Nước Đức cái nôi của các chủ ngân hàng quốc tế - phần 5

Oppenheimer: bá chủ tài chính vùng Köln

Năm 1834, Abraham Oppenheimer kết hôn với cháu gái của Old Rothschild, tiểu thư Charlotte Beyfus 23 tuổi. Kể từ đó, Abraham có được khối tài sản lớn và vị thế cao trong xã hội bấy giờ. Những người cậu và chú của ông ta cũng sở hữu một lượng lớn tài sản khổng lồ. Họ chính là Amschel – người nắm quyền quyết định các chính sách tài chính của Frankfurt, Solomon – người quản lý chìa khóa ngân khố của Áo, Nathan – người thống trị lĩnh vực tài chính London, Carl – người khống chế việc thu thuế của Ý và James – người đã chinh phục ngành ngân hàng của Paris.

Cưới người con gái của gia tộc Rothschild đương nhiên không phải hạng tầm thường. Gia tộc Oppenheimer vốn thuộc giai cấp tối cao trong xã hội Do Thái, gọi là "cung điện người Do Thái". Năm 1789, cha của Abraham, Solomon Oppenheimer khi đó mới 17 tuổi, đã thành lập Ngân hàng gia tộc Oppenheimer tại Bonn, sau đó, chuyển đến Köln. Dù còn trẻ tuổi nhưng qua nhiều năm cùng cha lăn lộn trên thị trường tài chính, Solomon trở nên rất nhạy bén. Ông phát hiện ra rằng, trong cơn sóng triều của thời đại, khi mà tài lực của giai cấp tư sản mới nổi đang nhanh chóng mở rộng và bành trướng, thế lực của giới quý tộc phong kiến đã dần dần mất đi sự khống chế.

 

Salomon Oppenheimer
Salomon Oppenheimer

Với một tập đoàn thế lực nắm địa vị chủ chốt trong xã hội, khi khả năng kiểm soát các tập đoàn xã hội khác của nó dần suy yếu thì tất yếu sẽ hình thành nên một cục diện chia rẽ nhằm đấu tranh quyền lực. Trong lịch sử Trung Quốc, từ sự trỗi dậy của thiên tử nhà Chu cho đến sự hưng khởi của ngũ bá thời Xuân Thu, từ sự suy vong của Vương triều Đông Hán cho đến sự hình thành cục diện tam quốc tranh hùng, từ sự tranh giành trong hoàng thất nhà Tấn cho đến sự kiện Ngũ hồ loạn Hoa(1), từ sự cát cứ của các thế lực Phiên trấn cuối thời đại nhà Đường cho đến Ngũ đại thập quốc(2), khi khả năng khống chế bị suy yếu là tức khắc sẽ hình thành nên khoảng trống quyền lực. Lúc đó những thế lực mới nổi cả bên trong và bên ngoài sẽ tràn vào, và gần như chắc chắn sẽ hình thành nên một giai đoạn xây dựng lại xã hội mang tính lật đổ.

Phương Đông là thế, phương Tây cũng vậy, chủ nghĩa tư bản luôn coi việc theo đuổi lợi nhuận làm trọng tâm ngày càng bành trướng ở châu Âu vào cuối thế kỷ XVIII. Thế lực thần quyền tôn giáo và sự thống trị của giới quý tộc phong kiến – những kẻ chuyên bóp nghẹt và thao túng các giai cấp khác nay cũng bị chủ nghĩa tư bản đánh sập. Kết cấu quyền lực truyền thống của xã hội đang rung chuyển dữ dội. Sức mạnh kim tiền sẽ nhanh chóng tràn vào đống đổ nát hoang tàn của quyền lực và những khe nứt của kết cấu xã hội, chúng sẽ đu bám, kéo bè kết lũ để leo lên trên, dần dần phồn thịnh, rồi một ngày sẽ che kín cả bầu trời.

Chàng trai thức thời trẻ tuổi Solomon Oppenheimer quyết định dấn thân vào các nghiệp vụ mới nổi như cho giới cung đình truyền thống vay tiền, trao đổi tiền tệ chuyển sang bão lãnh phát hành trái phiếu chính phủ, trục lợi nhờ chênh lệch tỷ giá xuyên thị trường. Đến năm 1810, tài sản của Ngân hàng gia tộc Oppenheimer đã lên tới con số 10 tỷ Franc, chính thức bước chân vào giới gia tộc ngân hàng hàng đầu. Với chí lớn của mình, gia tộc Oppenheimer quyết mô phỏng theo mô thức thành công của gia tộc Rothschild, cuối cùng phát triển thành một đế quốc tài chính vĩ đại. Vì lẽ đó, Solomon không ngại áp dụng bất cứ thủ đoạn nào để thực hiện mục tiêu của bản thân. Ông nổi danh là tham lam vô độ và không có điểm dừng, ngay cả gia tộc Rothschild cũng phải nể nang ông ta vài phần. Ngày 18 tháng 3 năm 1814, trong thư gửi cho đối tác ở Amsterdam, gia tộc Rothschild đã nhắc nhở họ phải đề phòng những thủ đoạn của Oppenheimer:

Chúng tôi rất vui khi thấy các loại tiền chúng tôi có tại James (chi nhánh của Rothschild ở Paris) và Oppenheimer ở Köln chính xác là những gì mà các ngài cần. Sau này cũng sẽ có một khoản tiền nữa được gửi thông qua anh họ của chúng tôi. Tuy nhiên, các ngài cần đặc biệt chú ý đến tất cả những thư gửi từ gia tộc Oppenheimer, phải kiểm tra kỹ lưỡng. Họ vô cùng tham lam và không phải lúc nào cũng tuân thủ quy tắc, thế nên chúng ta buộc phải cẩn thận, không được cung cấp cho họ những đơn hàng không có giới hạn, bằng không lợi nhuận sẽ đều thuộc về họ.

 

Bismarck và Napoléon III trong trận chiến Sedan
Bismarck và Napoléon III trong trận chiến Sedan

Tầm nhìn của Solomon còn được thể hiện ở việc ông ta đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các liên minh chiến lược, thông qua hàng loạt các cuộc "liên hôn" tạo dựng mạnh lưới quan hệ cho mình. Năm 1813, ông ta gả cô con gái mới 15 tuổi của mình cho Benedict Fould, con trai của gia tộc Ngân hàng Do Thái nổi tiếng Fould ở Paris, Pháp mà hoàng đế Pháp Napoléon III cũng phải nhờ cậy mới có thể lên ngôi hoàng đế. Với chiêu bài liên hôn như vậy, gia tộc Oppenheimer đã lan tỏ tầm ảnh hưởng của mình đến thị trường tư bản Pháp. Hai gia tộc đã cùng rót vốn đầu tư 60.000 franc để xây dựng ngân hàng nổi tiếng Fould-Oppenheimer.

Năm 1815, sau thảm bại trong chiến dịch Waterloo, nước Pháp phải đối diện với điều khoản bồi thường còn hơn cả hội nghị hòa bình Paris năm 1814. Đặc biệt là Phổ - một quốc gia từng nhiều lần bị Pháp chinh phục, đã yêu cầu bồi thường mức phí tổn lên tới 170 triệu taylor (loại tiền Phổ, 1 taylor = 3,54 franc). Việc đứng ra đại diện để chi trả khoản tiền khổng lồ này rõ ràng là một thương vụ cực kỳ béo bở, vào thời điểm này, khu vực Köln và Rhine đã bị Phổ chiếm đóng và đổi tên thành tỉnh Rhine. Với tư cách mới là công dân nước Phổ, Oppenheimer nhanh chóng liên hệ với vị thân gia nước Pháp của mình là gia tộc Fould để cùng nhau nổ lực chốt thương vụ béo bở này. Dưới sự trợ giúp của vị thân gia nước Pháp, Oppenheimer đã lôi kéo được Mendelssohn – một gia tộc ngân hàng lâu đời ở Berlin. Cuối cùng đến năm 1818, Oppenheimer chính thức nhận được thương vụ lớn: đại diện chi trả khoản bồi thường chiến tranh trị giá 52,5 triệu franc.

Mendelssohn là một trong những gia tộc ngân hàng Do Thái lâu đời nhất ở Berlin. Nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano và nhạc trưởng nổi tiếng thế giới thế kỷ XIX, Felix Mendelssohn chính là dòng dõi của gia tộc này. Ông nội của ông là nhà triết học nổi tiếng người Đức Moses Mendelssohn, và cha ông, Abraham, từng nói đùa rằng: "Tôi từng là con trai của một người cha nổi tiếng và sau đó trở thành cha của một người con trai nổi tiếng". Trước và sau năm 1850, gia tộc Ngân hàng Mendelssohn trở thành ngân hàng đại diện của hoàng gia do Sa hoàng Nga chỉ định, chịu trách nhiệm bảo lãnh khoản nợ quốc gia khổng lồ của Nga tại thị trường châu Âu cho đến khi Chiến tranh thế giới Thứ nhất bùng nổ.

Ngày 4 tháng 11 năm 1818, Oppenheimer đạt được thỏa thuận với ủy ban thanh toán bồi thường của các nước thắng trận: trong vòng 14 ngày sẽ huy động 52,5 triệu franc ở Paris và trả cho ủy ban thanh toán bồi thường ở Aachen; phí thủ tục gây quỹ, vận chuyển và bảo lãnh là 0,75% giá trị giao dịch, tương đương khoản thu nhập gần 400.000 franc. Để thực hiện thương vụ này, Oppenheimer đã dốc hết tài sản và bất động sản của mình vào đó. Theo đánh giá của các ngân hàng truyền thống Phổ thì mức phí này không phải là quá nhiều, bởi việc huy động một khoản tiền lớn như vậy chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, còn phải đảm bảo vận chuyển an toàn (cần một lượng lớn người ngựa, vấn đề hậu cần và binh lính vũ trang áp tải) thì đây rõ ràng là cả một thương vụ đầy thử thách và phức tạp. Họ không thể ngờ sau khi thiết lập mạng lưới kinh doanh và quan hệ với các ngân hàng quốc tế, dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Do Thái, khoản tiền 52,5 triệu franc về căn bản không đủ phân phối cho thị trường tư bản Pháp. Mức độ tranh giành của thị trường này không hề thua kém với tình trạng giành giật thương phiếu ngắn hạn và giấy bạc trung hạn giữa các Ngân hàng Trung Quốc ngày nay. Một lượng trao đổi tiền mặt và thanh toán khổng lồ như vậy mà có thể thực hiện một cách đơn giản thông qua một giao dịch chuyển tiền giữa Paris và Ngân hàng Köln, Oppenheimer và những bên liên quan khác đã kiếm được 400.000 franc một cách nhẹ nhàng. Hệ thống ngân hàng Phổ ẩn phía sau bức rèm đã thực sự bị một phen rúng động trước mạng lưới quan hệ của lĩnh vực tài chính.

Với liên hôn cùng gia tộc Fould, sức ảnh hưởng của gia tộc Oppenheimer trên thị trường tư bản châu Âu ngày một tăng cao. Lúc này, gia tộc Rothschild đã trở thành một trong những bá chủ của thị trường tài chính châu Âu. Năm 1826, công việc kinh doanh của hai gia tộc Oppenheimer và Rothschild lại càng thêm hòa hợp. Thời điểm đó, gần như mỗi ngày Solomon Oppenheimer đều duy trì việc giao nhận thông tin tình báo kinh doanh hết sức chặt chẽ với gia tộc Rothschild ở Frankfurt, Vienna, Paris, London và Napoli. Với sự phát triển khu vực sông Rhine, việc du lịch đến sông Rhine đã trở thành trào lưu của giới thượng lưu Anh. Những du khách giàu có này không muốn mang quá nhiều tiền mặt, vì thế gia tộc Rothschild hợp tác với gia tộc Oppenheimer. Sau khi tới hệ thống ngân hàng của gia tộc Oppenheimer tại khu vực sông Rhine để rút tiền mặt, việc đó càng làm mối quan hệ giữa hai bên gần gũi hơn.

 

Nathan Rothschild
Nathan Rothschild

Lúc này Solomon đã từng bước chuyển giao sự nghiệp của gia tộc cho con trài của mình – Abraham Oppenheimer. Trong thời gian đó, gia tộc Oppenheimer mất đi những khách hàng do gia tộc Roche giới thiệu. Năm 1834, Abraham tổ chức hôn lễ đình đám với Charlotte Beatsy, và trong chuyến du lịch tuần trăng mật diễn ra sau đó, họ đã đến thăm hỏi những người chú nổi tiếng của mình. Trong bức thư gửi cho người chú quyền thế nhất là Nathan Rothschild, Abraham đã vô cùng khiêm nhường rằng:

Kính gửi ngài Nam tước, cho đến nay ngài vẫn thường giới thiệu các khách hàng của mình tới Köln, thế nhưng gần đây dù chúng cháu chưa phạm phải lỗi lầm nào nhưng vẫn bị mất một số khách hàng của ngài, điều đó khiến cháu vô cùng đau khổ. Cháu may mắn kết hôn với cháu gái của ngài, điều đó giúp cháu có cơ hội bước vào vòng tay che chở của ngài. Lần này cháu xin mạo muội thỉnh cầu ngài giúp cho quan hệ giữa hai gia tộc chúng ta dần khôi phục, giúp cho gia tộc chúng cháu có nhiều quyền ưu tiên hơn so với gia tộc Schaffhausen. Cháu cũng sẽ khiến ngài trở thành lựa chọn ưu tiên trong việc hợp tác với gia tộc chúng cháu. Hy vọng thỉnh cầu của cháu sẽ nhận được sự chấp thuận của ngài, cháu rất vinh hạnh khi dành sự tôn kính cao nhất tới ngài.

Kể từ năm 1830, gia tộc Oppenheimer đã bắt tay với gia tộc Hansemann để rót vốn vào lĩnh vực đường sắt và vận chuyển, và thành lập công ty cổ phần đầu tư vào dự án đường sắt vùng Rhine. Sự phát triển công nghiệp nhanh chóng ở khu vực Phổ dẫn đến tình trạng căng thẳng nguồn vốn trong toàn khu vực, hầu như tất cả các công ty công nghiệp đều đã đạt đến giới hạn về mặt tín dụng. Abraham rất nhạy bén để nắm bắt thời cơ này, dốc toàn lực thúc đẩy nghiệp vụ bảo hiểm tín dụng cho thương mại và đầu tư. Dưới sự phối hợp của gia tộc Rothschild, Abraham đã xây dựng nên công ty tái bảo hiểm đầu tiên trên thế giới.

Năm 1842, Abraham Oppenheimer thiết lập mối quan hệ thương mại vững chắc với gia tộc ngân hàng Do Thái nổi tiếng ở Berlin – những người đóng vai trò quan trọng trong quá trình thống nhất nước Đức. Kể từ đó, mạng lưới quan hệ của gia tộc Oppenheimer tại châu Âu đã được thiết lập sơ bộ. Ngân hàng gia tộc Oppenheimer trở thành ngân hàng quốc tế thống trị Köln, đóng vai trò chủ đạo ở Phổ, và có sức ảnh hưởng không thể coi nhẹ ở Pháp, Áo, Ý và Anh.

(1) Ngũ hồ loạn Hoa, còn gọi là Thập lục quốc, là một tập hợp gồm nhiều quốc gia có thời gian tồn tại ngắn ở bên trong và tại các vùng lân cận Trung Quốc từ năm 304 đến 439, kéo theo sự rút lui của nhà Tấn về miền nam Trung Quốc đến khi Bắc triều thống nhất toàn bộ phương Bắc, mở ra cục diện mới là Nam Bắc Triều. - ND

(2) Ngũ đại thập quốc là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ khi triều Đường diệt vong, kéo dài đến khi triều Tống thống nhất Trung Quốc bản thổ. Thời kỳ này phân thành Ngũ Đại cùng thập quốc. – ND

Trích "Chương 1, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét