Nước Đức cái nôi của các chủ ngân hàng quốc tế - phần 10

Cuộc chiến Pudan: nơi quyền lực tài chính phô diễn sức mạnh của mình

Cách duy nhất của Bismarck là bỏ qua sự khống chế ngân sách của Quốc hội và tiếp cận các nguồn tài trợ khác. Ông đặt hy vọng vào chính ngân hàng tư nhân của mình – Breslauer. Breslauer có mối quan hệ mật thiết với gia tộc Rothschild với quyền thế tột đỉnh. Họ không chỉ có thể giải quyết các vấn đề tài chính lớn mà còn có sức ảnh hưởng đến hoàng đế Napoléon III của Pháp. Trong cuộc chiến chống lại Đan Mạch, thái độ trung lập của Napoléon III chính là chìa khóa quyết định thành bại.

Breslauer vốn luôn đứng sau Bismarck lặng lẽ quan sát sóng gió bên trong nền chính trị Phổ, và tính toán xem nên tận dụng những biến động chính trị này như thế nào để tìm kiếm các lợi ích kinh tế lớn. Xét từ quan điểm yêu-ghét cá nhân, với tư cách là người Do Thái thì gia tộc Breslauer nghiêng về chủ nghĩa tự do. Trên thực tế, người Do Thái cũng đã trở thành một lực lượng quan trọng trong cuộc Cách mạng 1848, đấu tranh vì quyền lợi và sự công bằng của chính họ. Nhưng với tư cách một ngân hàng, phán đoán của họ phải vô cùng lý trí, thậm chí là lạnh lùng, họ buộc phải lựa chọn lợi ích!

Thông qua việc trao đổi qua thư từ mật thiết hằng ngày giữa Breslauer với gia tộc Rothschild, tình hình thị trường thương mại, tình báo chính trị và quân sự của Berlin không ngừng chảy đến James Rothschild ở Paris. Trong tin tình báo ngày 1 tháng 5 năm 1863, Breslauer tiết lộ rằng cuộc khủng hoảng Đan Mạch đã khiến cho "Bộ trưởng (Tài chính) của chúng tôi phải lên kế hoạch vay 50 triệu taylor để xây dựng hải quân, thế nhưng cũng chính nhờ điều đó đã làm cho khoản vay giảm xuống còn 30 triệu taylor, chủ yếu dùng để phòng thủ cảng ở biển Baltic… Sự kiện của Đan Mạch có thể tạo ra cục diện phức tạp, nhưng tạm thời trong ba tháng tới sẽ không có hành động nào, vì việc chuẩn bị quân sự vẫn chưa hoàn tất.

Từ tháng 5 đến tháng 11 năm 1863, công tác chuẩn bị chiến tranh của Bismarck diễn ra hết sức căng thẳng, trong khí đó áp lực tài chính ngày một gia tăng. Sau nhiều lần tham khảo ý kiến của gia tộc Rothschild, gia tộc Breslauer cuối cùng đã đưa ra mức giá cho Bismarck vào tháng 11. Lời khuyên của gia tộc Breslauer rất đơn giản, Phổ có thể rao bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước để lấy tiền đầu tư. Họ tỏ ra thích thú với các mỏ than có trữ lượng tốt ở vùng Saar. Những mỏ than này chủ yếu nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Phổ, và gia tộc Breslauer đề xuất bán các mỏ than này cho gia tộc Rothschild ở Pháp. Trên thực tế, từ năm 1861, đã có tin đồn rằn gia tộc Rothschild sẵn sàng trả 20 triệu taylor để mua các mỏ than ở khu vực Saar. Bismarck sớm biết rằng Napoléon III cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Thậm chí, Napoléon III còn trực tiếp "ngửa bài" với Bismarck: nếu muốn Pháp giữ thái độ trung lập trong Chiến tranh Pudan thì Phổ phải đem mỏ than ra giao dịch. Đầu năm 1864, tin tức mỏ than của Phổ sắp bán cho Pháp được truyền thông Pháp xới tung trên các mặt báo. Wilhelm I không thể giữ được thể diện. Kế hoạch tài chính của Bismarck đành bị đình chỉ.

Ngày 7 tháng 12 năm 1863, trong một lá thư gửi gia tộc Rothschild, gia tộc Breslauer tiết lộ rằng, chính phủ sắp đệ trình ngân sách 10 triệu taylor cho Quốc hội, nhưng Quốc hội có thể sẽ bác bỏ. Hai ngày sau, Bismarck đề xuất ngân sách 12 triệu taylor cho Chiến tranh Pudan. Thời điểm đó, khoản tiền trong quốc khố Phổ có thể sử dụng để tài trợ cho chiến tranh với Đan Mạch là 21 triệu taylor, nhưng từ những đánh giá thận trọng về vấn đề chi tiêu trong chiến tranh, Bismarck tin rằng số tiền này phải được bảo lưu trong trường hợp bất trắc. Ngày 22 tháng 1 năm 1864, Quốc hội phủ quyết đề xuất của Bismarck với tỉ lệ chênh lệch: 275 phiếu phản đối và 51 phiếu đồng thuận.

Bismarck đành phải nghĩ cách khác để tìm kiếm nguồn tiền. Đúng lúc đó, gia tộc Ngân hàng Raphael von Erlanger tại Frankfurt tự tìm đến và đề nghị cho vay 15 triệu taylor, Bismarck nghe vậy thì vui mừng khôn xiết. Sự việc này lại khiến gia tộc Rothschild hết sức phẫn nộ. Ban đầu gia tộc Erlanger chỉ là "môn hạ" của gia tộc Rothschild. Nhưng sau đó, họ đã trở thành một trong những ngân hàng quốc tế cạnh tranh trực tiếp với gia tộc Rothschild. Từ xưa đến nay, gia tộc Rothschild luôn căm hận sự phản bội của các "môn hạ", chưa kể gia tộc Erlanger thường lấy gia tộc Fould của Pháp và gia tộc Bellella để tranh giành mối làm ăn với gia tộc Rothschild.

James Rothschild không tiếc lời trách móc gia tộc Breslauer là những kẻ bất lực. Gia tộc Breslauer vội vàng đảm bảo rằng, Quốc hội sẽ kiên quyết phản đối bất kỳ ngân hàng nào đứng ra cho chính phủ vay mà không có sự chấp thuận và ủy quyền của Quốc hội, "cách thức cho chính phủ vay của gia tộc Erlanger đã hoàn toàn bị phủ quyết".

Liên quân Phổ chính thức phát động cuộc chiến chống Đan Mạch vào ngày 1 tháng 2 năm 1864. Ngày 3 tháng 2, khi gặp Bismarck, gia tộc Breslauer một lần nữa thay mặt gia tộc Rothschild cảnh báo rằng, Bismarck không được chấp nhận các khoản vay từ gia tộc Erlanger. Gia tộc Rothschild thậm chí còn yêu cầu Bismarck làm mất uy tín của gia tộc Erlanger trên các phương tiện truyền thông của Phổ. Bismarck đã từ chối yêu cầu quá đáng này, nhưng đảm bảo rằng chính phủ Phổ sẽ cân nhắc cẩn thận việc hợp tác với gia tộc Erlanger.

Sau đó gia tộc Breslauer đưa ra đề xuất mới cho Bismarck, Quốc hội phải cam kết phê duyệt hạn ngạch cho vay để xây dựng đường sắt, quy định mức chiết khấu đầu tư cho các chủ ngân hàng, sau đó bán trái phiếu đầy đủ cho các nhà đầu tư. Trong tuần đầu tiên của cuộc chiến, Bismarck lo lắng về chi phí chiến tranh còn hơn cả cục diện xảy ra trên chiến trường. Chi phí chiến tranh rõ ràng vượt quá dự đoán của ông. Nếu nguồn tiền không cung ứng kịp thời thì đại quân của Bismarck chỉ có thể cầm cự được khoảng hai tháng. Nếu trong lúc đó chiến tranh vẫn chưa kết thúc, Bismarck sẽ mắc kẹt trong hàng ngàn hàng vạn chỉ trích điên cuồng từ Quốc hội và sự chế nhạo của các cường quốc châu Âu. Sẽ không quá lời khi nói rằng cái tên Bismarck sẽ trở thành trò cười cho cả châu Âu, và bản thân ông cũng sẽ bị xóa khỏi vũ đài lịch sử.

Đầu tháng 3, Ngân hàng Phổ đạt được thỏa thuận bí mật với gia tộc Erlanger. Gia tộc Rothschild nghe tin như sét đánh ngang tai, họ lại tiếp tục mắng chửi gia tộc Breslauer là những kẻ vô dụng. Ngày 14 tháng 3, gia tộc Breslauer trả lời rằng "Bismarck không hề biết về chuyện này, và ông ấy đang cảm thấy hết sức bối rối". Bismarck hứa sẽ khiển trách Bộ trường Bộ Tài chính – người trực tiếp liên quan đến việc này.

Đường nhiên. Bismarck không phải là dạng vừa. Ông nhận ra mâu thuẫn giữa gia tộc Rothschild và gia tộc Breslauer, nên vô tình hữu ý phóng đại mối uy hiếp tiềm tàng của gia tộc Erlanger, mục đích là để nhanh chóng nhận được khoản vay với điều kiện tốt nhất từ gia tộc Rothschild. Ông đã áp dụng một cách khôn khéo chiến lược "chia để trị" trong chính trị quốc tế vào phương diện tài chính, và thủ đoạn "dùng tiền trị tiền" này quả thực rất đỗi cao tay. Cuối cùng, Bismarck nhận được khoản tài trợ chiến tranh với mức lãi suất 4,5%, còn gia tộc Rothschild đút túi khoản phí đại diện tài trợ khá hậu hĩnh.

Ngày 18 tháng 4 năm 1864, Phổ đã giành chiến thắng quyết định. Tuy nhiên, chi phí chiến tranh cũng gây ra khủng hoảng nghiêm trọng. Hè năm 1864, Bismarck cảm thấu đau đầu bởi khả năng thanh khoản hết sức khó khăn do Chiến tranh Pudan gây ra. Chi phí cho chiến tranh tổng cộng là 22,5 triệu taylor, thặng dư tài chính trị giá 5,3 triệu taylor cùng 17 triệu taylor vốn huy động từ chính phủ Phổ đã cạn kiệt".

Thông qua cuộc chiến, cuối cùng Bismarck đã ý thức được tầm quan trọng của tiền bạc, đặc biệt là ở những thời điểm then chốt, các chính trị gia thường chịu ép buộc phải thực hiện những thỏa hiệp quan trọng với các chủ ngân hàng. Chiến tranh Pudan xảy ra cùng thời điểm với cuộc Nội chiến Mỹ. Trong những bình luận về cuộc chiến và vụ ám sát Lincoln, Bismarck từng nói: "Không còn nghi ngờ gì nữa, việc chia tách Mỹ thành hai liên bàng với thực lực tương đối yếu ở miền Bắc và miền Nam sớm đã được các cường quốc tài chính châu Âu giải quyết trước khi cuộc nội chiến này bùng nổ… Quốc hội cho phép ông Lincoln vay bằng cách bán trái phiếu chính phủ cho người dân, như vậy chính phủ và đất nước có thể nhảy ra khỏi cái bẫy của các nhà tài chính nước ngoài. Và khi các ngân hàng quốc tế hiểu rằng Mỹ sắp thoát khỏi quyền kiếm soát của mình thì đường nhiên, cái chết của Lincoln không còn xa nữa. Cái chết của Lincoln là một mất mát rất lớn đối với thế giới Cơ-đốc giáo. Có thể sẽ chẳng có ai ở Mỹ có thể đi theo những dấu chân vĩ đại của ông ấy, và các chủ ngân hàng sẽ lấy lại quyền kiểm soát giới nhà giàu. Tôi lo lắng rằng các chủ ngân hàng nước ngoài cuối cùng sẽ giành được sự giàu có của Mỹ bằng những thủ đoạn cao siêu và tàn nhẫn, rồi sau đó sử dụng nó để ăn mòn một cách có hệ thống nền văn minh hiện đại".

Câu nói của Bismarck có lẽ được thốt ra từ tình cảm của ông.

Cuộc chiến Pudan là chiến thắng lớn đầu tiên của Bismarck, một mũi tên trúng nhiều mục đích. Thứ nhất là lợi dụng đối thủ Áo để đạt được các mục tiêu chiến lược của riêng mình, thứ hai là ly gián mối quan hệ giữa Áo và các đồng minh, và thứ ba là đè bẹp sự chống đối của phe tự do trong nước.

Trích "Chương 1, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét