Nước Anh đỉnh cao của quyền lực tài chính - phần 5

Thương nhân tuyệt đỉnh: chế độ cổ phần của quyền lực tài chính

Nhờ liên minh với Hope, công việc kinh doanh của gia tộc Barings ngày càng phát triển. Khi thực lực đã trở nên hùng mạnh, họ bắt đầu lấn sân sang chính giới. Năm 1786, Francis viết thư cho hầu tước Lansdowne (trước là bá tước của Shelburn): "Tôi chủ yếu quan tâm đến ba việc: một là kinh doanh gia tộc, hai là các vấn đề công cộng và bà là Công ty Đông Ấn…" Lúc này, ánh mắt của ông đổ dồn vào sự nghiệp thực dân của Đế quốc Anh, ông rất nhạy bén khi phát hiện ra vô số cơ hội kinh doanh béo bở ở đó.

Năm 1787, trong một bức thư gửi Henry Dundas, thư ký hải quân của thủ tướng William Pitt, ông đã liệt kê những lợi ích của một hiệp ước thương mại với Hà Lan: "Hà Lan vốn lập quốc trên nền tảng thương mại, họ có thể giúp các sản phẩm của chúng ta xâm nhập và phát triển tại thị trường Ấn Độ. Điều này hết sức có lợi cho chúng ta. Ngoài ra, họ còn có thể hỗ trợ cho chúng ta về chính trị, bởi vì hai nước có chung một hệ thống ý niệm cơ bản, tương hỗ về mặt lợi ích. Ngay kể như đất nước chúng ta, lợi ích cốt lõi là duy trì sự ổn định lâu dài của đế chế, tiếp đến là lợi ích thương mại. Không có mâu thuẫn lợi ích cơ bản giữa hai bên, hơn nữa lại có tính tương hỗ hết sức mạnh mẽ về mặt kinh tế, vì vậy cần phải duy trì hợp tác chiến lược". Bức thư này bề ngoài thì cân nhắc vì lợi ích quốc gia, nhưng thực chất là đề cập đến lợi ích của liên minh Barings-Hope.

Nhưng nhân vật thực sự đưa Francis vào con đường chính trị là John Dunning. Dunning là luật sư trưởng của công tước xứ Lancaster. Ông là bạn thân với đại tá Issac Barré – từng là trợ lý cho Thủ tướng William Pitt. Ba người "kết nghĩa đào viên", dựa vào thế lực của hầu tước xứ Lansdowne – William Petty, tạo thành một liên minh khiến bất cứ ai cũng phải nể sợ.

Dunning giúp Francis tham gia chính trị là để trả món nợ ân huệ khi ông rơi vào bẫy nợ và không đủ khả năng hoàn trả. Từ năm 1783, Francis giúp Dunning trả khoản nợ 5.000 bảng/năm trong suốt sáu năm.

Thủ tướng Pitt đã coi Francis như thượng khách, lắng nghe và tiếp thu những quan điểm của Francis về các vấn đề buồn bán nô lệ Senegal, ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ, đồn trú Gibraltar, cải cách hải quan… Còn Francis cũng tích hợp lợi ích kinh doanh của gia tộc mình với lợi ích của Vương quốc Anh, giúp cho sự nghiệp chính trị của bản thân ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Quá trình gieo hạt giống chính trị của gia tộc Barings cuối cùng cũng có trái ngọt. Mối quan hệ chặt chẽ và đáng tin cậy với các bộ trưởng giúp gia tộc Barings thường xuyên nuốt trọn những miếng bánh lớn của Chính phủ. Khi đó, chiến sự Bắc Mỹ hết sức căng thẳng, việc tiếp tế cho binh sĩ ở tiền tuyến thường xuyên bị gián đoạn. Barings được giao trọng trách hỗ trợ hậu cần cho tiền tuyến, và hầu tước Lance Daun lại thu về một món hời từ việc cung cấp khẩu phần ăn cho tướng sĩ. Với tài năng trác việt của mình, Barings đã tiết kiệm 70.000 bảng cho người nộp thuế ở Vương quốc Anh, còn bản thân ông đã kiếm được khoản hoa hồng trị giá 11.000 bảng.

Năm 1780, Chính phủ Anh muốn tìm một ngân hàng gia tộc để huy động nguồn vốn phục vụ chiến tranh Bắc Mỹ, một ngân hàng sử dụng tốt nhất nguồn lực tài chính của mình, hoặc của khách hàng và nhà đầu tư bên ngoài để thu mua trái phiếu chiến tranh. Đây là một thương vụ rủi ro cao nhưng lợi nhuận cũng cao, Francis chờ đúng cơ hội và ra tay một cách dứt khoát và giành lấy nghiệp vụ bảo lãnh phát hành này. Trong giai đoạn 1780-1784, ông huy động được 1,9 triệu bảng từ trái phiếu chiến tranh Bắc Mỹ. Con số này trông có vẻ không nhiều, nhưng cũng đủ để thỏa mãn nhu cầu của chính phủ và giúp cho Francis tạo dưng một hình tượng tốt đẹp trước Chính phủ Anh. Họ hiểu và tin tưởng Barings, họ thích và tôn trọng khả năng của Francis, họ luôn cảm thấy như đang mang nợ ông. Điều đó sẽ giúp Barings có thêm nhiều hợp đồng của Chính phủ.

Cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, Vương quốc Anh thường xuyên phát động chiến tranh, chi phí quân sự rất lớn và lượng phát hành trái phiếu chính phủ tăng nhanh khủng khiếp. Đây là cơ hội giúp các gia tộc ngân hàng như Barings kiếm bội tiền nhờ bảo lãnh phát hành trái phiếu chiến tranh. Trong suốt 16 năm từ năm 1799 đến năm 1815, có tới 12 năm gia tộc Barings là ngời bảo lãnh chính cho trái phiếu chính phủ Anh, kiếm được 190.000 bảng. Danh tiếng của gia tộc Barings đạt đến đỉnh cao tại thị trường tài chính London. Các quốc gia có nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ đều nhao nhao tìm đến.

Tháng 3 năm 1797, giữa thời điểm cuộc chiến chống Pháp ở châu Âu đang diễn ra hết sức khốc liệt, một vị thân vương Brazil của Bồ Đào Nha đã đến London để tìm cách huy động 1,2 triệu bảng. Ông định bảo đảm bằng lợi nhuận buôn bán kim cương và xì gà của Brazil, nếu không đủ sẽ thế chấp thêm "quốc đảo giàu có Mozambique". Francis rất có hứng thú với thương vụ này, nhưng trước tiền ông phải hỏi ý kiến của Thủ tướng. Thủ tướng Pitt đáp rằng "việc vận chuyển hàng hóa ở Bồ Đào Nha sẽ gặp rất nhiều khó khăn". Và tỏ ra không mấy hứng thú với thương vụ này. Song, nếu Barings đứng ra tài trợ như một công ty tư nhân thì ông cũng không phản đối, nhưng chính phủ sẽ không hỗ trợ. Cân nhắc đến ý kiến của Pitt, Barings đành phải từ bỏ cơ hội này.

Năm 1801, người Bồ Đào Nha rất cần một khoản tiền lớn để thanh toán cho các khoản chi phí chiến tranh, vấn đề đi vay vốn một lần nữa lại được đề xuất. Lần này thủ tướng Pitt tạm thời bị cắt chức, và Francis quyết định sẽ bỏ qua chính phủ để tự mình theo đuổi thương vụ này. Francis nói với con rể của mình, Pierre Cesar Labouchére – một vị thân tín của gia tộc Hope rằng: "Trong thời buổi rối ren này, chúng ta không nên thảo luận với các bộ trưởng về khoản vay của Bồ Đào Nha. Con cũng biết rồi đấy hầu hết các bộ trưởng đều không mấy hiểu biết về lĩnh vực tài chính quốc tế".

Dưới sự chỉ đạo của Francis, Pierey Repochel và George Barings được điều đến Lisbon để thảo luận chi tiết về vấn đề cho vay. Hai người đàn ông này phải ngồi xe lừa kéo trên quãng đường hết sức gập ghềnh, khó khăn lắm mới tới được Lisbon. Quá trình đàm phán sau đó cũng khó khăn chẳng kém. Pierri Lepocher phàn nàn rằng ngời Bồ Đào Nha "liên tục thay đổi chủ đề của cuộc đàm phán, không những vậy còn toàn dùng những ngôn từ mà tôi không hiểu gì cả, quả thực khiến cho tôi đau đầu nhức óc".

Năm 1802, một số chủ ngân hàng Do Thái cũng đổ xô đến Lisbon để tham gia tranh cướp hợp đồng này, nhưng George Barings đã báo lại rằng "Mặc dù những người Do Thái này có thể coi là đối thủ đáng gờm, nhưng cũng không cần phải lo lắng quá nhiều. Nền tảng tài chính của họ khá yếu nên không thể đưa ra mức gia như chúng ta". Cuối cùng, thương vụ lớn này rơi vào tay tập đoàn Hope-Barings, trong đó Barings chịu trách nhiệm bảo lãnh cho 5 triệu guilder Hà Lan.

Đã kiếm được bội tiền, Barings nghiêm túc xem xét đến sự cần thiết của việc trở thành một "doanh nhân hàng đầu". Danh tiếng của các chủ ngân hàng không mấy tốt đẹp, nên bấy lâu nay hình tượng của họ trong mắt công chúng chẳng khác gì những kẻ tàn nhẫn, khắc nghiệt. Chỉ khi là một chính trị gia, bạn mới có thể trở thành một thành viên của giai cấp thống trị, và xây dựng cơ nghiệp kinh doanh của gia tộc trên nền tảng vững chắc. Sau khi hạ quyết tâm, Francis chi 3.000 bảng cho việc vận động hành lang và được bầu làm thành viên của hạ viện. Và suốt 150 năm tiếp theo, gia tộc Barings luôn có một ghế trong Quốc hội.

Trích "Chương 2, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét