Nước Anh đỉnh cao của quyền lực tài chính - phần 2

Francisco: người sáng lập triều đại Barings

Gia tộc Barings có xuất thân lâu đời hơn gia tộc Rothschild. Khi Ngân hàng Barings tiếng hành huy động vốn ở London cho các cường quốc châu Âu thì gia tộc Rothschild vẫn đang phải kiếm chác qua từng thương vụ nhỏ ở thị trường tài chính Frankfurt. Với tư cách là một ngân hàng Cơ-đốc giáo, gia tộc Barings thuộc nhóm thiểu số trong danh sách các ngân hàng quốc tế, nhưng họ lại là gia tộc khởi nghiệp sớm nhất và có ảnh hưởng sâu sắc nhất. Họ đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình mạng lưới ngân hàng đa quốc gia hiện đại mà sau này gia tộc Rothschild đã theo chân.

Gia tộc Barings có nguồn gốc từ Bắc Đức, và tổ tiên đầu tiên của họ sống ở Groningen, chịu ảnh hưởng sâu sắc của dòng Cơ-đốc giáo Luther. Những người thuộc thế hệ sau đó đa phần đều là mục sư của dòng Cơ-đốc giáo Luther, và cũng có người làm công chức chính phủ, mãi đến thời của John Barings mới bắt đầu kinh doanh. Năm 1717, John chuyển đến vùng Exeter – Anh. Đến năm 1723, ông kết hôn với con gái của một doanh nhân giàu có ở địa phương và bắt đầu lịch sử huyền thoại của gia tộc Barings.

Người thực sự mang lại hào quang cho gia tộc Barings là Francis Barings. Trong suốt thế kỷ XVIII, do châu Âu tăng cường thâm nhập vào tiểu lục địa Ấn Độ, Đông Nam Á và Viễn Đông, cộng thêm việc thị trường Bắc Mỹ đang trên đà lớn mạnh, lĩnh vực thương mại quốc tế mà trọng tâm là châu Âu, vô cùng phát triển. Một mặt do nhu cầu cấp thiết của thị trường, mặt khác là năng lực chế tạo sản phẩm đang có những bước tiến nhảy vọt, đồng thời ngành vận tải hàng hải cũng sẵn sàng, thế nhưng ngành tài chính phục vụ toàn bộ quá trình thương mại quốc tế lại tụt lại phía sau. Vì vậy, Francis quyết định chuyển đổi phương hướng kinh doanh của gia tộc, từ sản xuất và thương mại truyền thống sang hoạt động tài chính. Ở hai đại bản doanh của mình là Exeter và London, ông thiết lập cơ cấu kinh doanh có thể hỗ trợ lẫn nhau, mở rộng phạm vi sang các nghiệp vụ thương mại, công nghiệp và chiết khấu hóa đơn, tạo ra một mô hình kinh doanh mới. Và 25 năm sau đó, mô hình này đã được sao chép bởi gia tộc Rothschild ở châu Âu.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi táo bạo của Francis sang ngành tài chính không mấy suôn sẻ, các quyết sách của ông vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chi nhánh Exeter. Do sự khác biệt trong triết lý kinh doanh à xung đột lợi ích, anh em gia tộc Barings đành phải ký một thỏa thuận chia tách vào năm 1777. Francis làm chủ sở hữu doanh nghiệp gia tộc chi nhánh London. Khi đó London đang nhanh chóng thay thế Amsterdam trở thành trung tâm tài chính của thế giới, và Francis đã dẫn dắt gia tộc Barings bước lên vũ đài lịch sử.

Sau khi chia tách, Francis muốn sải cánh tung bay và thực hiện những bước đi táo bạo trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, những thay đổi trong tình hình quốc tế dường như không mấy thuận lợi cho tham vọng của Francis. Việc Mỹ giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh giành độc lập không chỉ khiến cho Đế quốc Anh mất đi sức mạnh quân sự hùng mạnh, mà còn làm nền kinh tế Anh tuột dốc không phanh. Chi nhánh Exeter của gia tộc Barings cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đến năm 1790 thì gần như không còn hoạt động nữa. Chi nhánh tại London của Francis cũng khó thoát khỏi tình cảnh khó khăn. May mắn thay, vợ ông là người thừa kế của cựu Tổng Giám mục Canterbury và rất giỏi kinh doanh, bà đưa ra rất nhiều quyết sách giúp cơ nghiệp của họ vượt qua khủng hoảng. Bà Barings quán xuyến mọi việc cực kỳ tài tình, kiểm soát chi phí vận hành kinh doanh của gia tộc ở mức 800 bảng mỗi năm. Chính vì lẽ đó mà sau khi vợ qua đời, ông Francis đã cảm thán rằng: "Trong thời điểm khó khăn đó, nếu không có tài năng quán xuyến của vợ tôi thì chi phí vận hành chắc chắn sẽ lên tới 1.200 bảng mỗi năm, và cơ nghiệp của cả gia tộc sẽ không bao giở gượng lại được".

Cuộc khủng hoảng qua đi, công việc kinh doanh của gia tộc thuận lợi hơn, lợi nhuận tăng từ 3.400 bảng năm 1777 lên tới 10.300 bảng vào năm 1781, và đến năm 1788 thì đạt đến kỷ lục là 12.000 bảng. Năm 1776 là giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ, số vốn của công ty chỉ là 19.452 bảng, đến khi chiến tranh kết thúc năm 1783, con số đó đã tăng lên 43.951 bảng. Đến năm 1780, các chi nhánh quan trọng của gia tộc Barings phủ khắp ba quần đảo lớn của Anh và lục địa châu Âu, ngoại trừ hai chi nhánh của gia tộc ở Amsterdam – trung tâm tài chính thế giới khi đó. Tại đại bản doanh Exeter, London, St. Petersburg, Cartagena của Tây Ban Nha và Legone của Ý đều có một chi nhánh. Gia tộc Barings đã tạo nên một mạng lưới tài chính kết nối tất cả các dòng vốn, hậu cầu và dòng thông tin của châu Âu. Đám mấy của triều đại tài chính Barings đã lan rộng ra khắp châu Âu vào thời điểm này.

Trích "Chương 2, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét