Nước Đức cái nôi của các chủ ngân hàng quốc tế - phần 12

Tư nhân hóa đường sắt Köln-Minden: nguồn gốc của cuộc chiến Phổ-Áo

Chiến tranh hay hòa bình phụ thuộc vào phương hướng lưu chuyển của dòng tín dụng. Đến năm 1865, khoản kinh phí chiến tranh mà bấy lâu Bismarck mong chờ cuối cùng cũng đến. Đó chính là việc tư nhân hóa đường sắt Köln-Minden.

Tuyến đường sắt Köln-Minden là một trong những tuyến đầu tiên do Phổ xây dựng. Nó được thiết kế năm 1833 và hoàn thành năm 1859, trở thành điểm nhấn nổi bật nhất của hệ thống đường sắt Phổ. Ban đầu, dự án mở ra nhằm mục đích vận chuyển than từ khu vực Ruhr đến cơ sở sản xuất công nghiệp với chi phí thấp. Gia tộc Breslauer đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho tuyến đường Köln-Minden, không những rót vốn đầu mà còn tham gia điều hành công ty đường sắt này. Xét thấy hệ thống giao thông đường sắt có thể vận chuyển số lượng lớn binh lính và vật tư quân sự với chi phí thấp, việc quốc hưu hóa công ty đường sắt là hướng phát triển mang lại hiệu quả cho cuộc chiến trong tương lai.

Trên thực tế, Đường sắt Köln-Minden là cơ sở hạ tầng công cộng lớn do chính phủ Phổ quản lý ngay từ đầu. Chính phủ phổ thu mua trực tiếp 1/7 số cổ phiếu và dùng 14 triệu taylor để đảm bảo rằng cổ phiếu đó sẽ được phát hành với lợi tức đạt mức 3,5%. Đổi lại, chính phủ có thể mua cổ phiếu hiện hành của công ty trong nhiều đợt, cuối cùng trở thành cổ đông duy nhất của tuyến đường sắt này, hoàn thành việc quốc hữu hóa theo hình thức tịnh tiến. Năm 1854, dưới ảnh hưởng của trào lưu kinh tế thị trường tự do, chính phủ Phổ đình chỉ quá trình quốc hữu đó, đợi đến năm 1870 xem tình hình phát triển ra sao rồi mới quyết định có nên tiếp tục hay không. Tuy nhiên, sự bảo đảm của chính phủ đối với lợi tức của tuyến đường sắt này vẫn còn hiệu lực, khoản tiền đảm bảo 14 triệu taylor bị khóa trong một tài khoản đặc biệt và không thể sử dụng.

Bismarck cần khoản 60 triệu taylor cho công tác chuẩn bị chiến tranh với Áo và gia tộc Breslauer gánh trên vai trách nhiệm huy động khoản chi phí khổng lồ này. Ngay từ tháng 12 năm 1862, sau khi tính toán cẩn thận và cân nhắc nhiều lần, gia tộc Breslauer đã đề xuất một phương án gây rất nhiều tranh cãi – tư nhân hóa tuyến đường sắt Cologne-Minden. Phần cốt lõi của kế hoạch này là, nếu chính phủ phải bỏ ra một khoản vốn đầu tư cực lớn vào năm 1870 để mua lại cổ phần của công ty đường sắt, sẽ gây ra gánh nặng đối với chính phủ, chẳng thà bỏ việc quốc hữu hóa để ngay lập tức nhận khoản tiền bồi thường của công ty đường sắt, đồng thời cũng trút bỏ gánh nặng bảo đảm mức lợi tức của trái phiếu, có thể lập tức kích hoạt một phần khoản tiền 14 triệu taylor. Nhiều người kịch liệt phản đối khi chương trình này được công bố. Họ nghĩ rằng đề án của Breslauer thực chất là một âm mưu nhằm mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho các cổ đồng của công ty đường sắt, bao gồm cả gia tộc Breslauer, và hệ quả là chính phủ phải chịu tổn thất lâu dài. Theo đó, tổng cộng các loại quyền lợi mà chính phủ Phổ phải chịu tổn thất lên tới 30 triệu taylor, đổi lại chỉ có 10 triệu taylor tiền bổi thường và 14 triệu taylor tiền bảo đảm lợi tức (lúc này sẽ được dùng tới). Trong khi, tuyến đường sắt Köln-Minden là một dự án đầu tư rất có lợi của chính phủ, và việc tư nhân hóa trong ngắn hạn có thể cung cấp một khoản quỹ khẩn cấp cho chính phủ. Nhưng vấn đề là chính phủ phải bán một tài sản tốt với mức gia chưa bằng một nửa giá trị thực và cũng mất đi quyền hưởng lợi dài hạn trong tương lai. Đối với chính phủ mà nói, xét từ góc độ nào phương án này cũng không phải là một thương vụ ổn thỏa.

Đến năm 1865, tình hình bất chợt có sự chuyển biến mang tính bước ngoặt. Tham vọng thống nhất nước Đức của Bismarck đã lấn át tất cả mọi thứ. Để chuẩn bị phát động cuộc chiến chống lại một gã khổng lồ như Áo, thì không thể cân nhắn quá nhiều đến những cái giá phải trả khác. Đây chính là lý do tại sao các ngân hàng quốc tế rất yêu thích chiến tranh, bởi khi rơi vào tình trạng bất đắc dĩ thì các chính phủ buộc phải bán những khối tài sản chất lượng cao với giá thấp bất thường. Đó mới là cơ hội tốt để phát tài. Khi thế lực của các ngân hàng quốc tế đạt đến một mức độ nhất định, họ sẽ kích thích cảm xúc của chủ nghĩa dân tộc, kích động các lực lượng đối lập, thúc đẩy chính phủ đầu tư với quy mô lớn vào quân sự, kích hoạt những mâu thuẫn tiềm tàng, châm mồi cho các cuộc chiến tranh, và sau đó đường hoàng xuất đầu lộ diện để xử lý những khoản bồi thường chiến tranh. Chỉ cần có những nguồn tiền lớn liên tục chảy qua tay, thì các ngân hàng quốc tế sẽ luôn nhận được các khoản phí dịch vũ khổng lồ. Ở đâu có sự lưu thông vốn và tín dụng thì ở đố sẽ luôn có bóng dáng của các ngân hàng đầu tư.

Một thương vụ lớn như vậy thì Breslauer không thể xử lý một mình, anh ta lôi kéo gia tộc Oppenheimer ở Köln, và tất nhiên có cả ông chủ của mình là gia tộc Rothschild, để cùng với các gia tộc ngân hàng quốc tế lớn khác ở châu Âu nuốt gọn miếng bánh khổng lồ này. Ngày 18 tháng 7 năm 1865, chính phủ Phổ chính thức ký hợp đồng với công ty đường sắt Köln-Minden. Kết quả là chính phủ từ bỏ việc quốc hữu hóa đường sắt và nhận khoản bồi thường 13 triệu taylor, trong đó khoản thanh toán đầu tiên là 3 triệu taylor tiền mặt ngày 1 tháng 10 năm 1865, khoản thanh toán thứ hai là 2,705 triệu taylor tiền mặt ngày 2 tháng 1 năm 1866 và phần còn lại được bù bằng việc phát hành cổ phiếu mới của công ty đường sắt. Để khen thưởng công lao của Breslauer, Bismarck đã ủy thác cho Breslauer thực hiện các giao dịch có liên quan đến các hiệp ước giữa Phổ và Áo. Phí quản lý chuyển giao khoản tiền trị giá 2,5 triệu taylor là 1% và nghiễm nhiên hai gia tộc Breslauer và Rothschild ở Áo đút túi khoản tiền này.

Trong trường hợp không có nguồn tài chính, Bismarck cũng chuẩn bị sẵn một phương án khác là giải pháp ngoại giao. Các cuộc đàm phán diễn ra trong một thời gian dài. Khi Bismarck chắc chắn hợp đồng giữa chính phủ và công ty đường sắt sẽ chính thức được ký kết, ông ngay lập tức có thái độ cứng rắn với Áo. Trong ngày ký hợp đồng, Bismarck đã gửi điện tín cho Thái tử nước Phổ: "Tại cuộc họp Regenburg, đức vua đã hạ quyết tâm khởi động quá trình chuẩn bị chiến tranh, những nguồn tài chính phục vụ chiến tranh trong một năm cũng đã huy động đủ, với hạn mức lên tới 60 triệu taylor". Một tuần sau, Roon – Bộ trưởng Bộ Chiến tranh của Bismarck, đã nói trong lá thư gửi cho một người bạn rằng: "Chúng tôi có đủ tiền bạc để mang lại tự do hơn nữa cho chính mình trên phường diện ngoại giao. Nếu cần thiết thì chúng tôi có thể động viên toàn bộ lực lượng quân sự để tiến hành một cuộc chiến toàn diện. Vị thế của chúng tôi đã trở nên vững chắc hơn và chúng tôi có thể buộc Áo phải chấp nhận các yêu cầu hợp lý của chúng tôi để cả hai bên có thể tránh được các cuộc chiến không cần thiết. Vậy nguồn tiền đến từ đâu? Vấn đề này đã được giải quyết thông qua cuộc tái thỏa thuận liên quan đến tuyền đường sắt Köln-Minden mà không vi phạm luật".

Phía Áo nhanh chóng nhận ra rằng thương vụ tuyến đường sắt Köln-Minden là để Phổ nhanh chóng phát động chiến tranh, trong khi Áo vẫn chưa sắp xếp ổn thỏa, do đó trong quá trình đàm phán, lập trường ngoại giao của họ trở nên mềm mỏng hơn. Cùng lúc đó, khi sự phấn khích ban đầu nguội dần, Bismarck cũng thấu việc huy động tài chính từ tuyến đường sắt Köln-Minden phải mất một khoảng thời gian dài nữa mới thực sự ổn thỏa, lời phản hồi của Breslauer và các ngân hàng quốc tế cho thấy tình hình không mấy lạc quan. Việc chuyển 9 triệu taylor quyền sở hữu nợ giữa gia tộc Rothschild và công ty đường sắt Köln-Minden bị đình trệ do không đạt được thỏa thuận về giá. Nguồn vốn cho chiến tranh trở nên nan giải hơn, chẳng khác nào một thanh kiếm treo trên đỉnh đầu. Bismarck lại giận dữ và nóng nảy. Điều mà ông muốn biết nhất lúc này là khi nào thì tiền mới sẵn sàng.

Lúc này, quyết tâm phát động cuộc chiến của Bismarck bắt đầu dao động, và ông buộc phải xem xét nghiêm túc khả năng của một giải pháp ngoại giao.

Ngày 10 tháng 8 năm 1865, Bismarck tiết lộ sự dao động của chính mình: "Chúng ta vẫn cần thời gian để huy động tài chính và giữ Pháp ở vị thế trung lập… Trong thời gian này, chúng ta có thể bảo toàn danh dự của mình, đồng thời duy trì sự lựa chọn chiến tranh". Phán đoán của Bismarck cũng ảnh hưởng đến những quyết sách đầu tư riêng của ông, và ông đã nhờ người chuyển lời đến Breslauer: "Nếu trong tài khoản đầu tư của tôi có một khoản đầu tư trái phiếu thì hiện giờ tôi không thể biết được, anh ta không nên bán những cổ phiếu (cổ phiếu đường sắt Köln-Minden) này quá sớm chỉ vì lo ngại chiến tranh". Nếu dùng tiêu chuẩn của ngày nay để đánh giá, thì hành vi của Bismarck bị coi là sử dụng thông tin nội bộ để đầu tư và thu lợi bất chính.

Trong tình trạng căng thẳng, Phổ và Áo đã đạt được thỏa thuận Gastein, quy định rằng Phổ quản lý Schleswig, Áo quản lý Holstein và hai bên tiếp tục chia sẽ chủ quyền. Tuy nhiên, cả Phổ và Áo đều biết rõ thỏa thuận này chỉ là một kế hoãn binh và hai bên đang chờ đợi bước đột phá lớn trong việc giải quyết vấn đề kinh phí chiến tranh.

Trích "Chương 1, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét