vật chất bằng sức lực của mình, luôn giữ thái độ hoài nghi đối với những khái niệm của cải tài chính mơ hồ. Logic thất bại tài chính của Nhật Bản rất đơn thuần; những sản phẩm giá rẻ chất lượng cao do nước này sản xuất ra giống như kẻ phá bĩnh trên thị trường đầy cạnh tranh, còn ngành ngân hàng của họ khi đó đã từng được xếp vào hàng có số má, ngạo mạn với thiên hạ khi nắm giữ vị trí quốc gia dự trữ ngoại hối hàng đầu và chủ nợ hàng đầu. Từ năm 1985 đến năm 1990, nền kinh tế quốc nội và mậu dịch xuất khẩu của Nhật Bản phát triển đến mức cực thịnh, thị trường cổ phiếu, bất động sản năm nào cũng tăng giá, thu về những khoản lớn vốn đầu tư nước ngoài, còn sự tự tin của người Nhật cũng tăng lên mức chưa từng thấy, cứ như thế họ đã qua mặt được Mỹ cả hàng chục năm trời vậy. Nhật không hề ý thức đối diện với chiến tranh tài chính, thậm chí họ còn lạc quan hơn cả Trung Quốc hiện nay. Nhật Bản cũng vượt xa Trung Quốc về khoản giàu có.

Ý nghĩa của câu nói "vong chiến tất nguy" (nếu lơ là cảnh giác thì sẽ rất nguy hiểm) đối với Nhật Bản ngày hôm qua vẫn còn nguyên giá trị đối với Trung Quốc hôm nay.

Tỉ suất hối đoái 1 đô-la Mỹ ăn 250 yên Nhật khi "thỏa thuận Plaza" được kí năm 1985, đã thành 1 đô-la ăn 200 yên Nhật, tính ra đồng đô-la Mỹ đã mất giá đến 20%. Vậy nhưng, đến năm 1987, tỉ lệ này chỉ còn 1 đô-la Mỹ = 120 yên Nhật, hay nói cách khác, chỉ trong thời gian ngắn ngủi, giá đồng yên Nhật đã tăng gấp đôi – một sự biến đổi lớn của môi trường tài chính của một nước. Đối với nền kinh tế Nhật, hậu quả của sự thay đổi tỉ suất hối đói nhanh và mạnh như vậy chẳng khác nào sự biến đổi đột ngột của thời kì Băng hà (khiến khủng long tuyệt chủng).

Các bậc thầy tài chính Mỹ sớm biết rõ rằng, nếu ép cho đồng yên Nhật tăng giá mạnh chỉ trong một thời gian ngắn thì cũng chẳng khác nào ép nước Nhật uống thuốc kích thích với liều lượng quá mức. Hậu quả tất yếu là khiến cho nền kinh tế Nhật Bản xuất hiện nhiều triệu chứng rối loạn "nội tiết hệ thống tài chính" nghiêm trọng. Nếu ép được Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp dưới 2,5% trong hơn hai năm thì hiệu quả của liều thuốc kia càng tuyệt vời hơn. Quả nhiên, nền kinh tế Nhật Bản đã mất cân bằng trong việc điều tiết tài chính và dưới sự kích thích của liều kích thích tố kia. Những miếng mỡ như thị trường cổ phiếu, bất động sản tăng lên nhanh chống, các tổ chức mô cơ của các bộ phận sản xuất vật chất và ngành xuất khẩu bị teo rút nghiêm trọng, sau đó hàng loạt các triệu chứng như lượng mỡ trong máu cao, cao huyết áp trong nền kinh tế bắt đầu xuất hiện định kỳ, gây nên các chứng bệnh tim mạch và bệnh động mạch vành nơi quả tim của nền kinh tế (hệ thống tài chính). Để thúc đẩy các căn bệnh kia sớm phát tác, năm 1987, các nhà ngân hàng ở Ngân hàng Thanh toán quốc tế đã nghiên cứu ra một loại biệt dược mới cho Nhật Bản – Thỏa thuận Basel – với yêu cầu tỉ lệ vốn tự có của các ngân hàng có nghiệp vụ quốc tế phải tăng lên từ 8% trở lên, và Mỹ cùng với Anh là hai nước hăng hái ký trước vào bản thỏa thuận, sau đó ép Nhật Bản và các nước khác cũng phải ký vào, nếu không các ngân hàng ở các nước này không thể tiến hành giao dịch với các ngân hàng Anh – Mỹ trên thị trường tài chính quốc tế. Vấn đề tồn tại phổ biến của các ngân hàng Nhật Bản là nguồn vốn tự có thấp, nên chỉ còn cách dựa vào sự gia tăng vốn ngoài sổ sách, tức là vốn được hình thành từ sự tăng giá cổ phiếu ngân hàng, thì mới có thể đáp ứng được tiêu chuẩn.

Vốn dựa dẫm quá nhiều vào sự tăng giá cổ phiếu và thị trường bất động sản nên hệ thống ngân hàng Nhật Bản đã để hở sườn non dưới lưỡi kiếm sắc bén của cuộc chiến tài chính do Mỹ phát động. Ngày 12 tháng 1 năm 1990, Mỹ đã sử dụng đòn tấn công chiến lược "kiểu tên lửa hành trình" vào thị trường cổ phiếu Tokyo của Nhật Bản.

Bệnh tim và động mạch vành của hệ thống tài chính Nhật không chịu đựng nổi những đòn tấn công dữ dội này, cuối cùng nền kinh tế Nhật Bản đã trúng gió và sau đó là chứng liệt nửa người kéo dài suốt 17 năm.

Ngày nay, các bác sĩ tài chính của Mỹ lại "nhiệt tình và cấp thiết" đem phương thuốc này giới thiệu đến Trung Quốc, tuy nhiên, có điều khác là nền kinh tế Trung Quốc còn xa mới bằng được nền kinh tế Nhật Bản năm đó, nếu uống liều thuốc này vào thì chỉ e Trung Quốc không chỉ "bại liệt" một cách đơn giản như Nhật. Thậm chí, Nhật Bản còn nóng lòng hơn cả Mỹ, muốn xem xem Trung Quốc uống liều thuốc này vào thì kết cuộc sẽ có phản ứng ra sao.

Hiện nay, những biểu hiện ban đầu của nền tài chính Trung Quốc rất giống với Nhật Bản những năm 1985 – 1990.

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 10.

Đọc tiếp:

Nhận xét