Nước Anh đỉnh cao của quyền lực tài chính - phần 10

Hợp đồng nợ công của Pháp: hai thế lực kết mối thâm thù

Năm 1815, qua sự trui rèn của tinh thần "lửa và máu" từ cuộc chiến Napoléon, gia tộc Rothschild lợi dụng mạng lưới tình báo tài chính phát triển rộng khắp của mình, biết kết quả trận chiến Waterloo sớm hơn thị trường. Họ tích cực bán khống trái phiếu của Anh, khi giá trái phiếu giảm phi mã thì họ lại mua vào với số lượng lớn. Đến lúc tin tức chiến trường truyền về London, gia tộc Rothschild dễ dàng đoạt quyền định giá trái phiếu Anh trên thị trường. Đây là một ví dụ kinh điển trong lịch sử tài chính thế giới.

Gia tộc Rothschild làm mưa làm gió trong cuộc chiến Napoléon, họ trỗi dậy nhanh chóng trên thị trường tài chính châu Âu. Đến khi cuộc chiến này kết thúc, họ đã nuôi đủ tham vọng và thực lực để giành quyền bá chủ tài chính thế giới. Trong cuộc tranh giành hợp đồng nợ công của Pháp với kình địch Barings, Rothschild đã khơi mào cho cuộc chiến giành ngôi vương tài chính có ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử thế giới hiện đại.

Trong lúc gia tộc Barings đang đàm phán với Chính phủ Pháp, gia tộc mới nổi Rothschild cũng hoạt động hết sức tích cực. Họ sử dụng mạng lưới các ngân hàng Do Thái năng nổ và hiệu quả của gia tộc ở Frankfurt, Vienna, Paris và London với quyết tâm chia sẻ khoản hoa hồng khổng lồ nhờ bảo lãnh nợ công của Pháp.

Tình hình ban đầu có vẻ thuận lợi hơn với gia tộc Rothschild. Rothschild từng cung cấp một khoản vay lớn cho quá trình khôi phục Vương triều Bourbon ở Pháp và người bạn cũ của gia tộc Rothschild – Ngoại trưởng Pháp Talleyrand, cũng đóng vai trò nòng cốt trong chính quyền của triều đại Bourbon. Tầm ảnh hưởng của gia tộc Rothschild trong hoạt động triều chính Pháp là hết sức rõ rệt. Song, viễn cảnh tốt đẹp này không kéo dài lâu. Talleyrand từ chức, Pháp thành lập chính phủ mới, đứng đầu là Công tước Richelieu – người đang cố gắng làm suy yếu địa vị gia tộc Rothschild ở Pháp. James Rothschild cố gắng tiếp cận thư ký của Thủ tướng Richelieu và viên thư ký này cũng thường xuyên cung cấp những ý đồ thực sự có giá trị của chính phủ cho gia tộc Rothschild. Tuy nhiên, thu đông năm 1816, Chính phủ Pháp đã ủy quyền việc bảo lãnh nợ công cho tập đoàn tài chính Barings-Hope. Gia tộc Rothschild càng thêm chán nản khi Barings-Hope loại trừ hoàn toàn Rothschild ra khỏi thương vụ lớn này. Trong cơn tuyệt vọng, James tìm cách gia nhập tập đoàn tài chính Barings-Hope để xin bảo lãnh một phần trái phiếu Chính phủ Pháp trong đợt chào bán thứ ba. Cuối năm 1817, các cuộc đàm phán đều đổ bể và Rothschild chẳng thu được kết quả gì. James tức tối tột độ và chỉ trích Barings là "lũ lật lọng, dối trá".

Từ Paris trở về London, Solomon – đứa con thứ hai của gia tộc Rothschild lại tỏ ra vô cùng "ngưỡng mộ" trước những thủ đoạn của gia tộc Barings, "Barings là một nhân vật phản diện đúng nghĩa đen. Hôm nay, anh ta và Lafayette đến dùng bữa cùng chúng tôi… chúng tôi phải để mắt đến nhất cử nhất động của anh ta. Việc vận dụng và thao túng sức ảnh hưởng của anh ta cũng lão luyện như chúng tôi. Không có chính trị gia nổi tiếng nào ở Paris không có mối quan hệ mật thiết với Barings… Đại sứ Nga tại Paris – Pozzo di Borgo ủng hộ Pháp và đang hành sự dưới sức ảnh hưởng của Barings… Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp có mối lợi chung với Barings, họ cấu kết cùng nhau làm bao chuyện gian trá, và quả thực ông ta là kẻ tham lam vô độ nhất trong số các bộ trưởng".

Song, James buộc phải thừa nhận trong một lá thư gửi cho Solomon vào tháng 3 năm 1817: "Anh từng khuyên tôi đừng lo lắng về Barings, vì không ai có thể một tay che cả bầu trời, nhưng anh không biết họ thông minh đến mức nào đâu". Vài ngày sau, James gặp con rể của Hope – Dockary Repocher đang đứng đầu gia tộc Hope. James nghĩ rằng Repocher là một "người tốt và thông minh", và nói với ông ta rằng: "Tôi chưa bao giờ gặp một người như ông ta. Tôi đảm bảo với ngài rằng họ đều thông minh tuyệt đỉnh và là chuyên gia kinh doanh. Điều không may là họ đã phát triển quá mạnh, đến mức những người khác khó có thể sống sót".

Sau những nỗ lực liên tục trong thương vụ bảo lãnh nợ công của Pháp năm 1817, gia tộc Rothschild chỉ được phân bổ vỏn vẹn 50.000 bảng. Barings lạnh lùng nói rằng chỉ từng đó thôi. Vào thời điểm này, đối tác chính của Barings tại Paris là gia tộc Laffitte (Jacques Laffitte).

Trong lá thư gửi cho Solomon, James nói ông đã đến thăm Lafayette: "Ông ta hứa với tôi rằng chúng ta sẽ không bao giờ bị loại ra trong lần bảo lãnh phát hành trái phiếu chính phủ tiếp theo… Nhưng tôi không thể tin tưởng bất cứ lời nào tuôn ra từ miệng gã người Pháp này". Vài tháng sau đó, Alexander Barings đến thăm gia tộc Rothschild và thăm dò bằng cách đề nghị trao cho gia tộc Rothschild một lượng trái phiếu Chính phủ Pháp tương đường với tập đoàn tài chính Barings-Hope. Nhưng đến cuối năm, Barings lại tiếp tục lấy cái cớ mà họ đã dùng vô số lần để khéo léo từ chối gia tộc Rothschild: "Chỉ cần đối tác của tôi – Repocher đồng ý là chúng ta có thể chia đôi lượng trái phiếu Chính phủ Pháp, nhưng Repocher lại cho rằng mình vĩ đại hơn cả Đấng Cứu Thế. Anh ta muốn một mình xử lý hết đống trái phiếu này". Mỗi lần bội tín của gia tộc Barings đều khiến gia tộc Rothschild gần như phát điên.

Barings từng có dạo chấp nhận cho gia tộc Rothschild hợp tác với đối tác kinh doanh của họ là Laffitte, nhưng vào thời điểm này, họ đã thay đổi ý định, không tiếc hy sinh vũ khí mang tên chủ nghĩa bài Do Thái, họ nói với các đối tác của mình rằng nếu không có sự cho phép thì tuyệt đối không được làm ăn với người Do Thái. Rothschild nghe tin này thì phát điên thực sự và quyết tâm tổ chức liên minh chống lại tập đoàn tài chính Barings-Hope, thách thức quyền bá chủ tài chính của Barings.

Chúng ta có thể nhận thấy thái độ của hai bên trong một số thư từ tìm thấy trong kho lưu trữ của hai gia tộc Barings và Rothschild. Rothschild oán trách Barings là "bè lũ tráo trở", "tự cao tự đại"; còn Barings thì mắng nhiếc Rothschild là "ác độc", "dối trá". Công bằng mà nói, một số trong những cáo buộc lẫn nhau này thực sự là những đánh giá khách quan dành cho họ.

Ngày 30 tháng 5 năm 1818, Barings-Hope tiếp nhận bảo lãnh phát hành trái phiếu trị giá 265 triệu franc. Họ ủy thác bảo lãnh cho Laffitte 20 triệu franc, nhưng chỉ cho Rothschild vỏn vẹn 10 triệu franc. Cùng năm đó, tập đoàn tài chính Barings-Hope cũng nắm quyền trong thương vụ rao bán trái phiếu Chính phủ Áo trị giá 3 triệu bảng. Rothschild nhận được lời mời cung cấp dịch vụ hỗ trợ, nhưng lại không có quyền tự xử lý khoản vay. James phàn nàn: "Những người này thực sự kiêu ngạo đến mức không thể tin nổi. Hôm qua, tôi đang trò chuyện với Bethmann ở Bộ Nội vụ, và Repocher đi ngang qua không thèm chào hỏi lấy một câu…" Kể từ đó, hình ảnh "người tốt" của Repocher hoàn toàn biến mất khỏi tâm trí James.

Người con thứ tư của gia tộc Rothschild ở Berlin – Calmann đưa ra một nhận xét nặng tính triết học về sự giận dữ của anh trai: "Đầu tiên chúng ta là người Do Thái, thứ hai chúng ta sinh ra không phải đã là triệu phú và cuối cùng chúng ta đang cạnh tranh quyết liệt với gia tộc Barings. Trong trường hợp này, tại sao anh lại đề nghị họ trở thành bạn tốt của chúng ta cơ chứ?".

Bất kể ai đúng hay sai, năm 1818 gia tộc Rothschild thực sự bị chọc giận, Barings tự tạo ra một kẻ thù mạnh mẽ và đáng sợ cho chính mình. Rothschild sắp bắt đầu trả thù.

Trích "Chương 2, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét