Nước Đức cái nôi của các chủ ngân hàng quốc tế - phần 9

Cuộc khủng hoảng Đan Mạch: cơ hội bất ngờ của Bismarck

Ẩn phía sau bất kỳ cuộc chiến nào cũng là tiền, và kẻ nào sở hữu nguồn lực kinh tế lớn hơn, kẻ đó càng có nhiều khả năng giành chiến thắng cuối cùng. Tiền bạc là vấn đề nan giải đầu tiên mà Bismarck gặp phải trong tiến trình thống nhất nước Đức.

Khi Wilhelm I kế vị ngai vàng ngăm 1861, khó khăn chính của ông là Quốc hội do phe tự do nắm giữ. Kể từ cuộc Cách mạng tư sản Pháp vào cuối thế kỷ XVIII, chủ nghĩa tự do với khái niệm dân chủ là cốt lõi đã càn quét khắp châu Âu, đặc biệt là sau cuộc Cách mạng năm 1848, ảnh hưởng của những người tự do ở châu Âu trở nên sâu rộng hơn rất nhiều, thậm chí các phương thức bạo lực đẫm máu đã được sử dụng để cố gắng phá vỡ hoàn toàn cấu trúc quyền lực chuyên chế phong kiến. Ở Phổ, nơi truyền thống tư tưởng bảo thủ hơn, những người tự do tỏ ra háo hức với mô hình dân chủ của Pháp và Anh, nhưng từ tận đấy lòng, họ lại sợ cuộc các mạng đẫm mấu mà Pháp trải qua. Đây là điểm yếu chết người nhất của những người tự do Phổ. Họ vẫn là những người theo chủ nghĩa dân tộc địa phương, chẳng qua chỉ khoác lên mình một lớp vỏ bọc của chủ nghĩa tự do.

Wilhelm I đã kế thừa truyền thống của quân đội Phổ. Sự nghiệp cầm quân suốt nhiều năm giúp ông rèn luyện tư duy xây dựng quân đội. Năm 1848, ông về phe thiểu số kiên quyết nhất trong vấn đề sử dụng lực lượng quân sự để đàn áp cuộc Cách mạng châu Âu và phản đối bất kỳ thỏa hiệp chính trị nào. Ông tin rằng sức mạnh quân sự và sự tập trung hóa chính trị cao độ là điều tiên quyết cho sự trỗi dậy của nước Phổ. Điều này hoàn toàn tương đồng với quan điểm của Bismarck.

Năm 1862, dự luật cải cách quân đội của Wilhelm I liên tục bị Quốc hội cản trở. Ông quyết tâm đề cử Bismarck – một nhân vật vốn gây ra rất nhiều tranh cãi làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phổ. Trong bài phát biểu nhậm chức, Bismarck đề xuất lý luận "sắt và máu" nổi tiếng của mình. Ông nói: "Những vấn đề chính hiện tại không thể giải quyết bằng bài phát biểu và nghị quyết dựa trên đa số. Đây là sai lầm của chúng ta trong những năm 1848 và 1849. Chúng ta chỉ có thể giải quyết chúng bằng sắt và máu". Đồng thời, Bismarck cũng tiêm thêm một liều thuốc trợ tim cho Wilhelm I: "Nếu sớm muộn gì chúng ta cũng phải chết, liệu chúng ta có thể chết một cách vinh quang hơn hay không… Đức vua không còn đường lui nữa, chỉ còn cách tranh đấu thôi!". Kể từ đó, Bismarck giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của Wilhelm I cho chính sách của mình.

Cốt lõi của dự luật cải cách quân sự là tăng cường quân đội chính quy và làm suy yếu lực lượng vệ binh quốc gia. Theo dự luật này thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự thường xuyên sẽ kéo dài, từ hai năm thành ba năm. Lý do bề nổi dẫn tới sự phản đối của Quốc hội là chi tiêu quân sự quá lớn, nhưng nguyên nhân cốt lõi là họ bất mãn vì vai trò của lực lượng vệ binh quốc gia sẽ bị giảm cấp. Tập đoàn thế lực quý tộc phong kiến Junker đóng vai trò nòng cốt trong kết cấu của quân đội Phổ. Trong khi đó vệ binh quốc gia đại diện cho sức mạnh tư sản mới nổi của giai cấp trung lưu thành thị. Kết quả tất yếu của việc tăng cường quân đội chính quy là tăng cường hơn nữa sức mạnh chuyên chế của Phổ. Đây là một điều cấm kỵ đối với Quốc hội theo phe tự do. Thủ đoạn của họ là từ chối phê duyệt ngân sách của chính phủ và gây sức ép với Bismarck về vấn đề tiền bạc. Bismarck cũng không hề non kém, ngay lập tức ông đe dọa sẽ cho giải tán Quốc hội và nắm quyền mà không cần Quốc hội.

Trong khi hai bên đang rơi vào bế tắc, cuộc khủng hoảng Đan Mạch bất ngờ ập tới. Tháng 3 năm 1863, quốc vương Đan Mạch muốn sáp nhập hai vùng lãnh thổ đang có tranh chấp ở khu vực biên giới Pudan là Schleswig và Holstein vào bản đồ. Việc này ngay lập tức kích hoạt cảm xúc chủ nghĩa dân tộc Phổ. Mặc dù hai khu vực này được cai trị bởi Đan Mạch theo Hiệp ước London 1852, nhưng trên thực tế chủ quyền vẫn thuộc về Liên bang Đức. Những đám mây đen của chiến tranh bắt đầu bao phủ bầu trời nước Phổ.

Với Bismarck, đây đúng là cơ hội ngàn năm có một. Ông sẽ sử dụng chiến tranh với Đan Mạch để làm suy yếu sự chống đối của những người tự do trong nước và củng cố quyền lực của bản thân. Lúc này, Bismarck rất cần một chiến thắng trong cuộc chiến tranh với nước ngoài. Nếu phân tích từ phương diện chiến lược, có thể thấy thủ đoạn của Bismarck hết sức bình tĩnh và tinh quái. Để đạt được mục tiêu đánh bại Đan Mạch, ông tìm cách lôi kéo Áo. Cuối cùng, ông khéo léo đề xuất rằng Schleswig sẽ đặt dưới sự cai trị của Phổ, còn Holstein thuộc về Áo, và Áo đã hân hoan chấp nhận đề xuất này. Đồng thời, để tránh sự can thiệp của các cường quốc châu Âu khác, Bismarck đã vô về Anh, Pháp và Nga bằng cách ủng hộ "Hiệp ước London" và duy trì trật tự châu Âu hiện có.

Các thủ đoạn chính trị và kỹ năng ngoại giao của Bismarck trong cuộc khủng hoảng Đan Mạch đã phát huy hiệu quả tối đa, bộ máy quân sự của Phổ thừa sức đối phó với Đan Mạch, nhưng điều lo lắng nhất đối với Bismarck là khoản chi phí chiến tranh khổng lồ chưa thể giải quyết. Quốc hội vẫn kiên quyết phản đối chính sách đối nội và đối ngoại của ông, hoàn toàn không chấp nhận thông qua dự toán chiến tranh.

Trích "Chương 1, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét