Nước Đức cái nôi của các chủ ngân hàng quốc tế - phần 14

Chiến tranh Phổ-Pháp: đại pháo rền vang, hoàn kim vạn lượng

Người thua cuộc bất lực nhất trong Chiến tranh Phổ-Áo không ai khác chính là Napoléon III của Pháp, ông chỉ biết giương mắt chứng kiến nước Phổ nổi lên nhanh chóng mà chẳng làm gì được. Trước chiến lược lừa gạt của Bismarck, Pháp chẳng những không nhận được bất kỳ khoản "bồi thường trung lập" nào đáng kể, mà còn bị Bismarck chế giễu về vấn đề của Luxembourg. Napoléon III xa cách với Áo là một sai lầm, cũng chẳng khác nào Sở Hoài Vương "dâng 500 dặm đất Thương Vu" để làm mồi nhử, khiến cho nước Sở và nước Tề cắt đứt quan hệ với nhau, Sở Hoài Vương và Napoléon III đều thuộc típ người tham lam, tuy có chí lớn nhưng tài lược thì hạn chế.

Bấy lâu nay Vương quốc Anh vẫn luôn là kẻ gạo cội trong bàn cờ của các nước lớn, nhưng lúc này cũng chưa đưa ra một quyết sách nhạy bén nào để đối phó với viễn cảnh nước Đức sắp thống nhất và trở thành kỳ phùng của Anh. Nước Anh vẫn còn bị dắt mũi trước sự hư trương thanh tế của Napoléon III, đánh giá quá cao sức mạnh Đế chế Thứ hai của Pháp. Pháp xây dựng kênh đào Suez năm 1859, đến năm 1869 đã chính thức thông thuyền. Vương quốc Anh coi đây là mối đe dọa trực tiếp với Trung Đông và Ấn Độ - hai thuộc địa của mình. Nếu tuyến giao thông giữa Anh và Ấn Độ bị phá vỡ thì điều đó chẳng khác gì cắt đứt xương sống của Đế quốc Anh. Đây là điều mà những người theo chủ nghĩa đế quốc ở Anh không thể nhẫn nhịn. Thế là chính phủ Anh với tầm nhìn thiển cận đã quyết định sử dụng Phổ làm đối trọng với Pháp và bật đèn xanh cho sự thống nhất nước Đức. Hay nói cách khác, mối bận tâm của Anh với nước Pháp đã lấn át nỗi lo lắng của việc nước Đức thống nhất.

Còn nước Nga, sau thất bại thảm hại trong Chiến tranh Crimea thì quan hệ giữa họ với Anh và Pháp trở nên lạnh nhạt. Bề ngoài họ giữ thái độ trung lập, nhưng thực tế lại ủng hộ Phổ gây chiến với Pháp để có thể ngư ông đắc lợi, báo thù năm xưa. Vị Sa hoàng trì trệ và khép kín của họ đang mải mê tập trung quạt gió thổi lửa vùng Balkan hòng kiếm chác chút lợi ích vặt vãnh. Họ hoàn toàn không thèm để tâm đến Đức – một liên bang lỏng lẻo gồm hàng chục tiểu quốc mà năm xưa đã liên minh cùng họ đánh Pháp, chính vì lẽ đó, họ đã đặt nền móng cho sự bại vong của chính mình trong tương lai.

Thất bại mới nhất của Áo đã khiến họ gần như phá sản. Mặc dù muốn ủng hộ Pháp báo thù Phổ, nhưng lực bất tòng tâm.

Nếu nói rằng, Bismarck là một chiến lược gia vĩ đại, chi bằng hãy coi ông ấy là một nhà mạo hiểm may mắn. Vận may của ông nằm ở sự sơ suất trong chiến lược của các đối thủ và sự trỗi dậy nhanh như chớp mà ngay cả ông cũng không nghĩ tới. Sau khi chiến tranh Phổ-Áo kết thúc, chỉ mình Bismarck biết rõ rằng muốn hoàn thành đại nghiệp thống nhất nước Đức thì buộc phải tìm cách đánh bại Pháp – một đối thủ hùng cường. Cuộc chiến Phổ-Pháp là không thể tránh khỏi.

Ngòi nổ của Chiến tranh Pháp-Phổ là sự kiện được gọi tên "Điện tín Ames". Đầu tháng 7 năm 1870, một vị hoàng tử gia tộc Phổ - Hohenzollern được bầu làm người thừa kế ngai vàng Tây Ban Nha. Napoléon III viện lý do là Pháp không thể chấp nhận mối đe dọa từ cả phương Đông và phương Tây, nên ra lệnh cho đại sứ Pháp tại Phổ lên tiếng phản đối. Thời điểm đó, Wilhelm I đang nghỉ ngơi tại suối nước nóng Ames, ông nói với đại sứ Pháp rằng, gia tộc Hohenzollern có thể xem xét từ bỏ quyền thừa kế ngai vàng Tây Ban Nha. Nhưng Napoléon III vẫn không chịu nhượng bộ, ra lệnh cho đại sứ Pháp tìm đến Wilhelm I, yêu cầu ông đảm bảo bằng văn bản. Wilhelm I hứa sẽ quay lại Berlin để thương lượng vấn đề và gửi một bức điện tín cho Bismarck. Bismarck đã xóa một số nội dung của bức điện tín, biến nó thành thông điệp rằng Wilhelm I từ chối đàm phán với đại sứ Pháp và đăng nó trên báo. Ngày 19 tháng 7 năm 1870, Napoléon III tuyên chiến với nước Phổ với lý do bị xúc phạm.

Nhưng lúc này, Pháp thậm chí không có lấy một đồng minh.

Với tư cách là công thần của cuộc chiến Phổ-Áo, địa vị của Breslauer không còn như xưa, từ một tiểu tốt, giờ đây họ đã trở thành một đối tác bình đẳng của gia tộc Rothschild. Sự tin tưởng của Bismarck dành cho Breslauer vượt quá cả sự kính sợ của ông đối với gia tộc Rothschild, không lâu sau cuộc chiến Phổ-Áo kết thúc. Bismarck kiên quyết chuyển tài sản trong tất cả các tài khoản riêng của mình từ Ngân hàng Rothschild ở Frankfurt sang Ngân hàng Breslauer.

10 ngày trước khi cuộc chiến nổ ra, trong bức mật thư gửi đến Bismarck để dò hỏi về khả năng xảy ra cuộc chiến, Breslauer đã khôn khéo nhắc tới tình hình đầu tư liên quan đến các tài khoản riêng của Bismarck. Ông đã hỏi rằng:

Theo đánh giá cá nhân, tôi không cho rằng những tình huống chính trị nghiêm trọng đã thực sự xuất hiện, vì vậy tôi không rao bán tài sản trong tài khoản của ngài. Nếu phán đoán của tôi là sai, và ngài nghĩ rằng sẽ có nhiều điều chẳng mấy vui vẻ sắp xảy ra, tối rất mong ngài đưa ra cảnh báo kịp thời.

Quả nhiên, chuyện này liên quan đến sự tổn hại tài sản cá nhân của Bismarck, nên Bismarck không dám bỏ bê. Ngày hôm sau, thư hồi âm đã được gửi đến, nhưng với tên của bà Bismarck:

Anh ấy nghĩ rằng những người khác sẽ đột nhiên tấn công chúng tôi, vì cuộc bỏ phiếu ở Tây Ban Nha không đáp ứng nguyện vọng của bất cứ ai. Tuy nhiên, anh ấy dự cảm rằng chiến tranh chắc chắn sẽ xảy ra. Vì vậy, việc bán cổ phiếu đường sắt có lẽ là một ý tưởng hay. Dù sao, anh ấy cũng cần tiền ở đây.

Sau khi nhận được hồi âm, Breslauer hiểu rằng cuộc chiến sắp bắt đầu. Ngày hôm sau, ông gửi thông tin cực kỳ có giá trị đến Rothschild ở Paris: "Giá cổ phiếu sẽ nhanh chóng sụt giảm". Đồng thời, ông chỉ thị cho đội ngũ nhân viên ở châu Âu rao bán tất cả tài sản của mình, thậm chí là chấp nhận lỗ vốn. Breslauer không thể để tâm quá nhiều vào lúc này.

Cuộc chiến Phổ-Áo cũng đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng hiến pháp của Phổ, chính phủ của Bismarck đã đạt được tự do tài chính đáng kể. Ngày 21 tháng 7 năm 1870, Hội đồng Liên minh Bắc Đức do Phổ lãnh đạo đã phê chuẩn gói tín dụng chiến tranh trị giá 120 triệu taylor.

Trong những ngày đầu của cuộc chiến, thị trường chứng khoán Berlin rơi vào trạng thái hoảng loạn, các cổ phiếu chất lượng cao như đường sắt Köln-Minden cũng lao dốc gần 30%. Chính phủ Phổ rao bán khẩn cấp 100 triệu taylor trái phiếu chiến tranh đợt đầu, thử thoát khỏi các kênh bảo lãnh vốn bị lũng đoạn bởi các chủ ngân hàng và trực tiếp bán chúng ra thị trường, với điều kiện lãi suất 5% và chiết khấu 12%. Các chủ ngân hàng đề xuất chiết khấu 15%, nhưng Chính phủ đã từ chối.

Oppenheimer nhấn mạnh trong lá thư gửi Breslauer rằng: "Đây là một điều kiện nực cười trong tình hình thị trường hiện tại". Việc rao bán trái phiếu đã thất bại thảm hại và chỉ bán được 60 triệu taylor. Gốc rễ của vấn đề là nếu chính phủ rao bán trực tiếp thì các ngân hàng sẽ không thể kiếm được khoản phí bảo lãnh, do đó họ đã áp dụng hành vi chống đối tập thể. Điều này đã một lần nữa chứng minh uy lực của câu nói "ái nắm được kênh dẫn vốn thì kẻ đó là vua" trên thị trường tài chính.

Ngày 1 tháng 9 năm 1870, trận chiến Sedan giữa quân đội hai nước Phổ-Pháp nổ ra, kết quả là quân Pháp lại một lần nữa thảm bại. Hôm sau, Napoléon III đã dẫn 100.000 quân Pháp ra đầu hàng. Đến ngày 4 tháng 9, các công nhân Paris tổ chức một cuộc vũ trang nổi dậy và lật đổ sự cai trị của Napoléon III.

Sau trận chiến Sedan, có tới gần 300.000 tù binh Pháp bị Phổ giam cầm. Breslauer nhận thức sâu sắc đây là một cơ hội tuyệt với để kiếm tiền, ông chủ động đứng ra nhận "trách nhiệm" thay mặt các tù binh chiến tranh thanh toán chi phí sinh hoạt mỗi tháng cho Phổ. Đối với ông đây chính là một thương vụ làm ăn "thu lãi không lỗ", bất kể ai đại diện cho chính phủ Pháp trong tương lai, họ đều phải trả tiền gốc và lãi cho khoản vay thanh toán chiến phí này. Breslauer không sợ người Pháp chây ì trả nợ, bởi nếu quân đội Phổ không nhận được tiền bồi thường chiến tranh thì họ chắc chắn sẽ không rời khỏi đất Pháp. Trong khi đó quân đội Pháp đã hoàn toàn sụp đổ, và hoàn toàn không có khả năng khôi phục trong thời gian ngắn.

Khi chiến tranh đến gần và bùng nổ, việc liên lạc thư tín hằng ngày của Breslauer và Rothschild ở Paris ngày càng khó khăn hơn. Sau đó, việc liên hệ trực tiếp giữa Berlin và Paris buộc phải chuyển qua Brussels và Amsterdam. Breslauer thường xuyên báo cáo về tình hình thị trường Berlin. Trước khi xảy ra trận chiến Sedan, Breslauer thông báo khẩn cấp cho Rothschild, yêu cầu họ rao bán cổ phần tuyến đường sắt Köln-Minden càng sớm càng tốt. Breslauer cũng thay mặt gia tộc Rothschild rao bán 1.250 cổ phiếu đường sắt với giá 128 taylor/cổ phiếu, vào tháng 7 thì mức gia là 95,72 taylor.

Sau ngày 5 tháng 9, liên lạc giữa hai bên bị gián đoạn, Paris bị vây chặc vào ngày 20 tháng 9 và Rothschild mắc kẹt ở Paris. Mãi đến tháng 2 năm 1871 mới kết nối lại. Trong quãng thời gian này, gia tộc Rothschild ở Paris chỉ có thể thỉnh thoảng gửi tin đi bằng khinh khí cầu. Ngày 5 tháng 10, quân đội Phổ trưng dụng trang viên Ferriere's Manor của gia tộc Rothschild làm sở chỉ huy của Wilhelm I, Bismarck và Thống chế Phổ. "Cuộc họp Ferrie nổi tiếng tổ chức tại đây, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đã cố gắng thuyết phục Bismarck ký kết hiệp ước hòa bình nhưng không có kết quả.

Cuối tháng 10 năm 1870, rút kinh nghiệm từ bài học trước, chính phủ Phổ chỉ định Hansman thành lập một tổ chức bảo lãnh phát hành tại London và Berlin để rao bán trái phiếu chiến tranh đợt hai trị giá 20 triệu taylor. Tình hình chiến sự khả quan của quân Phổ, khiến giá trái phiếu ngày một tăng lên, Chính phủ sẽ có thể sớm gỡ bỏ một số khoản tín dụng thế chấp. Cuối cùng, lãi suất khối nợ quốc gia dành cho chiến tranh được định mức 5% và thời gian đáo hạn là 5 năm. Những khoản tiền tài trợ chiến tranh khổng lồ liên tục chảy đến đại quân Phổ ở mặt trận Pháp. Ngày 30 tháng 11, một lần nữa, các chủ ngân hàng đã tiếp tục nỗ lực để huy động thành công 34 triệu taylor trái phiếu ở Anh với chiết khấu 0,8%, và họ có quyền lựa chọn phát hành thêm 17 triệu taylor nữa. Trong lúc đó, mặc dù người Anh bắt đầu dành sự thương cảm cho nước Pháp đen đủi, nhưng trái phiếu của nước Pháp gần như chẳng thể bán được ở Anh, vậy là trên trận tuyến vô hình mang tên "tài chính", nước Pháp một lần nữa lại thất bại.

Ngày 18 tháng 1 năm 1871, Vua Wilhelm I của Phổ đã lên ngôi hoàn đế tại Cung điện Versailles, và Đế quốc Đức đã tuyên bố thành lập. Đến ngày 28, các bên tham chiến ký một hiệp định đình chiến, sang ngày 26 tháng 2 thì ký hiệp ước hòa bình sơ bộ.

Tại thời điểm này, khi cuộc chiến tranh Pháp-Phổ kết thúc, tổng chi phí cho cuộc chiến ở Phổ là 22 triệu taylor.

Trích "Chương 1, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét