Nước Anh đỉnh cao của quyền lực tài chính - phần 3

Hà Lan: đỉnh cao của chủ nghĩa tư bản thương mại

Trước khi London trỗi dậy, Amsterdam đã từng là trung tâm tài chính châu Âu. Hà Lan phất lên nhờ kinh doanh thương mại với phương Đông, dựa vào sức mạnh của ngành công nghiệp đóng tàu, họ cạnh tranh quyết liệt với Bồ Đào Nha để nắm giữ thị trường thương mại phương Đông. Từ năm 1650 đến 1665, các nhà máy đóng tàu của Hà Lan đều sử dụng các loại máy móc hỗ trợ giúp tăng nhanh tốc độ đóng tàu, mỗi tàu có thể được hoàn thành trong gần một ngày. Thời điểm đó, Hà Lan có hàng chục nghìn tàu, chiếm ¾ tổng lượng vận tải đường biển châu Âu. Hầu hết các loại hàng hóa thương mại trên khắp thế giới đều do các tàu buôn Hà Lan vận chuyển. Hà Lan trở thành "phu xe ngựa trên đại dương". Tổng số thủy thủ ở Hà Lan lên tới 250.000 người. Trong khi đó, Bồ Đào Nha chỉ có khoảng 300 đội tàu vận chuyển và 4.000 thủy thủ. Trải qua 60 năm cạnh tranh thương mại và xung đột vũ trang, cuối cùng Hà Lan đã đánh bại Bồ Đào Nha vào nửa cuối thế kỷ XVII, kiểm soát Mũi Hảo Vọng và biến nó thành nút giao thương mại Đông Tây. Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty Đông Ấn Hà Lan có 15.000 chi nhánh và hoạt động thương mại chiếm một nửa tổng số giao dịch của thế giới. Hơn 10.000 tàu buôn treo cờ ba màu Hà Lan đi khắp bốn đại dương, và Hà Lan đã trở thành nòng cốt của thế giới tư bản thương mại.

Sự tăng trưởng bùng nổ của thương mại Hà Lan tạo ra nhu cầu cực lớn đối với các dịch vụ tài chính. Năm 1609, ngân hàng quốc gia đầu tiên trên thế giới – Ngân hàng Amsterdam được thành lập.

Một trong những lý do quan trọng cho việc thành lập ngân hàng Amsterdam là để quy hoạch lại ngành tài chính vốn rất hỗn loạn vào thời điểm đó. Có hai quần thể lớn trong ngành tài chính ở Amsterdam, một là các ngân hàng Do Thái của những ông chủ di cư từ Antwerp, hai là các ngân hàng địa phương do những ông chủ thuộc phái Kitô hữu quản lý. Nghiệp vụ chủ yếu của các ngân hàng Do Thái là kỹ năng "giữ nhà" truyền thống của họ: trao đổi tiền tệ, chiết khấu hóa đơn, thu giữ tiền gửi và phát hành khoản vay. Một vấn đề hết sức trọng yếu tồn tại trong những nghiệp vụ này đó là sự khác biệt cực lớn về lãi suất và sự hỗn loạn trong quản lý.

"Lý do chính thành lập Ngân hàng Amsterdam không phải là để cung cấp tín dụng, mà là để ngăn chặn tình trạng đầu cơ tràn lan trong quá trình trao đổi tiền tệ và chiết khấu hóa đơn, từ đó cung cấp (cho thương mại) một môi trường dịch vụ tài chính hiệu quả và ổn định. Điểm mấu chốt của Ngân hàng Amsterdam (BAR) là nó công khai hơn các ngân hàng tư nhân, chứ không phải là cơ cấu quản lý của nó".

Trong hơn 100 năm kể từ khi thành lập, ngân hàng Amsterdam đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại Hà Lan, củng cố vị thế của Hà Lan như một trung tâm thương mại của thế giới, tạo ra sự phồn vinh và thịnh vượng chưa từng có cho Hà Lan. Một số gia tộc thuộc hạng "cự phú" (cực giàu) đã xuất hiện, và gia tộc Hope là một trong những đại diện nổi bật.

Tổ tiên của gia tộc Hope là một thương nhân người Scotland. Ông tham gia vào các hoạt động vận chuyển, kho bãi, bảo hiểm và tín dụng ở Amsterdam và Rotterdam, Hà Lan. Ông điều hành hoạt động cho các tín đồ giáo phái di cư đến lục địa mới ở Rotterdam và thực hiện các thương vụ buôn bán nô lệ ở Amsterdam. Việc giúp các tín đồ giáo phái di cư giáo hội sẽ trả công là 60 đồng. Còn việc buồn bán nô lệ thì do trong quá trình vận chuyển trên biển, các nô lệ bị đối xử hết sức tàn nhẫn, mức độ tử vong bình quân là 16%. Trong toàn bộ Chiến tranh Bảy năm (1756-1763), gia tộc Hope đã kiếm bội tiền nhờ hoạt động đầu cơ này.

Sau khi Chiến tranh Bảy năm kết thúc, gia tộc Hope bước chân vào lĩnh vực tài chính quốc tế và thu xếp các khoản vay cho chính phủ Thụy Điển, Nga, Bồ Đào Nha và Bavaria. Họ dẫn dắt các tập đoàn Anh – Hà Lan bảo lãnh những khoản nợ quốc gia này, và bản thân Hope tự trích ra 5% - 9% phí hoa hồng. Gia tộc này cũng tập trung vào việc cho các chủ trang trại vùng Tây Ấn vay tiền để nhận lại đường, cà phê và thuốc lá, sau đó bán chúng trên thị trường Amsterdam. Gia tộc Hope đã cho hoàng gia Bồ Đào Nha vay một khoản lớn, nên chính phủ Bồ Đào Nha nhượng quyền cho Hope vận hành việc buôn bán kim cương ở Brazil, biến Amsterdam thành trung tâm buôn bán kim cương của châu Âu.

Khách hàng quan trọng nhất của gia tộc Hope là nữ hoàng Nga – Catherine Đại đế, và cũng vì Hope cho chính phủ Sa hoàng vay một khoản vốn lớn, nên Catherine Đại đế cho phép ông độc quyền nhập khẩu đường từ Nga và đại diện cho Nga kinh doanh lương thực và gỗ trên thị trường châu Âu. Thông qua việc điều hành các nghiệp vụ thương mại và tài chính, Hope gần như trở thành gia tộc giàu nhất châu Âu thời bấy giờ. Họ không chỉ nắm quyền kiếm soát công ty Đông Ấn và công ty Tây Ấn của Hà Lan, mà còn liên kết với Vương quốc Anh tạo nên tập đoàn Ngân hàng Anh – Hà Lan, dùng sức mạnh tài chính tác động đến các vấn đề chính trị và đối ngoại của các nước châu Âu và Mỹ.

Từ năm 1779, Henry Hope trở thành người đứng đầu của gia tộc Hope. Năm 1786, Adam Smith dành tặng ấn bản thứ tư của cuốn sách vĩ đại The Wealth of Nations (Adam Smith, Của cải của các dân tộc, NXB giáo dục, 1997 - ND) cho Henry Hope:

Tôi không thay đổi bất kỳ điều gì cho phiên bản thứ 4 này. Song, bây giờ tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải cảm ơn ngài Henry Hope của Amsterdam. Với một đề tài hết sức thú vị và quan trọng như Ngân hàng Amsterdam, chính nhờ người đàn ông này mà tôi có được những thông tin độc đáo và sâu rộng. Trước khi ông ấy ngỏ lời giúp tôi, các tư liệu liên quan đến Ngân hàng Amsterdam không thể làm tôi hài lòng, thậm chí là rất khó lý giải. Ở châu Âu, không ai không biết đến tên tuổi của người đàn ông này. Bất luận là ai có được những thông tin như vậy từ ông ấy đều sẽ cảm thấy vô cùng vinh hạnh. Tôi rất muốn dành lời cảm ơn tới Henry Hope, tôi sẽ có vinh hạnh làm điều đó trong những trang đầu tiên của phiên bản mới nhất của tác phẩm này, coi như là lời quảng cáo tốt nhất cho ấn phẩm.

Trong cộng đồng ngân hàng châu Âu vào thời điểm đó, việc thiết lập mối quan hệ kinh doanh với gia tộc Hope cũng đồng nghĩa với việc có được tấm giấy thống hành để đi thẳng đến sự giàu có và quyền lực. Francis Barings là một trong những người may mắn.

Trích "Chương 2, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét