Vỡ nợ công trái Mỹ và tính thanh khoản toàn cầu bị siết chặt - phần 8

Sự vỡ nợ siết chặt tính thanh khoản

Khủng hoảng tín dụng thứ cấp của Mỹ về bản chất là một dạng khủng hoảng kiểu vỡ nợ từ bên trong điển hình. Ngân hàng khi nghĩ ra các sản phẩm tín dụng thì cũng sản sinh ra tiền tệ theo kiểu "từ không sinh ra có", nhưng không hoàn toàn theo kiểu đem của cải tích lũy của người này cho người khác vay như mọi người vẫn tưởng tượng. Đây thực chất là tiến hành in tiền khi những thành quả lao động còn chưa được tạo ra và đưa thứ tiền đó vào lưu thông. Một mặt, việc "tăng lượng phát hành các dòng tiền một cách chóng mặt" nảy sinh do tín dụng bất động sản quy mô lớn, mà hành vi này đương nhiên sẽ dẫn đến lạm phát tiền tệ và giá bất động sản tăng vọt mất kiểm soát. Mặt khác, vì muốn đối phó với lạm phát tiền tệ, ngân hàng trung ương lại không thể không tiến hành tăng lãi suất. Sức ép liên hoàn này khiến áp lực hoàn nợ của người vay vốn từng bước tăng lên, tăng cho đến khi bị các khoản nợ khổng lồ đè bẹp và tỉ lệ xuất hiện các vụ vi phạm hợp đồng tín dụng tăng vọt; liền sau đó giá bất động sản lao dốc, nhà đầu tư bắt đầu thoái vốn khỏi thị trường này; không ai đếm xỉa đến MBS và CDO; thị trường trái phiếu và thị trường thương phiếu đột nhiên xuất hiện tình cảnh tính thanh khoản bị siết chặt. Việc siết chặt thanh khoản này lại làm rúng động thị trường hợp đồng hoán đổi nợ xấu – một sản phẩm phái sinh tài chính. Giám đốc các quỹ đầu tư vốn đã thu mua một lượng lớn hợp đồng hoán đổi nợ xấu đột nhiên phát hiện các quỹ đầu tư thanh khoản đã đỗ vỡ liên hoàn, lúc này các ngân hàng và nhà đầu tư lại thúc nợ, trong tình cảnh lo sợ và bất lực họ chỉ còn cách bán tháo tài sản để lấy tiền trả nợ. Điều không may là phương thức và mô hình đầu tư của đa số các nhà đầu tư đều giống nhau như đúc, cho nên làn sóng bán tháo biến thành khủng hoảng.

Đây chính là quy luật phát triển kinh tế dưới tác động của tiền nợ (hay còn gọi là tiền định danh): nợ tạo ra tiền, tiền kích thích lòng tham, lòng tham khởi phát sụp đổ, sự sụp đổ kích hoạt siết thanh khoản, siết thanh khoản dẫn đến suy thoái!

Rất nhiều nhà phân tích cho rằng tín dụng thứ cấp chỉ là "vấn đề đơn lẻ", hơn nữa quy mô của nó so với toàn bộ thị trường tài chính Mỹ không lớn lắm, quan điểm này đã xem nhẹ vấn đề "trạng thái và cơ cấu của thị trường tài chính, vì thị trường tài chính không hoàn toàn phát triển bình thường và độc lập như họ nói.

Nếu chiếu theo chiều thẳng đứng, thị trường thứ cấp giống như một kim tự thấp ngược khổng lồ. Phần đáy của kim tự tháp là khoản tín dụng thế chấp thứ cấp trị giá 400 – 500 tỉ USD chắc chắn sẽ trở thành những khoản nợ xấu, và nó lại phải chống đỡ cho số sản phẩm CDO trị giá 750 tỉ USD ở bên trên, rồi trên nữa còn có thị trường hợp đồng hoán đổi nợ xấu CDS quy mô đến 50.000 tỉ USD, trên CDS còn có "CDO tổng hợp", MBS, CDO, CDO tổng hợp cùng được thế chấp cho ngân hàng thương mại, sau đó sử dụng tỉ suất đòn bẩy tài chính cao gấp 5 – 15 lần để phóng đại tính thanh khoản với sự giúp sức của "tiền giả" mới.

Biểu đồ thời gian chấn động của thị trường tài chính thế giới

Khi kim tự tháp đảo ngược nguy hiểm này chao đảo và rung lắc còn kéo theo cả thị trường hợp đồng hoán đổi lãi suất với quy mô 100.000 tỉ USD lớn nhất trong thị trường sản phẩm phái sinh tài chính. Do tính thanh khoản của thị trường biến chuyển đột ngột như vậy nên MBS và hoạt động huy động vốn trái phiếu dài hạn của Mỹ sẽ xảy ra vấn đề, một khi lãi suất dài hạn liên tục tăng, thị trường hợp đồng hoán đổi lãi suất quy mô 100.000 tỉ USD sẽ sụp đổ nghiêm trọng hơn nữa.

Nếu xét phương diện mối liên hệ cơ cấu nợ, khi 2,2 triệu khách hàng tín dụng thứ cấp đang gánh nợ chồng chất đối mặt với nguy cơ bị quét ra đường, họ còn có thể hi vọng chi trả đúng thời hạn các khoản tín dụng xe hơi, tín dụng học sinh, nợ thẻ tín dụng và đủ thứ nợ dưới các hình thức khác nhau nữa hay không? Chứng khoán ABS và các sản phẩm phái sinh khác được xây dựng trên nền tảng những khoản nợ này chẳng lẽ không liên quan? Đặc điểm cơ bản của các khoản nợ kiểu này chính là "sống cùng sống, chết cùng chết", những chứng khoán và sản phẩm phái sinh này được thế chấp qua lại, phóng đại gấp nhiều lần, phái sinh lặp đi lặp lại trong hệ thống ngân hàng, một con nợ ngã xuống sẽ lập tức kéo theo hàng loạt công cụ nợ khác ngã theo. Mấy trăm vạn con người cùng ngã xuống một lúc thì ai cứu được? Đừng nói "sáng kiến tài chính" chẳng những không "phân tán" rủi ro, mà trên thực tế còn gây rủi ro theo hệ thống chưa từng có trong lịch sử với quy mô rộng lớn vô cùng. Nếu như năm 1998, khi Công ty Long-Term Capital Management của Mỹ xảy ra vấn đề, FED còn biết thông báo cho mấy con nợ lớn nhất cùng hợp bàn đối sách, thì khi thị trường ngày nay một khi xuất hiện vỡ nợ hàng loạt với số lượng lớn, do CDS được hàng ngàn vạn nhà đầu tư nắm giữ lẫn nhau, mà hầu như lại là giao dịch theo phương thức OTC, thiếu sự giám sát, một khi nhiều mắt xích trong mối quan hệ đó xảy ra vấn đề vi phạm hợp đồng, thì lập tức sẽ xuất hiện "phản ứng dây chuyển" đáng sợ, toàn hệ thống sẽ tê liệt. Nói cách khác, trong "thị trường tài chính truyền thống", rủi ro được tập trung, những mắt xích của rủi ro có quy mô lớn và mục tiêu rõ ràng, một khi xuất hiện vấn đề "mất máu cấp", các ngân hàng trung ương có thể lập tức can thiệp hiệu quả, "cầm máu" ngay tức khắc. Ngược lại, rủi ro của thị trường tài chính hiện đại bị phân tán cao độ đến nay hàng ngàn hàng vạn nhà đầu tư, một khi xảy ra tình trạng "mất máu cấp" thì gần như chuyển biến thành tình trạng "mất máu mãn tính" khó chữa trị, các ngân hàng trung ương hoàn toàn không biết phải can thiệp từ đâu.

Từ góc độ này, hành động bơm vốn chưa từng có trong lịch sử vào đầu tháng 8 năm 2007 của FED và ngân hàng trung ương châu Âu đã thể hiện rõ nét tính nghiêm trọng của vấn đề, họ không hề phản ứng thái quá. Nếu không có sự cứu trợ của các ngân hàng trung ương, thì nói không chừng, thị trường tài chính thế giới hiện nay đã là một đống đổ nát.

Hình dưới đây là biểu đồ thời gian xảy ra các cuộc tái thiết lại thị trường tín dụng thế giới được Credit Suisse công bố. Trục hoành là tháng, khởi điểm là tháng 1 năm 2007. Trục tung là quy mô tái thiết nợ thế chấp. Từ biểu đồ này chúng ta có thể hiểu tại sao cuối tháng 2 năm 2007 lại xảy ra cơn địa chấn đầu tiên của thị trường tài chính toàn cầu, tại sao đến tháng 8 lại xảy ra trận địa chấn thứ hai, và đỉnh điểm của trận địa chấn lần thứ ba có thể là cuối năm 2007, dư chấn của những trận động đất ấy vẫn sẽ kéo dài nhiều năm sau đó.

ARM Reset Schedule: thời gian biểu thiết lập lại lãi suất của gói tín dụng thế chấp có thể điều chỉnh lãi suất

Alt-A ARM: gói tín dụng thế chấp có thể điều chỉnh lãi suất

Prime ARM: gói tín dụng thế chấp có thể điều chỉnh lãi suất hạng cao cấp

Optine ARM: gói tín dụng thế chấp có thể điều chỉnh lãi suất tùy chọn

Subprime ARM: gói tín dụng thế chấp có thể điều chỉnh lãi suất hạng thứ cấp

Agency ARM: gói tín dụng thế chấp có thể điều chỉnh lãi suất cơ cấu

Unsecuretized ARM: gói tín dụng thế chấp có thể điều chỉnh lãi không đảm bảo

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 10.

Đọc tiếp:

Nhận xét