Nước Đức cái nôi của các chủ ngân hàng quốc tế - phần 6

Cuộc cách mạng năm 1848 và hoạt động giải cứu ngành ngân hàng

Khoảng thời gian trước và sau năm 1830 là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử thế giới cận đại. Tiến trình mở rộng cuộc Cách mạng công nghiệp từ Anh lan nhanh ra lục địa châu Âu. Sự phát triển kinh tế của Pháp, Đức, Áo và các nước khác bước sang một giai đoạn mới. Một mặt, quá trình công nghiệp hóa mang lại sự phát triển chưa từng có cho các ngành khai thác, dệt may, máy móc, đường sắt và đóng tàu. Mặt khác, trong lúc góp phần tạo nên một lượng lớn những kẻ thắng cuộc của giai cấp tư sản công nghiệp, nó cũng mang tới một số lượng còn lớn hơn thế những kẻ thất bại. Họ là những người nông dân trắng tay vì mất đất nên buộc phải lang bạt trong các thành phố, những người công nhân phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, những người thợ thủ công bị thất nghiệp và giai cấp bần cùng trong thành phố. Trong khi khả năng kiếm soát sức mạnh chuyên chế của chế độ phong kiến ngày càng suy yếu, những kẻ chiến thắng không hài lòng với thực trạng là quyền lực chính trị của họ không tương xứng với sức mạnh kinh tế đang trên đà phát triển. Họ muốn có nhiều quyền lực hơn từ những người thống trị. Đồng thời, những kẻ thua cuộc trong cuộc Cách mạng công nghiệp từ lâu đã oán thán về hiện thực bi thảm của cuộc sống, trong đó bao gồm cả sự phản kháng mạnh mẽ của người Do Thái đối với tình trạng phân biệt tôn giáo và xã hội suốt hơn một nghìn năm qua. Những nguồn sức mạnh lớn lao này bắt đầu hình thành nên hợp lưu dựa trên các vấn đề như đòi hỏi quyền lợi công dân hoàn toàn bình đẳng và các mạng bạo lực. Ẩn bên dưới biểu tượng công nghiệp hóa với vẻ ngoài phồn vinh là một cơn phong ba khủng khiếp đang âm thầm tích tụ.

Giai đoạn từ 1845 đến 1847, nhiều nước châu Âu phải hứng chịu các thảm họa thiên nhiên và nạn đói xảy ra trên diện rộng trong suốt ba năm. Ngành nông nghiệp thất thu, giá lương thực tăng vọt và mức tiêu thụ nông sản giảm dần đến việc quy mô tín dụng nông nghiệp giảm sút và cơ hội việc làm cũng trên đà lao dốc. Đồng thời, từ năm 1840 nền công nghiệp châu Âu bắt đầu rơi vào trạng thái đình trệ, đặc biệt là tốc độ xây dựng đường sắt về cơ bản đã mất đà tăng trưởng, tín dụng công nghiệp cũng bị thắt chặt. Hai tình trạng này gây ra suy thoái kinh tế ở nhiều vùng của châu Âu vào năm 1848. Kinh tế lao dốc nhanh tạo ra áp lực quá lớn làm cục diện thị trường tài chính vốn ổn định từ khi Napoléon kết thúc chiến tranh năm 1815, xuất hiện vô vàn những vết nứt.

Quan sát thấy tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng ở các thị trường tư bản khác nhau ở châu Âu, Abraham Oppenheimer dự cảm được một cuộc khủng hoảng lớn sắp xảy ra.

Tháng 2 năm 1848, thị trường cổ phiếu Paris sụp đổ, cuộc cách mạnh nhen nhóm từ lâu cuối cùng bùng nổ. Sự xung đột giữa tầng lớp nhân dân và giai cấp tư sản thổi bùng ngọn lửa phẫn nộ của xã hội. Ngày 26 tháng 2, gia tộc Fould của Pháp gửi một thông điệp rằng cuộc cách mạng dường như đã thành công và nền cộng hòa thứ hai có thể được thiết lập một cách suôn sẻ.

Chỉ sau hai ngày, tình hình có những chuyển biến rõ rệt, với vô vàn biến số. Tháng 3, những đợt sóng của cuộc Cách mạng Pháp bắt đầu cuộng đến vùng Köln, những người cách mạng đã đề nghị Abraham Oppenheimer đàm phán với chính phủ với tư cách là đại diện của họ, Abraham đã thẳng thừng từ chối. Nguồn gốc sâu xa của gia tộc Oppenheimer và những người cách mạng là không hề tầm thường. Người em thứ ba của Abraham – Dagobert Oppenheim đã trực tiếp tham gia tài trợ cho công tác cổ động cách mạng. Hè năm 1842, sau khi tốt nghiệp Đại học Marx và trở thành tổng biên tập tờ báo Rheinische do Dagbert Oppenheimer tài trợ, ông thường xuyên cho đăng tải những bài viết đả kích chính phủ Phổ.

Thị trường bất động sản của Köln sụp đổ, Ngân hàng Schaffhausen đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh toán do đầu tư quá nhiều vào bất động sản, còn Oppenheimer thì không. Theo truyền thống của các ngân hàng quốc tế, họ hiếm khi đầu tư vào bất động sản vì họ không ưa các tài khoản có thanh khoản kém. Ngày 29 tháng 3 năm 1848, Ngân hàng Schaffhausen ngừng thanh toán cho 170 khách hàng và hơn 40.000 công nhân. Những người tiết kiệm sợ hãi ồ ạt đến rút tiền, và Ngân hàng Schaffhausen không có cách nào đối phó, sự sống còn của ngân hàng đang bị đe dọa. Nếu Ngân hàng Schaffhausen bị đóng cửa, hệ thống ngân hàng của toàn bộ tỉnh Rhine sẽ sụp đổ theo, do đó, đây là loại ngân hàng được coi là "quá lớn để sụp đổ" (too big to fall).

Một khi Ngân hàng Schaffhausen sụp đổ thì gia tộc Oppenheimer vốn có hoạt động kinh doanh mật thiết với nó, cũng gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Tuyến đường sắt Köln-Minden do gia tộc Oppenheimer đầu tư đang rất đói vốn, cần khoảng 500.000 taylor. Đồng thời Ngân hàng Oppenheimer cũng cần số tiền tương đương để sống sót qua cơn bão. Ngày 3 tháng 4, em trai của Abraham, Simon – người chủ trì nghiệp vụ đường sắt của gia tộc đã viết cho Abraham một lá thư: "Em rất tin tưởng vào năng lực của anh, em nghĩ trong thời gian một năm hoặc lâu hơn anh có thể huy động được ít nhất 500.000 taylor từ chính phủ". Ba ngày sau, Simon gửi thêm tin xấu: "Abraham thân yêu của em, hôm nay tuyến đường sắt Köln-Minden lại phải chi thêm 3.000 taylor, Dag Burke nói họ cần thâm nhiều tiền hơn trong ngày mai". Đến ngày 10 tháng 4, Abraham vẫn chưa có tin tức gì, Simon tỏ ra rất lo lắng: "Tình hình của chúng ta hiện giờ rất đặc biệt. Hansman (Bộ trưởng Bộ Tài chính Phổ) có lẽ sẽ nhượng bộ. Chúng ta là đơn vị lớn nhất của tỉnh Rhine, và có lẽ hiện giờ cũng là ngân hàng duy nhất vẫn đang vận hành. Việc cứu vãn chúng ta sẽ phù hợp với lợi ích của chính phủ. Bất cứ ai cũng sẽ đồng ý rằng, việc bảo hộ cho một công ty như chúng ta là một lựa chọn hết sức sáng suốt". Ngày 11 tháng 4, Simon lại thúc giục: "Em hy vọng rằng Đấng toàn năng sẽ giúp cho những trái quả mà chúng ta trông đợi kịp chín vào ngày hôm qua, hy vọng rằng Hansman đã đưa ra quyết định cấp cho chúng ta 500.000 taylor. Abraham thân mến, anh phải tin tưởng rằng nếu như chúng ta muốn ngủ ngon mỗi đêm thì bây giờ buộc phải có được khoản tiền này".

Ngày 1 tháng 4, Abraham đã tự mình đến Berlin để gặp người bạn thân Hansman của mình để xin thế chấp bằng cổ phiếu và bất động sản, mượn khoản tín dụng 500.000 taylor từ chính phủ nhằm cứu viện cho Ngân hàng Schaffhausen, cũng chính là cứu mình. Thương lượng liên tục suốt hai tuần, Hansman đạt được thỏa hiệp giữa chủ ngân hàng và chủ nợ, để thực hiện mục đích này thì buộc phải xin tiền từ Berlin.

Ban đầu, Berlin không có ý định cho vay, Abraham bèn uy hiếp rằng, cứu trợ ngân hàng không chỉ đơn giản là cứu tính thanh khoản của một ngân hàng cá biệt, mà còn liên quan đến việc có thể khắc chế cuộc cách mạng hay không, đó là vấn đề tồn vong của chính phủ Phổ. Ông đưa ra kết luận, nếu như tín dụng ngân hàng không được khôi phục trở lại thì trật tự xã hội hiện tại sẽ sụp đổ. Chính phủ Phổ nghe thế quả nhiên hoảng hồn, lập tức thành lập ủy ban điều phối khủng hoảng, về phía chính phủ sẽ do Hansman làm đại diện, còn phía ngân hàng sẽ do Abraham đứng đầu, cùng bàn bạc và tìm ra biện pháp cụ thể để cứu trợ Ngân hàng Schaffhausen.

Hai bên nhanh chóng đạt được tiếng nói chung trong việc biến Ngân hàng Schaffhausen thành ngân hàng cổ phần đầu tiên trong lịch sử Phổ. Đây kỳ thực là một phần của chính sách cải cách tài chính mà những người thuộc phe tự do và Abraham đã khuyến khích chính phủ thực hiện kể từ năm 1830.

Để gây thêm áp lực với chính phủ, Abraham còn uy hiếp rằng, trừ khi giải cứu kịp thời cuộc khủng hoảng tài chính này, bằng không việc tỉnh Rhine thoát ly khỏi Phổ là điều không thể tránh khỏi. Hiển nhiên, Abraham đã nâng tầm việc cứu trợ ngân hàng lên thành vấn đề chủ quyền. Đây chẳng khác nào chiếc còng tay mà ông sử dụng nhân lúc chính phủ Phổ đang bận bình định sự xáo trộn của xã hội và không có thời giờ để tập trung quá nhiều vào vấn đề này. Thời điểm đó, phương châm cốt lõi của chính phủ Phổ là "ổn định sẽ đẩy lùi tất cả", thế nên quan điểm "sự ổn định về chính trị là tiền đề cho sự ổn định về tài chính" của Abraham và Hansman đã chiếm thế thượng phong. Thực ra, tất cả những điều này là chiến lược đã được Abraham và Hansman lên kế hoạch từ lâu. Mục tiêu của họ là tiến hành cuộc cách mạng từ trên xuống dưới trong lĩnh vực tài chính và chính trị. Tận dụng sự hỗn loạn chính trị và xáo động xã hội, cuối cùng Abraham đã đạt được mục tiêu mà ông ấp ủ bấy lâu nay.

Đầu tháng 5, Oppenheimer nhận gói cứu trợ 500.000 taylor từ chính phủ Phổ, và hệ thống tài chính Phổ bắt đầu một sự thay đổi lớn. Nếu so sánh giai đoạn lịch sử này với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và gói cứu trợ của chính phủ Mỹ, chúng ta sẽ thấy rằng chỉ cần điều chỉnh niên đại và danh xưng một chút thì hoàn toàn có thể đăng trên trang nhất Tạp chí Phố Wall ngày nay, với tựa đề là "Giải cứu ngân hàng và cải cách tài chính: Bộ Tài chính và phía ngân hàng đã đạt được mục tiêu đồng thuận".

Nhân loại là những vòng lặp của lịch sử, và lần này cũng không ngoại lệ.

Trích "Chương 1, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét